TRẦM CẢM LÀ GÌ VÀ TẠI SAO NÓ LẠI KHÓ HIỂU?
Disclaimer: Mình không phải là chuyên gia tâm lý học hoặc có background nghiên cứu bệnh lý tâm lý. Bài viết này nhằm mục đích đưa ra...
Disclaimer: Mình không phải là chuyên gia tâm lý học hoặc có background nghiên cứu bệnh lý tâm lý. Bài viết này nhằm mục đích đưa ra những khó khăn mà người không mắc bệnh gặp phải trong quá trình cố gắng hiểu đúng bệnh trầm cảm. Mình cũng cố gắng giải thích những câu hỏi thường gặp về trầm cảm trong khả năng của mình. Nếu các bạn có đóng góp, chỉnh sửa gì thêm, mình rất hoan nghênh!
Trầm cảm trong một vài năm trở lại đã giành được khá nhiều sự quan tâm như một căn bệnh tâm lý nguy hiểm, có thể dẫn đến cái chết. Những cái chết của những người nổi tiếng được yêu mến như Chester Bennington, Avicii, Kate Spade, Anthony Bourdain càng khiến trầm cảm trở thành một chủ đề nóng. Tuy nhiên đi cùng với đó cũng là một loạt những thắc mắc hoặc hiểu lầm về trầm cảm, điển hình như những bình luận mình được đọc trong trang cộng đồng Việt Nam – RDVN, bao gồm:
Trầm cảm là gì vẫn chưa thực sự hiểu?
Sao không suy nghĩ thoáng hơn, tích cực lên?
Sao không nghĩ đến gia đình mà lại tự tử?
Ai cũng trải qua những chuyện buồn như vậy, có phải là do yếu đuối, chưa đủ trường thành quá không?
Không sợ chết hay sao?
Vậy ai tự tử cũng là do bị trầm cảm à?
Những câu hỏi này có thể mang tính đơn thuần và góp phần gây trigger cho những bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên nó cũng phản ánh nhận thức về bệnh trầm cảm ở Việt Nam cũng như cách bệnh lý tâm lý được phổ biến, giải thích cho người Việt. Đây là một số nguyên nhân khiến việc hiểu về trầm cảm trở nên khó khăn.
Đọc thêm:
1. Nguyên nhât thứ nhất: Thiếu nguồn tin đáng tin cậy với ngôn ngữ tiếp cận được
Giả sử mình là một người không biết gì về trầm cảm, khi Google “trầm cảm là gì” mình có 31 400 000 kết quả trả về, trong đó có những trang top đầu bao gồm: hellobacsi, Wikipedia và các báo Dantri, BBC và cổng tin tức điện tử News Zing.
News Zing đưa ra định nghĩa “Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong tới chót, mặc cảm thua kém, rầu rĩ,…” sau đó liệt kê những triệu chứng thường gặp của bệnh trầm cảm.
Bài báo Dân Trí được xếp vào mục Tư vấn, không có đề cập đến khái niệm trầm cảm là gì nhưng đưa ra bảng điểm Burns để người đọc tự chuẩn đoán cho mình. Ở cuối bài còn được chèn thêm thực phẩm đông y trị “giúp hỗ trợ điều trị trầm cảm”.
Hellobacsi cung cấp định nghĩa của trầm cảm như sau: “Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử. Trong các dạng trầm cảm, trầm cảm sau sinh là tình trạng rất phổ biến.” Điều đặc biệt ở trang hellobacsi này là tên tác giả cũng như cố vấn của chuyên gia tâm lý được đề cập ngay đầu trang.
Ngoài ra mình cũng cố tình tìm kiếm thông tin về trầm cảm của những tổ chức về sức khỏe tinh thần ở Việt Nam, điển hình là Beautiful Mind VN: Các bài viết được chuyển ngữ từ tài liệu chuyên môn trong ngành và đi sâu vào chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân, các dạng trầm cảm khác nhau.
Đọc thêm:
Ở đây có thể thấy các vấn đề sau. Thứ nhất là việc thiếu nguồn tin đáng tin cậy. Ngoài thông tin cung cấp do bác sĩ chuyên môn, người đọc (với tiếng Anh hạn chế) chỉ có thể tiếp cận, đọc về trầm cảm qua các bài dịch. Nhưng xét trên góc độ là một khán giả đại chúng, các bài viết đáng tin cậy, chi tiết như của Beautiful Mind VN dù được chuyển ngữ cẩn thận vẫn sẽ khó hình dung và nắm bắt do độ chuyên môn cao, do đó khó tiếp cận.
Ngược lại, khi đọc các trang báo mạng, trầm cảm được định nghĩa là “trạng thái” trên News Zing, khiến người đọc dễ nhầm lẫn bản chất của trầm cảm như một cảm xúc thay vì là bệnh lý như khái niệm “chứng rối loạn tâm trạng” do trang Hellobacsi đưa ra. Tuy nhiên, như thế nào mới được gọi là “chứng rối loạn tâm lý” thì lại không được đề cập đến trong bài.
Ngoài ra các bài viết mang tính chất tự chuẩn đoán như “6 dấu hiệu sau mang nghĩa bạn bị trầm cảm” cũng dẫn đến việc lẫn lộn khái niệm giữa một bộ phận lớn hiện nay.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của trầm cảm không hề rõ ràng và cụ thể
Theo The Finnish Association for Mental Health (Phần Lan), nguyên nhân dẫn đến trầm cảm thường không hề cụ thể, rõ ràng và có thể khác nhau với từng trường hợp khác nhau. Nhìn chung, nguyên nhân của trầm cảm thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm: sinh lý, tâm lý và xã hội. Điều này có nghĩa là yếu tố di truyền, môi trường sống thời thơ ấu và những sự kiện trong cuộc sống sẽ góp phần tạo ảnh hưởng đến khả năng bị trầm cả của một người. Ngoài ra, điều kiện thời tiết (mùa đông kéo dài, thiếu ánh sáng) và yếu tố hormone (các trường hợp sau sinh) cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.
Những người khác nhau cũng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Điển hình là ở giai đoạn tuổi dậy thì, trầm cảm có thể biểu hiện thông qua sự giận dữ, dễ bị kích thích trong khi đối với người già, trầm cảm thường dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng tuổi già thông thường như trí nhớ kém, đau nhức cơ thể. Cũng như vậy, triệu chứng của trầm cảm bao gồm tăng cân hoặc giảm cân, ngủ nhiều hoặc mất ngủ và do đó khiến thân nhân người bệnh hoang mang, khó hiểu.
Điều đáng nhấn mạnh ở đây là trầm cảm không có những triệu chứng nhìn thấy được như các bệnh khác (cảm sốt, ho, đau nhức, sưng tấy, chảy máu, v.v). Nếu ung thư có thể được giải thích một cách trực quan rằng có một tế bào đột biến đang tấn công các tế bào còn lại, thì trầm cảm lại hoàn toàn khác. Những nguyên nhân của trầm cảm cũng có thể mơ hồ và không được biết tới như quá khứ cá nhân, sinh lý cơ thể và vấn đề xã hội.
Đọc thêm:
3. Rất khó để diễn tả trải nghiệm cá nhân riêng biệt của mỗi người
Trầm cảm rất khó để giải thích cho người khác khi họ không có trải nhiệm cá nhân với căn bệnh này. Trang Psychology Today giải thích rằng nó giống như cố miêu tả vị của sô cô la cho một người chưa bao giờ ăn sô cô la hoặc chưa bao giờ nếm bất kỳ loại thức ăn nào. Do đó họ sẽ không có cơ sở để hình dung được “ngọt” hoặc “cảm dịu nhẹ trên đầu lưỡi” sẽ ra sao và ảnh hưởng đến cơ thể, hành vi như thế nào. Hầu hết mọi người đều trải qua trạng thái tinh thần như buồn rầu, suy sụp, chán nản và có xu hướng đồng hóa trầm cảm với “buồn bã”. Nhưng sự so sánh này khập khiễng như cho rằng bệnh lao phổi giống như bị ho.
4. Các thắc mắc thường gặp về trầm cảm ở Việt Nam khác với các nước khác
Những câu hỏi như “Sao không nghĩ cho gia đình?” là câu hỏi mang đậm tính văn hóa Việt Nam và ít phổ biến ở các nước văn hóa phương Tây. Do đó khó có nguồn tài liệu chuyên môn nào giải thích tốt về biểu hiện của trầm cảm ở những nền văn hóa khác nhau.
Tạm kết
Nhìn chung, để tiếp thu thông tin một cách hiệu quả nhất và dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ, hành vi, chúng ta cần những câu chuyện hấp dẫn và hình ảnh trực quan. Việc đa số mọi người gặp khó khăn khi nắm bắt các khái niệm trừu tượng như thay đổi khí hậu là điều dễ hiểu vì nó không xảy ra trước mắt chúng ta, chúng ta không thể trải nghiệm nó cũng như khó có thể phân biệt được chỉ là một ngày trái gió trở trời hay là khí hậu thực sự đang thay đổi, trái đất đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Một số ví dụ của việc trực quan hóa các vấn đề trừu tượng là tầng ozone và HIV/ AIDS. Theo Vox, khi các nhà khoa học phát hiện về lỗ thủng tầng ozone, việc có một cái “lỗ” trong màng khí quyển bảo vệ chúng ta khỏi những tia độc hại dễ hình dung hơn.
Đối với HIV/AIDs, các poster, áp phích với hình ảnh chết chóc, nguy hiểm đã gây ra nhận định đây là “bản án tử” hết sức nguy hiểm và cần phải tránh xa. Điều này tuy nhiên cũng dẫn đến một số hiểu lầm về HIV/ AIDS và khiến cộng đồng bệnh nhân bị cô lập, kỳ thị trong xã hội.
Đọc thêm:
Trả lời cho những thắc mắc, hiểu nhầm trên:
Trầm cảm là gì, vẫn chưa thực sự hiểu?
Trầm cảm là một bệnh lý về tâm lý khi người bệnh có những triệu chứng như chán nản, mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống, etc diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
Trầm cảm khác với tâm trạng thường ngày khác ở những điểm: không có lý do cụ thể, lặp đi lặp lại ý nghĩ tự gây hại cho bản thân, thời gian kéo dài, không duy trì được các sinh hoạt sống hằng ngày.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm: di truyền, môi trường sống tuổi thơ, xã hội, thời tiết và thay đổi hormone. Những yếu tố này đều ảnh hưởng đến não bộ của người bệnh bằng cách tăng các hormone stress, gây ra sự loạn nhịp của bộ não và ảnh hưởng lên cả cơ thể lẫn tâm trí người bệnh.
Sao không suy nghĩ thoáng hơn, tích cực lên?
Như đã đề ở cập nguyên nhân của trầm cảm, khi những yếu tố tác động thay đổi não bộ, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để không trượt dài trong rãnh suy nghĩ, cảm giác đau đớn và mệt mỏi. Dẫn đến tình trạng trầm cảm kéo dài và thôi thúc người bệnh tìm những biện pháp giải quyết vấn đề của mình, điển hình là tự tử.
Sao không nghĩ đến gia đình mà lại tự tử?
Khi người bình thường có khả năng dùng suy nghĩ về gia đình để xoa dịu tình trạng tinh thần của bản thân, người bệnh trầm cảm cần sự can thiệp về mặt y khoa. Người bệnh trầm cảm gặp khó khăn rất lớn trong việc điều chỉnh và tự thay đổi luồng suy nghĩ tiêu cực của mình, và liên tục cảm thấy đau đớn, không có giá trị và là gánh nặng cho xã hội, gia đình về mọi mặt.
Câu hỏi này là do suy nghĩ suy bụng ta ra bụng người, áp đặt vì “mình thấy như vậy nên người ta cũng phải thấy như vậy”.
Ai cũng trải qua những chuyện buồn như vậy, có phải là do yếu đuối, chưa đủ trưởng thành quá không?
Như đã giải thích ở mục 3, nói chung tất cả mọi người đều có những trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Tuy trầm cảm có thể được gắn với những sự kiện khủng hoảng hoặc đau buồn, nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm do “không vượt qua được khó khăn”. Ở trường hợp này, các sự kiện trong cuộc sống có thể đóng vai trò trigger hoặc tăng cường những biểu hiện trầm cảm.
Không sợ chết hay sao?
Khi bệnh trầm cảm kéo dài và thôi thúc người bệnh tìm những biện pháp thoát khỏi nó, những suy nghĩ lặp lại khiến người bệnh chọn cách giải chấm dứt cuộc đời mình. Nói một cách dễ hiểu hơn, đau của căn bệnh thì kinh khủng hơn là đau của cái chết.
Vậy ai tự tử cũng là do bị trầm cảm à?
Không, nhưng đa số nguyên nhân tự tử là do trầm cảm. Ngoài ra còn có các chứng rối loạn tâm lý khác, tác động của chất kích thích, kêu gọi giúp đỡ hoặc có muốn kết thúc cuộc sống một cách theo ý mình muốn (ví dụ khi bệnh ở giai đoạn cuối). (Psychology Today)
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất