Tâm lý học sinh THCS: Một gợi ý về giải quyết khó khăn trong học tập
Bài viết gồm 2 phần. Phần 1 trình bày những đặc điểm tâm lý nổi bật ở học sinh THCS. Phần 2 đưa ra những quan điểm của người viết về các tư duy giúp giải quyết khó khăn ở học sinh THCS...
Bài viết gồm 2 phần. Phần 1 trình bày những đặc điểm tâm lý nổi bật ở học sinh THCS. Phần 2 đưa ra những quan điểm của người viết về các tư duy giúp giải quyết khó khăn ở học sinh THCS...
I. Chúng ta biết gì về tâm lý học sinh THCS?
Lứa tuổi học sinh THCS (từ 11 đến 15 tuổi) là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Ở mỗi cá nhân, giai đoạn này được đặc trưng bởi (1) sự phát triển mạnh mẽ về thể chất, sinh lý; (2) những thay đổi hàng loạt trong hoạt động và tương tác xã hội cũng như (3) sự phát triển nhận thức và nhân cách. Mình tin rằng phần lớn độc giả đã đi qua giai đoạn "ngã ba đường" của sự phát triển này, tuy vậy trước khi thảo luận về khó khăn trong học tập ở các em, hãy cùng tổng kết một vài điểm nổi bật ở lứa tuổi học sinh THCS và những ảnh hưởng của nó tới tâm lý học sinh
1. Sự phát triển mạnh mẽ về thể chất, sinh lý
Hiện tượng dậy thì chính là nguyên nhân của sự phát triển thể chất và sinh lý mạnh mẽ ở mỗi học sinh. Ngày nay, với điều kiện dinh dưỡng ngày càng đảm bảo (đôi khi quá mức), hiện tượng dậy thì diễn ra ngày càng sớm. Đối với trẻ gái, tuổi dậy được tính từ thời điểm xuất hiện kinh nguyệt (trung bình khoảng 10-11 tuổi) trong khi ở trẻ trai, được tính từ lần xuất tinh đầu tiên (thường trong khoảng 11-12 tuổi). Những thay đổi có thể kể đến như:
(1) Chiều cao nhảy vọt, khối lượng cơ và thịt tăng. Các em cao to, khoẻ mạnh hơn tuy nhiên thường chóng mệt và hoạt động không lâu bền như người lớn (2) Hệ xương phát triển mạnh những không đều (hệ cơ phát triển chậm hơn) làm thiếu niên lúng túng, vụng về trong hoạt động dẫn đến tâm lý thiếu tự tin, không thoải mái (3) Hệ tim mạch cũng phát triển không cân đối (thể tích tim tăng nhưng đường kính mạch máu phát triển chậm) gây rối loạn tuần hoàn máu làm thiếu niên thường có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, dễ bực tức (4) Quá trình hưng phấn chiếm ưu thế nên thiếu niên không làm chủ được cảm xúc, khó kiềm chế xúc động, dễ mất bình tĩnh,... (5) Sự mất cân đối giữa hệ thống tín hiệu thứ nhất (các giác quan) và hệ thống tín hiệu thứu hai (ngôn ngữ) khiến thiếu niên nói chậm, khó trình bày và lúng túng, nhát gừng khi trả lời (6) Và nhiều biến đổi khác...
Kết thúc đặc trưng đầu tiên, ta nhận thấy sự phổng phao của tuổi dậy có vẻ đã gia tăng "cảm giác người lớn" ở học sinh nhưng ở mặt khác nó cũng mang đến cho các em không ít rắc rối. Hãy cùng chuyển sang đặc trưng thứ hai:
2. Những thay đổi hàng loạt trong hoạt động và tương tác xã hội
Có nhiều điều để nói về hoạt động và tương tác xã hội ở học sinh THCS. Chúng ta sẽ xem xét sự ảnh hưởng của các mối quan hệ giao tiếp đến tâm lý các em trong giai đoạn này:
Giao tiếp với người lớn
Các em xuất hiện mong muốn cải tổ mối quan hệ với người lớn, bao gồm hạn chế quyền hạn của người lớn và mở rộng quyền hạn của chính mình. Các em khao khát sự bình đẳng, không thích sự can thiệp và giám sát chặt chẽ như trước đây (lứa tuổi tiểu học). Từ đó nảy sinh những phản ứng như chống cự, không phục tùng, kịch hoá tác động của người lớn
Quá trình giao tiếp này thường diễn ra xung đột khi nhận thức và hành xử của người lớn không theo kịp sự phát triển nhanh nhưng bất ổn về thể chất và tâm lý của các em. Người lớn không chịu thay đổi thái độ với thiếu niên (cho rằng các em còn phụ thuộc và cần can thiệp và sự độc lập) hoặc không thể từ bỏ thói quen chăm sóc, điều khiển tỉ mỉ sinh hoạt của các em. Bản thân các em cũng tồn tại mâu thuẫn giữa nhu cầu thoát ly, muốn độc lập trong khi bản thân lại chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử, giải quyết vấn đề và vẫn có nhu cầu được người lớn chia sẻ, định hướng
Phương án giải quyết mâu thuẫn trong giao tiếp của học sinh THCS với người lớn thường được đề xuất là xây dựng một mối quan hệ bạn bè, hợp tác trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau. Với các em, bạn bè dần trở thành một tôn giáo duy nhất (được tin tưởng hơn cả gia đình) và đôi khi, cách duy nhất để chúng ta có thể tác động đến các em là tham gia cuộc chơi ấy:
Giao tiếp với bạn bè
Các em khao khát được hoạt động chung, được sống tập thể, có đồng chí và bạn bè thân thiết tin cậy. Cùng với việc được thông tin, học hỏi, tâm sự và thể hiện; thông qua bạn bè, học sinh THCS được thoả mãn nhu cầu bình đẳng và độc lập (thứ không được đáp ứng trong quá trình giao tiếp với người lớn). Nhờ giao tiếp với bạn bè, các em cũng phát triển các kĩ năng xã hội, khả năng lý luận, diễn tả cảm xúc cũng như khẳng định cá tính, xu hướng và trí tuệ của mình
Với học sinh giai đoạn này, sự bất hoà với bạn bè và thiếu thốn tình bạn thân được xem là bi kịch cá nhân. Sự phê bình thẳng thắn của tập thể, bạn bè là tình huống khó chịu nhất khi chịu và bị bạn bè tẩy chay là hình phạt nặng nề nhất
Trong mối quan hệ này, ta còn thấy được hệ thống yêu cầu cao và máy móc của học sinh THCS. Những phẩm chất tình bạn có thể kể đến như quan hệ bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau, lòng trung thành, tính trung thực. Các em kết bạn với những học sinh được tôn trọng, có uy tín hay có tiến bộ rõ rệt về mặt nào đó. Các em quan niệm bạn bè thì phải hiểu nhau, đồng cảm, cởi mở, giữ bí mật với lý tưởng “sống chết có nhau”, đồng điệu về giá trị cá nhân và quan điểm sống. Tất cả mối quan hệ bạn bè vì thế được xây dựng trên cơ sở một "bộ luật tình bạn" nào đó
Một điểm cần lưu ý thêm là sắc thái giới tính đã xuất hiện trong quan hệ với bạn ở học sinh. Nhìn chung, các em tò mò và chú ý nhiều hơn đến bạn khác giới. Các em nữ thường tỏ vẻ thờ ơ, lãnh đạm (giả tạo khinh bỉ) còn các em nam thể hiện công khai, tản mạn trẻ con (xô đẩy, trêu chọc) và có khi thô bạo (giật tóc, giấu cặp). Những xúc cảm trong sáng khiến các em quan tâm nhiều hơn đến bề ngoài của mình, cũng là động lực thúc đẩy tự hoàn thiện và tu dưỡng bản thân. Trong giai đoạn này, một số em bị cuốn hút và “yêu đương”, đôi khi không hiểu rõ tình cảm của mình và vì thế ảnh hưởng nhất định đến kết quả học tập.
3. Sự phát triển nhận thức và nhân cách
Ở cấp THCS, chúng ta chứng kiến sự phát triển cao hơn về nhận thức cũng như nhân cách của học sinh. Đây là đặc trưng cuối cùng về lứa tuổi trước khi chúng ta chuyển sang phần II.
Về nhận thức
Các em đã có khả năng phân tích, tổng hợp phức tạp thông quan việc trí giác các sự vật. Tuy nhiên hạn chế với nhiều em là quá trình tri giác còn thiếu kiên trì, vội vàng hấp tấp dãn đến tính tổ chức và hệ thống của tri giác còn yếu. Khả năng tư duy ở các em đã phát triển hơn (do nội dung phong phú, đa dạng, phức tạp của môn học). Các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, giải quyết bài tập theo những quan điểm riêng, không thích trả lời máy móc như nhi đồng. Các em cũng không dễ tin và chấp nhận ý kiến của người khác, luôn muốn tranh luận, chứng minh để xác thực vấn đề một cách rõ ràng.
Sự chú ý của học sinh THCS chưa bền vững, các em dễ bị phân tâm với những ấn tượng và rung động mạnh mẽ. Đôi khi các em chỉ nắm dấu hiệu bề ngoài chứ không phải bản chất, đối với một số hoạt động nhận thức chưa trở thành hoạt động độc lập, còn thiếu kiên trì, thích học nhanh nhưng ngại suy nghĩ. Khả năng ghi nhớ của các em trong giai đoạn này có sự gia tăng về tốc độ và khối lượng, dần có tính chủ định và có tổ chức. Về ngôn ngữ, một số em thích dùng từ cầu kỳ, bóng bẩy nhưng sáo rỗng. Các em cũng cần rèn luyện thêm để tăng khả năng suy nghĩ có tính độc lập và phê phán
Về nhân cách
Điểm đặc biệt trong nhân cách học sinh THCS là sự phát triển mạnh mẽ của tự ý thức. Các em quan tâm nhiều hơn đến nội tâm, nảy sinh nhu cầu tự đánh giá, so sánh mình với người khác. Tuy nhiên khả năng đánh giá của thiếu niên thường chưa tương xứng với nhu cầu đó, nhìn chung các em tự thấy chưa hài lòng về chính mình. Các em đã biết tự giáo dục bản thân thông qua việc thúc đẩy bản thân thực hiện những nhiệm vụ, kế hoạch tự đề ra trong việc rèn luyện và tu dưỡng.
Cùng với tự đánh giá, các em cũng rất nhạy cảm khi quan sát và đánh giá người xung quanh, đặc biệt với cha mẹ, giáo viên. Những đánh giá này thường đầy đủ và đúng đắn hơn so với tự đánh giá. Thông qua đó, các em tự tìm ra một hình mẫu lí tưởng cho riêng mình để phấn đấu, noi theo. Nhưng, hạn chế của giai đoạn này là thiếu niên chưa thực sự biết cách rèn luyện để có được hình mẫu nhân cách đó (do chưa phân tích được mặt phức tạp của đời sống và các quan hệ trong xã hội).
Chúng ta đã biết thể chất, sinh lý, tương tác xã hội, nhận thức và nhân cách đều ảnh hưởng không nhỏ tâm lý học sinh THCS, theo một cách nào đó chúng tạo nên những cuộc khủng khoảng trong bản thân các em. Cùng với những mâu thuẫn không ngừng ấy, học sinh THCS tham gia học tập như một hoạt động chủ đạo và cũng gặp phải không ít khó khăn
II. Khó khăn trong học tập của học sinh THCS
Nói gì về học tập của học sinh THCS?
Ở thời kỳ đầu, các em hầu như chưa có kỹ năng cơ bản để tổ chức tự học (học sinh chỉ học khi có bài tập và nhiệm vụ được giao). Do hứng thú, sở thích cũng như nội dung và phương pháp giảng dạy khác nhau, các em hình thành thái độ phân hoá như yêu thích, nhàm chán,... đối với từng môn học. Khó khăn đầu tiên đối với học sinh THCS là không biết phương pháp học tập thế nào cho hiệu quả.
Trong khi động cơ học tập còn phức tạp: đến từ nhu cầu tìm hiểu tri thức, từ mong muốn phục vụ xã hội hay từ động cơ riêng liên quan đến uy tín, tự trọng với bạn bè hay mong muốn tiến bộ với bản thân, cha mẹ, thầy cô; dự định nghề nghiệp;... Hầu hết động cơ này chưa đủ bền vững (do những mâu thuẫn trong tâm lý - đã chỉ ra ở phần I), các em gặp khó khăn thứ hai liên quan đến vượt qua trì hoãn, lười biếng và các cám dỗ như trò chơi điện tử, xem tivi,.. để học tập một cách chăm chỉ.
Cũng phải nói thêm rằng, khi không làm chủ những kĩ năng xã hội (đặc biệt trong giao tiếp với thầy cô và bạn cùng lớp) hay khả năng lí luận (dựa trên sự phát triển nhận thức), các em thường cảm thấy tự ti và thấp kém. Cùng với việc khó khăn trong giải toả các áp lực từ gia đình, thầy cô, bạn bè về thành tích học tập, các em đôi khi từ bỏ việc tự giáo dục để hoàn thiện chính mình (do tâm lý bi quan sau những thất bại và tư duy cố định về khả năng của bản thân).
Tóm lại thì, chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ các em?
Một gợi ý về giải quyết khó khăn
Một tư duy thông thường về khó khăn sẽ trải qua lần lượt những bước bao gồm: nhận thức - phân tích - tìm giải pháp - tiến hành. Tuy nhiên, đối với các học sinh THCS, rất khó để chúng ta có thể dẫn dắt các em tự mình trải qua từng bước. Bởi vậy, sự giúp đỡ, đồng hành của người lớn trong quá trình này là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, mình đề xuất 3 tư duy cần có trong nhận thức về (1) thất bại, (2) khác biệt và (3) khả năng. Việc nắm được các tư duy này theo mình sẽ giúp học sinh THCS giải quyết hầu hết các khó khăn trong học tập. Hãy cùng bắt đầu nhé!
Tư duy 1: Thất bại không xấu - che giấu không khôn
X là một học sinh lớp 7. Với X, thất bại là thất bại. X rất khó để nhìn vào thất bại mà học hỏi "thất bại là mẹ thành công" vì với em đây là một nỗi đau (X bị chỉ trích và không có được sự cảm thông bởi bạn bè, cha mẹ và những người em tin tưởng). Với những suy nghĩ như vậy, X sẽ hạn chế tối đa việc thực hiện lại hành động đó trong tương lai, một nỗi sợ hình thành và một cơ hội học tập biến mất.
Thất-bại-không-xấu, nhưng em không được học điều này. Phần lớn học sinh không có khả năng học hỏi nhiều từ sai lầm của bản thân. Nếu là một người lớn trong trường hợp của X, điều chúng ta nên làm là cùng em trải qua khó khăn, phân tích những sai lầm để tìm ra bài học. Nói như Thomas Edison khi ông thất bại trong việc tìm vật liệu làm ra sợi dây tóc bóng đèn: "Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động". Học sinh THCS cần hiểu rằng điều quan trọng đối với mỗi thất bại là học hỏi, tìm ra "cách không hoạt động" trong đó. Vì thế, che-giấu-không-khôn và sẽ là có nhiều lợi ích hơn khi chia sẻ trải nghiệm đó với "người có kinh nghiệm sửa chữa".
Trong tư duy này, người lớn (giáo viên) cần trở thành "người có kinh nghiệm sửa chữa" thông qua việc không ngừng rút kinh nghiệm sau mỗi sai lầm của các em trong cuộc sống (học tập). Cùng với việc đưa ra giải pháp phù hợp, sự tự tin khi đối diện thất bại của các em chắc chắn sẽ không ngừng tăng lên.
Tư duy 2: Khác biệt không sai - ai chẳng giống mình
Trong quá trình học tập xảy ra một trường hợp như này, nhiều học sinh có những ý tưởng, sáng kiến rất mới lạ nhưng do không thuận tiện với bài học, đôi khi các em bị gạt đi, hoặc thậm chí bị cho là kém cỏi. Chúng ta đều hiểu rằng, luôn tồn tại sự khác biệt giữa các học sinh. Vậy nên với các vấn đề khác nhau, rào cản và cách tiếp cận của từng học sinh sẽ khác nhau. Khác-biệt-không-sai. Nhưng khi sự khác biệt ấy không được khuyến khích một cách hợp lý, với lý tưởng tình bạn - tập thể, rất nhiều học sinh sẽ từ bỏ sự khác biệt của chính mình. Và khi những khó khăn mang màu sắc cá nhân dần bị loại đi, không được xem trọng, chẳng có gì bất ngờ khi các em trở nên ngày càng tự ti, mang nhiều cảm giác thấp kém.
Các em cần hiểu rằng ai-chẳng-giống-mình, bất kì ai đều có thể mang những suy nghĩ khác lạ so với phần còn lại tập thể. Người lớn cần phải giúp các em tôn trọng sự khác biệt ở người khác, khi học được điều này, bản thân mỗi học sinh cũng sẽ tự tin hơn trong việc bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân. Một lưu ý nhỏ là tư duy này không khuyến khích lối nghĩ vị kỉ, coi trọng bản thân, mặc kệ người khác. Khác biệt phải được xây dựng trên cơ sở tốt lành, không xâm phạm lợi ích của bất kì một cá nhân khác.
Tư duy 3: Mọi thứ đều đổi - tốt là tiến lên
Học sinh nghĩ gì về khả năng của bản thân? Có 2 quan điểm xoay quanh điều này. Tư duy cố định cho rằng khả năng học tập mỗi người là có hạn, khi gặp một vấn đề nào đó, các em thường né tránh và tìm cách thoát khỏi nó vì sợ hãi thất bại . Trong suy nghĩ các em, các bạn giỏi thì luôn giỏi và kém vì không thể giỏi. Mình được nghe tâm sự của một vài bạn có học lực kém trên trường, quả thực các bạn ấy đã từng tin rằng bản thân không có năng lực để học tập tốt, do vậy tự đánh mất động lực học tập của bản thân. Vẫn viết học tốt còn do nhiều yếu tố nhưng tư duy này rõ ràng đã kìm hãm sự phát triển của học sinh.
Ngược lại với tư duy cố định là tư duy phát triển. Quan điểm này tin rằng khả năng học tập có thể thay đổi cùng với nỗ lực của mỗi cá nhân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi trẻ được đọc và học về bộ não, cách nó thay đổi và phát triển khi đối mặt thách thức. Các em trở nên kiên trì hơn trước thất bại. Người lớn cần giúp các em hiểu rằng: mọi-thứ-đều-đổi, từ đó không ngừng khuyến khích tư duy phát triển này ở các em trong mọi tình huống của học tập và đời sống. Mình rất thích một "quy định" trong giờ học Lý hồi cấp 3, thay vì trả lời "em không biết", học sinh chỉ được quyền nói "em chưa biết" - một tinh thần học tập thật tuyệt vời.
Không chỉ về khả năng thay đổi, người lớn cần vạch ra cho các em chiều hướng thay đổi. Tốt-là-tiến-lên tức là cần không ngừng rèn luyện để cải thiện, phát triển năng lực bản thân. Bữa ăn hôm nay Z kho thịt rất ngon, đến một hôm nào đó mẹ Z có thể hỏi: "Z thử vừa kho thịt vừa luộc rau mà vẫn ngon như thế, được không con?". Người lớn trong tư duy này cần tìm ra cơ hội phát triển của các em trong từng tình huống, từ đó khuyến khích sự rèn luyện, học tập và tu dưỡng theo hướng đó (để không ngừng tiến lên). Một lưu ý nhỏ khi các em chưa thực hiện được "cải tiến", người lớn cần kiễn nhẫn trong việc tiếp thêm hy vọng, liên tục động viên các em. Sức mạnh của niềm tin chẳng phải rất lớn sao ^^
Kết
Tư duy 1: Thất bại không xấu - che giấu không khôn Tư duy 2: Khác biệt không sai - ai chẳng giống mình Tư duy 3: Mọi thứ đều đổi - tốt là tiến lên
Ba tư duy trên về giải quyết khó khăn thực chất không có gì cao siêu. Tuy vậy, không dễ dàng để người lớn đồng hành và giúp các em hiểu được nó. Để làm được tất cả điều đó, trước tiên chúng ta cần có khả giao tiếp một cách cởi mở, gần gũi với các em. Người lớn cần học cách thấu hiểu các em. Và nhiều khi, những cuộc hội thoại ấm áp chỉ đòi hỏi một quãng thời gian rảnh rất nhỏ sau giờ ăn tối cùng một băn khoăn khao khát biết từ đáy lòng:
Ngày hôm nay của con thế nào?
Không ai có thể chống lại một người thật lòng yêu thương mình!
Tham khảo: Giáo trình Tâm lí học giáo dục - NXB Đại học Sư phạm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất