Có lẽ cái lạnh mùa đông tràn về chẳng chừa lấy một ai. Nó cứ ùa đến, cắt vào da, vào thịt. Nó ăn sâu vào cảm xúc. Và cũng có thể, nó đã xé nát một tâm hồn.
Thằng bé ấy khi đó cũng chạc tuổi tôi 12,13 gì đấy, cái độ tuổi mà lũ trẻ chúng tôi vẫn nằm yên trong sự bao bọc, trở che của bố mẹ. Vậy mà nó lại phải đi xin từng miếng ăn sống qua ngày. Nghe mọi người kể, bố nó nghiện hút đi trại mấy năm rồi mũi "né" đi đâu mất để trốn nợ, còn mẹ làm cave cặp kè với mấy thằng đòi nợ thuê rồi cuối cùng bị đánh ghen bây giờ tung tích thế nào cũng chẳng ai biết.
Thằng bé xin ăn ở chợ cũng ngót nghét nửa năm rồi, cứ dăm bữa nửa tháng tôi lại thấy nó trong cái bộ dạng nhếch nhác lủi thủi đi quanh các sạp, các tiệm xin cơm xin tiền. Ai cũng biết nó đói nó khổ nhưng ở nơi chợ búa bán buôn, ai cũng tấp nập mua bán mưu sinh, lo kiếm cái ăn không chỉ cho mỗi mình mà còn cho cả những đứa trẻ của họ, hơi đâu lại lo cho một đứa đầu đường xó chợ. Thi thoảng bà hàng cơm đối diện nhà tôi lại cho nó 1 túi cơm nguội với vài món ăn thừa của khách, nó vui lắm, cái vui khi biết cái bụng hôm nay sẽ không bị đói, điều đó có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Rui rủi thế nào bà bán cơm lại đi mất, bà bán lại cái ki ốt lấy tiền về quê ở với con gái, thằng bé ấy bấy giờ chỉ còn biết phụ thuộc vào mấy đồng lẻ hiếm hoi của khách đi chợ còn với dân ở đây, ai thấy cái vóc dáng nhỏ con, nhem nhuốc của nó là xua đuổi, coi nó như thứ hãm tài làm họ ế ẩm. Mấy mụ bán cá có khi còn hất đống nước rửa tanh tưởi vào nó rồi cười lấy làm khoái chí, vừa cười vừa chửi bố mẹ nó, thằng bé chỉ biết sụt sịt, đỏ hoe con mắt mà lủi thủi bước đi. Tôi không biết liệu có phải con người ta vốn đã cay nghiệt hay do cái cảnh xin ăn ở khu chợ đã là chuyện thường tình nên chẳng còn ai động lòng nữa.
Thế rồi bẵng đi vài tháng tôi chẳng gặp nó nữa. Cuối năm ấy, gió bấc về sớm, lũ trẻ chúng tôi được bố mẹ sắm cho đủ thứ, đứa nào cũng vui sướng với quần áo đẹp và đồ chơi mới, tôi còn nhớ con bé hàng xóm nhà giàu được mẹ nó thưởng cho một cái áo khoác lông vũ nhập khẩu đắt đỏ mới cứng, cái thời ấy có đồ ngoại mặc thì oai phải biết. Hôm ấy, tôi lại thấy nó, hình dạng chẳng khác gì so với hồi trước, khuôn mặt nhem nhuốc nứt nẻ, đôi mắt mệt mỏi, chậm chạp chứa đầy bất hạnh của một tâm hồn non nớt. Nó mặc cái áo phông cũ, màu trắng ban đầu đã xỉn ra thành màu vàng khè, quấn bên ngoài là miếng vải rẻ lau để che chắn cho nó khỏi cái lạnh mùa đông; cái quần kaki nay đã trên mắt cá, rách nát, lộ những vết khâu vụng về. Nó đi xin ăn và vẫn như trước, những gì nó nhận được là những cái lắc đầu, những câu chửi, mỉa mai miệt thị. Nó cứ bước đi, ngồi trên ban công đôi mắt tôi rọi theo từng bước chân của nó cho đến khi cái dáng người khổ sở của nó lặn vào trong bóng tối của một ngày đông. 
Cái đêm ấy, gió về buốt lắm, gió to, tiếng gió thổi đống bạt che phần phật, đập loạn xạ vào cửa chính, cửa sổ thật ghê người. Dù nằm trong chăn ấm đậm êm, tôi vẫn cảm thấy lạnh của từng cơn gió thấm vào da vào thịt. Chùm kín cái chăn bông, tôi chìm vào giấc ngủ, tạm quên đi cái lạnh ngoài kia. Sáng hôm sau đó. tôi vẫn nhớ rõ mồn một cảnh mặt đất phủ đầy những lá, cành cây và cả rác thải, trên tường tất cả các nhà trong khụ phố ấy đều mất lá cờ treo trước cửa, ai cũng nghĩ chắn là mấy ông nghiện trộm cờ đem bán. Trưa đến, lão bán hàng khô tìm thấy nó đang ngủ với đống cờ quấn quanh mình, ông hô hào mấy người lớn nữa đến, định cho nó một trận thì một tiếng kêu thất thanh vang lên "Nó chết rồi". Ai cũng giật mình bàng hoàng. Người thằng bé tím tái lại, nó chết cóng, chết cô đơn, lạnh lẽo một mình, lạnh lẽo chẳng phải chỉ vì mùa đông. Chiều hôm ấy nhịp sống ở chợ quay lại bình thuờng, nhưng trong cái xô bồ, hối hả ấy, ai cũng chạnh lòng.