Người đầu tiên tôi muốn nhắc tới là thầy Hưng - người đã làm những năm tiểu học của tôi trở nên thật sự đáng nhớ.
Thầy có dáng người thấp và hơi gầy. Khuôn mặt xương xương với đôi mắt nhỏ hẹp luôn nheo lại quan sát mọi thứ. Thầy có nuôi râu: nhưng là thứ râu lún phún bên mép và dưới cằm, người ta hay gọi là râu kẽm. Tóc thầy bổ luống sang hai bên, rõ ràng là để tóc dài mới lộ ra được cái chất nghệ sĩ để thỉnh thoảng thầy vuốt tóc sang hai phía. Đến bây giờ thì kiểu tóc ấy chẳng còn thịnh hành nhưng với tầm tuổi lúc đó, tôi đã thầm tự nhủ với bản thân rằng thầy là hình mẫu nghệ sĩ chân chính. Thầy nuôi móng tay dài, đúng hơn là có mỗi ngón út tay phải mà mãi sau tôi mới hiểu tại sao. Tất nhiên là sau này quan điểm của tôi về người làm nghệ thuật cũng có rộng hơn, nhưng những ấn tượng về thầy thì vẫn sẽ mãi ở đó.
Buổi học vẽ đầu tiên bắt đầu vào buổi chiều một ngày trong tuần, sau tiết học cuối cùng của hôm đó. Căn phòng được thông báo là lớp học vẽ nằm ngay phía trên phòng Truyền thống, phía cửa lớp nhìn ra cây cau, cửa sổ lớp thì nhìn ra bãi để xe của cán bộ và học sinh um tùm rậm rạp phía sau trường. Lúc tôi đến đã có người ngồi vẽ tĩnh vật ở đó, được một lúc thì thầy tới để điểm qua vài khuôn mặt mới toanh buổi đầu tiên. Sau khi chỉ vài đường cơ bản về thế nào là nét đậm nét nhạt và các dụng cụ cần chuẩn bị cho buổi tiếp theo, thầy lại phóng ra ngoài lớp, mặt có vẻ thích thú. Khi thầy quay lại, trên tay thầy là mẫu vẽ đầu tiên của chúng tôi. Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được mẫu vẽ ấy: một vỏ bao thuốc lá đã hết, bên trong cắm 1 nhành cây vẫn còn nguyên cuống lá, sần sùi và mốc meo, được đặt với một dáng hình vặn vẹo. Tôi  đặt bút vẽ luôn, chẳng cần nghĩ ngợi về cái mẫu vẽ kì quái ấy. Sau khi ai cũng đã vẽ xong, thầy nhìn qua một lươt rồi mới ôn tồn giải thích cách dựng hình trước: cái bao thuốc thì là khối hộp, nhành cây thực chất cũng là những hình đơn giản hơn ghép lại, và khi đã có cái nhìn tổng quát thì mới đi vào cụ thể để tả từng góc cạnh của nhành cây, từng nếp gấp giấy trên vỏ bao thuốc (cùng với chữ trên đó). Rồi thầy dạy thế nào là xa gần: cái hộp gần hơn thì sẽ rõ hơn, nhành cây ở xa sẽ mờ; vì vậy, nét bút phải tả được cái gần-tỏ xa-mờ đó thì mới đạt. Gật gù trước những kiến thức mới thu nạp trong chiều hôm đó, tôi chẳng nhận ra rằng ngoài kia trời đã tối và tiếng rả rích từ những tán cây cũng rõ hơn. Vậy là đến giờ phải đi về - chưa bao giờ tôi thấy háo hức khi nghĩ đến buổi học tiếp theo như vậy.
Những buổi học diễn ra cứ êm đềm như vậy. Vào mỗi cuối buổi thầy sẽ cho tất cả bài vẽ lên phía trước lớp để mọi người đều có thể nhìn thấy và nhận xét từng bài một: có lúc dùng nam châm gắn lên bảng, thường thì kẹp bài vẽ vào tấm bìa carton cứng phía sau để dựa bức tranh vào bục giảng. Thầy nhận xét thật chi tiết và cũng rất thẳng thắn, thầy cũng khuyến khích chúng tôi học hỏi lẫn nhau. Trong lớp học vẽ này từ lớp 2 tới lớp 5 đều có hết, và ai cũng có thể học được gì đó từ học sinh khác. Có một lần vẽ con gà chọi, thầy khen một em học sinh lớp 3 có cách dùng màu rất mạnh mẽ và khuyên tôi - lúc đó hơn em kia 1 năm - hãy vẽ mạnh dạn hơn vì dù em ấy hình có thể chưa chuẩn như tôi, nhưng màu sắc rực rỡ như vậy mới ra một con gà chọi đang xù cánh chuẩn bị lao bổ vào đối thủ. 
Có những buổi ra ngoài lớp để vẽ, thầy dạy chúng tôi rằng ngồi yên để vẽ một cái khung cố định thì dễ, nhưng khi ra ngoài căn phòng, chỗ nào cũng có thể vẽ được và không tránh khỏi việc “bơi” trong cảnh quan bên ngoài (đúng cách dùng từ của thầy). Vậy thì làm sao để vẽ được bây giờ? Thầy đưa hai bàn tay đang tạo thành chữ L giữa ngón trỏ và ngón cái, khớp với nhau tạo thành hình chữ nhật với khung ảnh là vùng không gian trong đó, thầy nói bằng cách đó ta sẽ có một cái khung của mình, giống như ta chụp lại cảnh vật bằng máy ảnh vậy (phải nói thêm thầy cũng rất thích chụp ảnh đây đó, đôi khi chúng tôi ngồi vẽ những góc phố thầy chụp hay cảnh trẻ em vùng cao mà thầy đã chộp được trong những chuyến đi của mình). Những buổi học như vậy đôi khi là vì thầy trùng lịch dạy cầu lông ở phía bên kia sân trường nên không thể lên lớp được, nhưng dù sao chúng tôi vẫn dành thời gian say sưa vẽ từng hòn non bộ hay cây phượng và ngôi trường với những đường nét mờ dần khi chiều xuống. Buổi học như vậy thường sẽ kết thúc khi đèn bật sáng từ những dãy nhà đã đến giờ đóng cửa đi về. Tôi sẽ xách cặp hớn hở đi về phía cổng ra vào nơi bố tôi đang tán dóc với mấy bác bảo vệ đang đến phiên trực.
Những buổi trên lớp vẫn là thường xuyên hơn cả. Sau khi điểm qua những chỗ cần lưu ý trên mẫu hôm đó, thầy sẽ để chúng tôi tự vẽ và thỉnh thoảng ngắm qua bài rồi góp ý nho nhỏ trước khi thầy quay lại bàn giáo viên và cũng vẽ như chúng tôi. Thầy thường nhắc nhở rằng nên dùng tẩy ít thôi, bởi mỗi nét chì dù có tẩy được dễ dàng, nhưng nếu không có chủ ý với mỗi nét bút mà phụ thuộc vào tẩy, sẽ đến lúc giấy mất đi lớp ráp bám chì phía trên, hơn nữa giấy sẽ trở nên dễ rách. Thầy đã dạy tôi rằng thay vì dùng tẩy, hãy gọt giũa nét vẽ của mình thật chuẩn xác, khi người ta vẽ được đúng như cách họ mong muốn, thì mới được gọi là vẽ giỏi. Thầy đã ví dụ cho chúng tôi một cách thật rõ ràng: thầy bảo tất cả học sinh hãy vẽ 1 đường tròn và đếm xem mình cần bao nhiêu nét để có thể vẽ ra một đường tròn tròn nhất có thể. Chúng tôi hì hụi vẽ hình tròn nhưng khổ nỗi: càng vẽ càng không thấy tròn hoặc nếu có cũng là vẽ từng nét ngắn một. Thầy đã đưa viên phần lên bảng mà vẽ: chỉ bằng 2 đường cong thầy đã vẽ xong một hình gần như hoàn hảo và thầy nói đấy là nhờ sự luyện tập để đạt tới sự chuẩn xác. Bài về nhà hôm ấy là vẽ các đường thẳng giữa 2 điểm, sau mới tới đường cong, đường tròn. Bài học tuy giản dị nhưng tôi sẽ không bao giờ quên. 
Chính thầy cũng đã công nhận khả năng vẽ vời của tôi. Thầy có đôi khi khen nếu bài vẽ tốt lúc bày ra vào cuối buổi trên bục giảng, nhưng điều làm tôi cảm thấy tự hào nhất là vào một lần, trước khi bày tĩnh vật buổi trước hãy còn vẽ dở, thầy nói rằng Minh đưa bài em cho thầy xem, rồi thầy bày theo những gì tôi dựng hình từ buổi trước. Vào lúc đó, tôi cảm thấy mình thật đặc biệt, một niềm vui xen với tự hào chảy khắp người mà khó có gì sánh được, ngay cả bây giờ.
Niềm vui nào rồi sẽ cũng có kết thúc, những ngày được học vẽ với thầy cũng vậy.
Hôm đó là một buổi học vẽ màu nước khi tôi lên lớp 5. Chúng tôi ngồi phía sau thư viện, chỗ nhìn thẳng ra hòn non bộ cùng với cây cọ và những hàng cây thấp xén tỉa cẩn thận, cùng với con số 2000 bằng sứ to để kỉ niệm năm xây dựng trường. Mẹ hôm nay đến đón tôi, khá là kì lạ vì mọi khi bố mới là người chờ tôi cổng trường. Mẹ đi vào khi vẫn còn đang ở giữa buổi học, cười với tôi thật tươi rồi ra chỗ thầy Hưng nói nhỏ điều gì đó, rồi 2 người đi ra khỏi tầm nhìn của tôi. Không quan tâm gì nhiều ngoài bức tranh đang vẽ dở trước mắt, hôm nay tôi được học bài đầu tiên về màu nước (sau khi nghịch chán với cọ và màu vẽ mới ở nhà vệ sinh gần đó) : nên vẽ màu nền trước rồi mới vẽ các lớp gần mình hơn để các lớp màu trên cùng sẽ dày và rõ nhất. Tôi vẫn vẽ hết chiều hôm ấy. Nhưng trước lúc đi về, khi gặp mẹ đang đứng với thầy, mẹ nói với tôi rằng hãy chào thầy đi tại đây là buổi cuối tôi học vẽ vì sắp tới tôi sẽ cần dành thời gian để chuẩn bị cho kì thi cấp II hay gì đó mà tôi chẳng nhớ nổi, vì lúc đó mắt tôi đã mờ nhòe và tai cũng đã ù đi mất rồi. Trả lại thầy tấm bìa vẽ, tôi lững thững bước theo mẹ về phía xe ô tô ngoài cổng trường nơi bố đang đợi sẵn. Trước khi đi về, thầy có nói với tôi hãy thi thật tốt vào cấp II và cười tươi y như lần đầu tôi đến lớp học vẽ của thầy.
Nếu có gì đó kỉ niệm thời gian học vẽ với thầy Hưng, ngoài xấp tranh chì, màu và đất nặn xếp gọn vào ngăn tủ, tôi còn một bức hình thầy chụp tôi đang vẽ, môi mím chặt, khăn đỏ lệch sang một bên và hẳn là cực kì đăm chiêu không biết nên làm gì khi máy ảnh chĩa vào mặt. Bức ảnh, với tôi, là lời nhắc nhở về người thầy dạy vẽ tôi luôn kính trọng, cũng là về tôi thời tiểu học - say mê vẽ vời và vô tư hồn nhiên. Nước ảnh không bị mờ đi nhiều dù đã rất lâu rồi, giống như bức ảnh trong ký ức của tôi vậy: nếu nhắm mắt lại tôi vẫn có thể thấy căn phòng 2A5 trường tiểu học Hoàng Diệu ngày nào với bàn ghế, với tĩnh vật đặt trên phông nền sẫm màu phía bên phải lớp, cùng với những đứa học sinh trạc tuổi tôi ngồi xung quanh cắm mặt xuống vẽ; thầy sẽ nghía qua bài tôi một lát, sửa về điểm tụ không gian một chút rồi quay lại bàn giáo viên vẽ nốt bức tranh bằng bút dạ kim đen của mình. Nắng chiều sẽ xuyên qua tán lá rậm rạp từ phía bãi để xe hắt vào lớp, mờ dần trong tiếng rả rích của côn trùng càng lúc càng to thêm. Xung quanh tôi sẽ chỉ còn tiếng bút chì vạch trên mặt giấy cùng tiếng quạt trần đều đều trước khi tôi quay trở lại thực tại này. 
Em xin cảm ơn thầy từ tận đáy lòng, thầy Nguyễn Văn Hưng.