TRIẾT HỌC TRONG PHÒNG TẮM
Rất nhiều ý tưởng đến vào lúc tôi đang tắm. [...] Điều đáng tiếc duy nhất là ở phòng tắm thì không thể ghi chép bằng giấy bút. [...]
(Bài viết tham dự cuộc thi Triết học thực hành trong đời sống)
Rất nhiều ý tưởng đến vào lúc tôi đang tắm. Những suy nghĩ tuôn trào như nước. Nơi đó không có áp lực và thoải mái. Việc kỳ cọ và làm cho bản thân sạch sẽ giống như thanh lọc tâm hồn: lọc bỏ những điều tiêu cực, những sầu muộn âu lo và khiến tâm trí trở nên sáng suốt hơn. Tuyệt hơn nữa nếu được ngâm mình trong nước ấm, có nến, hoa và mùi hương yêu thích. Điều đáng tiếc duy nhất là ở phòng tắm thì không thể ghi chép bằng giấy bút, vì thế nhiều lần tôi phải nuối tiếc nhìn những ý tưởng hay ho bay đi và không trở lại, giống như bạn mơ một giấc mơ tuyệt vời và tỉnh dậy thì quên hết.
Trong những ngày này, tôi cảm thấy mình đã chạm được đến trạng thái mà mình luôn mơ ước: trạng thái hạnh phúc, hài lòng với những gì đang diễn ra, có động lực để làm những thứ có ý nghĩa và không bị cảm giác chán chường bủa vây. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng đây là một đặc ân khi tôi sinh ra là một con người, bởi nhờ đó đó tôi có thể thưởng thức được vẻ đẹp của những bông hoa và làm rất nhiều điều mà một con thỏ hay một cái cây không thể làm. Cảm giác đó thật bình yên, thật tĩnh lặng, là thứ tôi luôn kiếm tìm. Trải nghiệm thiên đường ngay khi mình vẫn đang còn sống là một trải nghiệm tuyệt đến mức không biết diễn tả thế nào cho trọn vẹn.
Đây không phải lần đầu tôi chạm đến ngưỡng cửa này. Trước đây tôi đã nhiều lần chạm đến rồi chính tôi lại đóng nó và rơi vào vòng xoáy của sự xô bồ, chán nản, ganh ghét, mệt mỏi triền miên. Cuộc sống của tôi có thể nói là tạm đủ về mặt vật chất, không phải bận tâm nhiều về nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng tôi thường xuyên không có được sự bình yên trong tâm hồn, luôn cảm thấy chán chường, sáng thức dậy với một trạng thái uể oải vô định, việc muốn làm thì quá khó không biết bắt đầu từ đâu, lúc nào cũng xoay trong những suy nghĩ tủn mủn đời thường, xung quanh toàn “rác”, có thứ rác là đồ đạc lộn xộn, có thứ “rác” là tin tức tiêu cực, vô bổ, những con người suốt ngày cay độc và cạnh khóe nhau.
Có những ngày chán nản đến cùng cực, tôi căm ghét con người và muốn hủy diệt tất cả. Tôi tự hỏi cuộc sống đau khổ như vậy, tại sao người ta không chết đi để giải thoát. Phải chăng họ sống hèn mọn như vậy để bấu víu vào những hy vọng le lói từ một tương lai không biết khi nào mới đến. Rõ ràng là không có thứ gì níu kéo họ ở thế giới này, nếu có thì toàn là gánh nặng, vậy mà tại sao họ không dứt khoát ra đi. Chẳng lẽ việc vật lộn trong thế giới này lại dễ chịu hơn là giải thoát hay sao?
Đó là những suy nghĩ rất tiêu cực và có phần đen tối, tôi biết, nhưng lúc đang vẫy vùng trong sự tuyệt vọng của tâm trí, tôi không nghĩ khác được. Những câu động viên, những cuốn sách hay tôi từng đọc trở nên vô dụng. Tôi vùng vẫy thoát ra bằng cách… nằm dài trên giường cả ngày, đóng cửa không tiếp xúc ai, từ chối giao lưu, chìm đắm trong game, phim và những tin tức nhảm nhí. Tôi biết tôi đang làm sai. Nhưng việc ngồi dậy để làm một việc tích cực chẳng hạn tập một bài yoga, đọc một cuốn sách (chắc chắn là bổ ích gấp trăm lần những tin tức nhảm nhí mà tôi đang sa đà vào), dọn dẹp phòng, v.v… là điều tôi không thể nào làm được. Tâm trí của tôi, thân thể của tôi, nhưng tôi gần như không thể khống chế nó. Thứ đúng đắn duy nhất là ý thức rằng tôi biết mình đang sai, mình sẽ trượt dài nếu cứ như thế này, tôi không thể cứ như vậy. Đó là việc tích cực duy nhất tôi có thể làm để thoát ra tình trạng mà tôi tạm gọi là chìm dưới đáy hồ.
Tôi thường bị stress, và tôi hay mô tả trạng thái đó là việc tôi bị rơi xuống hồ nước sâu từ một mỏm đá. Tôi biết bơi nhưng lúc đó tôi đã không thể bơi hoặc không muốn bơi. Hồ nước thật lạnh, càng sâu càng tối, tôi vừa khó thở vừa lạnh, cứ thế chìm dần. Tôi biết chỉ cần vẫy vùng đúng cách tôi có thể nổi lên và bơi vào bờ. Nhưng những lúc như thế hoặc là tôi không muốn vẫy vùng, tôi không muốn động đậy một thớ cơ nào trên người; hoặc là tôi vẫy vùng nhưng quên mất cách bơi, dù bình thường tôi đã lưu trữ rất nhiều cách để “bơi” nhưng lúc cần thì bỗng nhiên tôi bị mất trí nhớ chẳng biết những thứ tôi từng tích cực thu lượm ấy giờ ở đâu. Vẫy vùng không có phương pháp làm tôi nhanh chóng đuối sức và tuyệt vọng, tôi lại nhanh chóng từ bỏ, để mặc mình chìm sâu.
Thật may, giờ đây, bằng nhiều cách, tôi đã quay về và đứng trước ngưỡng cửa thiên đường, nơi bình yên ngự trị, tôi có thể nghe thấy rất rõ những âm thanh phát ra từ lòng mình. Nó trong trẻo, thánh thót dễ nghe và đúng đắn. Về cánh cửa huyền diệu này, hay trạng thái khai sáng, hay là khả năng “có thể nói chuyện được với Chúa”, tôi dùng nhiều tên gọi khác nhau để bạn có thể hình dung. Thứ cứu rỗi tôi và đưa tôi đến đó đều liên quan đến triết học, thứ quá rộng lớn để gọi là một bộ môn.
Triết học từ lâu đã là “môn học” mà tôi đặc biệt yêu thích. Xin nhấn mạnh là triết học chứ không phải chủ nghĩa Mark-Lenin. Chủ nghĩa Mark-Lenin chỉ là học thuyết của 2 người và được ủng hộ, phát triển bởi một số người, là một nhánh rất nhỏ của triết học. Tôi lúc ấy hiểu mơ hồ rằng triết học là cái gì đó rộng lớn, thú vị và ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, ít nhất là với cuộc sống của tôi. Trong những năm tháng u mê đang lớn giữa cuộc đời muôn vàn lối rẽ, tôi vẫn luôn dành một góc trong tâm trí cho triết học, nhưng lúc ấy triết học đối với tôi vẫn là một thứ gì đó hấp dẫn nhưng đồng thời cũng rất xa lạ và hàn lâm. Nó thường gắn với hình ảnh một thư viện cổ xưa, với những đầu sách dày nặng, những người đã đứng tuổi đeo những cặp kính đạo mạo, ngồi đọc sách trong ánh sáng chiếu xiên vào từ cửa sổ lớn, đổ thành những vệt bóng chiều tà trên bàn ghế gỗ và mặt sàn li ti bụi. Thật đẹp, cổ kính và có phần nhàm chán khô khan.
Hoặc nó gắn liền với hình ảnh những vương công quý tộc, người không lo lắng về tiền bạc vật chất, ngồi thiền trên một đỉnh núi và có những ý tưởng xa xăm. Nghe thật vô dụng và xa rời thực tế.
Cũng không ít lần, triết học trở thành một tấm áo lấp lánh và hào nhoáng để người ta khoe mẽ và giở trò bịp bợm, diễn thuyết theo kiểu phức tạp hóa vấn đề nhằm chứng tỏ bản thân ở đẳng cấp cao. Họ - những triết gia tự nhận – cho rằng nếu nói chuyện mà ai cũng hiểu thì họ sẽ trở thành tầm thường và do đó cũng không thể lôi kéo được người khác, nên họ dùng cách diễn đạt phức tạp cho những điều đơn giản để khiến người ta u mê.
Tôi biết triết học không phải như thế, nhưng cụ thể là như thế nào thì tôi không diễn tả được. Tôi chỉ biết triết học không phải là dáng vẻ này. Sức hấp dẫn lớn nhất của triết học chính là khả năng làm cuộc sống của con người trở nên tốt hơn, lành mạnh hơn, sâu sắc hơn, an yên hơn từ bên trong, chứ không phải là một cuốn bí kíp tu tiên nói những gì mà người ta không hiểu và cũng không thể thực hành theo.
Nhưng đâu mới là dáng vẻ mà triết học nên có? Làm sao để ứng dụng những lý thuyết cao siêu và có phần xa rời thực tế đó vào cuộc sống? Người ta không thể no bụng khi tự huyễn hoặc mình sự đói chỉ là một loại tưởng tượng, hoặc không thể trở nên tràn đầy động lực và hy vọng vào tương lai chỉ bằng việc đọc những lý thuyết khó hiểu.
*
Mãi đến sau này, khi đọc được một tựa sách tên là “Đời thay đổi khi chúng ta ta đổi” của Andrew Mathews, tôi mới biết hóa ra triết học có 2 loại: loại hàn lâm và loại dùng trong đời sống. Thứ chúng ta thường hay nghĩ đến khi nghe hai từ “triết học” chính là loại triết học hàn lâm, đa số chúng ta không cần tìm hiểu sâu về chúng và chúng cũng có ít ứng dụng trong đời sống, hay ít nhất với tôi thì nó chỉ có tác dụng tham khảo.
Cái tôi muốn nói đến là loại thứ hai: triết học dùng cho đời sống. Nó không khoát một lớp áo cao quý và xa lạ như đến từ một thế giới khác. Nó thể hiện bằng nhiều hình thái, thậm chí đơn giản và bình thường đến mức chúng ta không biết nó chính là triết học.
Nó có thể rất đơn giản, những câu triết lý ngắn và hài hước, sách động viên tinh thần mà chúng ta thích đọc có thể chính là một hình thái của triết học.Triết học - theo tôi hiểu đơn giản - chính là cách chúng ta hiểu về bản thân và nhìn nhận về thế giới. Nó thể hiện qua việc suy ngẫm hàng ngày và liên tục: mình thích cái gì, ghét cái gì, những hoạt động nào giúp mình có tinh thần tốt hơn, sở trường của mình, thói xấu của mình mãi vẫn không sửa được là gì và tại sao, kế hoạch ngày mai, nhận định việc đang xảy ra, tại sao mình ghét người này, tại sao mình bực mình về điều đó? Nếu thứ đó thay đổi thành thế này thế kia thì mình có ghét nữa không? Sự ghét của mình là vô lý hay có lý? Làm thế nào để hạn chế những điều tiêu cực này lại? v.v…
Tất cả những suy nghĩ tưởng chừng nhỏ nhặt và có phần ngớ ngẩn này thật ra lại là tiền đề để ta tìm hiểu bản thân mình một cách sâu sắc và đầy đủ. Có bao nhiêu người tự tin rằng mình thực sự hiểu bản thân? Chúng ta sống nhiều năm trên đời nhưng lại bỏ lỡ rất nhiều thời gian, có người đã đến dốc bên kia cuộc đời mà vẫn vô tri. Họ có thể có chuyên môn rất cao, đạt được nhiều học hàm học vị, tinh thông uyên bác và được người trong ngành thừa nhận với những chứng nhận uy tín, nhưng vẫn vô tri. Cái vô tri đáng tiếc nhất là vô tri về bản thân mình: không biết mình là ai, mình sống vì điều gì và làm thế nào để bình yên hạnh phúc thật sự.
Trong thời đại thông tin xô bồ, nhiều luồng ý kiến, không biết tin ai, việc đưa ra một hệ thống lý luận cho mình là rất cần thiết để bình tâm và an yên. Muốn hiểu về thế giới và làm bất cứ điều gì, phải hiểu bản thân mình. Để hiểu bản thân mình, cần thông qua con đường triết học, hay nói một cách đơn giản là không ngừng tự suy ngẫm, tự cảnh tỉnh bản thân.
Người ta hoàn toàn có lý khi cho rằng hạnh phúc là thứ dễ tìm nhất nhưng cũng là thứ khó tìm nhất. Dễ tìm là bởi vì không cần có quyền lực, có thật nhiều tiền hay nổi tiếng thì mới có thể hạnh phúc, nhưng lại khó tìm nhất bởi nó nằm ngay bên trong con người mình, trong tâm trí mình nhưng rất ít người thật sự nghiêm túc nhìn vào bên trong. Họ chạy theo người khác, đánh giá người khác, so sánh với người khác, đổ lỗi cho người khác mà rất rất ít lần tự chiêm nghiệm bản thân. Dường như ta rất hiểu rõ về “người khác” nhưng lại hoàn toàn không hiển bản thân mình, rồi đau khổ bởi ta không bao giờ thật sự hạnh phúc, hoặc hạnh phúc rất ngắn ngủi.
Với sự hỗ trợ của truyền thông và sự phát triển của những thiết bị hiện đại, người ta rất dễ cuốn vào vòng xoáy của việc tay nhanh hơn não. Rất khó cho người ta có thể bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo. Thế giới tạo điều kiện cho sự nhanh chóng, sự tiện lợi, sự hoành tráng, sự hời hợt. Một bài viết dài và có đầu tư suy nghĩ khó hơn nhiều việc ghi vài dòng bộc phát nhất thời. Một bài viết vài ngàn lượt “thả tim” có sự mê hoặc hơn việc viết một bài chỉn chu nhưng phản tỉnh số đông chỉ có lèo tèo vài lượt “thích”. Việc chia sẻ những thông tin hợp ý dễ hơn nhiều việc kiểm chứng thông tin, thậm chí có những thông tin không thể kiểm chứng do trở ngại ngôn ngữ, nguồn thông tin bị hạn chế tiếp xúc hoặc đơn giản là do mất công sức. Sống trong thời đại đầy những phương tiện cổ vũ sự hời hợt và nô lệ về mặt tư duy thì việc độc lập suy nghĩ lại càng là việc khó, nhưng đáng làm và rất nên làm. Càng bị đầu độc, ta càng phải tỉnh táo và sáng suốt. Nếu vô tri là tội, thì việc biết mình vô tri mà không tìm cách để bớt vô tri lại là tội lỗi càng lớn hơn.
Triết học là khi ta biết rằng lo lắng và cố kiểm soát những điều nằm ngoài phạm vi khống chế của mình là một việc ngu ngốc. Nhiều khi ta vô tình, đôi khi là biết mình đang làm chuyện vô ích nhưng vẫn không thể ngừng lo lắng: Con cái đi ra ngoài chơi có an toàn không? Có bị té hay bị thương vì mải chơi đùa không? Đi học có hòa đồng với bạn bè không, có bị ức hiếp không? Ba mẹ ta có đột ngột lên cơn đau tim hay đột quỵ không? Người ta yêu có xui xẻo gặp chuyện không may vì một tên say xỉn chạy xe ẩu ngoài đường không? Tất cả những lo lắng này có thể khiến ta phát điên bởi vì ta không thể nào ngăn cản nó không xảy ra. Ta biết ta có lo lắng cũng chẳng giúp được gì nhưng vẫn không thể ngừng lo lắng. Vòng xoáy cứ lặp lại. Cho đến khi ta tìm đến triết học để triệt tiêu những nỗi lo lắng này. Ta chấp nhận rằng có những việc không may vẫn luôn tồn tại khả năng xảy ra dù xác suất là thấp. Ta biết rằng mình chỉ có thể cố gắng hết sức trong phạm vi của mình để giảm xác suất xuống mức thấp nhất có thể, còn lại tùy duyên, ta chấp nhận rằng có một số việc bản thân cũng đành bó tay. Ta học được cách buông bỏ, học được cách chấp nhận, học được cách đứng dậy từ suy sụp. Triết học dạy ta điều đó.
*
Vậy cụ thể thì tôi cần làm gì bây giờ?
Tôi suy nghĩ. Mỗi ngày tôi suy nghĩ ít nhất 3-4 lần, mỗi lần 5-10’. Đây là việc dễ và không mất nhiều công sức. Những suy nghĩ không cần quá cao siêu, chỉ đơn giản như: tôi không thích điều này. Tại sao tôi lại không thích điều này? Nếu A cải thiến những điểm 1,2,3… thành A’ thì liệu tôi có thích A’ không? Trạng thái cơ thể tôi hôm nay thế nào? Tôi bị đau lưng, có lẽ hôm nay tôi nên tập vài động tác yoga tốt cho cái thân già khốn khổ này. Sáng giờ tôi đã làm gì? Tôi thích làm gì? Tôi sẽ viết về đề tài gì cho bài viết tiếp theo trên trang web? Tôi đã dọn dẹp bàn làm việc mình để nó trông gọn gàng hơn và sau đó khi nhìn bàn làm việc tôi thấy rất thoải mái, tôi có thể bắt tay vào làm việc ngay với một trạng thái vô cùng phấn khởi, suy ra việc dọn dẹp như người ta vẫn hay nói là có tác dụng tích cực thật sự với tôi. Tôi vừa học được rằng bàn làm việc không nên để quá 5 món đồ sẽ tăng hiệu quả công việc. Với tình hình thế giới không ngừng biến động thế này, việc làm ổn định trong hiện tại trong 5 năm tới có thể sẽ mất và tôi sẽ thất nghiệp; trước nay nghe về dịch bệnh, nhưng lần dịch Covid 19 này cho tôi trải nghiệm sâu sắc thế nào là một cơn đại dịch lịch sử; biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, có thể trong vài chục năm nữa trái đất sẽ bị hủy diệt như cách mà những con khủng long đã biến mất, liệu tôi sẽ chết già trước hay trái đất sẽ nổ tung trước? Cuộc sống bây giờ thật áp lực, tin tức thì như vũ bão, không cập nhật kịp thì bị chê nhà quê, thu nạp nhiều quá lại thành biết nhiều nhưng hời hợt, không sâu, mà nhiều như thế thời gian đâu mà chuyên sâu, v.v… Những suy nghĩ vặt vãnh như thế lại khiến tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và những điều xung quanh, điều mà tôi không thể có nếu không suy nghĩ.
Lúc ở nhà tắm là lúc tôi suy nghĩ ra nhiều ý tưởng hay ho nhất, nên ước mơ của tôi là xây một phòng tắm rộng, có bồn tắm, có màn chắn bằng trúc xanh, có kính, khi tắm có hoa, nến thơm và nhạc. Trong phòng tắm, ý tưởng tuôn trào như nước. Điều đáng tiếc là ở phòng tắm thì không thể ghi chép, thế nên nhiều ý tưởng hay đến rồi lại đi mà tôi không thể nhớ lại.
Viết nhật ký cũng là một cách thực hành triết học. Thay vì để những ý tưởng thi nhau xoắn quẩy trong đầu đến mức rối tung, tôi viết nó ra, phân tích rõ ràng từng ý và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Nếu sau này có gặp lại, tôi cũng biết rằng mình đã từng gặp chuyện này, tôi sẽ biết nên làm thế nào, tránh bỡ ngỡ. Đời này không có việc khó, chỉ có việc chưa quen. Viết là một cách biến lạ thành quen, khi mọi thứ đã quen tôi sẽ thấy nó bớt khó. Việc viết nhật ký là một sở thích cá nhân, cho nên hiệu quả đem lại cũng lớn nhỏ tùy người, chẳng hạn người bình thường hiệu quả 6 thì người thích viết nhật ký là 10 chẳng hạn. Tôi nghĩ nó vẫn giúp được cho đa số mọi người, chỉ là với những người thích viết và giãy bày tâm tình qua việc viết thì viết nhật ký sẽ đem lại tác động mạnh mẽ hơn.
Tôi hạn chế dùng điện thoại, bởi đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy sóng điện từ từ các thiết bị điện tử gây hại cho sự phát triển của trí não. Vì lý do công việc, tôi không thể hoàn toàn rời xa các thiết bị này, nhưng có thể thiết lập thời gian nghỉ ngơi sau khoảng 1-2 tiếng sử dụng. Điện thoại có một sức hấp dẫn ghê gớm, cuốn hút và gây nghiện như xì ke. Điện thoại càng thông minh, con người có vẻ càng bớt thông minh, bởi vì chuyện gì cũng có thể giao cho điện thoại xử lý được rồi. Rất tiếc, điện thoại chỉ là công cụ được lập trình và những đề xuất nó đưa ra không hoàn toàn phù hợp với từng cá nhân. Điện thoại cũng không biết suy ngẫm dùm mình và muốn phải triển bản thân, nâng cao sức mạnh tinh thần thì không thể thông qua điện thoại được. Điện thoại và các thiết bị điện tử nói chung đều chỉ là công cụ phục vụ, mỗi ngày tôi đều nhắc mình đừng bao giờ quên điều cốt lõi này.
Tôi hạn chế đọc tin tiêu cực. Thay vì đọc báo, tôi đọc tin ngắn, các bản thời sự tóm tắt và đọc sách. Việc viết bài giật tít thu hút sự chú ý, tin giả là một hiện tượng phổ biến gần đây. Tôi không thể nào thay đổi việc này, nhưng tôi có thể lựa chọn không tham gia vào phát tán những thứ độc hại, bằng cách khiến chúng biến mất khỏi tầm mắt mình và hạn chế tương tác.
Tôi chơi game, tôi chụp ảnh, tôi vẽ tranh, tôi thêu thùa, v.v… những sở thích nho nhỏ. Dù làm việc gì tôi cũng xác định mục đích của mình và không ngừng suy nghĩ về nó. Chẳng hạn khi chơi game, tôi vừa chơi vừa suy nghĩ tại sao game này lại hấp dẫn nhỉ. Nếu mình có thể thiết kế cuộc sống và những việc phải làm như một game và nhiệm vụ trong game thì hẳn là cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều. Game này cần cải tiến điều gì? Mình nên chơi trong bao lâu thì ngừng? Tôi khống chế bản thân không để bị game cuốn vào rồi chơi tới đầu óc mụ mị.
Có thể bạn thấy những điều tôi chia sẻ sao mà tầm thường quá, sao mà giống mấy cái trên mạng viết động viên quá, sao nhàm quá. Thật ra những bài viết đó cũng là triết học cả. Bất cứ thứ gì khiến bạn dừng lại, nhìn vào bên trong và soi xét bản thân đều là triết học. Chúng đều rất gần gũi và dễ thực hành. Chúc bạn đạt được trạng thái an yên và có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những bông hoa, có thể lâu nay chúng vẫn đang chờ đợi bạn nhìn ngắm. Nếu có thể, bạn hãy đi tắm xem sao, phòng tắm là một nơi suy ngẫm về triết học rất tuyệt, nhất là khi nó kèm nhạc, nến, hoa và hương thơm mà bạn yêu thích.
Người viết: Mèo Gâu.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất