ATM gạo' miễn phí dành cho người nghèo thời cách ly toàn xã hội

Hôm qua khi đang đi trên con đường trung tâm thành phố, tôi thấy một hàng dài người đang đứng xếp hàng trên vỉa hè. Họ có vẻ đi từ xa đến, đa số đội mũ bảo hiểm và mang khẩu trang. Sau một lúc tìm hiểu thì tôi mới biết là bà con đang xếp hàng để nhận gạo từ cây ATM gạo mới mở. Tôi lên mạng để tìm hiểu thêm thì thấy đây là hoạt động diễn ra ở nhiều địa phương và giúp đỡ cho những người khó khăn trong thời điểm dịch Covid 19 làm đình trệ kinh tế. Ngoài ATM gạo ra thì ở nhiều nơi có người trao tặng những gói đồ ăn cứu trợ. Đang vui vì tình người tỏa sáng trong nghịch cảnh thì đập vào mắt tôi là những bài viết lên án và tố cáo những người đi xe tay ga hay mặc đồ thời trang đến nhận gạo hoặc đồ ăn. Có những bài có video và thu âm rất rõ tiếng. Có bài viết đưa cả thông tin cá nhân của những người cho mọi người biết. Và tôi bị SHOCK. Không phải vì hình ảnh những người có vẻ đủ đầy đi nhận đồ cứu trợ. Tôi bị SHOCK vì sự phán xét của nhiều người.
Hãy “phán xét sự phán xét” với cái nhìn khách quan nhất. Việc phán xét hay lên án là một cách kiểm soát xã hội. Ở trường hợp từ thiện, thì việc lên án những người đi xe tay ga nhận đồ cứu trợ là cách kiểm soát để hàng cứu trợ đến đúng với người thực sự cần. Nếu chỉ như vậy thì sẽ chẳng có gì để nói. Tuy nhiên vấn đề là khi sự phán xét đi quá xa và đến từ những cái đầu thiển cận hoặc đầy toan tính.
DON’T JUDGE A BOOK BY IT COVER. Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Một người mặc trang phục lịch sự không có nghĩa họ là không thể gặp khó khăn. Họ có thể là người bị mất việc và tiền nhà đang đến hạn phải trả, hoặc có vô vàn những lý do khác mà nếu chúng ta không thể biết được. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài của họ để phán xét thì là thiển cận. Cũng nên biết rằng bộ phận làm việc văn phòng hoặc sinh viên ở thành phố nếu đã mất việc thì không có nguồn thu nhập khác trong khi chi phí sinh hoạt ở thành phố là vô cùng đắt đỏ nếu so với nông thôn. Họ cũng không có ruộng vườn cây cỏ để lo cái ăn cho mình. Bị đói trong thành phố là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hoạt động từ thiện là để làm xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và xoa dịu bất hạnh. Từ thiện không phải là để gây ra những bất hạnh khác. Hãy tưởng tượng những người bị quay phim chụp ảnh đăng lên mạng sẽ phải chịu nỗi bất hạnh như thế nào. Bị lên án, chửi rủa bởi cộng đồng mạng. Bị hàng xóm, đồng nghiệp đàm tiếu, xa lánh. Có thể gia đình họ cũng bị liên lụy.
Việc đưa hình ảnh và thông tin cá nhân của người khác lên mạng mà không được phép là vi phạm pháp luật. Mức phạt có thể lên đến 20 triệu theo quy định Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, nếu việc này gây ra hậu quả nghiêm trọng ví dụ như làm nạn nhân bị sang chấn tâm lý hoặc tệ hơn thì phải bồi thường tổn thương danh dự nhân phẩm…
Những người đăng tải chưa chắc có ý tốt. Những bài viết và video lên án ai đó thường kích thích cảm xúc tiêu cực và thu về lượt xem lên đáng kể. Do đó nhiều người vô lương tâm sẵn sàng bất chấp để câu view câu like nhằm kiếm lợi.
Tôi cho rằng sẽ có những người đến nhận hàng cứu trợ mặc dù họ không thực sự thiếu thốn. Để hạn chế việc hàng cứu trợ đến nhầm người thì có thể sử dụng những biện pháp nhân văn và hiệu quả hơn so với tấn công cá nhân trên mạng xã hội bằng hình ảnh hay video. Nên biết rằng nếu một người giàu tham lam đã có dã tâm muốn nhận hàng thì không khó cho người đó để tìm một bộ đồ rách rưới. Chỉ riêng việc phải xếp hàng và chỉ được nhận đồ từ thiện giới hạn cho nhu cầu của một người thôi là có thể làm nản lòng những người tham lam rồi.