Tết đến xuân về là khoảng thời gian của lễ hội, của vui chơi và nghỉ ngơi sau một năm lao động làm việc, lẽ thường là vậy. Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ của nó, và Tết cũng vậy. Trong lịch sử Việt Nam, mà cụ thể hơn là lịch sử của thủ đô Hà Nội, không ít lần người dân đã phải trải qua những cái Tết cực kỳ bất ổn. Những ngày lẽ ra để vui chơi tiệc tùng thì dân chúng lại phải… dắt díu nhau chạy trốn khỏi khói lửa binh đao. Nhân dịp năm mới, chúng ta hãy cùng điểm lại vài lần mà người dân đất kinh kỳ phải đón Tết theo kiểu hết hồn và sợ hãi nhé.
"Đêm lễ trừ tà trong hoàng cung nhà Trần" - Tranh: <a href="https://www.facebook.com/profile.php?id=100042625490481">Viet Nguyen</a>
"Đêm lễ trừ tà trong hoàng cung nhà Trần" - Tranh: Viet Nguyen

Chế Bồng Nga dạo chơi ngày xuân Thăng Long

Nhà Trần là một triều đại nổi danh về võ bị, nhất là với chiến công đẩy lùi được 3 lần xâm lược của đế quốc Mông Nguyên. Thế nhưng cũng khá oái oăm, khi ở đỉnh cao họ đánh được cả đế quốc sừng sỏ bậc nhất thế giới; nhưng khi suy yếu thì ngay cả một Chăm Pa có quốc lực nhỏ hơn nhiều vẫn đủ sức hành cho vua tôi nhà Trần ra bã.
Trong phần lớn thời gian nhà Trần tồn tại, quan hệ giữa Đại Việt và Chăm Pa nhìn chung khá tốt đẹp. Chăm Pa chấp nhận thần phục và tiến cống định kỳ; thậm chí đến năm 1306, nhà Trần còn gả công chúa Huyền Trân là con út Thượng hoàng Nhân Tông cho vua Chăm Pa. Đổi lại, Chăm Pa cắt hai châu Ô và Lý cho nhà Trần làm sính lễ. Tuy nhiên, vua Chăm Pa mất sớm vào năm 1307, và triều đình nước này tỏ thái độ muốn đòi lại các vùng đất đã cắt. Điều này dẫn đến việc vua Trần Anh Tông đích thân đem quân đánh Chăm Pa vào năm 1311 - 1312. Chăm Pa sau đó suy yếu hẳn và lệ thuộc vào nhà Trần. Từ đó trở đi, Chăm Pa bắt đầu tỏ thái độ thù địch với Đại Việt, tăng cường cống nạp cho Đại Nguyên và xin Hoàng đế nhà Nguyên giúp Chăm Pa thoát khỏi sự kiểm soát của nhà Trần. Đến năm 1326, Chăm Pa đánh bại được quân nhà Trần do Huệ Túc vương chỉ huy, giành quyền độc lập và thoát khỏi sự lệ thuộc với Đại Việt. Từ thời điểm ấy, Chăm Pa thường xuyên có hành động quấy nhiễu và cướp phá các vùng biên giới Đại Việt. Tuy nhiên, phải đến khi Chế Bồng Nga lên ngôi - người được đánh giá là một trong những vua giỏi nhất của Chăm Pa - thì cục diện đối đầu giữa hai nước mới chuyển sang tình thế mới.
Chế Bồng Nga lên ngôi vào năm 1360, được tôn là Raja-di-raja (tức là Vua của các vua). Những năm tiếp theo, Chế Bồng Nga tiếp tục thực hiện chiến lược cướp phá và quấy rối biên giới Đại Việt. Năm 1361, Chế Bồng Nga đem quân đi theo đường biển tiến đánh cửa biển Dĩ Lý cướp phá và bắt giữ dân chúng. Năm 1365, nhân dịp nam nữ vui chơi ngày xuân, quân Chăm Pa đã phục kích sẵn ở các vùng đồi núi chung quanh bất ngờ xông ra bắt dân Đại Việt rồi rút quân. Nhà Trần cũng có những hành động chống trả, bằng cách cử hai tướng Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đem quân nam hạ, tuy vậy quân Trần lại bại trận và buộc phải rút về.
Cương thổ Đại Việt thời Trần
Cương thổ Đại Việt thời Trần
Nội bộ Đại Việt thời điểm đó cũng có biến động lớn. Năm 1369, vua Trần Dụ Tông băng hà mà không có con cái. Hiến Từ Hoàng thái hậu cho đón con của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục - anh vua Dụ Tông - tên là Nhật Lễ vào nối ngôi. Tuy nhiên, Nhật Lễ lại không hề có huyết thống nhà Trần. Cuối năm 1370, Cung Định vương Trần Phủ được sự ủng hộ của tông thất nhà Trần đã phế truất Nhật Lễ và lên ngôi, tức là vua Nghệ Tông. Mẹ của Nhật Lễ trốn được vào Chăm Pa, cầu cứu Chế Bồng Nga. Nhận thấy thời cơ thuận lợi khi nhà Trần còn rối ren chưa định, Chế Bồng Nga lập tức xuất quân bắc tiến. Đầu năm 1371, quân Chăm Pa đánh vào cửa biển Đại An, quân Trần chống không nổi, triều đình phải bỏ thành chạy. Ngày 27/3, quân Chăm Pa tiến được vào Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về.
Sau khi quân Chăm Pa rút đi, vua Nghệ Tông quay lại và cho sửa sang thành quách. Đến năm 1372, ông nhường ngôi cho em là Trần Kính (tức là vua Duệ Tông), lên làm Thái thượng hoàng để cùng trị quốc. Trong những năm sau đó, vua Duệ Tông ra sức xây dựng và củng cố quân đội. Vùng biên giới phía nam giáp Chăm Pa cũng được triều đình củng cố và tăng cường quân trấn thủ. Tháng 5 năm 1376, Chế Bồng Nga cho quân tấn công vào Hoá Châu. Ngay sau đó, vua Trần ra lệnh sắm sửa chuẩn bị tấn công báo thù. Cuối năm đó, đích thân vua Duệ Tông đem đại quân nam hạ để chấm dứt mối đe dọa từ Chăm Pa. Chế Bồng Nga ban đầu cố gắng đàm phán, nhưng không thành công. Đầu năm 1377, quân Đại Việt tiến tới cửa Thị Nại; Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn rồi cho người đến giả hàng. Vua Duệ Tông tưởng thật, nghĩ là Chế Bồng Nga đã bỏ thành chạy, liền muốn tiến vào ngay, tướng Đỗ Lễ can mà không được. Ngay khi Duệ Tông vào thành, phục binh của Chế Bồng Nga đổ ra đánh. Quân Trần vỡ trận, Duệ Tông bị hãm trong vòng vây mà tử trận. Các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa và Phạm Huyền Linh cũng tử trận cả. Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân không tới cứu giá, Hồ Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin vua tử trận, bỏ chạy về nước. Chế Bồng Nga đánh đuổi theo, lại một lần nữa đưa quân vào đồng bằng sông Hồng, dễ dàng vượt qua các tuyến phòng thủ của quân Đại Việt, tấn công Thăng Long. Thượng hoàng Nghệ Tông nghe tin khiếp sợ, lại một lần nữa bỏ thành chạy. Ông sau đó chọn con trai Duệ Tông là Trần Nghiễn lên ngôi.
Sau cái chết của vua Duệ Tông cùng phần lớn binh lực Đại Việt ở Đồ Bàn; Chế Bồng Nga liên tiếp đưa quân tấn công và lấn dần đất. Vua tôi nhà Trần cứ lần nào nghe tin quân Chăm Pa bắc tiến là vội bỏ thành chạy. Chế Bồng Nga lần nào cũng vào được Thăng Long cướp phá rồi lại rút đi, vì biết sức Chăm Pa chưa thể diệt được Đại Việt.
Phần lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Chế Bồng Nga vào khoảng năm 1380
Phần lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Chế Bồng Nga vào khoảng năm 1380
Trong khoảng gần 10 năm từ 1380 đến 1390, Đại Việt và Chăm Pa tiếp tục nhiều lần xung đột. Quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Đa Phương cũng có lần chiến thắng, nhưng kinh thành Thăng Long thì vẫn chịu cảnh bị Chăm Pa cướp phá.
Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga tiếp tục đưa quân tấn công Đại Việt. Ban đầu, Thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chăm Pa đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Đại Việt đóng cọc dày đặc đối địch, giữ nhau nhiều ngày. Chế Bồng Nga liền đặt sẵn quân và voi, giả vờ bỏ doanh trại rút về. Hồ Quý Ly mắc mưu đem quân truy kích không ngờ bị trúng kế. Quân Đại Việt bị thiệt hại nặng nề, tướng chỉ huy bị bắt sống, nhiều tướng chết trận. Sau đó, Thượng hoàng Nghệ Tông bèn cử Trần Khát Chân - hậu duệ của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng - đem quân chặn giặc. Khát Chân đem quân đến Hoàng Giang gặp quân Chăm Pa, thấy rằng chưa thể đối đầu trực diện, liền rút về đóng ở Hải Triều.
Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiến thuyền đến Hải Triều để đánh với quân Đại Việt. Thế nhưng có tên tiểu thần là Ba Lậu Kê nhân bị trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại Đại Việt cho Trần Khát Chân biết vị trí của Chế Bồng Nga. Khi giáp trận, Trần Khát Chân liền lệnh cho toàn quân tập trung hỏa lực bắn vào thuyền ngự của Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga trúng đạn chết, người bị găm cả vào ván thuyền không rút ra được. Quân Chăm Pa tan vỡ phải rút chạy. Cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hơn 20 năm giữa Chăm Pa với Đại Việt tạm kết thúc với thắng lợi của nhà Trần. Tuy nhiên, kể cả thế thì trong phần lớn thời gian, Đại Việt mới là bên bị thất trận và thiệt hại nhiều hơn. Kinh thành Thăng Long 4-5 lần bị cướp phá đến nỗi vua quan phải bỏ thành chạy. May mắn rằng Chăm Pa vốn không có đủ nội lực để tiêu diệt hoàn toàn Đại Việt, nếu không có lẽ nhà Trần đã sớm cáo chung mà không cần đến Hồ Quý Ly ra tay.
Hỏa khí thời Trần - Tranh: <a href="https://www.facebook.com/warm21">Ấm Chè</a>
Hỏa khí thời Trần - Tranh: Ấm Chè

Trịnh Tùng và chuyến xông đất đầu năm cho nhà Mạc

Đầu thế kỷ 16, nhà Lê sơ rơi vào khủng hoảng sau khi vua Lê Thánh Tông cùng những người kế vị có thực lực là Hiến Tông và Túc Tông băng hà. Những vị vua sau đó là Uy Mục đế và Tương Dực đế đều cai trị không hiệu quả và kém cỏi, dẫn đến sự suy yếu trầm trọng của triều đình. Loạn lạc nổi lên và các thế lực quân phiệt trỗi dậy đấu đá tranh giành quyền lực. Cuối cùng, người thắng cuộc là Mạc Đăng Dung, khi ông ép vua Chiêu Tông tự tử, rồi bắt Cung Hoàng đế Lê Xuân nhường ngôi. Nhà Lê sơ sụp đổ, và nhà Mạc được thành lập năm 1527. Tuy nhiên, các thế lực còn trung thành với nhà Lê tiếp tục chống đối triều đình mới; dẫn đến việc Nguyễn Kim tuyên bố tìm được con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh rồi tôn làm vua để chống nhà Mạc. Từ năm 1533, Đại Việt rơi vào cảnh nội chiến, với nhà Mạc ở phía bắc và nhà Lê Trung hưng ở phía nam. Sử sách gọi thời kỳ này là Nam Bắc triều; ý nói Nam triều nhà Lê và Bắc triều nhà Mạc.
Đầu năm 1592, Nam triều (tức nhà Lê) quyết định tiến quân ra bắc. Tiết chế Trịnh Tùng là tổng chỉ huy quân đội gồm gần 6 vạn quân, chia làm 5 đạo kéo ra bắc. Sau khi đánh chiếm một vài cứ điểm ở phía tây Đông Kinh, Trịnh Tùng cho quân đóng lại, chưa tiến vội.
Nhận được tin báo, vua Mạc Mậu Hợp cũng quyết định cử quân ra đánh chặn từ sớm để giành thế chủ động. Binh mã Bắc triều xuất binh ngày 4/2/1592, gồm quân các nơi từ Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương, Kinh Bắc và bốn vệ cấm quân. Sử nhà Lê ước tính trận này nhà Mạc xuất ra toàn lực, khoảng 10 vạn quân.
Ngày 10/2/1592, hai bên giáp chiến tại bờ tây sông Đáy, ở xã Phấn Thượng. Nhà Mạc cho bốn vệ cấm quân làm tiên phong, quân Sơn Tây làm hữu quân, quân Sơn Nam làm tả quân, quân Kinh Bắc và Hải Dương làm hậu quân, lại chuẩn bị sẵn thuyền bè ở phía sau để triệt thoái nếu cần.
Bản đồ Đại Việt thời điểm năm 1592 với lãnh thổ Bắc triều và Nam triều
Bản đồ Đại Việt thời điểm năm 1592 với lãnh thổ Bắc triều và Nam triều
Khi bắt đầu trận đánh, hữu quân nhà Lê tiến lên khiêu chiến và sau khi chạm mặt lại bắt đầu giả vờ rút chạy, vừa đánh vừa lui về phía đại quân phía sau. Hai tướng Khuông Định công và Tân quận công của nhà Mạc mắc mưu, lập tức đốc xuất tiền quân xông lên. Các cánh còn lại của quân Mạc không rõ vì sao không tiếp ứng, hoặc là chủ quan hoặc bị tiền quân bỏ lại đằng sau. Nhận thấy cơ hội, Trịnh Tùng trực tiếp chỉ huy các cánh quân vây lấy tiền quân nhà Mạc. Hai tướng nhà Mạc cố cầm cự được đến giữa sáng thì thất bại và cả hai tử trận. Thất bại này khiến vua Mạc hoảng sợ và lập tức cho đại quân án binh bất động.
Đến giữa buổi chiều, Trịnh Tùng quyết định toàn lực tấn công. Sau khi bắn pháo hiệu, toàn bộ các cánh của quân Lê nhất tề xông tới. Sĩ khí ngút trời của quân Lê khiến quân Mạc dao động, lại thêm hiệu lệnh các tướng không truyền tới được, dẫn tới việc ngày càng rối loạn, cuối cùng vỡ trận hoàn toàn. Tả quân Mạc do Nguyễn Quyện chỉ huy thì may mắn triệt thoái được theo đường bộ nên bảo toàn được phần lớn lực lượng, nhưng hữu quân và trung quân thì bị dồn về bờ sông, không lui được. Thuyền bè cũng không đủ nên quân Mạc còn phải dùng gươm chặt tay những quân lính không lên được thuyền để rút lui. Vua Mạc Mậu Hợp cùng số đông tướng lĩnh rút lui được an toàn, nhưng phần đông tàn quân Mạc thì không may mắn như vậy. Đến tối thì trận đánh kết thúc, hàng vạn quân Mạc tử trận, xác nằm la liệt khắp nơi. Quân Lê cũng không truy đuổi mà thu binh về trại. Trận thảm bại này khiến quân Mạc mất hoàn toàn thế chủ động và chỉ còn có thể cố thủ tại Đông Kinh.
Đến ngày 13/2/1592, Trịnh Tùng cho quân tiến đến đóng tại chợ Hoàng Xá. Quân Lê dễ dàng vượt sông do toàn bộ quân Mạc đã rút chạy hết. Trịnh Tùng cho 5000 quân thiết kỵ và voi chiến đến góc tây bắc Đông Kinh để phóng hỏa đốt nhà cửa nhằm quấy rối kinh thành. Mặc dù đó là ngày 30 tháng chạp, nhưng dân Đông Kinh không còn lòng dạ nào đón Tết khi một ngọn lửa lớn cháy rực một góc thành, và vây bên ngoài lại là hàng vạn quân sĩ, mà còn không biết đội quân này sẽ tấn công lúc nào.
Lược đồ, nguồn: Quốc Bảo via <a href="https://www.facebook.com/groups/HistoryEnthusiastsVN">Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử</a>
Lược đồ, nguồn: Quốc Bảo via Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử
Tuy nhiên, Trịnh Tùng lại quyết định không tấn công ngay mà đợi đến sau 3 ngày Tết. Đến mồng 3, tức ngày 16/2/1592, sau khi lập đàn tế cáo trời đất, Trịnh Tùng mới cho nhổ trại tiến quân. Vua Mạc Mậu Hợp bấy giờ đã rút khỏi kinh thành, vượt sông Hồng, giao cho các tướng nhiệm vụ trấn giữ Đông Kinh. Sang đến mồng 6, quân Lê đã áp sát Đông Kinh. Trịnh Tùng cử 1 vạn quân do Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Ninh đánh cửa Cầu Dừa rồi tiến đến cửa tây thành. 12000 quân do Trịnh Đỗ và Thụy Tráng hầu đánh cửa Cầu Muống rồi tiến đến cửa Nam Giao. Hoàng Đình Ái và Trịnh Đồng đem hơn 1 vạn quân đánh từ của Cầu Dền vào cửa Cầu Gỗ. Trịnh Tùng nắm giữ 2,5 vạn quân còn lại làm tiếp viện.
Về phía quân Mạc, tướng Mạc Ngọc Liễn đã được lệnh trấn giữ mặt tây kinh thành từ cửa Bảo Khánh đến phường Nhật Chiêu; Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên lĩnh bốn vệ cấm quân giữ mặt nam từ Cầu Dừa đến Cầu Dền; và Nguyễn Quyện chỉ huy binh mã Sơn Nam và Hải Dương đóng từ Mạc Xá trở về đông. Quyện lại đặt mai phục ngoài cửa Cầu Dền, bố trí sẵn pháo bách tử (loại pháo bắn ra nhiều viên đạn bi nhỏ) và các thứ hỏa khí khác để đón đánh quân Lê. Vua Mạc Mậu Hợp đích thân chỉ huy thủy quân, tập hợp tất cả thuyền bè hiện có đậu tại bờ sông Hồng để làm thanh viện.
Sau ba tiếng pháo hiệu và nhiều hồi tù và liên tiếp, quân Lê bắt đầu xông trận, mặc kệ tên đạn trút xuống mà vượt hào, dùng thang leo lên mặt tường và đánh giáp lá cà quyết liệt với quân Mạc. Đến khoảng đầu giờ chiều, liệu thế không chống nổi, các tướng nhà Mạc là Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên rút chạy, quân Mạc cũng theo đó lui theo. Mạc Ngọc Liễn được tin cũng vội vã cho quân bỏ chạy. Hầu như các cánh quân Mạc đều đã thoái lui, duy chỉ còn quân giữ Cầu Dền của Nguyễn Quyện vẫn kiên quyết chống đỡ. Thấy vậy, Trịnh Tùng bèn tự dẫn quân và voi ngựa đến tiếp ứng và lệnh cho toàn quân tấn công. Nguyễn Quyện ra sức chống đỡ nhưng cuối cùng không địch lại được. Bản thân ông bị bắt sống còn hai con trai đều tử trận. Quân Lê tràn qua chiến lũy vào kinh đô và phóng hỏa đốt cháy khắp nơi.
Trận đánh kết thúc, nhưng Đông Kinh cũng tiêu điều xác xơ, đổ nát hoang toàn. Hầu hết cung thất, phố xá và nhà cửa đều đã ra tro. Tuy đại thắng, nhưng Trịnh Tùng hiểu rằng tạm thời chưa có đủ lực lượng để ở lại đóng quân, nên quyết định rút về Thanh Hoa. Trước khi rút về, Trịnh Tùng cho quân phá hủy sạch tường lũy phòng thủ của Đông Kinh. Tháng 4 năm ấy Trịnh Tùng rút về Thanh Hoa, nhà Mạc một lần nữa kiểm soát vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng cũng chỉ kéo dài thêm vài tháng. Chiến dịch bắc tiến lần này của quân Lê đã phá hủy hầu như hoàn toàn căn cơ và sĩ khí của quân Mạc.
Kiểu nó như thế...
Kiểu nó như thế...
Với việc vị tướng tài giỏi duy nhất còn lại của Bắc triều là Nguyễn Quyện bị bắt và sau đó chết trong lao tù của nhà Lê, việc phòng thủ và trấn giữ Sơn Nam được vua Mạc Mậu Hợp giao cho các tướng Trần Bách Niên, Bùi Văn Khuê cùng một người tông thất là Nghĩa quốc công. Tuy nhiên, đến mùa đông năm 1592, Bùi Văn Khuê lại đem toàn bộ quân do mình chỉ huy đầu hàng nhà Lê. Kế hoạch phòng thủ Sơn Nam của nhà Mạc bị hủy hoại nghiêm trọng.
Tháng 12/1592, Trịnh Tùng một lần nữa đem quân bắc tiến, hợp với quân Bùi Văn Khuê ở Gia Viễn rồi tấn công quân Mạc tại bến đò Đoan Vĩ. Trong khi quân Lê pháo kích liên tục ở hạ lưu sông để làm nghi binh, thì Bùi Văn Khuê đem thuyền từ thượng lưu ập xuống, đánh tan thủy quân Mạc. Tướng Mạc là Nghĩa quốc công đem binh tàn rút chạy, trong khi Trần Bách Niên và hơn mười người khác ra hàng. Với số thuyền bè thu được từ trận thắng này, giờ đây quân Lê đã không còn phải e ngại uy thế mặt nước của đối phương nữa, và có thể tiến quân nhanh chóng dựa vào hệ thống sông ngòi ở đồng bằng Bắc Bộ. Hai cánh thủy, bộ của quân Lê men theo sông Đáy tiến về phía thành Đông Kinh, và đánh tan lực lượng phòng thủ của Mạc Ngọc Liễn tại đoạn sông phía nam kinh thành vào ngày 16/12. Kinh thành một lần nữa rơi vào tay nhà Lê. Vua Mạc Mậu Hợp vội vã đem quân rút về miền đông, với hi vọng có thể dựa vào địa bàn căn cơ của tông tộc mình tại Hải Dương để chặn đà tiến của địch. Sau đó Mạc Mậu Hợp nhường ngôi cho con là Mạc Toàn, còn mình thì làm tướng để lo việc chống giữ quân Lê.
Trịnh Tùng không để cho quân Mạc có thời gian tái tập trung nên đến 27/12 lại cho quân tiến về phía đông. Sĩ khí quân Mạc lúc này đã rất thấp, lâm trận là tan vỡ ngay. Các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn đều bị binh đao tàn phá khốc liệt, hành cung của họ Mạc và nhà cửa nhân dân bị quân Lê thỏa sức cướp bóc và đốt phá. Nhiều khanh tướng Bắc triều bỏ ra quy hàng nhà Lê. Trước tình thế lúc bấy giờ, vua Mạc bỏ chạy lên Kinh Bắc, ẩn náu trong một ngôi chùa tại huyện Phượng Nhãn (nay là Yên Dũng, Bắc Giang). Tuy nhiên vì bị người trong thôn chỉ điểm nên ông rốt cuộc không thể thoát được sự lùng sục của đối phương, và bị quân Lê bắt giải về kinh. Trịnh Tùng ra lệnh treo Mậu Hợp ngoài đường suốt ba ngày cho dân chúng đều được thấy, rồi đem chém và gửi đầu về Thanh Hoa dâng cho vua Lê.
Lược đồ, nguồn: Quốc Bảo via <a href="https://www.facebook.com/groups/HistoryEnthusiastsVN">Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử</a>
Lược đồ, nguồn: Quốc Bảo via Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử
Tuy Mạc Mậu Hợp đã chết, nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Con trai trưởng của Khiêm vương Mạc Kính Điển là Mạc Kính Chỉ đã đứng ra lãnh đạo tàn quân Mạc. Ngay khi Trịnh Tùng thu binh về Đông Kinh, Mạc Kính Chỉ liền đem quân phản công, đánh úp thủy quân Lê. Tướng nhà Lê là Nguyễn Thất Lý tử trận, các tướng Bùi Văn Khuê và Trần Bách Niên phải rút lui. Sau khi đại thắng, Mạc Kính Chỉ cho người làm tờ hịch bố cáo toàn bộ các trấn Kinh Bắc, Hải Dương theo về. Mạc Toàn biết tin cũng chạy tới chỗ Mạc Kính Chỉ nương nhờ. Nhận được tin, Trịnh Tùng phải vội điều thêm quân đến tiếp viện. Quân Lê đóng tại Cẩm Giàng, đắp lũy đối diện với địch ở bên kia sông. Vì bấy giờ đã sắp vào Tết, nên hai bên chỉ tập trung cố thủ và nã pháo cầm chừng uy hiếp nhau mà không chủ động tấn công.
Ngày 8/2/1593, Trịnh Tùng đích thân đem đại quân rời Đông Kinh để tới tiếp viện cho quân Lê ở Cẩm Giàng. Ngày 11/2, các cánh quân Lê đồng loạt vượt sông tiến đánh. Quân của Mạc Kính Chỉ tuy đông nhưng hầu hết mới chiêu mộ, thiếu kinh nghiệm nên sớm tan vỡ. Mạc Kính Chỉ rút chạy đến huyện Hoành Bồ thì bị bắt, Mạc Toàn cùng nhiều tướng nhà Mạc cũng bị quân Lê bắt được. Sau khi bị giải về Đông Kinh, Mạc Toàn và Mạc Kính Chỉ đều bị xử chém. Tới đây, về cơ bản nhà Lê đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên tại Lạng Sơn, em Mạc Kính Chỉ là Mạc Kính Cung đã được Mạc Ngọc Liễn tôn làm vua, tiếp tục chống cự với quân Lê. Tông thất và các tướng nhà Mạc, cũng như nhiều thổ hào chưa quy phục cũng dấy binh làm loạn, lấy danh nghĩa phò Mạc để chiếm cứ các châu huyện khắp miền bắc. Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều đã chấm dứt, nhưng tàn dư nhà Mạc vẫn còn cát cứ ở vùng Lạng Sơn - Cao Bằng thêm gần một thế kỷ nữa, đến khi Mạc Kính Vũ thua quân Trịnh phải chạy sang Đại Thanh năm 1677 thì tình trạng này mới chấm dứt.

Quà Tết của vua Quang Trung

Cuối thế kỷ 18, Đại Việt một lần nữa rơi vào hỗn loạn. Đại Việt lúc này đã trải qua gần 200 năm chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài của hai thế lực chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Tuy nhiên, tình thế bất chợt thay đổi với sự trỗi dậy của Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chỉ huy. Tây Sơn lật đổ các chúa Nguyễn, giết gần hết tông thất; chỉ vài người chạy thoát được, trong đó có Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Nhạc tự xưng là Thái Đức Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn; lực lượng Tây Sơn bấy giờ kiểm soát hầu hết khu vực phía nam.
Năm 1786, Nguyễn Huệ được lệnh cầm quân đánh Phú Xuân - kinh đô cũ của các chúa Nguyễn, đã bị quân Trịnh chiếm từ năm 1775. Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ liền tiến quân thẳng lên phía bắc, giương cờ “phù Lê diệt Trịnh”; dù điều này trái với ý muốn của Thái Đức đế. Ở phía bắc, thế lực chúa Trịnh đã suy yếu sau khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mất năm 1782. Vì thế, quân Trịnh dù đông hơn và có trang bị tốt hơn đã nhanh chóng thất bại trước Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Đoan Nam vương Trịnh Khải bị bắt rồi tự tử, đặt dấu chấm hết cho thế lực chúa Trịnh. Nguyễn Huệ tuyên bố trao trả lại quyền cai trị Bắc Hà cho các vua Lê, vốn trước giờ là bù nhìn trong tay chúa Trịnh. Để lấy lòng Tây Sơn, vua Hiển Tông gả con gái là Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ. Sau đó, Nguyễn Huệ nghe theo anh trai, rút quân về phía nam.
Nội bộ Tây Sơn sau đó xảy ra xung đột giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc về vấn đề phát triển lực lượng. Quan điểm của Nguyễn Nhạc là trả lại hết đất đai phía bắc cho nhà Lê, Tây Sơn thay chúa Nguyễn làm chủ miền nam. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ lại muốn phát triển hơn nữa, trước mắt là nhất định nắm giữ vùng từ Nghệ An trở xuống. Xung đột biến thành chiến tranh, với việc Nguyễn Huệ điều động đại quân bao vây tấn công Quy Nhơn, đem cả đại bác nã vào thành, đến mức đích thân Nguyễn Nhạc phải cầu xin em dừng tay. Cuối cùng, Nguyễn Huệ đồng ý tháo vây; đổi lại, toàn bộ lực lượng Tây Sơn sẽ nằm dưới quyền chỉ huy tối cao của ông. Nguyễn Nhạc vẫn được giữ lại thành Quy Nhơn và ngôi vị Thái Đức Hoàng đế, nhưng không còn quyền lực gì đáng kể.
Đại Việt thời điểm năm 1788, với phần lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Nguyễn Huệ - Nguyễn Nhạc - Nguyễn Phúc Ánh
Đại Việt thời điểm năm 1788, với phần lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Nguyễn Huệ - Nguyễn Nhạc - Nguyễn Phúc Ánh
Ở phía bắc, người kế vị vua Hiển Tông là Lê Duy Kỳ (tức vua Chiêu Thống) muốn lấy lại quyền lực cho nhà Lê. Tuy nhiên, họ Trịnh dù đã bị lật đổ nhưng nền móng vẫn còn. Nhà Lê tuy mang tiếng là Hoàng đế, nhưng thật chất không hề nắm giữ quyền lực và gần như không có tiền bạc, của cải gì cả. Các thế lực trung thành với chúa Trịnh sau đó đã lập Trịnh Bồng làm chúa để tiếp tục trấn áp vua Lê. Vua Chiêu Thống liền mời tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra đánh dẹp. Diệt được Trịnh Bồng, thì lại đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền. Do đó, lực lượng Tây Sơn của Nguyễn Huệ bắt đầu được tăng cường để tiếp tục ra bắc lần nữa.
Tháng 11/1787, Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở và Vũ Văn Nhậm đem quân tấn công ra bắc, bắt giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Chiêu Thống chạy khỏi kinh thành, nhất quyết không chịu theo Tây Sơn, kêu gọi các trấn Bắc Hà đem quân cần vương chống lại. Miền bắc rơi vào hỗn loạn, các thế lực phù Lê, thân Trịnh và Tây Sơn đánh lẫn nhau. Trong khi đó, vua Chiêu Thống vẫn trốn mất tích, và một số đại thần nhà Lê chạy sang Đại Thanh cầu cứu triều đình của vua Càn Long. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị nhận thấy thời cơ thích hợp để đem binh can thiệp, liền tâu về triều đình ở Bắc Kinh xin động binh, được vua Càn Long chấp thuận.
Mùa hè năm 1788, Tôn Sĩ Nghị bắt đầu điều động các cánh quân Thanh để tiến sang Đại Việt. Về quân số nhà Thanh trong chiến dịch này, các nguồn sử liệu đưa ra nhiều con số khác nhau. Sử ta hay sử dụng các con số như 20 vạn hoặc 29 vạn; tuy nhiên, con số này quá lớn và không thể chỉ là binh lính được. Một số ý kiến cho rằng con số đó đã gộp cả lượng dân phu đi theo hỗ trợ, nhưng như vậy vẫn là tương đối nhiều.
Sử liệu phía Trung Quốc thì đưa ra con số thấp hơn, và có liệt kê đầy đủ lực lượng các cánh quân. Quân Thanh tiến sang Đại Việt có tổng cộng 3 cánh, tổng lại là khoảng 31 ngàn quân chính quy, hơn 5000 thổ binh, khoảng 74 ngàn dân phu cùng một lực lượng quân phù Lê ở Bắc Hà, không rõ bao nhiêu. Một số ghi chép của các giáo sĩ phương Tây cũng không thống nhất về số lượng quân Thanh, khi có người chép 10 vạn, có người chép 28 - 30 vạn, lại cũng có người nói rằng chỉ có 4 vạn.
Nhưng dù số lượng có là bao nhiêu, thì rõ ràng đây vẫn là một mối nguy hiểm đối với Tây Sơn nói riêng và Đại Việt nói chung. Ở Gia Định, lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh đang chống nhau với quân Tây Sơn đóng ở đây. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ nhận định rằng chính lực lượng nhà Thanh lúc này mới đáng ngại hơn. Do đó, ông tập trung binh lực để chống lại sự can thiệp quân sự đến từ triều đình phương Bắc.
Khi quân Thanh tiến vào Bắc Hà, Tiết chế Ngô Văn Sở ban đầu cho quân mai phục và đánh chặn, nhưng không hiệu quả vì thua kém lực lượng. Một mặt, Ngô Văn Sở tiếp tục cử quân chặn đánh, mặt khác lên kế hoạch lui quân về phía nam để hợp binh với lực lượng chính của Tây Sơn. Ngô Văn Sở sai tướng chặn giữ bến đò Xương Giang chặn quân Thanh, và sai Phan Văn Lân đưa hơn 1 vạn quân tinh nhuệ từ Thăng Long đi đánh. Quân Tây Sơn vượt sông Nguyệt Đức đánh vào quân Thanh đang đóng ở núi Tam Tầng, bao vây doanh trại của Tôn Sĩ Nghị. Tuy nhiên, quân Thanh lập tức dùng súng và cung tên phản kích, khiến quân Tây Sơn phải rút lui.
Quân Tây Sơn sau đó lập tức rút khỏi các trấn để về phía nam. Đến giữa tháng 12/1788, đại quân của Ngô Văn Sở đã hoàn toàn lui về trấn giữ Tam Điệp, Bắc Hà rơi vào tay quân Thanh. Ngô Văn Sở lập tức cho người vào Phú Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ. Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ ra lệnh xuất quân bắc tiến. Để có tính chính thống, ông quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung. 7 ngày sau khi rời Phú Xuân, đại quân Tây Sơn tới Nghệ An và dừng ở đó 10 ngày để tuyển quân.
Về vấn đề tại sao chỉ trong 7 ngày mà đại quân hàng vạn người có thể đi từ Phú Xuân ra Nghệ An, trước giờ nhiều người tin vào giai thoại Nguyễn Huệ chia quân thành nhóm 3 người. Theo đó, 2 người sẽ cáng 1 người rồi luân phiên thay đổi để có thể hành quân suốt ngày. Tuy nhiên, rõ ràng đây là điều phi thực tế, và làm như vậy chỉ hại sức binh lính, và chắc chắn không thể đi nhanh được. Thực tế là, nhiều khả năng quân Tây Sơn đã đi thuyền từ Phú Xuân ra Nghệ An. Tây Sơn có một đội thủy quân hùng mạnh với nhiều tàu chiến cỡ lớn. Việc chuyên chở 5-6 vạn quân hẳn không có gì khó khăn. Ở lại Nghệ An 10 ngày, Tây Sơn vừa tuyển thêm quân vừa bắt lính, nâng tổng quân số lên ít nhất 10 vạn người. Đến đêm 30 Tết, vua Quang Trung cho quân ăn Tết trước, rồi hạ lệnh tiến quân. Ông cũng tin rằng nội trong 7 ngày sẽ có thể đánh đuổi được quân Thanh khỏi Thăng Long.
Binh lính Tây Sơn - Tranh: <a href="https://www.facebook.com/warm21">Ấm Chè</a>
Binh lính Tây Sơn - Tranh: Ấm Chè
Khi rời Tam Điệp để tiến quân vào Thăng Long, vua Quang Trung chia đại quân làm 5 đạo. Đạo quân do Quang Trung chỉ huy có Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tiên phong đánh vào chính mặt nam Thăng Long. Đạo quân do đô đốc Tuyết chỉ huy theo đường thủy tiến vào sông Lục Đầu, đánh đồn quân cần vương nhà Lê ở Hải Dương, chặn đường rút của quân Thanh bên kia sông Hồng. Đạo quân đô đốc Lộc chỉ huy cùng đạo quân đô đốc Tuyết theo đường thủy tiến vào sông Lục Đầu; tới đây tách ra đi gấp lên Phượng Nhãn, Lạng Giang chặn đường rút của quân Thanh phía bắc. Đạo quân đô đốc Bảo chỉ huy theo đường Ứng Hoà ra làng Đại Áng, phối hợp với cánh quân Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi của Hứa Thế Hanh. Đạo quân đô đốc Long chỉ huy theo đường Chương Đức, hướng lên Sơn Tây nhưng sẽ rẽ sang làng Nhân Mục tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống và tiến vào Thăng Long từ hướng tây.
Quân Tây Sơn hành binh cấp tốc, nhanh chóng tiêu diệt một số tiền đồn. Do đó, quân Thanh ở các đồn lớn vẫn không hay biết gì về việc Tây Sơn tấn công. Ngày 3 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi. Vua Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng. Sau đó, quân Tây Sơn tiến sát đến đồn Ngọc Hồi, nhưng chưa vội đánh. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân hư trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh và gây sự chú ý của quân Thanh tới đạo quân do ông chỉ huy vào mặt trận Ngọc Hồi để tạo điều kiện cho yếu tố bất ngờ của các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo. Chính Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của kỵ binh cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.
Khi cánh quân của vua Quang Trung còn đang vây đồn Ngọc Hồi thì cánh quân của đô đốc Long theo đúng kế hoạch bất thần tấn công vào đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống. Quân Thanh bị tập kích bất ngờ, chống không nổi trước hỏa lực của Tây Sơn, chết rất nhiều. Sầm Nghi Đống bỏ chạy lên cố thủ tại đài chỉ huy ở Loa Sơn. Đô đốc Long chia quân làm 2: một cánh đánh sang Nam Đồng để tiến vào Thăng Long, một ít quân tiếp tục vây hãm Loa Sơn. Sầm Nghi Đống cố thủ trên đài chờ cứu viện của Tôn Sĩ Nghị, nhưng tới ngày hôm sau không có quân cứu, liền tuyệt vọng rồi tự vẫn.
Quân Tây Sơn dùng hỏa hổ - Tranh: <a href="https://www.facebook.com/warm21">Ấm Chè</a>
Quân Tây Sơn dùng hỏa hổ - Tranh: Ấm Chè
Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì đồn Nam Đồng đã bị hạ và quân Tây Sơn lũ lượt tiến vào đánh đại bản doan quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị vừa bất ngờ, vừa sợ hãi, liền gấp rút chạy khỏi Thăng Long. Sử nhà Thanh cũng phải ghi nhận về sự rối ren và hoảng loạn của quân Thanh khi bỏ chạy, đến mức cả vạn người chen nhau rơi xuống sông mà chết đuối. Khi quân Thanh ở Thăng Long vỡ trận và bỏ chạy, vua Chiêu Thống cùng hoàng thất và một số quan lại trung thành cũng chạy theo.
Sáng mồng 5, khi cánh quân của đô đốc Long tiến vào Thăng Long, thì vua Quang Trung cũng hạ lệnh tấn công đồn Ngọc Hồi. Ngoài đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị, thì đồn Ngọc Hồi này là đồn mạnh và kiên cố nhất. Quân Thanh thậm chí còn chôn cả địa lôi và rải chông sắt bên ngoài đồn. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép rằng vào mờ sáng mồng 5, vua Quang Trung cho voi chiến tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia là bộ binh dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Quân Thanh bị đánh từ hai mặt, hỏa lực lại không hiệu quả, chống không nổi liền chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên bị chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy. Các đồn còn lại của quân Thanh cũng nhanh chóng bị hạ. Toàn bộ hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị đều bị tiêu diệt. Hàng vạn quân Thanh tử trận, có cả các tướng lĩnh quan trọng như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long và Thượng Duy Thăng.
Chiều mồng 5 Tết, đại quân của vua Quang Trung tiến vào Thăng Long. Toàn bộ lực lượng quân Thanh sang Đại Việt đều phải rút chạy. Cánh quân Điền châu gần như bị diệt hoàn toàn, cánh quân Lưỡng Quảng chủ lực bị thương vong nặng và tan rã gần hết, riêng quân Vân Nam – Quý châu không giao chiến mà lập tức rút chạy khi nghe tin thất trận. Với chiến thắng này, vua Quang Trung đã nắm được Bắc Hà trong tay, và có đủ lực lượng để tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn nhằm thống nhất hoàn toàn Đại Việt.

Kết

Vừa rồi là một vài cái Tết bất ổn mà người dân đất thủ đô đã từng đón trong lịch sử. Ngày xuân mà kể những chuyện chiến tranh như vậy kể ra cũng… không thực sự hợp lắm, nhưng những dịp như thế này cũng gợi cho chúng ta cảm giác hoài cổ. Vả chăng, dù có thế nào đi chăng nữa, những sự kiện như vậy vẫn là một phần không thể chối bỏ của lịch sử. Hiểu hơn về chúng cũng chính là cách chúng ta tôn trọng tới các bậc tiền nhân, để yên tâm ăn Tết mà không còn lo những cảnh bất ổn như trên có thể chẳng may diễn ra nữa.
Tài liệu tham khảo: - Đại Việt Sử ký Toàn thư - Khâm định Việt sử thông giám Cương mục - An Nam truyện - Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa