Ở phần 1, mình đã cùng các bạn tìm hiểu về khái niệm cũng như các tính chất cơ bản của trái phiếu, ở phần 2 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem liệu các loại Trái phiếu sẽ được phân loại theo những tính chất nào và đặc điểm của các loại Trái phiếu đó là gì.

1. Phân loại theo chủ thể phát hành:

- Trái phiếu Chính phủ: Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc các chương trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước. + Đặc điểm: Trái phiếu Chính phủ thường có tính rủi ro thấp nhất so với các loại chứng khoán khác, tuy nhiên đi kèm với đó là mức lãi suất khá thấp.
- Trái phiếu doanh nghiệp: Doanh nghiệp (trong đó bao gồm ngân hàng) phát hành để đáp ứng nhu cầu vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. + Đặc điểm: Trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn đi kèm với đó là rủi ro lớn hơn.

2. Phân loại theo tính chất trái phiếu:

- Trái phiếu chuyển đổi: Là trái phiếu của công ty cổ phần, trái chủ có quyền chuyển sang cổ phiếu của công ty đó với những quy định cụ thể về thời gian cũng như tỷ lệ chuyển đổi khi mua trái phiếu. + Đặc điểm: Trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp nhưng thu hút nhà đầu bởi tỷ lệ chuyển đổi hấp dẫn và chỉ có ý nghĩa khi chủ thể phát hành là doanh nghiệp.
- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Loại trái phiếu kèm theo phiếu cho phép trái chủ có quyền mua một lượng nhất định cổ phiếu của công ty.
- Trái phiếu có thể mua lại: Là trái phiếu cho phép người phát hành có quyền mua lại một hay toàn bộ trái phiếu khi đến hạn thanh toán.

3. Phân loại theo lợi tức:

- Trái phiếu lãi suất cố định: Loại trái phiếu đã xác định lợi tức theo % của mệnh giá và các đợt trả lãi trong suốt kỳ hạn trái phiếu trên hợp đồng giao dịch trái phiếu.
- Trái phiếu lãi suất thả nổi: Loại trái phiếu với lợi tức được trả trong những kỳ có sự thay đổi, được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu có lãi suất bằng không: Loại trái phiếu mà trái chủ không nhận lợi tức, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đáo hạn.

4. Phân loại theo mức độ thanh toán của trái phiếu:

- Trái phiếu đảm bảo: Loại trái phiếu đảm bảo bằng việc nhà phát hành dùng tài sản có giá trị làm vật bảo đảm cho việc phát hành. Nếu nhà phát hành họ mất khả năng thanh toán, trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi số tiền mà bên phát hành còn nợ. Trái phiếu đảm bảo gồm 2 loại sau: + Trái phiếu gồm tài sản cầm cố: Loại trái phiếu bảo đảm khi người phát hành cầm cố tài sản có giá trị đảm bảo thanh toán cho trái chủ.  => Đặc điểm: Thông thường giá trị của tài sản cầm cố sẽ lớn hơn tổng mệnh giá của trái phiếu phát hành, nhằm đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. + Trái phiếu đảm bảo bằng chứng khoán ký quỹ: Loại trái phiếu đảm bảo bằng việc nhà phát hành đem ký quỹ sổ chứng khoán chuyển nhượng, để đảm bảo cho tài sản mình sở hữu
- Trái phiếu không đảm bảo: Loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm minh chứng đảm bảo uy tín cho người phát hành.
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài viết của mình, hy vọng rằng bài viết mang lại cho các bạn thêm kiến thức và nếu có câu hỏi gì các bạn hãy comment để xây dựng thêm cho bài viết. Phần 3 tới, mình sẽ cùng nhau tìm hiểu về “Tác dụng của Trái phiếu trong việc điều tiết cung tiền của thị trường”.