Bài viết được đăng tải lại bởi chính tác giả từ group Maybe you miss this f*cking news và bổ sung chỉnh sửa nhằm tăng tính khách quan nhân dịp kỉ niệm sự kiện lịch sử 30/4/1975... 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ của Dinh Thống Nhất và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận từ xe 843 nhảy xuống, cầm lá cờ chạy bộ vào. Xe tăng 390 dưới quyền chỉ huy của Vũ Đăng Toàn húc tung cánh cửa chính của dinh. Đó đều là những thông tin lịch sử đánh dấu sự kiện 30/4/1975 Thống Nhất đất nước mà đa số người Việt Nam đều đã biết rõ. Tuy nhiên, có thể nhiều người còn chưa biết 10 giờ 45 phút ấy là theo giờ Sài Gòn (GMT +8) cùng múi giờ với Singapore và Bắc Kinh. Giờ Sài Gòn (GMT+8) sớm hơn một giờ so với giờ Hà Nội (GMT +7) cùng múi giờ với Bangkok (Thailand) tức là khi ấy ở Hà Nội là 9 giờ 45 phút. Múi giờ GMT +7 cũng chính là múi giờ chính thức cho toàn lãnh thổ Việt Nam ngày nay được thống nhất lại vào ngày 3-6-1975. Do đó Sài Gòn và toàn miền Nam đã chậm lại một giờ so với trước. Để dễ hình dung thì các bạn có thể tưởng tượng, ngày trước học sinh, công dân miền Nam đi học và làm việc lúc 8g sáng tức là 7g sáng ngày nay. Và buổi tối trước ngày 30/4/1975 thì 19g mặt trời ở miền Nam mới lặn hẳn (18g ngày nay). Sự chênh lệch múi giờ đã gây không ít sự nhầm lẫn và bất tiện trong cuộc chiến kéo dài 20 năm này. Cụ thể là sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh (GMT+8) làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành đổi lịch dùng múi giờ GMT +7 làm chuẩn nên âm lịch cũng thay đổi khi tháng chạp (tháng 12) chỉ có 29 ngày. Miền Nam vẫn theo âm lịch của múi giờ GMT+8 nên tháng chạp có 30 ngày giống như lịch Trung Quốc. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (Nếu tính theo giờ miền Bắc, miền Nam sẽ đón giao thừa lúc 23h00 ngày 29 tháng 1 trong khi miền Bắc đón giao thừa lúc 00h00 ngày 29 tháng 1 hay 1h00 ngày 29 tháng 1-trước miền Nam 23h00 đồng hồ). Dẫn đến mất tính bất ngờ và thiếu đồng loạt nên đã hoàn toàn thất bại với nhiều tổn thất lớn cho phía miền Bắc, nếu không thì chiến tranh Việt Nam đã có thể kết thúc ngay từ ngày đó. Cuộc chiến đã đi qua, Việt Nam đã thống nhất về lãnh thổ, về múi giờ tuy nhiên sự thống nhất về lòng người xóa bỏ hận thù giữa những người anh em với nhau mới có thể giúp Việt Nam bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ và tiến ra biển lớn. Khép lại quá khứ đau thương và hào hùng để cùng khoác tay nhau tiến về phía trước - những con người cùng giống nòi máu đỏ da vàng.
Tấm ảnh lịch sử về hai người lính bác Nguyễn Huy Tạo (Bộ đội Bắc Việt) và bác Bùi Trọng Nghĩa (Thủy quân lục chiến miền Nam) khoác tay nhau cười tươi. Cả hai cùng đóng quân tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ảnh do bác Chu Chí Thành chụp tháng 4-1973. Mọi người có thể nghe qua nhạc phẩm "Hai người lính" - nhạc sĩ Phạm Duy với giọng ca Khánh Ly nói về khoảnh khắc xúc động này.