Mình viết bài này nhẹ nhàng thôi, không trích dẫn triết lý hay sách hay là bàn về tư duy gì cả. Bài này như là tổng hợp lại những gì mình thu nhặt được sau 1 năm viết trên Spiderum.
Mình thường hay nói vui với bạn của mình lúc đi coi phim hay bàn luận về phim là phim mà làm đúng thực tế quá thì chẳng ai đi xem. Dù người ta có nói là cảnh đó giả tạo đi chăng nữa nhưng nếu nhân vật chính bị đâm mà chết luôn chứ không kịp để lại lời trăn trối dài như một bài tiểu luận, hay là kẻ phản diện bắn vỡ đầu cảnh sát nhân vật chính thay vì cứ giơ súng và kể về cuộc đời hắn, hay là nhân vật chính trúng phát đạn chết luôn thay vì chạy qua mưa đạn mà vẫn sống sót, thì người ta vẫn sẽ thích coi những cảnh đó. Thiếu đi những cảnh đó phim sẽ chán ngắt. Các đạo diễn làm phim, nhất là phim lịch sử, phải cân bằng giữa yếu tố giải trí và yếu tố thực tế. Phim mà làm đúng quá thì ế vì thực tế thì nó không có gì thú vị, vì rằng cuộc sống ngoài đời phần lớn là các hoạt động lặp đi lặp lại buồn tẻ qua năm tháng, con người ta đến coi phim là để đón xem những thứ mới lạ phi thực tế, những thứ kích thích đầu óc của họ. Còn phim chỉ toàn giải trí thì lại trở nên sáo rỗng, khán giả coi xong không đọng lại được gì.
Viết trên Spiderum cũng vậy. Khi viết bài trên Spiderum, mình luôn phải tự cân nhắc rằng viết thế nào là vừa phải, lượng thông tin thế nào là cho đủ. Hãy suy nghĩ thực tế, mọi người lên Spiderum đọc bài cốt để lấy ý tưởng, để hiểu về góc nhìn, chứ không phải là đọc một bài báo khoa học với con số khô khan, hay là các phân tích quá chuyên sâu về một chủ đề nào đó (ví dụ như các loại bệnh thường gặp ở bà mẹ mang thai và cách phòng tránh). Người đọc thường sẽ nói rằng họ muốn một bài viết sâu, chuyên môn, đưa ra góc nhìn toàn cục, nhưng nếu họ gặp những bài như vậy thì họ lại khó hấp thụ được và không đọc. Có thể trong tương lai ban quản trị Spiderum sẽ mở thêm mục viết bài chuyên sâu dành riêng cho những bạn thích chủ đề đó.
Và khi một người viết cố gắng cân bằng giữa mức dễ đọc, dễ tiếp cận và mức độ chính xác, thì chất lượng mọi thứ sẽ giảm một chút. Viết quá chính xác như một bài báo khoa học thì dù có hay đến mấy cũng ít người đọc (như chuỗi bài về chống tham nhũng thời vua Minh Mạng hay là Khoai Lang). Còn viết khơi khơi giúp mọi người hiểu được ý chính nhưng không đào sâu được vào chi tiết thì lại khiến người đọc thấy hụt hẫng. Chúng ta vừa muốn có nhiều người đọc bài của mình, nhưng lại muốn bài viết phải có thông tin chính xác. Làm sao để cân bằng được hai thứ, đó là điều rất khó. 
Chính vì thế khi viết một bài ở chủ đề rộng, như thực phẩm biến đổi gien, hay là lịch sử thế giới, hay các loại bệnh tâm lý, người viết không thể bao quát hết được mà chỉ có thể lấy ý chính, những ý cốt lõi để giúp người đọc nắm được các sự kiện, thông tin quan trọng. Nhưng thế nào là quan trọng? Đó lại là một câu hỏi đau đầu nữa.
Nhưng tóm lại viết đến đây thì các bạn đọc có thể hiểu rằng các bài viết, không chỉ ở Spiderum mà còn nhiều blog khác, không thể nào thỏa mãn được các đòi hỏi của người đọc như:
Thông tin cực kỳ đa chiều.
Đưa ra toàn bộ góc nhìn về vấn đề.
Trích dẫn đầy đủ.
Nói như vậy không phải để bảo rằng người viết không cần đưa thông tin từ nhiều nguồn, hay là viết từ nhiều góc độ hay là thiếu trích dẫn. Nói vậy là để chỉ ra rằng có giới hạn cho những mặt trên. Vậy thì nếu gặp bài viết như vậy thì phải làm sao? Câu hỏi này làm mình nhớ đến một bạn đã hỏi mình rằng: "Em thấy sách giáo khoa lịch sử nước ngoài cũng ghi có một chiều mà sao người ta cứ nói giảng dạy lịch sử ở nước ngoài là đa chiều?" Câu trả lời của mình đưa ra theo trải nghiệm của mình là: "Sách lịch sử của nước ngoài đúng là một chiều nhưng trong chương trình học giáo viên yêu cầu học sinh đọc nhiều sách lịch sử khác nhau, đọc một quyển sách thì thấy một chiều, đọc nhiều quyển sách sẽ thấy nhiều chiều." Giải pháp thật đơn giản phải không? Tương tự như vậy, bạn thấy rằng bài viết trên Spiderum chỉ có một chiều? Bạn hãy tìm thêm một bài viết khác về chủ đề ấy để xem góc nhìn khác. Bạn thấy rằng bài viết đó chưa đưa ra đủ các vấn đề quan trọng, bạn hãy tìm thêm các bài viết khác để bổ sung vào những phần còn thiếu. 
Một câu hỏi nữa là nếu các bài viết không chính xác vậy thì đọc làm gì? Nếu bạn hỏi như vậy khi đọc một bài viết, bạn có thể tự hỏi: làm sao mà mình biết được bài viết đó không chính xác? Khi đọc mình cần tách tâm trí mình ra để cố gắng hiểu bài viết, tránh việc áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Thường thì khi đọc một bài viết mình sẽ có được góc nhìn của người viết. Việc tiếp theo không phải là vô bình luận và nói rằng góc nhìn đó đúng hay sai. Việc tiếp theo mà người đọc nên làm là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: tại sao người viết lại có lập luận hay là kết luận như vậy? Khi bạn bắt đầu tìm hiểu vấn đề theo hướng đấy đấy, bạn sẽ dần hiểu được tại sao người viết lại nói như thế, rồi so sánh với góc nhìn của mình, sau đó bạn mới bắt đầu vào bình luận rằng góc nhìn như vậy là đúng hay sai.
Ngoài ra một ý tưởng trong bài viết không hợp lý không có nghĩa là toàn bộ bài viết không hợp lý. Có những bài viết thể hiện ý tưởng ở dạng thô, ví dụ như: Tại sao trong tương lai con người không cần đến sự riêng tư cá nhân. Cứ cho rằng ý tưởng đó không hợp lý, không có nghĩa rằng mình sẽ loại bỏ nó. Có thể mình dựa vào ý tưởng đó để rồi phát triển ra ý tưởng mới hơn, hợp lý hơn. Tại sao các nhà nghiên cứu xã hội hay kinh tế học hiện nay vẫn tìm hiểu về các ý tưởng lớn của các triết gia như Plato, Aristotle, hay là Keynes, Karl Marx? Không phải là vì các tư tưởng đó có thể áp dụng cho xã hội bây giờ, mà họ muốn từ các tư tưởng đó xây dựng nên các tư tưởng hiện đại cho xã hội hiện nay. Và họ cũng muốn biết tư tưởng đó đã sai chỗ nào. Cứ cho rằng Keynes hay Marx đã sai lầm, thì biết được rằng tại sao nó sai lầm cũng giúp ích rất nhiều. Tại sao các quốc gia tư bản thay vì cấu xé tranh giành tài nguyên của nhau như tiên đoán ở thế kỷ 19 lại cuối cùng hợp lực với nhau tạo ra các cộng đồng kinh tế như EU, ASEAN? Tại sao không có chiến tranh Thế Giới Thứ Ba xảy ra như các tiên đoán hay là nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ vì sự gia tăng dân số như Malthus đã nói. Tìm hiểu tại sao các tiên đoán hay dự báo sai cũng rất có ích cho việc nghiên cứu. Tìm hiểu tại sao một bài viết trên Spiderum bất hợp lý cũng giúp bạn rèn được khả năng tư duy của mình. 
Do đó các bạn nên tiếp tục đọc Spiderum.
Chúc các bạn năm mới 2018 thành công, đọc và viết được nhiều bài hay :)