Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các hoạt chất chống viêm có thể được tìm thấy trong một số loại vitamin nhất định. Thiếu các loại vitamin này có thể khiến bạn thường xuyên bị ốm yếu, dễ bị viêm nhiễm.

Dưới đây là danh sách 6 loại vitamin có chứa hoạt chất chống viêm, và chúng ta có thể bổ sung chúng thông qua một số loại thực phẩm thường ngày.

🥕 Vitamin A

Vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì chức năng miễn dịch, chúng giữ cho hệ thống miễn dịch không hoạt động quá mức và gây viêm. Bên cạnh đó, vitamin A cũng là hợp chất chống oxy hoá giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Chế độ ăn giàu Beta-carotene (tiền vitamin A) và vitamin A có thể giúp làm giảm viêm. Những loại thực phẩm giàu vitamin A: cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, rau chân vịt,…

🌾 Vitamin nhóm B

Những người bị thiếu vitamin B6 thường sẽ có nồng độ protein C reactive (CRP) cao, đây là thành phần không thể thiếu trong hệ miễn dịch đối với các tổn thương hay nhiễm trùng, đặc biệt là trong các bệnh tự nhiễm như viêm khớp dạng thấp. Để giúp giảm viêm và tăng lượng vitamin B trong cơ thể, bạn có thể bổ sung chúng thông qua nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, như là các loại đậu, hạt, ngũ cốc, chuối và ớt chuông,…

🍊 Vitamin C

Vitamin C được biết đến với khả năng giữ cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Hơn nữa, các nghiên cứu đã cho thấy rằng vitamin C có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây viêm. Vitamin C, cũng giống như các vitamin nhóm B, có thể làm giảm nồng nộ protein C reactive. Thực phẩm chức năng rất có lợi, nhưng tốt nhất là bạn nên bổ sung lượng vitamin C thông qua chế độ ăn uống của mình.

Để bổ sung vitamin C từ chế độ ăn hàng ngày, bạn nên ăn nhiều loại rau củ quả, đây cũng là một nguồn giàu các chất chống oxy hóa, giúp cải thiện sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

🥛 Vitamin D

Theo báo cáo từ Food & Nutrition Research, có tới 41,6% người Mỹ bị thiếu vitamin D. Từ lâu các nghiên cứu đã chỉ ra được mối liên hệ giữa người có hàm lượng vitamin D thấp và hàng loạt các bệnh viêm nhiễm. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu cho biết rằng việc cải thiện hàm lượng vitamin D có thể giúp làm giảm viêm trong cơ thể.

Một báo cáo khác trên The Journal of Immunology cho biết các tín hiệu phân tử cụ thể chịu trách nhiệm trong khả năng ức chế gây viêm của vitamin D. Hơn nữa, những người có hàm lượng vitamin D trong cơ thể thấp chắc chắn có thể nhận được những lợi ích từ việc bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm chức năng.

Vitamin D có thể bổ sung vitamin D một cách tự nhiên thông qua ánh nắng mặt trời, nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể. Những người nghi ngờ cơ thể có hàm lượng vitamin D thấp có thể đến bác sĩ để được tư vấn xét nghiệm và sử dụng thực phẩm bổ sung.

🥑 Vitamin E

Vitamin E là một hoạt chất chống oxy hóa khác, nghĩa là nó có tác dụng làm giảm viêm. Kết quả từ một phân tích tổng hợp vào năm 2015 trên European Journal of Clinical Nutrition đã xác nhận rằng vitamin D có chứa đặc tính chống viêm và việc sử dụng thực phẩm chức năng có thể mang đến lợi ích cho những người đang sống chung với tình trạng viêm.

Vitamin E được tìm thấy một cách tự nhiên trong các loại hạt, bao gồm hạt hạnh nhân và hạt hướng dương. Một số loại rau củ quả cũng rất giàu vitamin E, như là quả bơ và rau chân vịt.

🥬 Vitamin K

Một báo cáo từ Tạp chí Metabolism phát hiện ra rằng vitamin K có thể giúp làm giảm các dấu hiệu viêm, giúp đông máu và bảo vệ sức khỏe của hệ xương khớp. Mặc dù vitamin K là một chất không thể thiếu cho sức khỏe của xương, nhưng hầu hết chúng ta không có đủ hàm lượng vitamin này thông qua chế độ ăn uống thường ngày. Nam giới trưởng thành nên bổ sung 120 microgam (mcg) vitamin K mỗi ngày, và 90 mcg đối với phụ nữ. Hàm lượng vitamin K khuyến nghị nên bổ sung hàng ngày thì thấp hơn đối với trẻ em và trẻ sơ sinh.

Có 2 loại vitamin K: vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K1 có thể được bổ sung thông qua các loại rau dạng lá, gồm có cải xoăn, rau chân vịt, bông cải xanh và bắp cải, trong khi vitamin K thì có trong thịt gà, gan và các loại trứng.

Những loại vitamin có tác dụng chống viêm có thể được bổ sung từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, bao gồm rau củ quả tới các loại thịt, cá và thực phẩm chức năng. Mặc dù ở dạng thực phẩm chức năng, nhưng những loại vitamin này có khả năng chống viêm mà không mang đến tác dụng phụ nghiêm trọng nào và là một lựa chọn khả quan đối với NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) và thuốc kháng viêm theo toa.

Khi bắt đầu sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin, chúng ta cần phải tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Hơn nữa, thực phẩm chức năng bổ sung vitamin không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Nguồn: https://www.verywellhealth.com/the-best-vitamin-for-fighting-inflammation-4176859#citation-1