MỞ ĐẦU

Tác giả: Quốc Hoàn
Biên tập và đăng bài: Hải Stark
Mới đây, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước ta trong hai ngày 12 và 13 tháng 12 này. Đáng nói, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, lại diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa: đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11 năm ngoái.
Có thể nói, đây là một hành đồng thể hiện sự coi trọng mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc của Đảng và Nhà nước Trung Quốc nói chung và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói riêng. Trong cuộc gặp gỡ vừa qua, truyền thông và dư luận cả hai nước đều đánh giá vô cùng cao vai trò của ông Tập trên cương vị một nhà lãnh đạo và là một người đồng chí tốt với chính phủ Việt Nam.
Vậy rốt cuộc ông Tập Cận Bình là con người ra sao mà lại được cả hai quốc gia xem trọng đến vậy?

DẪN NHẬP

Tập Cận Bình là một chính trị gia người Trung Quốc. Ông hiện đang là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ông Tập là nhà lãnh đạo tối cao, quan chức cấp cao nhất ở Trung Quốc từ năm 2012, và ông chính thức nhận được danh hiệu "nhà lãnh đạo hạt nhân" từ Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2016. Ông được giới chuyên gia đánh giá là nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất trong suốt lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1949 tới nay, chỉ sau cố lãnh tụ đầu tiên là Mao Trạch Đông. Uy thế của ông ngày càng được củng cố và gia tăng sau hơn một thập niên lãnh đạo đất nước Trung Quốc trở thành một siêu cường thế giới trên nhiều phương diện: giàu về kinh tế, mạnh về quân sự và phong phú về văn hóa.

HẠT GIỐNG ĐỎ

Tập Cận Bình sinh ngày 15 tháng 6 năm 1953 tại Bắc Kinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của ông tên Tập Trọng Huân, là một thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời cũng là một trong những lãnh đạo thuộc thế hệ đầu tiên của tổ chức này, từng sát cánh chiến đấu bên cạnh vị lãnh tụ đầu tiên Mao Trạch Đông. Mẹ ông tên Tề Tâm, người vợ thứ hai của Huân, khi ấy cũng là một Đảng viên cốt cán tại Bắc Kinh.
Là con trai của hai Đảng viên kì cựu, Tập Cận Bình có những năm tháng đầu đời tương đối sung sướng so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Đây là một đặc quyền mà chỉ những “hạt giống đỏ” của các nhà lãnh đạo cấp cao mới có. Trên ông còn có một người anh trai là con của người vợ trước, vậy nên có lẽ tuổi thơ của ông không quá bị đặt nặng sự kì vọng phải thừa kế và gánh vác toàn bộ gia nghiệp nào từ cha mình. Khi còn nhỏ, tuy ông học tập ở ngay tại Bắc Kinh nhưng cũng rất ít khi về nhà, chỉ trừ những dịp lễ lớn. Khi ở trường, ông nảy sinh tình bạn thân thiết với Lưu Hạc, người sau này trở thành phó chủ tịch Trung Quốc và một cố vấn thân cận của ông sau khi ông trở thành lãnh đạo tối cao.
Trong những năm tháng thơ ấu, kể từ lúc còn trong nôi, hẳn Tập Cận Bình ít nhiều đã chứng kiến hành trình thăng tiến nhanh chóng của cha mình trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Tháng 9 năm 1953, ông Huân chính thức nhậm chức Tổng thư ký Hội đồng Công vụ Chính phủ Nhân dân Trung ương và Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Trung Quốc. Tháng 9 năm 1956, ông Huân được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tới tháng 4 năm 1959, ông Huân lại được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, Tổng thư ký Quốc vụ viện, trở thành người lãnh đạo đảng, lãnh đạo đất nước và chịu trách nhiệm điều hành Hội đồng Nhà nước. Với vai trò là thành viên nòng cốt, ông Huân đã hỗ trợ Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm là Chu Ân Lai trong Hội đồng Nhà nước suốt 10 năm và tham gia nghiên cứu và xây dựng các nguyên tắc, chính sách và quy định thiết yếu của quốc gia cũng như các hoạt động ngoại giao và công việc quan trọng của Trung Quốc.
Ông Tập Trọng Huân năm 1946
Ông Tập Trọng Huân năm 1946

NGÃ NGỰA, RỚT ĐÀI

Những tưởng sau quãng thời gian thơ ấu êm đẹp sẽ là những năm tháng phát triển thuận lợi đúng quy trình của một “hạt giống đỏ”, nhưng với Tập Cận Bình, đây mới là lúc mà mọi sóng gió bắt đầu.
Khi Tập Cận Bình vừa tròn 10 tuổi, do các cuộc đấu đá chính trị trong Đảng mà cha ông bị cách chức tại trung ương và phải thuyên chuyển công tác tới Hà Nam. Tuy cha ông phải xa gia đình, nhưng do từ bé đã quen sống độc lập nên có lẽ ông Tập ít bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Bằng chứng là việc học tập của ông vẫn diễn ra suôn sẻ cho tới hơn 6 năm sau và trong thời gian ở trường, ông vẫn có tâm trạng để tham gia nhiều hoạt động thể thao, đặc biệt là bóng đá.
Tới tháng 5 năm 1966, Cách mạng Văn hóa diễn ra. Phong trào này đã làm gián đoạn việc học trung học của Tập Cận Bình khi ông đã bị đồng bạn bắt phải ngừng học để tham gia vào các cuộc đấu tố lãnh đạo. Ngọn gió chính trị đổi chiều, không ít những vị lão thành cách mạng trở thành mục tiêu đấu tố của lực lượng Hồng Vệ binh mù quáng và hung hãn. Càng xui xẻo hơn khi Tập Trọng Huân cũng nằm trong số ấy. Gia đình ông sau đó bị Hồng vệ binh tấn công, một người chị cùng cha khác mẹ của ông đã bị bức hại đến mức phải tự vẫn. Sau đó thì mẹ của ông còn bị ép phải tham gia đấu tố cha ông. Lần đầu tiên trong đời, Tập Cận Bình được chứng kiến cảnh nhục nhã và thảm bại của cha mình, khi ông Huân bị dắt đi diễu hành trước đám đông với tư cách là một kẻ thù của nền cách mạng. Cũng từ đây, mọi thứ trong cuộc đời ông bị đảo lộn hoàn toàn.
Năm 1968, sau một quá trình tố tụng và xét xử có phần lắt léo và phức tạp, Tập Trọng Huân bị bắt đi cải tạo. Thực tế, tình trạng của cha ông có thể nói là còn may mắn hơn nhiều người khác, những người đã bị xử tử bởi Hồng vệ binh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự đầu tư và hỗ trợ của Tề Tâm vào các tổ chức giáo dục địa phương đã giúp bà có tiếng nói trong các cuộc xét xử, cứu được một mạng cho chồng mình.
Lại nói, kể từ lúc Tập Trọng Huân rớt đài, Tập Cận Bình cũng không còn được xem như là “hạt giống đỏ” nữa, mà là một “Hắc bang tử đệ” (thuật ngữ ám chỉ thân nhân của thành phần “phản cách mạng”). Mất đi sự bảo vệ quyền lực từ cha, ông lập tức rơi vào tầm ngắm của các thế lực thù ghét. Hồng vệ binh đưa ông vào danh sách đen, cô lập ông khỏi những hoạt động xã hội. Sau đó, ông bị đưa tới Trường Đảng Trung ương Đảng Trung Quốc, nơi ông bị xếp vào các lớp học cải tạo dành riêng cho “Hắc bang tử đệ”. Ở nơi này, ông phải trải qua sự giám sát gắt gao và vô số buổi thẩm tra kéo dài. Có thể nói, quãng thời gian đó với Tập Cận Bình là vô cùng tồi tệ. Khi được thả ra, cơ thể ông đã ở trong tình trạng bị suy nhược nặng nề và phải mất nhiều tháng để có thể phục hồi.
Một buổi đấu tố trong Cách mạng Văn hóa
Một buổi đấu tố trong Cách mạng Văn hóa
Tháng 12 năm 1968, sau khi nhận thấy phong trào Cách mạng Văn hóa đang dẫn tới nhiều hệ lụy khó kiểm soát, Chủ tịch Mao Trạch Đông của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động phong trào mới đó là “thượng sơn, hạ hương” (lên núi, xuống quê). Theo đó, hàng triệu thanh niên tri thức và Hồng vệ binh sẽ được thuyên chuyển từ thành phố tới các vùng sâu vùng xa khắp nơi trên toàn lãnh thổ Trung Quốc để góp sức xây dựng nông thôn mới. Do thuộc diện “đã được cải tạo”, Tập Cận Bình có tên trong danh sách những người bị điều động tuyến đầu cho phong trào này. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, ông Tập chia sẻ rằng khi đoàn tàu từ Bắc Kinh tới Thiểm Tây bắt đầu lăn bánh, ông mới dám thở phào vì cuối cùng đã biết rằng mình còn có cơ hội được sống.
Tháng 1 năm 1969, Tập Cận Bình được điều tới một cơ sở ở vùng nông thôn của làng Lương Gia Hà, xã An Diên, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tại đây, ông làm công việc phụ tá cho một bí thư đảng ủy địa phương. Tuy nói là vai trò phụ tá cho bí thư đảng ủy địa phương, nhưng điều kiện sống của ông không được tương xứng với vai trò của mình. Người ta phân bố cho ông ở trong một hang động với vật tư tồi tàn (giường đất, không có lò sưởi, chăn màn có nhiều chấy rận…), nhu yếu phẩm rất hạn chế (áo vải thô, phải dùng lừa gánh nước sinh hoạt về, đồ ăn không đủ…). Đã vậy, ông cũng không được người dân địa phương hỗ trợ nhiều do thân thế “Hắc bang tử đệ” của mình. Tuy vậy, theo các chia sẻ của Thạch Ngọc Hưng, người đội trưởng của Tập Cận Bình khi ấy thì ông “không than phiền gì”.
Sau vài tháng, không thể chịu nổi cảnh khốn khó, Tập Cận Bình quyết định bỏ trốn về Bắc Kinh. Ngay lập tức, ông bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ vì tội đào ngũ. Một lần nữa, ông lại bị đưa vào lớp học cải tạo dành riêng cho “Hắc bang tử đệ”.

VƯƠN LÊN TỪ KHÓ KHĂN

Sau nửa năm tích cực “cải tạo”, Tập Cận Bình được thả ra. Sau đó, nghe theo lời khuyên của bác mình là Ngụy Chấn Ngũ, Tập Cận Bình chủ động xin được tới Lương Gia Hà, tiếp tục công việc còn đang dang dở khi trước.
Trở lại Lương Gia Hà, Tập Cận Bình quyết tâm thực hiện tròn bổn phận mà cấp trên giao phó. Trong quá trình làm việc ở nơi đây, ông đã hoàn thành tốt vai trò của mình và dần có dấu hiệu khởi sắc trong sự nghiệp khi nhận được sự công nhận từ các đồng nghiệp. Đồng thời, ông cũng tích cực tham gia lao động cùng nông dân địa phương và dần chiếm được cảm tình của mọi người. Theo người dân An Diên kể lại, việc Tập Cận Bình làm trong giai đoạn này chủ yếu là việc nặng nhọc như cắt cỏ, chăn dê, xúc đất đào mương... Chỉ trừ khi bị ốm nặng, còn nếu không thì ông sẽ chẳng bỏ lỡ một buổi nào.
Năm 1971, sau khi bị từ chối 7 lần, nhờ thể hiện tinh thần kiên trì và nhẫn nại mà Tập Cận Bình đã thành công gia nhập Phong trào Liên minh cộng sản trẻ, một phong trào dành cho những người từ 14 tới 28 tuổi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhờ có tư cách thành viên của phong trào này mà ông đã được Thủ tướng đương nhiệm Chu Ân Lai tạo điều kiện đến thăm cha mình vào năm 1972.
Khoảng năm 1973, Tập Cận Bình bắt đầu tính tới việc gia nhập Đảng. Năm 1974, ông nộp đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, do tiền án của cha ông, ban đầu các đơn xin gia nhập ông đã từ chối. Không bỏ cuộc, ông liên tục viết những đơn xin gia nhập mới và được chấp thuận sau… 10 lần nộp. Chứng kiến quyết tâm của ông, Lương Ngọc Minh, một cán bộ Đảng tại Lương Gia Hà khi ấy đã đích thân giới thiệu ông vào Đảng.
Sau đó, Tập Cận Bình được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng Lương Gia Hà nhờ thành tích xuất sắc và khả năng lãnh đạo thiên bẩm. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã lãnh đạo dân làng tổ chức lại cộng đồng để giải quyết xung đột giữa các gia tộc lâu đời, xây đập nước, trang bị các kiến ​​thức nông nghiệp mới và xây dựng thành công hầm biogas đầu tiên ở tỉnh Thiểm Tây. Những thành công này đã mang lại cho ông danh tiếng không nhỏ tại địa phương. Cũng từ đây con đường quan lộ của Tập Cận Bình, thứ vốn tưởng chừng đã khép lại hoàn toàn sau khi cha ông ngã ngựa, nay lại rộng mở trở lại.

TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG HỌC VẤN

Sau 7 năm thực hiện “thượng sơn, hạ hương”, năm 1975, Tập Cận Bình lại tiếp tục con đường học vấn còn đang dang dở. Trước đó, vào năm 1973, nhân chính sách tuyển thẳng công nhân, nông dân và binh sĩ lên đại học đang được thi hành, ông đã nộp đơn xin gia nhập đại học Thanh Hoa dù biết rằng hoàn cảnh gia đình của ông là một trở ngại lớn. Ông quyết tâm thà cứ nộp đơn rồi bị từ chối, còn hơn là phải sống trong tiếc nuối vì không dám nghĩ, dám làm.
Mọi lo lắng ban đầu của Tập Cận Bình dần trở thành sự thực khi những nhân viên phụ trách tuyển sinh của Đại học Thanh Hoa tại Diên An đều không dám quyết định nhận hay đánh trượt ông. Họ bèn gửi thông báo về trụ sở của Đại học Thanh Hoa xin chỉ đạo. Trong lúc này, cuộc đấu đá trong nội bộ chính quyền trung ương tại Bắc Kinh cũng đang diễn ra căng thẳng, hai nhân vật nắm nhiều quyền lực bậc nhất tại Đại học Thanh Hoa khi này là Trì Quần cùng Tạ Tĩnh Nghi đều bị cuốn vào và không có mặt để xem xét trường hợp của Tập Cận Bình.
Trong cái rủi có cái may. Có lẽ chúng ta sẽ không được thấy một ông Tập lãnh đạo cả đất nước tỉ dân láng giềng, nếu ngày ấy không có sự quyết đoán của Phó Bí thư Đại học Thanh Hoa: Lưu Băng. Do sự vắng mặt của Trì Quần và Tạ Tĩnh Nghi, ông Băng đã đứng ra đảm nhận việc xét duyệt trường hợp của Tập Cận Bình và thông qua cả 3 nguyện vọng của ông Tập, cho phép ông Tập được bước chân vào cuộc sống học đường tại một trong những trường đại học uy tín hàng đầu của Trung Quốc vào thời điểm đó. Đồng thời, cũng thời điểm này, Nhà máy Vật liệu chịu lửa Lạc Dương, nơi Tập Trọng Huân đang thực hiện lao động cải tạo, đã cấp một “giấy xác nhận địa phương” có nội dung rằng “Mâu thuẫn của đồng chí Tập Trọng Huân là trong nội bộ nhân dân và sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập và việc làm của con cái ông ấy”. Như vậy là Tập Cận Bình có thể thở phào nhẹ nhõm, chuyên tâm học tập mà không lo bị cho thôi học bất ngờ nếu có người muốn lật lại quyết định nhập học của ông nữa.
Ngày 7 tháng 10 năm 1975, Tập Cận Bình rời Lương Gia Hà tới Bắc Kinh để bắt đầu việc học tập. Trái với những ánh mắt khinh thường, nghi ngại khi lần đầu tiên ông tới nơi này, giờ đây tất cả người dân Lương Gia Hà đều tập trung lại để tạm biệt ông. Tấm chân tình của họ đã khiến Tập Cận Bình phải bật khóc vì xúc động. Đến tận bây giờ, khi về thăm Lương Gia Hà, ông vẫn không quên mua quà tặng cho từng họ gia đình để cảm ơn họ vì thứ tình cảm mộc mạc, chân thành ấy.
Từ năm 1975 tới 1979, Tập Cận Bình theo học ngành Công nghệ Hóa học tại Đại học Thanh Hoa. Ngoài học các kiến thức chuyên ngành, học viên được dành khoảng 15% thời gian của họ nghiên cứu Chủ nghĩa Marx, Chủ nghĩa Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và 5% thời gian khác của họ để làm việc đồng áng và "học hỏi Quân đội Giải phóng Nhân dân". Với nhiều học viên, đây có thể là những qui định kham khổ, nhưng với Tập Cận Bình, vì đã quen cảnh lam lũ rồi nên mọi thứ cũng tương đối bình thường.
Trong thời gian này, ông gặp và làm quen với Trần Hi, một công nông binh học viên khác. Hai người cùng tuổi, cùng khoa và đều hâm mộ thể thao. Điều này đã khiến cả hai phát triển một tình đồng chí bền chặt và sâu sắc. Khi Tập Cận Bình giữ chức Bí thư Chi bộ Sinh viên Đại học Thanh Hoa, chính Trần Hi là một trong hai người phụ tá đắc lực của ông. Tuy nhiên, sau khi rời trường, hai người dường như không còn làm việc trực tiếp với nhau nữa cho đến khi ông Tập nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 4 năm 1979, Tập Cận Bình tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa. Cùng với đó, cha ông là Tập Trọng Huân cũng đã được tại ngoại và giữ chức Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc.

NHỮNG NẤC THANG QUYỀN LỰC ĐẦU TIÊN

Ngay sau khi ra trường, Tập Cận Bình được bổ nhiệm vào Tổng Văn phòng Quốc vụ viện và Tổng Văn phòng Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là một trong ba thư ký cho Cảnh Tiêu, một trong những thành viên cốt cán đương thời của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và cũng là bạn cũ của cha ông. Cũng trong năm này, Tập Cận Bình kết hôn với Kha Linh Linh (còn có tên khác là Kha Tiểu Minh) con gái của Kha Hoa, đại sứ đương thời của Trung Quốc tại Anh.
Quá trình làm việc dưới trướng Cảnh Tiêu đã giúp Tập Cận Bình tích lũy được một vài nền tảng kiến thức quân sự. Tuy nhiên, sau vài năm không có thăng tiến rõ rệt nào và nhận thấy nền tảng của bản thân là uy thế chính trị tại các vùng nông thôn nên đến năm 1982, Tập Cận Bình đã chủ động đề xuất được thuyên chuyển công tác. Cũng trong thời gian này, do những bất đồng quan điểm không thể hòa giải mà quan hệ hôn nhân của ông với Kha Linh Linh cũng dần đi vào ngõ cụt. Khi thuyên chuyển công tác, ông cũng ly hôn với vợ.
Với sự giúp đỡ của Tập Trọng Huân, Tập Cận Bình đã tới công tác tại huyện Chính Định thuộc địa cấp Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Đây là một nơi tương đối gần với Bắc Kinh, rất thuận tiện. Có thông tin cho rằng Tập Cận Bình ban đầu muốn nhắm tới ghế Bí thư Đảng ủy nhưng đã bị Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc đương nhiệm là Cao Dương kịch liệt phản đối. Ông Dương là một người chính trực, rất chán ghét cảnh kẻ không có kinh nghiệm nhưng muốn dựa vào quan hệ để leo lên ghế lãnh đạo. Do đó, ông Tập đành phải hài lòng với một vị trí khởi đầu không quá lớn trong ban lãnh đạo.
Ngày 25 tháng 3 năm 1982, Tập Cận Bình chính thức nhậm chức Phó bí thư Huyện ủy Chính Định. Sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đích thân thực hiện nhiều cuộc thị sát khắp huyện. Mỗi lần như thế, ông chỉ mặc bộ quân phục màu xanh lá cây khi được nhà nước cấp cho. Phong cách giản dị này của ông khiến các quan chức địa phương vô cùng ngạc nhiên xen lẫn khâm phục.
Vì Chính Định nằm trên huyết mạch giao thông Bắc-Nam nhưng đường sá của huyện đang trong tình trạng kém nên Tập Cận Bình đã có một hành động quyết đoán: ông huy động 43.200 người tham gia các dự án bảo trì đường bộ do ông khởi xướng. Hoạt động này đã cải thiện chất lượng giao thông của Chính Định lên đáng kể. Từ một huyện vốn nổi tiếng “bẩn thỉu” và “lạc hậu”, giờ đây Chính Định đã có một hệ thống đường sá đủ tốt để phục vụ nhu cầu giao thông địa phương cũng như những tuyến huyết mạch giao thông cắt qua. Thành tích này đã góp phần gia tăng danh tiếng và uy thế của ông Tập như một nhà lãnh đạo trẻ tài ba, dám nghĩ dám làm.
Năm 1983, phong trào “Trấn áp mạnh mẽ các hoạt động tội phạm” được chính quyền Trung Quốc phát động. Dưới sự chỉ đạo cứng rắn của Tập Cận Bình, huyện Chính Định đã nghiêm túc tổ chức các hoạt động xét xử và tuyên án công khai. Cũng trong thời gian này, chính ông cũng bị dư luận lên án khi đã thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình một cách quá cứng rắn. Theo các báo cáo của chính phủ Trung Quốc, chỉ tính riêng năm 1983 tại huyện Chính Định, hơn 31.000 phụ nữ đã trải qua phẫu thuật triệt sản hoàn toàn và 30.000 người khác được đặt dụng cụ tránh thai vào tử cung. Công bằng mà nói, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình này là chính sách của nhà nước Trung Quốc, do đó người ta không thể đổ lỗi cho Tập Cận Bình, vì ông chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với quốc gia. Nhưng sự việc này cũng đã minh họa một quan điểm phản tự do được các nhà lãnh đạo thành công của Trung Quốc ngầm chấp nhận: để có được không gian cho cải cách kinh tế và chính trị, các vấn đề của đời sống xã hội phải được giải quyết triệt để, cho dù có là bằng những biện pháp cứng rắn nhất.
Cuối năm 1983, mới 30 tuổi, Tập Cận Bình trở thành Bí thư Huyện ủy trẻ nhất của huyện Chính Định. Theo tờ "Trung Quốc thời báo", Lật Chiến Thư, bí thư quận ủy huyện Vô Cực, và cũng thuộc địa cấp Thạch Gia Trang, đã kết thân với Tập Cận Bình trong thời kỳ này, dẫn đến sự hợp tác giữa hai bên sau này.
Trong nhiệm kì Bí thư tại Chính Định, Tập Cận Bình đã chủ trương cải tổ mạnh hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn. Huyện Chính Định vốn là một trung tâm trồng ngũ cốc, nông dân nơi đây phải sung công rất nhiều ngũ cốc để bổ sung vào kho thóc của chính phủ. Tập Cận Bình đã thành lập một liên minh thông minh với những người ủng hộ chủ nghĩa Mao Trạch Đông tại địa phương và sử dụng các mối quan hệ của mình ở Bắc Kinh để giảm mức hạn ngạch ngũ cốc sung công. Điều này đã giúp mức sung công ngũ cốc của Quận Chính Định xuống 20 triệu lượng, bằng ba phần tư mức ban đầu, cho phép nông dân địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất của họ cho các hoạt động sản xuất có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như nuôi cá, gia cầm hoặc gia súc. Trong quá trình cải tổ nói trên diễn ra, Tập Cận Bình không ngồi chỉ đạo trên giấy tờ mà vẫn đi khắp các thị trấn, làng mạc trong khu vực để tiến hành kiểm tra, giám sát. Các đồng nghiệp cũ đều miêu tả về ông khi ấy là một con người “dễ gần, hiền lành, tao nhã và niềm nở”.
Ngoài những cải tổ về nông nghiệp, Tập Cận Bình còn có những đóng góp đáng kể cho ngành du lịch địa phương. Các đề xuất sáng tạo của ông đã đem về trái ngọt, thu hút được một lượng khách du lịch tới Chính Định. Ngay cả khi ông đã không còn làm lãnh đạo tại nơi này, các dự án do ông khởi xướng vẫn đã và đang hoạt động một cách hiệu quả.
Khi được tin Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Trung Quốc lên kế hoạch quay bộ phim truyền hình Hồng Lâu Mộng, Tập Cận Bình đã chủ động đề xuất huyện Chính Định cung cấp 2,67 hecta đất để đoàn làm phim tới dựng trường quay. Cũng theo đề xuất của ông, thay vì dựng tạm bợ rồi dỡ bỏ sau trường quay sau khi quay phim thì phải biến trường quay thành khu kiến trúc có thể sử dụng lâu dài: “như vậy vừa có thể tăng thêm tính chân thực của hình ảnh trên phim, vừa có thể tăng thêm điểm tham quan cho Chính Định”. Mới đầu, các vị lãnh đạo địa phương lẫn trung ương đều cho rằng đề xuất này quá mạo hiểm, chi phí bỏ ra rất lớn nhưng chưa chắc đã thu lại được hiệu quả đáng kể nào. Tuy nhiên, nhờ tài ăn nói cũng như các mối quan hệ mà Tập Cận Bình cuối cùng đã thuyết phục được nhiều đơn vị rót tiền đầu tư, thành công khởi công cho dự án. Về sau, Vinh Quốc Phủ đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng của Chính Định, mang về một nguồn thu khổng lồ cho nơi đây.
Sau thành công của dự án kể trên, Tập Cận Bình tiếp tục mạo hiểm với một dự án khác nữa. Vì Triệu Vân, tướng quân phe Thục Hán nổi tiếng thời Tam Quốc sinh ra ở huyện Chính Định nên ông đã khởi xướng dự án xây dựng Công viên Thường Sơn. Dự án này được chứng minh là thành công như mong đợi, khi khu công viên này sau đó ước chừng mang lại doanh thu du lịch hơn 10 triệu nhân dân tệ cho huyện Chính Định mỗi năm.
Từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 9 tháng 5 năm 1985, với tư cách là Trưởng đoàn Điều tra Chế biến Ngô Tỉnh Hà Bắc, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Khu vực Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc, ông đã đến thăm Quận Muscatine, Iowa, Hoa Kỳ trong một dự án hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Suốt thời gian ở đây, ông được chỉ định tạm trú tại nhà của một gia đình người Mỹ. Chuyến đi này và gần hai tuần chung sống của ông ở với gia đình kia được xem là đã để lại một ấn tượng lâu dài và hình thành nên những quan điểm của ông đối với nước Mỹ về sau.

SỰ NGHIỆP TẠI PHÚC KIẾN

Khi Tập Cận Bình ở tỉnh Hà Bắc, Ban Tổ chức Đảng bộ đã lên kế hoạch đề bạt thăng chức cho ông. Tập Trọng Huân khi này đã đặc biệt liên hệ để nhờ vả Cao Dương nâng đỡ con trai mình. Nhưng hóa ra hành động này lại phản tác dụng, vì nó chỉ khiến ông Cao căm ghét Tập Cận Bình hơn nữa. Tại Thường vụ Tỉnh ủy Ủy ban sau đó, ông Cao đã công khai tố cáo ông Huân hối lộ mình. Sự kiện này đã để lại một vết nhơ lớn trong lí lịch của Tập Cận Bình tại Chính Định, gây khó khăn cho cuộc tranh cử sắp tới của ông.
Sau khi biết chuyện, Hà Tái, khi đó là Bí thư Ban Tổ chức và cũng là bạn đồng hương của Tập Trọng Huân đã đề xuất một phương án khác. Nhận thấy cháu mình khó mà tái đắc cử ở Chính Định, ông đã nhờ Hạng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến thực hiện thuyên chuyển công tác cho Tập Cận Bình đến Hạ Môn, Phúc Kiến. Ngày 15 tháng 6 năm 1985, vào đúng dịp sinh nhật thứ 32 của ông, Tập Cận Bình nhậm chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hạ Môn.
Hạ Môn đánh dấu bước trầm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình. Nơi đây là một trong những thành phố nằm rất gần với Eo biển Đài Loan, nên những căng thẳng chính trị có thể xảy ra và bùng phát bất kì lúc nào, không phù hợp để một người chưa có nhiều kinh nghiệm như ông quản lí. Ngoài ra, những biện pháp mà ông từng áp dụng thành công ở một miền quê như Chính Định tỏ ra không quá hiệu quả với thành phố biển giàu có và tiềm năng này. Ông chủ trương an sinh xã hội và bảo vệ môi trường thay vì kinh tế nên đã không được lòng các lãnh đạo nơi đây. Bởi thế, trong 3 năm làm việc tại Hạ Môn, ông chỉ thu được một vài thành tích nhỏ, không đủ để tạo được dấu ấn nổi bật trước những đối thủ chính trị khác.
Tuy đường sự nghiệp không có quá nhiều tiến triển, nhưng bù lại thì đường tình duyên của ông lại có sự khởi sắc. Sau những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên, ngày 1 tháng 9 năm 1987, tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, ông kết hôn với ca sĩ dân gian nổi tiếng Bành Lệ Viện. Như nhiều cặp đôi Trung Quốc thời kỳ này, mối lương duyên giữa ông Tập và bà Bành được giới thiệu bởi những người bạn của họ. Theo chia sẻ của bà Bình, lần đầu tiên hai người gặp nhau là vào cuối năm 1986. Ông Tập khi đó mới chỉ là một chính khách có đôi chút tiếng tăm còn bà Bành đã là một ca sĩ nổi tiếng. Ban đầu, bà Bành còn nghi ngại do xuất thân của ông Tập quá khác biệt với mình, nhưng chỉ sau buổi gặp gỡ đầu tiên, cả hai đã sớm sớm tâm đồng ý hợp và nhanh chóng tiến tới hôn nhân.
Tới kỳ tranh cử tiếp theo, vận may lại tiếp tục không mỉm cười với Tập Cận Bình. Ông đã không vượt qua được 50% số phiếu cần thiết cho cuộc bầu cử bình đẳng vào Quốc hội Nhân dân Hạ Môn. Sau đó, ông bị cho thuyên chuyển công tác tới một quận khác ở Phúc Kiến. 
Ngày 26 tháng 6 năm 1988, Tập Cận Bình được điều tới giữ chức Bí thư Quận ủy Ninh Đức, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu Ninh Đức. Dù được đánh giá là vùng “tụt hậu nhất Phúc Kiến về phát triển kinh tế”, nhưng Ninh Đức vẫn phát triển hơn Chính Định. Nhận ra cần phải áp dụng phương thức tiếp cận khác đối với hệ thống quyền lực ở những khu vực ven biển giàu có, ông đã đưa ra một vài chiến lược mới. Thời điểm ấy, tham nhũng đang trở thành một vấn đề nhức nhối tại nhiều nơi khắp Trung Quốc, đặc biệt là ở Ninh Đức. Nhiều cán bộ Đảng đã ngang nhiên cậy quyền để chiếm đoạt đất đai trái phép, thông đồng với các hệ thống tài chính tư nhân để trục lợi từ người dân, khiến quần chúng vô cùng bất mãn. Nắm bắt được tình hình này, nên ngay khi vừa nhậm chức, Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến dịch thanh trừ các thanh phần tham nhũng. Kết quả là hơn 400 quan chức bị xử phạt ở nhiều cấp độ khác nhau do liên quan tới các hành vi tham nhũng. Nhờ chiến dịch được ví von là “bàn tay thép” này, danh tiếng của ông Tập trong dư luận và giới chính trị một lần nữa nổi lên trở lại.
Ngày 4 tháng 6 năm 1989, sự kiện Thiên An Môn diễn ra tại Bức Kinh. Tuy nằm cách rất xa điểm nóng nhưng tinh thần phản kháng của giới trí thức tại Phúc Kiến cũng vẫn rất mạnh mẽ. Một lượng lớn sinh viên của Đại học Ôn Châu đã cố gắng phát động một cuộc biểu tình tại Ninh Đức. Nhận được tinh tình báo, Tập Cận Bình đã ra lệnh quân đội và cảnh sát thiết lập vành đai bảo vệ, ngăn chặn các đoàn biểu tình của những sinh viên này trước khi họ có thể từ thành phố Phúc Đỉnh tiến vào thành phố Ninh Đức. Tuy chủ trương thuyết phục các đoàn biểu tình bỏ cuộc nhưng ông Tập cũng ra lệnh tịch thu và phá hủy công cụ biểu tình của họ, sẵn sàng dùng bạo lực cưỡng chế nếu họ không chấp thuận. May mắn thay, đã không có cuộc bạo động nào xảy ra ở Ninh Đức. Một lần nữa, sự tín nhiệm của nhân dân Ninh Đức và các khu vực lân cận với ông lại tăng cao.
Nhờ những thành tích trong thời gian làm việc ở Ninh Đức, cũng như sự nỗ lực gây dựng các mối quan hệ với giới quan chức địa phương, ngày 21 tháng 6 năm 1990, Tập Cận Bình được thăng lên làm Bí thư Thành ủy Phúc Châu, Bí thư Thành ủy Trung Quốc, Giám đốc Thường vụ Quốc hội Nhân dân thành phố, đồng thời giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Nghề Mân Giang. Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Phúc Châu của mình, ông đã có những đóng góp tích cực đến sự phát triển của tỉnh Phúc Kiến như cho xây dựng sân bay quốc tế Trường Lạc, xây dựng đường cao tốc Phúc Châu - Hạ Môn, phát triển Khu cảng mới Mã Vĩ và tiến cử đầu tư cho hơn 600 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (đáng ngạc nhiên là hơn một nửa số lượng doanh nghiệp đó do Đài Loan tài trợ chiếm tới 50%). Đồng thời, Dự án Phúc Châu 3820 do ông khởi xướng đã được quy hoạch nhằm định vị Phúc Châu là một đô thị quốc tế, tạo một cầu nối giao thông giữa hai thành phố trọng điểm khác là Quảng Châu và Thượng Hải, tham vọng hình thành một “tam giác vàng” kinh tế phía Nam Trung Quốc. Tới nay, dự án này vẫn đang được tiếp tục thực hiện và hoàn thiện.
Trong thời gian nắm quyền ở Phúc Châu, con gái đầu lòng của Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch chào đời. Theo các thông tin ít ỏi được công bố chính thức về con gái của ông, cô được sinh vào ngày 25 tháng 6 năm 1992 tại Bệnh viện Sản nhi Phúc Châu. Một số nguồn tin nói rằng cái tên “Minh Trạch” là do cha ông, Tập Trọng Huân đặt cho cháu gái, mang hàm ý là “thiên hạ được khai sáng, ân huệ tỏa khắp mọi chúng sinh”, đồng thời cũng ngụ ý “hãy làm người trong sạch, có ích với xã hội”. Và dường như là một người khá cởi mở trong tư tưởng nên ông Tập không đặt nặng vấn đề phải sinh con trai nối dõi tông đường. Do đó, sau đứa con gái duy nhất này, gia đình ông Tập đến nay vẫn chưa chào đón thêm thành viên mới nào nữa.
Tập Cận Bình và Bành Lệ Viện năm 1989
Tập Cận Bình và Bành Lệ Viện năm 1989
3 năm đầu tiên tại Phúc Châu của ông Tập khép lại trong sự thành công mỹ mãn. Nền kinh tế của thành phố đã có những bước tiến lớn đáng kinh ngạc dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của ông. Theo tờ Nhân dân Nhật báo công bố, GDP trung bình hàng năm của Phúc Châu giai đoạn này vượt quá 20%. Đặc biệt nhất phải kể đến đó là việc ông đã xúc tiến mạnh mẽ cho sự giao thương giữa nền kinh tế nhà nước của đại lục với các doanh nghiệp Đài Loan. Những lãnh đạo thế hệ trước đều có cái nhìn nghi ngại và dè chừng khi nhắc tới Đài Loan, nhưng ông Tập thì lại khác. Ông nhìn ra được tiềm năng to lớn mà cái bắt tay với Đài Loan có thể mang lại cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Có lẽ, đây chính là điểm khác biệt trong góc nhìn giữa ông và những thế hệ đi trước: một tư tưởng hiện đại hơn, thực dụng hơn, hướng về giá trị kinh tế lâu dài hơn.
Năm 1993, Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy Phúc Châu đồng thời trở thành Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Phúc Kiến, Giám đốc Thường vụ Quốc hội thành phố Phúc Châu, Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân khu Phúc Châu. Vào thời gian này, người ta bắt đầu nhận thấy vây cánh tại Phúc Châu của ông bắt đầu hình thành (và dĩ nhiên, còn phát triển và duy trì mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay).
Năm 1995, khi sự kiện Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ ba diễn ra. Do Phúc Châu dù cách xa Eo biển Đài Loan nhưng vẫn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của sự kiện này, nên các kế hoạch của Tập Cận Bình cũng gặp phải đôi chút xáo trộn. Đáng kể nhất phải nói tới là Dự án Phúc Châu 3820 đã bị trì hoãn cũng như nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn từ Đài Loan tạm thời tê liệt. Dù vậy, hành trình thăng tiến của ông Tập cũng không phải nhận bất cứ bước lùi lớn nào. Ngày 9 tháng 5 năm 1996, hai tháng sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc, ông nhậm chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Đảng Cộng sản Trung Quốc và không còn giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Phúc Châu cũng như Hiệu trưởng Trường Đại học Dạy nghề Mân Giang.
Tháng 9 năm 1997, Đại hội XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra. Lần đầu tiên Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, trong số 151 thành viên dự khuyết của Ủy ban trung ương được bầu trong đợt đó, ông trở nên nổi bật khi đã nhận được số phiếu bầu ít nhất, đặt ông xếp vị trí cuối cùng trong xếp hạng các thành viên. Một phần lí do cho điều này là bởi phong trào tẩy chay các “hạt giống đỏ” đang lan rộng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một phần khác là bởi ông Tập khi này cũng không phải là một nhân vật quá nổi bật trong giới chính khách lẫn công chúng (thậm chí, người ta cho rằng trước khi ông lên nắm vai trò Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì vợ ông còn nổi tiếng hơn cả ông). Cũng vì thế, giới chính trị khi ấy nhìn nhận vai trò của ông chỉ là một nhân vật “tập ấm”, “vé vớt” chứ chưa thực sự có quyền lực chính trị nào tại trung ương.
Năm 1998, Tập Cận Bình theo học lớp cao học về Lý thuyết Marxist và Giáo dục Chính trị-Tư tưởng tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Thanh Hoa. Đây là một sự bổ sung đáng giá cho kinh nghiệm cũng như học vấn của ông, vì thực sự ngoài những đúc kết từ thực tiễn ra thì kiến thức hóa học thời đại học không hỗ trợ được ông nhiều trên con đường chính trị. Việc học được diễn ra đồng thời trong quá trình công tác của ông nên trên thực tế ông vẫn luôn có mặt tại Chiết Giang để đảm bảo và mở rộng quyền lực của mình.
Ngày 9 tháng 8 năm 1999, Tập Cận Bình nhậm chức Phó Tỉnh trưởng và Quyền Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Phúc Kiến. Đến ngày 27 tháng 1 năm 2000, ông lại được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến. Trong thời gian này, ông đã hỗ trợ chính quyền trung ương xử lý vụ trọng án buôn lậu “Viễn Hoa án" tại Hạ Môn, dưới sự giám sát của Thủ tướng đương nhiệm Chu Dung Cơ. Sự tận tâm của ông trong sự việc đã được hết mực khen ngợi bởi nhiều phe phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ.
Năm 2002, Tập Cận Bình rời Phúc Kiến để đảm nhiệm những vị trí công tác chính trị ở tỉnh Chiết Giang, chính thức kết thúc quãng thời gian làm việc ở đây. Trước khi rời đi, ông Tập đã để lại một di sản to lớn đối với nơi này: thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nhân kiểu mẫu. Đồng thời, suốt 17 năm làm việc tại đây, ông Tập cũng đã gây dựng thành công cho mình một lực lượng hậu thuẫn lớn mạnh tại địa phương. Và càng đáng ngạc nhiên hơn khi sau này chính phủ Trung Quốc xác nhận rằng dù đã làm việc ở Phúc Kiến nhiều năm, nhưng ông Tập lại không hề thành thạo phương ngữ Phúc Kiến. Dù vậy, ông vẫn trở thành bạn thân của nhiều nhà lãnh đạo tại nơi đây. Thế mới thấy, khả năng chính trị của ông quả thực không thể xem thường, báo hiệu với giới chính trị Trung Quốc rằng có một ngôi sao mới chuẩn bị nổi lên trong tương lai không xa.

SỰ NGHIỆP TẠI CHIẾT GIANG

Ngày 12 tháng 10 năm 2002, Tập Cận Bình được bổ nhiệm giữ chức Phó Tỉnh trưởng và Quyền Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Chiết Giang. Cũng khoảng thời gian này, với đề tài luận án "Nghiên cứu về Thị trường Nông thôn", ông thành công nhận bằng tiến sĩ về luật, tăng thêm phần danh giá cho học vị của mình.
Trong thời gian nắm quyền tại Chiết Giang, Tập Cận Bình nhanh chóng nắm bắt được xu hướng thúc đẩy việc thành lập chi bộ Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân do Giang Trạch Dân khởi xướng. Đây là một phần trong ý tưởng cốt lõi của Giang Trạch Dân nhằm đưa doanh nghiệp liên hệ mật thiết với Đảng hơn. Dựa trên tinh thần đó, Tập Cận Bình đã giao những vị trí không chính thức cho các doanh nhân, cho phép một số người trở thành đại biểu quốc hội nhân dân địa phương, vị trí mà họ vô cùng thèm muốn. Ông cũng thận trọng ủng hộ các cải cách chính trị quy mô nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, nơi các thử nghiệm dân chủ đang nổi lên ở cấp cơ sở.
Khi được báo cáo về một mô hình dân chủ thử nghiệm mới cho phép thành lập các tổ đội nhân dân giám sát hoạt động của lãnh đạo, Tập Cận Bình Ông đã lập tức ban hành một số chỉ thị quan trọng giúp duy trì và phát triển dự án thí điểm này. Hệ thống kể trên sau đó đã được Trường Đảng Trung ương hết lời khen ngợi và cho phép mở rộng hoạt động này trên toàn tỉnh Chiết Giang (đồng thời sắp xếp bổ sung các cơ chế kiểm soát để tránh mô hình này đi lệch khỏi dự định ban đầu).
Ngoài việc thí điểm các cải cách chính trị, Tập Cận Bình trong thời gian này cũng không ngừng thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Chiết Giang và các tỉnh nội địa nghèo hơn. Ông đã đại diện cho một nhóm doanh nhân Chiết Giang giàu có đến gặp gỡ các quan chức các tỉnh lân cận phía Tây với những lời đề nghị hấp dẫn. Chẳng mấy chốc, ông và giành được sự ưu ái của cả giới doanh nhân lẫn các lãnh đạo địa phương.
Tại Đại hội toàn quốc XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào tháng 11 năm 2002, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương lần đầu tiên. Và cũng trong dịp này, Trương Đức Giang, Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang đương thời đã được thăng chức làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC và được chuyển về Quảng Đông công tác. Nhớ đó, Tập Cận Bình được đôn lên ghế Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang vừa mới để trống kia.
Ngày 22 tháng 1 năm 2003, ông được chỉ định làm Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Chiết Giang. Trong nhiệm kỳ, ông vẫn tiếp tục thói quen trước đây là tiến hành thanh tra và giám sát cấp dưới ở nhiều nơi, đồng thời đề xuất “Chiến lược tám-tám" và "Năm dự án mười tỷ”. Những dự án này đặt trọng tâm vào sự phát triển sinh kế của người dân và điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường dòng vốn tư nhân. Kết quả thu được rất xứng đáng: tốc độ phát triển trung bình của Chiết Giang đạt con số 14% mỗi năm. Năm 2006, bình quân GDP của cư dân thành thị tỉnh Chiết Giang vượt quá 18.000 nhân dân tệ và thu nhập bình quân đầu người của nông dân vượt quá 7.000 nhân dân tệ, đứng đầu trong số các tỉnh và khu vực ở Trung Quốc.
Có thể nói, sự nghiệp của ông ở Chiết Giang được đánh dấu với một thái độ nghiêm khắc và thẳng thắn, cũng như tích cực thực hiện các cải cách và sẵn sàng dám thử những chiến lược chưa ai nghĩ tới. Điều đó đã làm cho ông có danh tiếng ở trên truyền thông quốc gia và đã thu hút sự chú ý của những lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

SỰ NGHIỆP TẠI THƯỢNG HẢI

Vào tháng 9 năm 2006, Bí thư Thượng Hải đương thời là Trần Lương Vũ bị cách chức do liên quan đến một vụ bê bối quỹ an ninh xã hội. Người được đưa vào tầm nhắm của các lãnh đạo cấp cao nhằm thay thế người này, không ai khác, chính là Tập Cận Bình. Nhờ danh tiếng về những lần thực hiện thanh trừ tham nhũng trước đây, cuối cùng thì ông Tập cũng đã được lựa chọn.
Ngày 24 tháng 3 năm 2007, Tập Cận Bình được chuyển sang giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 20 tháng 6 cùng năm, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quận Từ Hối, Thượng Hải lần thứ tư, ông Tập đã được bầu chọn làm đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Thượng Hải lần thứ XII. Ngày 29/1/2008, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XI tại kỳ họp đầu tiên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XIII ở Thượng Hải.
Thượng Hải là cơ sở quyền lực của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, những vị lãnh đạo lão thành của thế hệ trước. Vậy nên có thể nói là may mắn đã mỉm cười với Tập Cận Bình. Chỉ cần để lại ấn tượng tốt trong thời gian công tác tại đây thì một vị trí ở trung ương không phải là viễn cảnh quá xa vời. Vì thế, dù chỉ ở Thượng Hải trong khoảng hơn nửa năm, Tập Cận Bình cũng đã nỗ lực để tạo ra đóng góp đáng kể. Theo các nguồn thông tin của chính phủ Trung Quốc, ông đã hạn chế các mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền địa phương và tuyệt đối tuân theo kỉ luật Đảng để làm gương cho các đồng chí khác.
Về thành tích thứ nhất, khi ở Thượng Hải, ông đã ra sức củng cố sự thống nhất nội bộ Đảng tại địa phương. Ông ra sức hạ thấp tác động tiêu cực của vụ bê bối không lâu trước đó bằng cách cam kết sẽ không xảy ra “thanh trừng” trong thời gian ông nắm quyền, mặc dù thực tế có nhiều quan chức địa phương bị cho là bị liên can trong vụ án tham nhũng của Trần Lương Vũ.
Về thành tích thứ hai, đối với hầu hết các vấn đề lớn, Tập Cận Bình đã thực hiện một cách nghiêm ngặt đường lối của lãnh đạo trung ương. Một ví dụ điển hình cho việc tuân thủ các nguyên tắc đó là khi một số lãnh đạo Thượng Hải, trong nỗ lực để nhận được sự chiếu cố từ ông đã sắp đặt một chuyến tàu cao cấp đặc biệt để ông có thể tới Hàng Châu bàn giao công việc cho người kế nhiệm ở Chiết Giang. Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã từ chối đi chuyến tàu này vì “những chuyến tàu đặc biệt chỉ để dành riêng cho những lãnh đạo cấp quốc gia", dù rằng đây chỉ là một luật bất thành văn.
Có thể nói, cách tiếp cận ôn hòa này đã giúp ích rất nhiều cho ông trong nhiều thập kỷ về sau khi đã nhận được một sự tán dương to lớn tới từ giới lãnh đạo Thượng Hải.

TIẾN VỀ BẮC KINH

Ngày 22 tháng 10 năm 2007, Phiên họp toàn thể thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII được tổ chức. Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, chính thức trở lại Bắc Kinh sau 27 năm. Cũng từ đây, con đường quan lộ của ông không ngừng thăng tiến như diều gặp gió.
Ngày 22 tháng 12 cùng năm, Tập Cận Bình tiếp quản chức vụ Hiệu trưởng Trường Đảng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Tăng Khánh Hồng, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Kể từ khi chuyển đến trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã tăng cường lập trường lâu nay của mình với tư cách là một người có tinh thần đồng đội. Trong vai trò là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông đã đặt ưu tiên cao cho việc giáo dục chính trị và đạo đức dựa trên Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông, một xu hướng được hồi sinh trong bộ máy quan liêu của Trung Quốc giai đoạn này.
Sang tới năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã bắt đầu lan rộng tới cả Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ hệ thống kinh tế phát triển trước đó mà Trung Quốc đã chịu tương đối ít thiệt hại so với mặt bằng chung của thế giới, thậm chí còn được ca ngợi là “miễn nhiễm trước tác động này”. Một lần nữa, vai trò của ông Tập ít nhiều được đề cập, thông qua những tuyên bố vững chắc vào hệ tư tưởng Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Mao Trạch Đông của giới cầm quyền Trung Quốc khi ấy.
Ngày 15 tháng 3 năm 2008, tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XI, Tập Cận Bình trở thành Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông được phân công làm Tổng Chỉ huy công tác tổ chức Olympic Bắc Kinh khai mạc lúc 8 giờ 8 phút tối ngày 8 tháng 8 năm 2008.
Thế vận hội đầu tiên của Bắc Kinh tượng trưng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một quốc gia hiện đại thịnh vượng và một cường quốc. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải lựa chọn rất kĩ lưỡng một người không chỉ có tầm mà còn phải có tâm để tham gia tỏ chức và giám sát sự kiện lần này. Để nói thêm, có lẽ đây là điển hình cho trường hợp việc chọn người chứ không phải ngược lại. Vốn dĩ, Tập Cận Bình là một người rất yêu thể thao, đặc biệt là bóng đá. Do đó, khi được giao cho trọng trách nói trên, ông đã vô cùng tâm huyết trong mọi khâu tổ chức của kỳ thế vận hội lần này.
Olympic Bắc Kinh 2008 sau đó diễn ra tốt đẹp, giúp danh tiếng của ông Tập được truyền thông đại chúng biết tới nhiều hơn.

TIẾNG VANG ĐẦU TIÊN NƠI PHƯƠNG TÂY

Cùng với sự phổ biến của hình ảnh, Tập Cận Bình cũng dần được phương Tây chú ý đến. Chẳng mất thời gian để các chính khách phương Tây nhận ra rằng đây rất có thể sẽ là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong tương lai, trực tiếp ảnh hưởng tới mối quan hệ Đông-Tây trên bàn cờ thế giới.
Cho đến tận bây giờ, thái độ thực sự của Tập Cận Bình đối với phương Tây vẫn khó dự đoán. Vào ngày 11 tháng 2 năm 2009, khi đến thăm Mexico với tư cách là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình đã gặp Hoa kiều ở đó. Khi được phỏng vấn về sự đi lên thần kì của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm ngoái, ông đã có bài phát biểu ngẫu hứng: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu Cách mạng; thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ ba, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".
Tuyên bố này đã gây ra một làn sóng tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc nói riêng và quốc tế nói chung. Nhiều người cho rằng việc ông Tập phát ngôn trên “sân sau” của Mỹ như là một lời thách thức trực tiếp tới phương Tây. Nhiều người Trung Quốc, vốn đã bất bình trước chủ trương mềm mỏng, ôn hòa của Chủ tịch nước đương nhiệm Hồ Cẩm Đào, đã lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, phần đông lại bày tỏ thái độ phản đối khi lo ngại rằng những phát ngôn này sẽ khiến một cuộc chiến tranh lạnh sẽ nổ ra hoặc tệ hơn nữa. Và kết quả là hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc đã phải vào cuộc. Những chia sẻ, bình phẩm và thậm chí là cả đoạn clip phỏng vấn ông Tập cũng đều bị xóa một cách triệt để tại đại lục, nhưng không thể ngăn cản sự phổ biến của chúng trên Internet các quốc gia khác. Rất may cho ông Tập khi sau đó những phát ngôn này của ông đã không dẫn tới hệ lụy đáng tiếc nào cho bản thân ông nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Tập Cận Bình và nguyên Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 2009
Tập Cận Bình và nguyên Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 2009

QUYỀN LỰC TỐI CAO - NHIỆM KỲ THỨ NHẤT

Ngày 18 tháng 10 năm 2010, Phiên họp toàn thể lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII đã quyết định bổ sung Tập Cận Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó cũng gần như đồng nghĩa với việc ông đã chính thức trở thành một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo tối cao trong tương lai. Nhờ sự hậu thuẫn của các thế lực địa phương cũng như uy tín của bản thân, ngày ngày 28 tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại tiếp tục bỏ phiếu bổ nhiệm Tập Cận Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Quốc gia. Có thể nói, tại thời điểm này, ông Tập đã có một vị trí vững chắc không thể lay chuyển tại trung ương Trung Quốc.
Tới cuối tháng 11 cùng năm, một loạt các bức điện ngoại giao của Mỹ của đã được hacker đăng tải lên WikiLeaks. Rất nhiều trong số đó mang nội dung khẳng định rằng Tập Cận Bình “đã muốn vào vị trí lãnh đạo trung ương ngay từ đầu” nên ông đã hành động thận trọng và âm thầm. Một số bức điện báo mô tả ông là người có cảm tình với văn hóa phương Tây. Theo đó, ông Tập từng nói với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong một bữa tối rằng ông thích các bộ phim Hollywood về Thế chiến II và đánh giá cao quan điểm của Mỹ về thiện và ác. Ông chỉ trích đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, nói rằng  một số đạo diễn phim Trung Quốc đã phớt lờ những giá trị mà họ phải đề cao. Nhưng cũng theo một số bức điện báo khác, rõ ràng ông không phải là một "Gorbachev của Trung Quốc" vì thiếu quan tâm đến cải cách dân chủ. Một số bức điện cũng chỉ ra rằng Tập Cận Bình tin rằng các “hạt giống đỏ” là "những người thừa kế hợp pháp" của Cách mạng Cộng sản và tin rằng chỉ có nền chính trị tinh hoa mới có thể duy trì được ổn định xã hội và đưa Trung Quốc tới thịnh vượng.
Ngày 15 tháng 11 năm 2012, tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII, dưới sự hậu thuẫn của nhiều quan chức cộng sản khác, Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư mới của Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ thứ nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lãnh đạo tối cao của đất nước từ bỏ hai chức vụ quyền lực cao nhất là Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy cùng lúc. Sự kiện này được gọi là “sự ra về trần trụi” của Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình ca ngợi “Việc Hồ Cẩm Đào đi đầu trong việc rời bỏ các vị trí lãnh đạo như một dấu hiệu của sự chính trực”, đánh dấu sự hoàn thiện hơn nữa của việc bãi bỏ chế độ đảm nhiệm trọn đời đối với các vị trí lãnh đạo cán bộ.
Ngày 14 tháng 3 năm 2013, tại kỳ họp đầu tiên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XII, Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Quân ủy Nhà nước, trở thành nguyên thủ quốc gia đại diện cho biểu tượng quốc gia. Sau Phiên họp toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII, chức danh chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự nắm quyền của Tập Cận Bình là “Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt”, tượng trưng cho việc Tập Cận Bình được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức thành lập với tư cách là nòng cốt của nhóm lãnh đạo trung ương. Ngay khi nắm trong tay quyền lực tối cao, Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt các cải cách trên nhiều phương diện khác nhau, từ thượng tầng tới hạ tầng, từ kinh tế, văn hóa, chính trị, an sinh xã hội, môi trường...
Về phương diện điều hành, ông đã tìm cách thâu tóm quyền lực cho bản thân và hạ thấp sức ảnh hưởng của các phe phái khác trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông thành lập nhiều tập đoàn, ủy ban lãnh đạo trong Đảng đồng thời trực tiếp nắm nhiều chức vụ quan trọng, làm suy yếu quyền lực của Quốc vụ viện. Ông cũng loại bỏ quyền quyết định kinh tế khỏi tay Hội đồng Nhà nước và giữ cho mình đặc quyền đưa ra quyết định sau cùng về các chính sách kinh tế quan trọng.
Về phương diện kinh tế, Khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải đã được triển khai và biện pháp này sau đó được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả Trung Quốc. Đồng thời, ông Tập cũng thúc đẩy cải cách sâu rộng hệ thống quản lý và thu thuế quốc gia và địa phương, tích hợp và thiết lập hệ thống thuế mới, chấm dứt sự tách biệt giữa các cơ quan thuế quốc gia và địa phương do cải cách chia sẻ thuế năm 1994.
Về mặt phát triển khu vực, các sáng kiến ​​kinh tế khu vực như hội nhập Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Vành đai kinh tế sông Dương Tử và Khu vực vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao đã được đề xuất.
Về mặt tư pháp, ông Tập cho bãi bỏ hệ thống cải tạo lao động và thành lập nhiều tòa án chuyên trách. Đặc biệt, Tòa án Internet Hàng Châu là tòa án đầu tiên trên thế giới được thành lập để xét xử các vụ án liên quan tới tội phạm Internet.
Về mặt an sinh xã hội, Luật Kế hoạch hóa gia đình đã được sửa đổi và chính sách hai con toàn diện được thực hiện nhằm đảm bảo chống lại nguy cơ già hóa dân số.
Về mặt quân sự, Tập Cận Bình chủ trương đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu và tình hình hiện tại của Trung Quốc.
Về mặt môi trường, những chính sách bảo vệ môi trường, giảm lượng xả thải được ông Tập đưa vào thực hiện. Bản thân ông đã nhiều lần nhấn mạnh với công chúng rằng “nước trong vắt và núi non tươi tốt là tài sản vô giá” và “con người và thiên nhiên phải cùng tồn tại hài hòa”.
Về công tác giám sát, chiến dịch phòng, chống tham nhũng được mở rộng nhanh chóng, nhiều vụ tham nhũng ở nhiều nơi khắp Trung Quốc được điều tra, xử lý quyết liệt, số lượng lớn cán bộ liên quan đến tham nhũng các cấp, trong đó có lãnh đạo, phó lãnh đạo quốc gia đương nhiệm, nguyên lãnh đạo quốc gia, đã bị điều tra, chịu trách nhiệm và bị kết án.
Ở khía cạnh quốc tế và khu vực, sáng kiến ​​hợp tác "Một vành đai, Một con đường" và khái niệm "Cộng đồng nhân loại chia sẻ chung tương lai" đã được đề xuất và đề xuất thực hiện, trong đó Trung Quốc được đặt trong vị thế “nước lớn”. Chính sách này cũng thúc đẩy việc thành lập các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, nhằm nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc…
Kết quả của các cải cách này trong suốt nhiệm kì thứ nhất của Tập Cận Bình gây ra nhiều tranh cãi khi một số cải cách đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định, trong khi một số khác thì mang đến những tiêu cực tồn tại lâu dài trong lòng xã hội Trung Quốc, đặt ra những nghi vấn về khả năng lãnh đạo của ông. Dư luận quốc tế thì lên tiếng quan ngại về một nguy cơ Trung Quốc bị lãnh đạo bởi một nhà độc tài trong tương lai khi các động thái của ông Tập đều vẽ ra viễn cảnh về một chính quyền xoay quanh một lãnh tụ quyền lực duy nhất.
Tập Cận Bình và Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống năm 2011
Tập Cận Bình và Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống năm 2011

QUYỀN LỰC TỐI CAO - NHIỆM KỲ THỨ HAI

Tháng 10 năm 2017, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX, đồng thời nhất trí bỏ phiếu đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào trong “Hiến pháp”. Như vậy, Tập Cận Bình đã vinh dự trở thành một hệ tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX tổ chức ngày 25 tháng 10 năm 2017, ông đã được nhất trí tái bầu làm Tổng Bí thư Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Vào ngày 17 tháng 3 năm 2018, Tập Cận Bình đã được nhất trí tái đắc cử làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại phiên họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ XIII.
Một trong những động thái đầu tiên của ông sau khi tái đắc cử, đó là tiếp tục củng cố và thâu tóm quyền lực cho bản thân. Tu chính án Hiến pháp do ông đề xuất đã nhanh chóng được thông qua, bao gồm tổng cộng 21 điều, trong đó đáng chú ý là việc thành lập cơ quan giám sát quốc gia và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm trong nước và quốc tế. Dư luận bắt đầu có những phản ứng tiêu cực với điều luật mới này, lo sợ rằng động thái này của ông Tập là một dấu hiệu cho thấy tham vọng độc tài của nhà lãnh đạo tối cao đang được thể hiện rõ hơn một cách trắng trợn.
Về công tác Đảng, tất cả các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phải báo cáo công việc của mình với Tổng Bí thư mỗi năm một lần. Trong suốt nhiệm kì thứ hai của mình, Tập Cận Bình cũng đã nhiều lần nhắc lại các khẩu hiệu từ thời Mao Trạch Đông “Đảng lãnh đạo mọi sự” và “Đảng, chính quyền, quân sự, dân sự, khoa học, đông, tây, nam, bắc, trung ương, Đảng lãnh đạo mọi việc”. Sau đó, các khẩu hiệu mang nặng tính tuyên truyền này đã được ghi vào Điều lệ Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2021, Phiên họp toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, ông Tập đã chính thức đề xuất lý thuyết “Hai cơ sở và hai biện pháp bảo vệ” của mình. Theo đó, hai cơ sở là “xây dựng vị thế của Đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân của Trung ương Đảng và của toàn Đảng”, “xây dựng vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” và hai biện pháp bảo vệ là “bảo vệ địa vị ‘cốt lõi’ của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Đảng”, “bảo vệ quyền lực tập trung của Đảng”. Vào tháng 10 năm 2022, những lý thuyết trên đã được ghi vào điều lệ Đảng sửa đổi.
Về tài chính, kinh tế, Tập Cận Bình đề xuất xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam và triển khai Ban đổi mới khoa học công nghệ và hệ thống đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ngoài ra, Cục An ninh Y tế Quốc gia được thành lập để thúc đẩy cải cách hệ thống bảo hiểm y tế.
Về giáo dục, chính sách giảm kép (giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà và gánh nặng đào tạo ngoài trường) được áp dụng hệ thống giáo dục bắt buộc nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đại học phù hợp cho việc phát triển bản thân của học sinh, sinh viên.
Về an sinh xã hội, Tập Cận Bình chủ trương xóa đói giảm nghèo. Tính đến tháng 11 năm 2020, tất cả các quận nghèo trên cả nước Trung Quốc đều tuyên bố thoát nghèo. Ngày 25 tháng 2 năm 2021, Tập Cận Bình tuyên bố “đã đạt được những thành tựu lịch sử to lớn trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo tuyệt đối đã dày vò dân tộc Trung Quốc hàng nghìn năm qua, tạo nên kỳ tích trong lịch sử xóa đói giảm nghèo của nhân loại”.
Về mặt quân sự, kể từ sau căng thẳng ở Eo biển Đài Loan năm 2019 và xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 2020, nhu cầu về quân sự của Trung Quốc được gia tăng. Do đó, Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc khác đã chủ trương bổ sung lực lượng chiến đấu và nâng cấp trang thiết bị hiện đại hơn nữa.
Về mặt giám sát, các hoạt động chống tham nhũng quy mô lớn vẫn tiếp tục và thứ hạng toàn cầu của Trung Quốc về Chỉ số nhận thức tham nhũng đã tăng từ hạng 87 năm 2018 lên hạng 66 vào năm 2022.
Về công tác y tế, dịch viêm phổi do virus Corona mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán vào tháng 1 năm 2020. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng áp dụng một loạt biện pháp như phong tỏa trên khắp cả nước nhằm kiểm soát dịch. Ông Tập tuyên bố chủ trương sẵn sàng “hi sinh kinh tế và thiểu số”  để “đảm bảo an toàn cho đa số”. Tuy nhiên, sự lây nhiễm vẫn không ngừng gia tăng và cùng với đó, những người bị buộc phải bị cách ly xã hội trong thời gian dài cũng dần cảm thấy bất mãn với cách giải quyết kém hiệu quả của chính quyền. Điều này kéo theo sự bất mãn của dư luận đối với ông Tập dần được đẩy lên cao trong suốt thời gian bùng phát đại dịch và cả về sau này. Một số cuộc biểu tình đã nổ ra khiến uy tín của ông Tập bị tổn hại nặng nề.
Trên mặt trận quốc tế và ngoại giao, sau chính quyền Trump đã phát động cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vào tháng 3 năm 2018, quan hệ Trung-Mỹ trở nên xấu đi. Sau khi cuộc chiến toàn diện giữa Nga-Ukraine nổ ra, Tập Cận Bình đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và nói rõ rằng ông phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhấn mạnh rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng hay chiến đấu được. Vào tháng 4 năm 2022, Tập Cận Bình công bố “Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu”. Sáng kiến ​​này liên quan đến các nguyên tắc đối ngoại của Trung Quốc. Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 năm 2022, Tập Cận Bình đã tham dự Cuộc họp lần thứ 22 của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tổ chức tại Samarkand và có chuyến thăm cấp nhà nước tới Uzbekistan và Kazakhstan.

QUYỀN LỰC TỐI CAO - NHIỆM KỲ THỨ BA

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022, Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất thúc đẩy công cuộc phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Quốc thông qua “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Sau đó, bất chấp nhiều làn sóng chỉ trích của dư luận, ông vẫn thành công đắc cử vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XX và được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của bản thân. Đáng chú ý, kể từ sau thời kỳ cải cách và mở cửa, ông Tập là lãnh đạo lớn đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc phá vỡ truyền thống “hai nhiệm kỳ” của các lãnh đạo đi trước. Đồng thời, những người khác có quan hệ mật thiết với Tập Cận Bình đều đã được cất nhắc vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 10 tháng 3 năm 2023, Tập Cận Bình được bầu lại làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Quốc gia tại kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ mười bốn.

MỘT VÀI ĐÁNH GIÁ

Với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, Tập Cận Bình nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ nhiều khía cạnh. Ông Tập Cận Bình nhiều lần được chọn vào "Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới" và được cho là nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách nhất sau Đặng Tiểu Bình, thể hiện sự tự tin với phong cách kiên định của mình. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Huntsman, người viết bài cho tờ Time năm 2014, nói rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhiều chuyển biến nhất kể từ Đặng Tiểu Bình; ông cũng tin rằng Tập Cận Bình sẽ đại diện cho Trung Quốc và trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự đầu tiên. The Economist cho biết trước Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng Tập Cận Bình có ảnh hưởng lớn hơn đến các vấn đề toàn cầu so với tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Vào năm 2014, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng ca ngợi Tập Cận Bình là “thực dụng và khai sáng hơn” và tin rằng Trung Quốc đã tạo ra một kỷ nguyên mới sau khi Tập Cận Bình nhậm chức. Ông cũng nói rằng Tập Cận Bình hy vọng tạo ra một xã hội hài hòa hơn so với thời kỳ của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và kiên quyết chống tham nhũng. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng chỉ ra rằng Tập Cận Bình rất dũng cảm và hành động của ông đã khiến ông có nhiều kẻ thù trong giới thượng tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2018, Tập Cận Bình được tạp chí Forbes xếp hạng đầu tiên trong số những người có ảnh hưởng nhất thế giới. Du Chính Thanh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, khẳng định ông Tập “có ý thức dân chủ và phong cách dân chủ mạnh mẽ”, “vượt xa mức độ dân chủ hóa mà tôi từng lắng nghe ý kiến ​​của nhóm”. 
Ban đầu, cách quản lý của Chính phủ do Tập Cận Bình lãnh đạo đã nhận được những đánh giá tích cực trong một thời gian và mức độ hài lòng nhìn chung đã được cải thiện. Tuy nhiên, càng về sau, dưới một loạt chính sách kiểm duyệt khắt khe, quan điểm về Tập Cận Bình cũng đang dần thay đổi, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa tự do trong nước và những người cộng sản trong đảng đã bị khai trừ khỏi Đảng vì chỉ trích những nhận xét của Tập Cận Bình và buộc phải di cư ra nước ngoài. Những lời chỉ trích của công chúng đối với Tập Cận Bình, cùng với những thay đổi trong tình cảm của công chúng Trung Quốc, cho thấy trong nội bộ Trung Quốc cũng có những luồng dư luận chỉ trích. Tuy nhiên, những ý kiến ​​này chủ yếu tập trung vào việc ông thiếu khoan dung trong khả năng quản lý, khiến người dân cảm thấy đang bị tước đoạt nhân quyền. Vào ngày 28 tháng 9 năm 2022, một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy ác cảm toàn cầu đối với Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn 19 năm cầm quyền của Tập Cận Bình.
Kể từ năm 2022, chính sách cách ly xã hội ép buộc của Tập Cận Bình nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí vụ Biểu tình cầu Tứ Thông  xảy ra ở Bắc Kinh ngay trước Đại hội toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất đã nổ ra trong nhiệm kỳ của ông và thậm chí là lớn nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989.