Dạo gần đây, mình có một chút cảm giác “sợ” mỗi khi đọc những comment trên mạng xã hội.
Mình cảm thấy ngột ngạt khi đọc một loạt những bình luận chê bai một cách thậm tệ, mang tính công kích vào các cá nhân xuất hiện trong bài. Đó dường như trở thành một bộ phận, một thế lực hùng hồn âm thầm dù chẳng ai biết ai là ai, nhưng hành động và mục đích thì lại đồng nhất đến lạ. Đôi lúc mình còn nghĩ, có khi những bài đăng mà không thấy cmt chê bai công kích nào, chẳng qua là do những “người kia” họ không thấy mà thôi. Điều này đã lấn cấn trong mình một thời gian khá dài. Mình đã định rằng, sẽ viết bài về chủ đề công kích cá nhân để được tuôn trào cảm xúc, xả những “ấm ức” tích tụ bấy lâu, để phân phải phân trái, để tìm những người có cùng quan điểm với mình.
Nhưng không bé ơi, những thứ nhập nhằng đó dường như đã xếp hàng ngay ngắn một cách lạ kỳ khi mình đọc chương đầu tiên của cuốn “Thuật xử thế của người xưa” của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Một cuốn sách với giọng văn mang hơi hướng cổ điển nhưng mình tin rằng, dù 50 năm trước hay 50 năm sau này, một khi con người vẫn mang trong mình cái bản ngã thì những giá trị mà tác giả chỉ ra sẽ chẳng sai đâu.
“Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bậc nào, bao giờ cũng cho ý kiến của mình là quan trọng hơn tất cả”
Theo Sigmund Freud, cái tôi (ego), cái nó (id) và cái siêu tôi (superego) kết hợp với nhau tạo nên nhân cách con người. Cái nó là bản năng xuất hiện ngay từ khi chúng ra ra đời. Nó bị điều khiển bởi sự thỏa mãn, luôn luôn tìm kiếm sự dễ chịu, thoải mái ngay tức khắc, đáp ứng lại mọi khao khát, ham muốn và nhu cầu. Cái tôi là phần ý thức có nhiệm vụ cân bằng giữa bản năng và cái siêu tôi. Nhiệm vụ của nó là đảm bảo những thôi thúc bản năng được điều khiển và thể hiện ra một cách phù hợp trong xã hội. Siêu ngã là một phần trong tính cách nắm giữ tất cả những tiêu chuẩn đạo đức và lý tưởng mà bạn tiếp nhận từ cả cha mẹ và xã hội – nó chính là cảm nhận của chúng ta về cái đúng cái sai trong cuộc sống. Siêu ngã chỉ dẫn giúp ta đưa ra phán xét.
Giả sử, một người vì quá nghèo đói mà quyết định đi cướp từ người khác, đó là do cái bản năng đã làm chủ. Nếu ai đó phản biện, “chẳng nhẽ cứ đói là đi cướp, đi làm hại người khác ư, sao không đi làm mà tự kiếm miếng cơm đi, ai mà chẳng phải khổ sở kiếm từng đồng?” Vâng, nhưng sự thật, đó là bản năng, mà bản năng thì luôn tìm kiếm những thứ thỏa mãn ngay lập tức. Bản năng con người rất vô lường, chắc chắn nó phải là thứ khó có thể chấp nhận trong xã hội loài người thì mới có cái siêu tôi - là những quy chuẩn đạo đức, pháp luật mà xã hội đề ra để kìm hãm.
“Nhưng còn đầy người khổ hơn ngoài kia, họ vẫn làm ăn lương thiện, kiếm những đồng tiền chân chính được đấy thôi.” Vậy thì đó chính là người có khả năng cân bằng tốt giữa 3 yếu tố nêu trên. Họ có một nhân cách hoàn chỉnh và không để bị bản năng chi phối. Nên nói thật, thường khi nghe những người làm ác, mình vừa thấy họ đáng trách nhưng cũng đáng thương phần nào.
Tất nhiên trên đây chỉ là một ví dụ, để giúp mình hiểu rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt với suy nghĩ, tâm thức, hiểu biết và quan điểm khác nhau. Hoàn toàn khác nhau. Hiểu được điều này, chúng ta có thể hình dung mỗi người như là một thế giới quan, mà trong thế giới của mình thì mình làm chủ, mình làm ông vua trong vương quốc ấy. Quan điểm mình cho rằng đúng thì là đúng, sai thì là sai. Vậy nên, bản năng luôn coi mình là trung tâm, là điều cần ưu tiên trước hết. Những từ như sang - hèn hay tốt - xấu cũng chỉ là những cái nhãn được người này người kia dán lên nhau. Còn xét về bản chất con người thì đều ngang nhau.
Nếu biết rõ là mình sai thì ai lại đưa ra quan điểm làm gì. Nhưng trớ trêu thay, ai lại cũng nghĩ rằng điều mình nhận thức đúng là đúng. Nên thay vì 2 ông vua tranh cãi về luật lệ của vương quốc mình, ông nào cũng cho rằng luật của mình mới là tốt cho người dân, thì nên hiểu cách vận hành của cái chung - cái riêng và tôn trọng nhau thì tuyệt vời hơn rất nhiều đúng hem?
“Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để cho người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta?”
Vì nghĩ cái quan điểm của mình là đúng, nên khi thấy ai đó khác mình, chúng ta có thể sẵn sàng bật mode “tấn công” lên, để mà áp đảo, chặt chém lại “cái sai”.
“Rõ ràng thế này mới đúng, chẳng hiểu nghĩ gì mà vẫn cãi được thì tao đến ạ mày luôn”.
“Ai mà chẳng thế”.
"Bị ngu à?".
Một nùi nguỵ biện được tập hợp để bảo vệ quan điểm của bản thân.
Nhưng xin khẳng định, từ những gì mình rút ra từ trên thì cái mode này rất hợp lý với sự vận hành tâm lý của con người. Vì sao. Tâm lý con người là sự phản ánh thế giới khách quan thông qua lăng kính chủ quan của chủ thể. Nên việc bảo vệ quan điểm của mình thì cũng là điều dễ hiểu thôi.
Tuy nhiên, mình nghĩ rằng chúng ta nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận quan điểm của người khác. Vạn vật điều có thể thay đổi, chỉ có sự thay đổi là mãi mãi gắn liền với vạn vật. Trái đất thì quay quanh mặt trời, cái sự thật tưởng chừng hiển nhiên này trong những thế kỷ 14,15 lại bị đẻ ngược thành mọi hành tinh kể cả mặt trời đều quay quanh trái đất. Đến mức mà chỉ cần ai có quan điểm khác sẽ bị tẩy chay thậm chí đòi giết giống như ông chú Galile bên nội nhà mình. Điều này cho thấy sự ghê gớm của tâm lý đám đông và mong muốn bảo vệ bằng được quan điểm của con người lớn tới mức muốn xoá bỏ những điều trái ngược.
Tâm lý này đã thay đổi còn mạnh mẽ hơn ngày xưa bởi nay có mạng xã hội nơi mà lưỡi dao thứ nhất là sự kết nối và lưỡi dao thứ hai là công kích cá nhân. Mọi quan điểm dễ dàng được bày tỏ ra. Nhưng với nhiều người, chỉ cần những điều ở đó không giống với lý lẽ, hiểu biết, lối sống của họ thì bằng một cách thần kì nào đó, họ sẵn sàng buông những lời phán xét chê bai chỉ cần được thoả mãn cái tôi đang gào thét sự được công nhận.
Hạ thấp người khác xuống sẽ khiến bản thân trở thành người hơn, là người sáng dạ có thể nhìn thấu vấn đề. Nếu tôi chỉ được ra cái dại của người khác nghĩa là mình khôn, nếu tôi chỉ ra cái xấu của người khác nghĩa là mình tốt. Nhưng khổ, tôi đâu ở trong hoàn cảnh đó, tình huống đó, đâu biết được suy nghĩ của người khác mà lại cho rằng mình sẽ khôn hơn người ta. Chỉ đứng bên ngoài, sau khi sự việc ấy đã xong, thì nói gì mà chẳng được.
“Dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, phải biết cho họ cũng có cái lý của họ, hoặc vì trình độ hiểu biết của họ chỉ đến ngần ấy là cùng.”
Nhưng cũng đừng trách họ, vì mình cũng không phải là họ. Có thể đối với mình, quan điểm của họ thật lạ lùng, sai lè lè ra còn cố cãi, có khi còn cho bản thân là hiểu biết hơn người ta. Nhưng như vậy chẳng khác nào một vòng lặp luẩn quẩn.
Hiểu biết hay tri thức thì không bao giờ có thể đo lường. Thứ nhất là vì nó vô hình, ai mà chìa ra kiến thức ra để so bì được chứ. Thứ hai, giả sử tri thức có để đong đếm được thì cũng quá là rộng lớn đến mức con người nhỏ bé chẳng thể nắm được hết. Bạn hãy thử nghĩ xem, dù là vĩ mô như vũ trụ, hay vi mô như tế bào, dù khoa học kĩ thuật của con người mà chúng ta tự hào có phát triển bùng nổ như hiện nay vẫn không thể nào khám phá hết. Thứ ba là giới hạn thời gian, lại giả sử con người sử dụng được 99% bộ não có thể tiếp thu cực nhanh, nhưng bạn có chắc cả cuộc đời bạn đủ dài để tiếp thu hết không, trong khi từng giây trôi qua có biết bao điều xảy ra ở từng ngóc ngách trên hành tinh này.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng viết: “Bệnh tham lam viết nhiều là bệnh của người mới viết ít. Bệnh khoe khoang hiểu biết nhiều là bệnh của người mới biết ít”. Vì hiểu biết ít nên gặp thứ gì cũng là thấy mới mẻ, thấy hay và tưởng rằng mình vừa phát hiện ra điều gì vĩ đại lắm cần phải chia sẻ với người khác. Mong người ta cũng sẽ hiểu giống như mình. Nếu gặp người cùng quan điểm trong một vấn đề thì thật không còn gì tuyệt vời hơn. Cảm giác phấn khích khó tả, thấy mình vừa như bước lên một bậc trên cao ấy.
Mình chính là như vậy.
Nên mọi người có thể thấy riêng bài này mình nhồi nhét rất nhiều thứ. Hỗn độn, lộn xộn, tham lam. Nhưng không sao, mình tin rằng viết lách sẽ giúp mình chỉnh đốn tư tưởng dần dần. Mọi người đọc đến đây thật sự là một điều rất đáng trân trọng đối với mình rồi, nớp chu nớp chu :x :x