Nguồn ảnh: Letterman
Theo chương trình giáo dục mới sẽ được thực hiện vào năm 2022, đối với học sinh cấp trung học phổ thông, ngoài 7 bộ môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh có quyền chọn 5 bộ môn tự chọn. 5 bộ môn này thuộc 3 nhóm môn học chính, bao gồm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), và Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). (theo Báo Tiền Phong)

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự phân chia các nhóm môn học và cho học sinh lựa chọn nhằm hướng tới sự chuyên biệt hóa trọng lực lượng lao động sau tốt nghiệp. Về mô hình tự chọn môn học này, nó đã xuất hiện từ lâu trong nền giáo dục các nước phát triển, đơn cử như tại Mỹ (1). Việc lựa chọn môn học có nhiều ích lợi, trên cả góc độ học sinh, giáo viên và cả nền lực lượng lao động nói chung. Vậy thì vì sao nó vẫn có nhiều ý kiến trái chiều phản đối sự thay đổi này?
Tôi còn nhớ một phân cảnh trong series phim Sherlock, khi bác sĩ Watson nhận ra rằng Sherlock Holmes không hề biết chuyện “Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời”
“Nhưng đó là kiến thức căn bản mà ? Làm sao anh không biết điều đó chứ”- Vị bác sĩ ngạc nhiên.
“Nghe này!” - Sherlock chỉ tay lên đầu - “Đây là cái ổ cứng của tôi, và tôi chỉ cho phép thêm vào nó những thứ hữu dụng, thực sự hữu dụng vào đó. Mọi người lấp đầy những cái ổ cứng của họ bởi rác rưởi, và họ không thể tìm được thứ cần thiết khi có việc để dùng.”
Nguồn ảnh: Sherlock (BBC)
Dĩ nhiên, tôi không đánh đồng rằng chúng ta cần phải theo hướng cực đoan như Sherlock, nhưng về công bằng mà nói, thì hướng tư duy vậy cũng không sai hoàn toàn. Đối với Sherlock Holmes, anh cần kiến thức hóa học, kỹ năng xác định dấu vân tay, hay khả năng suy luận nhanh chóng… và những thứ đó giúp cho công việc phá án dễ dàng hơn. Nếu thay Sherlock Holmes thành một học sinh cấp 3, có mong muốn theo đuổi sự nghiệp ngành Y Khoa chẳng hạn, thì rõ ràng việc học Sinh Học chắc chắn sẽ quan trọng hơn việc học Kinh Tế rồi.
Trên góc độ kinh tế vĩ mô, chúng ta có Thuyết lợi thế tuyệt đối và Lợi thế so sánh, trong đó thúc đẩy các quốc gia nên tập trung chuyên môn hóa một số ngành sản xuất nhất định (2) thay vì phải sản xuất tất cả mọi thứ như trong nền kinh tế đóng (ví dụ như Triều Tiên). Cả hai lý thuyết trên đều được thúc đẩy nhờ Tự do Thương mại (nôm na là việc các nước nhập và xuất khẩu hàng hóa). Sau khi hai học thuyết trên được chứng minh, các quốc gia đã bắt đầu sử dụng nó, và thực sự đã đem lại nhiều kết quả tốt. Quay lại góc độ vi mô, giữa các cá thể con người với nhau, thì ai cũng chỉ có một lượng tài nguyên tương đối như nhau (sức lực và thời gian), vậy sao chúng ta không tối ưu hóa lượng tài nguyên đó cho một chuyên môn nhất định, thay vì phải dàn trải? Tôi nghĩ một phần lý do tới từ tâm lý “Giỏi - toàn - diện” từ sự giáo dục của các bậc phụ huynh ngày nay (tôi sẽ nói rõ ý này tại bài viết khác).
Tuy nhiên, việc phân hóa từ sớm cũng có mặt tiêu cực riêng, đó là vấn đề định hướng sự nghiệp. Đứng trước sự lựa chọn môn học, là học sinh thì ai ai cũng phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều, từ việc “Liệu môn học này có khó lắm không ?” hay “Liệu mình có cần kiến thức này để thi vào đại học không?”. Hướng nghiệp luôn là một câu chuyện khó, trước giờ chuyện hướng nghiệp sẽ chỉ xảy ra khi chúng ta đặt bút viết nguyện vọng khi chuẩn bị thi đại học, nhưng với chương trình mới này, nó vô tình tăng tốc cho quá trình đó. Sẽ thật là tệ, khi một học sinh phải bỏ môn Lịch Sử, đề “cày” kiến thức Vật Lý trong 3 năm ngay trước kỳ thi đại học, chỉ vì người học sinh đó nhận ra rằng mình muốn Học Công Nghệ Thông Tin. Đôi khi, cái giá phải trả còn cao hơn rất nhiều, chúng ta có thể vô tình đào tạo ra một thế hệ mà họ chán ghét công việc hiện tại của mình, nhưng vì đã trót đầu tư rất nhiều vào nó rồi nên không thể từ bỏ được.
Nguồn ảnh: Jessica Lewis 
Chính vì vậy, để thích nghi với những sự thay đổi mới của ngành giáo dục, học sinh cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về công việc mà họ thích, nếu cứ giữ nguyên tâm lý chủ quan, không quan tâm, thì ắt cái giá phải trả sẽ là rất cao. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản như lên Google để tra cứu công việc, hỏi những người đang làm công việc mà bạn hứng thú, hoặc bắt đầu tâm sự với gia đình....
Những sự thay đổi này, vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức lớn, nhưng nếu nhận biết được và tận dụng nó, đó sẽ là một cú hích cho con đường sau này họ chọn.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://www.quora.com/How-do-American-high-school-students-choose-their-subjects-How-long-do-they-study-each-subject-What-are-Honors-and-Advanced-classes-any-prereqs?fbclid=IwAR3LsDnx2qs5MC1XJ5wd3H0hvJP8Gma2NXzAfId-qoERNyFUtfYg1qGQZjw
(2)http://kdtqt.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/33/2154/su-giong-nhau-va-khac-nhau-giua-loi-the-so-sanh-va-loi-the-tuyet-doi?fbclid=IwAR1xrBT1fAnr02ZtYQ1lexe2r5LSlbOtbfFaVaK7vjjPoE_-TAuSZzah_jQ
-----------------------------------------------------------------
Hãy để Letterman chúng mình đồng hành cùng bạn trên chuyến xe đi tới trạm của “người trưởng thành” nhiều tổn thương, vụn vỡ nhưng cũng đầy những kỉ niệm, hồi ức đẹp đẽ, hạnh phúc và không kém phần thú vị.
Cho Letterman có cơ hội được nghe câu chuyện của bạn, được tiếp cận những "góc tối" sâu trong tâm hồn để hình tượng hóa chúng qua những nét chữ như một lời động viên, nhắc nhở dành cho chính mình.
Letterman luôn ở đây chờ bạn!
Hãy inbox trực tiếp cho chúng mình qua fanpage hoặc gọi điện qua số:
0986 705 535 (gặp trực tiếp - nếu bạn ở địa bàn Đà Nẵng) để chúng mình được hỗ trợ bạn nhé!