[Tạp văn] Hình bóng của nếp học xưa cũ
Trong phòng trưng bày hiện vật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài các mẫu vật và bản đồ, còn sắp sẵn thêm chiếc bút lông, cùng một...
Trong phòng trưng bày hiện vật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngoài các mẫu vật và bản đồ, còn sắp sẵn thêm chiếc bút lông, cùng một tấm bảng, mà khách tham quan có thể chấm nước để viết chữ lên được. Việc ấy giúp nâng cao khả năng trải nghiệm về không khí học tập một thời, của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Hôm nay, ở căn phòng đó, mình đã vô tình bắt gặp một chị đang chăm chú chép Luận Ngữ, câu chị ấy chép là:
三 人 行 必 有 我 師 焉,擇 其 善 者 而 從 之,其 不 善 者 而 改 之. "Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất-thiện giả nhi cải chi." "Ba người đi với nhau, tất có một người là thầy ta, chọn người thiện mà học theo, người chưa thiện mà sửa mình."
I. Nghệ thuật viết chữ
Nhìn cách cầm bút của chị - ngũ chỉ chấp bút pháp - theo lối viết thư pháp, đoán chị chắc cũng là người trong nghề. Trông các con chữ ngay ngắn, cân đối, khá đẹp, nên lúc sau mình định chụp lại, nhưng vì chỉ viết bằng nước, nên nó đã dần bay mất.
Thật đúng với một câu khác trong Luận ngữ, thiên Học nhi:
學 而 時 習 之,不 亦 說 乎? - "Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ" - Học mà rồi lại thực hành, há cũng chẳng vui sao.
Khi thấy có người làm một việc gì chuyên tâm, đẹp đẽ như thế, lại cũng chỉ vì vui thích mà thôi, chẳng cần lưu lại dấu vết gì, cũng không cần ai biết đến, khiến mình chợt cảm thấy thật ngưỡng mộ sâu sa.
Việc học tập mà thầy Khổng nhắn nhủ, phải chăng cũng như thế? Sự học cốt là để bồi đắp cho mình, khiến mình thêm hiểu biết, sáng tỏ, chứ đâu phải vì bên ngoài mà học (cho dù đó cũng là hoa trái của học tập). Vì vậy, việc học gắn liền với thực hành, cũng như gắn liền với cuộc sống mà mình tiếp xúc. Người thấu đạt lẽ đó, sẽ cảm thấy an ổn, tự nhiên, yên vui mà đi lên trên đường học, mà có khi, cũng không hay mình đang học hỏi điều gì.
Cũng như người yêu nhạc, mỗi ngày lại mang đàn ra tập, mà chẳng hay tay nghề của mình ngày một điêu luyện, tâm hồn mình ngày thêm bình lặng hơn.
Có phải vì thế không? mà ngay trong câu ấy, thầy Khổng đã kết luận: 人 不 知 而 不 慍,不 亦 君 子 乎? - "Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ" - Người chẳng biết đến ta, mà ta cũng chẳng buồn phiền, ấy há không phải cũng là bậc quân tử hay sao?
II. Suy nghĩ về việc học
Trông chị đeo tai nghe, chăm chú đứng đọc những mẩu thuyết minh, mà lòng không khỏi cảm thán: đúng là tinh thần hiếu học chính hiệu đây rồi! Nhớ lại bản thân mình, nhiều khi đi ngang qua các di tích, cũng chỉ liếc qua thôi, chẳng để tâm mấy. Thật là thiếu sót quá!
Trong phòng trưng bày, sắp sẵn bút lông và bảng, chị cũng tự nhiên chấm nước viết, vui vẻ hòa mình với không gian trong đó. Trông nét bút uyển chuyển, các con chữ chỉn chu, cùng dáng vẻ chăm chú ấy, tựa như đang tỏa ra một vẻ gì thật trầm mặc, tĩnh lặng và dịu êm. Viết xong chị lặng lẽ rời đi, các nét chữ trên bảng cũng phai màu và biến mất, khiến mình bỗng nhiên trầm ngâm suy nghĩ: Những lớp người của thế hệ trước, họ học hỏi, uyên bác và thông tuệ, điềm nhiên đi qua cõi nhân gian, để mặc cho thời gian phai màu theo năm tháng, mà chẳng để ý xem hậu thế có ca ngợi, tán dương gì mình hay không!
Chẳng phải cũng như vậy sao? họ là những nét viết đẹp đẽ của đất trời?
Một lát sau, có các cô cậu học sinh trung học đi vào, xúng xính trong bộ quần áo cử nhân, có lẽ là vừa chụp ảnh kỷ yếu. Họ cười đùa vui vẻ, cầm bút vẽ lên bảng những đường nguệch ngoạc, và đứng tạo dáng để cho các bạn khác chụp hình mà đăng lên. Không khí vui vẻ ấy, thật là một gam màu đối lập so với chỉ vài phút trước đây.
Tâm hồn con người phải chăng như một tấm gương soi, phản chiếu ra những gì ẩn chứa bên trong, qua những đôi tay và cử chỉ. Một bên tỏa ra sự sâu lắng, thầm lặng và suy tư bằng một câu văn cổ. Một bên tỏa ra sự tự do, khoáng đạt và vô tư qua dáng dấp tuổi thiếu niên. Mình tự hỏi, chị đã nghĩ gì khi chép ra những câu văn đó, hẳn nó đã ghi lại những cảm nhận đặc biệt nào về cuộc sống? đó chính là một phần đời sống nội tâm của người viết. Còn với các bạn trẻ, hẳn là trong lòng họ cũng không có gì vướng bận cả.
Dù sao, mình cũng thích hình ảnh đầu tiên hơn. Những con người ham học chân chính, tự bản thân họ tỏa ra một phong thái, một khí chất đặc biệt. Và tại sao xã hội phương Đông trước đây lại trọng những con người hiếu học như thế? Vì sự hiểu biết về cuộc sống? về năng lực xã hội? về nhân cách? hay về phong thái hết sức đặc biệt kia? Có lẽ nó là tổng hòa của tất cả.
Cái học phương Đông, dạy cho con người không ngừng mài dũa chính mình, không ngừng phản tỉnh, không ngừng quan sát, và cảm nhận. Vì vậy, những người thành tựu đạo học ấy, họ sống bình ổn, sâu sắc ở từng khoảnh khắc của cuộc sống, thấy được những giá trị chân thực, sắn sàng dấn thân, và dễ dàng vượt qua mọi sự phù phiếm ngang qua đời người. Có lẽ vì thế mà cái học ấy đã từng là điểm đến của bao lớp người một thời, và bây giờ vẫn làm lay động biết bao trái tim hoài cổ, trong cơn lốc của xã hội vật chất và thời đại kim tiền hiện nay.
Nhìn chị viết, mà mình như hiểu thêm về chính câu Luận ngữ được viết ra: 三 人 行 必 有 我 師 焉 - "Tam nhân đồng hành tất hữu sư yên" - Ba người đi với nhau, tất có một người là thầy ta vậy.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mùa thu 03/11/2024
Thanh Phong
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất