Bắt đầu từ một tiểu phẩm nhỏ đặc biệt của Gặp nhau cuối tuần, sau 17 số phát sóng thì đến nay Táo Quân đã trở thành một chương trình nổi tiếng và còn được tiếp tục ngay cả khi chương trình gốc của nó đã dừng phát sóng từ lâu, để trở thành một chương trình ăn khách như vậy, Táo quân đã từng phải trải qua rất nhiều sự thay đổi và biến động mà khó ai có thể tưởng tượng được. Và để có được sự trở lại như đêm 30 hàng năm, Táo quân đã phải làm được những điều mà khó ai có thể làm theo: trở thành một chương trình hài kịch chính luận "thâm thúy" và "nghiêm túc" nhất trong các chương trình hài kịch khác - là lý do để mỗi người đều trông mong "Tết đến, Xuân về" và cùng đón chờ màn chầu của các "Táo" qua từng năm. Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự lặp lại và đi vào lối mòn của Táo quân sau gần 18 số phát sóng đã khiến chúng ta phải tự hỏi: từ khi nào Táo quân lại trở thành một truyền thống bắt buộc phải có?

Không còn chất "Táo"

Với mục đích chính ban đầu là một chương trình hài kịch chính luận đề cập tới những vấn đề nóng hổi của thời sự qua từng năm, khán giả khi xem Táo quân sẽ có cơ hội được điểm lại và nhìn nhận về những vấn/quốc nạn mà đất nước đang gặp phải dưới tiếng cười sâu cay và đầy ẩn chứa thì nay Táo quân lại trở thành một công cụ để "tuyên truyền" cho mọi người. Vì sao lại nói là "tuyên truyền"? Đơn cử, chỉ cần lấy Táo quân năm 2021 - số phát sóng mới đêm 30 vừa qua là chúng ta sẽ thấy: Táo quân giờ đây chỉ có khen là chính, còn những điều cần được đề cập sâu hơn thì lại trở thành những thứ "nói tầm phào" cho qua chuyện. Nông nghiệp bết bát thất thu, tại sao Táo quân không nói? Đại hội Đảng và Hồ Duy Hải, Lê Đình Kình... tại sao Táo quân không nói? Hoặc đơn giản hơn, sự vô trách nhiệm của Vietnam Airlines và sự khốn khổ, đói nghèo của người dân trong đại dịch COVID-19,... tại sao Táo quân không nói? Vì nói là "đụng chạm", nói là "sờ gáy" nên không dám nói hay là vì ngoài con vi rút ấy ra thì không còn chuyện gì khác để nói? Thêm cả vậy, Táo quân cũng chỉ đề cập đến những tăng trưởng "dương", "tốt đẹp", sánh vai với các cường quốc năm châu, thế giới mà không nhìn nhận và suy xét lại về tính đúng đắn của những thành tích đó, hay thậm chí, nếu lôi Thiên đình ra làm biểu trưng, trong đợt lũ miền Trung mới đây thôi, nếu không phải vì Thiên đình, các Táo thích chặt cây làm thủy điện thì đâu có nên nỗi? Điều đó đã chứng tỏ rằng, Táo quân từ lâu đã không còn chất của "Táo" nữa mà thay vào đó chỉ là sự hời hợt, nông cạn trong đối thoại và tư tưởng của chương trình, khen cho có, nói cho xong, "nửa nạc nửa mỡ" ở đây còn là nói nhẹ với Táo quân, nếu "Táo kinh tế" chỉ biết khoe mẽ rằng kinh tế tăng trưởng vượt bậc 2,9% trong năm vừa qua, chúng ta cũng phải hỏi lại: 2,9% của một ngàn đồng thì có phải là nhiều không?


Đọc thêm:

Kịch bản, mô-típ cũ kĩ

Với mô-típ ban đầu là các Táo sẽ lên thiên đình và chầu Ngọc Hoàng để nói về những việc đã làm được trong năm vừa qua thì từ vài năm trở lại đây, Táo quân đã thay đổi "chút đỉnh" so với các năm trước (trong buổi chầu): thi trắc nghiệm, vòng quay trong sạch - tham nhũng, máy xét nghiệm tham nhũng - trong sạch, tranh giành ghế cao - ghế thấp hay Bắc Đẩu 4.0 để thanh lọc cán bộ và chống tham nhũng tốt hơn... Nhưng nếu để nói ra, tất cả các thay đổi trên cũng đều chỉ liên quan đến một chủ đề: tham nhũng. Khán giả cười vì quan chức, khán giả khóc cũng vì quan chức, nào là tranh giành ghế, đấu đá nhau... từ lâu Táo quân đã dần đi vào lối mòn vì phạm vi nội dung của nó chỉ quanh chuyện quan chức tham nhũng - người dân chịu khổ hay văn hóa tham nhũng - hối lộ tràn lan... tất cả đều như một liều thuốc để tiêm nhờn vào trong tâm thức của khán giả, rằng quan như vậy nó tham nhũng sẵn rồi, đâu có làm gì được, chỉ cười là chính, chứ suy nghĩ cũng chẳng giúp ích được gì. Tại sao lại có cái suy nghĩ như vậy thì cũng phải trách đến Ngọc Hoàng, bởi sau những màn tham nhũng và tấu hề lộ liễu "công khai", "trắng trợn" như thế, Ngọc Hoàng cũng chỉ kết thúc lại bằng vài câu nói qua loa cho xong chuyện và coi như là "huề cả làng", vậy thì từ đâu, Táo quân đã không còn cái ý nghĩa riêng của chính nó nữa? Cũng phải nói thêm, không chỉ chán từ trong mô-típ, kịch bản, Táo quân còn chán cả trong diễn viên và diễn xuất: một Ngọc Hoàng luôn nghiêm nghị, anh minh đến một Nam Tào cương trực và trung thành, một Bắc Đẩu luôn chua ngoa, "ái ái" rồi đến Vân Dung "lăn ra đất" mà tấu hài, Tự Long "hát là chính" hay Quang Thắng, Chí Trung ngốc nghếch, khờ khạo... qua nhiều lần diễn đi diễn lại như vậy, khán giả dường như đã bắt đầu quen và thậm chí là ngán ngẩm bởi những diễn xuất như dán vào mặt diễn viên để diễn vậy, kể cả cho dù ê-kíp có tự nhận thức được rằng đã đến lúc cần phải có sự thay đổi, nhưng vì sự bó hẹp trong nội dung và kịch bản nên cho dù những diễn viên mới được đưa vào nhưng với diễn xuất gượng gạo, thiếu đi sự dí dỏm và cái "hồn" cần có nên họ vẫn không thể bù lấp đi được dàn diễn viên gạo cội đã gắn bó với Táo quân suốt gần hai chục năm... điều đó cũng đã được tính là một sự thất bại cơ bản cho chương trình, bởi nếu những nghệ sĩ này không còn đủ khả năng để lên sân khấu trong tương lai nữa, chương trình hoặc là sẽ buộc phải dừng hẳn, hoặc là kéo dài lê thê hơn cả với những diễn viên khác... Hãy thử tưởng tượng, nếu các năm đều chỉ lặp lại về nội dung và diễn xuất cứ đều đều như vậy thì... Táo quân có còn hay?

Biến tướng, trở thành một biểu tượng và áp lực từ phía dư luận

Sự nổi tiếng của chương trình và sự quan tâm của khán giả dành cho qua từng năm đã vô tình biến Táo quân trở thành một biểu tượng trong văn hóa đại chúng, đồng thời cũng là một truyền thống "bắt buộc" phải có và là một điều không thể thiếu trong những dịp Tết, nhưng điều đó cũng đã khiến cho chương trình bị "biến tướng": vốn chỉ có thể dừng lại ở mức 10 năm, 15 năm là cùng, Táo quân nay lại trở thành một chương trình bị "nhào nặn" và giống như là "làm cho có" để phục vụ cho tiếng cười của khán giả, áp lực từ phía dư luận và truyền thông cũng là nguyên do khiến Táo quân ngày càng trở nên gượng ép và lỗi thời so với các chương trình Tết khác. Và vì sao lại có chuyện như vậy thì cũng phải đến từ sự đòi hỏi của khán giả khi họ luôn chỉ muốn Táo quân khi Tết đến mà không chịu và cũng không chấp nhận sự thay đổi (điển hình là format mới Gặp nhau cuối năm 2020) đã làm cho chất lượng của chương trình ngày càng sụt giảm đi nghiêm trọng, nếu năm nay Táo quân không hay, có người sẽ nói: "Kệ đi, Táo quân chỉ làm được có vậy thôi, đã có là tốt lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa?", vậy thì họ cũng phải biết rằng, chính lời nói của họ đã dung túng cho sự yếu kém ngày càng bộc lộ rõ của chương trình mà chính họ còn không hay biết. Nếu chúng ta chỉ chấp nhận chương trình làm ra là để cho "có không khí Tết", vậy thì Táo quân tồn tại có còn đúng với tinh thần ban đầu của chương trình không?

Kết

Cho dù chương trình còn tồn tại ra sao, thay đổi thế nào, Táo quân vẫn sẽ mãi là một món ăn tinh thần đặc biệt cho khán giả cho những dịp Tết quây quần bên gia đình trong suốt 18 năm vừa qua. Thế nhưng, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi, không chỉ là từ phía chương trình mà còn phải từ trong suy nghĩ, tư tưởng của khán giả và có hay chăng, nó cũng phải nằm một phần ở sự kiểm duyệt nữa... 

Nguyễn My
Mùng 1 Tết âm - 12 tháng 2 năm 2021