img_0
Chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong dải ngân hà nhưng Trái Đất lại là nơi duy nhất mà chúng ta biết chắc là chứa đựng sự sống. Điều gì khiến Trái Đất đặc biệt vậy? Và điều gì khiến chúng ta vẫn còn tồn tại trên hành tinh này? Và đến khi nào thì hành tinh này sẽ ra đi?

Sự ra đời

Hệ Mặt Trời là một hệ thống các hành tinh, thiên thể bị thao túng bởi trọng lực sinh ra từ sức nặng khổng lồ của ngôi sao mà nhân loại đặt tên là Mặt Trời.
Có nhiều giả thuyết khác nhau nói lên sự ra đời của nơi đây, tuy nhiên, giả thuyết đang được nhiều ủng hộ nhất là Giả thuyết tinh vân hay Nebular hypothesis.
Các nhà khoa học cho rằng đám mây tinh vân khổng lồ sẽ dần chịu sự ảnh hưởng từ trọng lực và đưa các vật chất trong nó lại gần nhau hơn. Qua hàng trăm triệu năm, các vật chất li ti đã tập hợp thành một khối khổng lồ và bắt đầu sát lại gần nhau hơn nữa, tạo ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Và từ đó, một ngôi sao đã ra đời.
Từ sức nặng của ngôi sao, trọng lực tăng lên và các vật chất khác nhau bị cuốn vào vòng xoáy quanh nó. Những vật chất nặng hơn bị cuốn lại gần trong khi các vật chất nhẹ như những đám mây thì bị sóng mặt trời hất ra xa hơn.
Từ những đám vật chất nặng, những thiên thể lớn bắt đầu hình thành và tạo ra trọng lực riêng, cuốn những vật chất nhỏ hơn theo mình và cứ thế dần dần hình thành những hành tinh bằng đá hay các Terrestrial planet. Trong khi đó các đám mây vật chất nhẹ thì tổng hợp các đám mây khác lại và tạo ra các hành tinh khí ga khổng lồ hay các Gas Giant.
Tại hệ mặt trời, những hành tinh đất đá gần ngôi sao trung tâm nhất bao gồm Mercury sao Kim, Venus Sao Thủy, Earth Trái Đất và Mars Sao Hỏa.
Với các hành tinh đá này, cụ thể là hành tinh thứ 3, các vật chất nặng như sắt và các kim loại khác trôi vào trung tâm hành tinh nhờ sức ảnh hưởng của trọng lực. Đối lưu của vật chất nặng và nhẹ tạo ra dòng chảy của vật chất, đưa chất nhẹ lên trên bề mặt và hình thành lớp vỏ. Trong khi đó, các vật chất bên trong không thể tách rời nhau vì áp lực quá lớn của trọng lực, từ đó chúng trở thành những dòng chảy nham thạch nóng hổi, tuôn trào liên tục.
Trong khoảng trăm triệu năm sau khi hình thành, một hành tinh nhỏ cỡ sao Hỏa có tên Theia đã lạc lối khỏi quỹ đạo và va chạm với hành tinh số 3 đó. Vụ va chạm lớn tới mức cấu trúc và quỹ đạo của cả hai cùng bị thay đổi.
Hành tinh Theia vỡ vụn thành một đống súp lỏng đầy nham thạch và tặng cho Trái Đất hầu hết vật chất mình chứa đựng. Trong khi phần còn lại trở thành hai tiểu hành tinh. Tiểu hành tinh gần Trái Đất hơn có trọng lực riêng và ảnh hưởng tới quỹ đạo của tiểu hành tinh nhỏ hơn nằm bên ngoài. Chỉ trong thời gian ngắn, các đám vật chất sau vụ va chạm lại trở về với Trái Đất vì trọng lực khổng lồ của nó. Đen đủi cho tiểu hành tinh lớn sau khi va chạm, nó đã bị Trái Đất nuốt chửng. Tuy nhiên, ngược lại với người anh em to lớn, tiểu hành tinh bé hơn đã bị trọng lực của người anh em xấu số đó đẩy ra xa, trở thành một vệ tinh của Trái Đất với quỹ đạo elip quanh hành tinh này. Từ đây, mặt trăng đã ra đời.
Tuy nhiên, ngoài sự ra đời của Mặt Trăng, vụ va chạm cũng ảnh hưởng tới Trái Đất vì trục quay của nó đã bị lệch đi khoảng 23 độ và liên tục cố gắng tìm sự cân bằng, khiến Trái Đất có trục nghiêng và luôn lắc lư trong quỹ đạo của mình kể từ đó trở đi.
Sau khi vụ va chạm xảy ra, cấu trúc hành tinh đã có phần ổn định. Các vật chất nóng vẫn tiếp tục chảy bên trong lõi hành tinh, do dòng chảy kim loại luôn tuôn trào trong lõi, từ trường bắt đầu ra đời và tạo ra những dòng từ trường chảy từ 2 cực. Nhờ có từ trường, hành tinh bắt đầu có khả năng chống lại những cơn sóng năng lượng khổng lồ từ mặt trời.
Tuy nhiên, hành tinh đó vào thời điểm này vẫn còn đang là một cục đá nóng bỏng, núi lửa tuôn trào khắp nơi. Nhiệt độ bề mặt Trái Đất còn ở mức 4700 độ C và các vật chất phóng xạ vẫn rải rác khắp muôn nơi.
May mắn thay, trong hàng trăm triệu năm tiếp theo, khối lượng khổng lồ của hành tinh đã tạo ra đủ trọng lực để lôi kéo các đám khí trong hệ hành tinh quanh mình lại. Dần dần, nó trở thành một lớp màng khí mỏng trên bề mặt của hành tinh. Lớp màng mỏng này được bảo vệ bởi từ trường sinh ra từ lõi của quả đất nóng bỏng, từ đó không bị sóng mặt trời quét đi mất.
Từ đó, hành tinh này đã có một lớp vỏ cứng để bảo vệ lớp nham thạch bên trong, lớp nham thạch bên trong chuyển động tạo ra từ trường và lớp từ trường đã bảo vệ bầu khí quyển. Chưa hết, trong quá trình hình thành, hành tinh này đã gặp phải muôn vàn các cuộc va chạm với các thiên thể khác. Trong các thiên thể đó là băng đá đông lạnh chất lượng cao được ship trực tiếp từ vũ trụ đến. Với sức nóng của hành tinh kèm theo bầu khí quyển đặc giúp hơi nước không thoát ra vũ trụ, các đám mây bắt đầu hình thành và đem nước đi khắp nơi dưới dạng mưa.
Từ một hành tinh nóng rực và đỏ lừ đầy phóng xạ, mưa và khí quyển đã giúp nó nguội dần trong hàng trăm triệu năm tiếp theo. Vào khoảng 3 tỉ 800 triệu năm trước, nhiệt độ hành tinh giảm dần và bắt đầu cho phép sự tồn tại của sự sống.
Trong khi toàn bộ chuyện này xảy ra, khối nước khổng lồ của hành tinh tập trung lại ở quỹ đạo nhờ lực ly tâm của Trái Đất và Mặt Trăng chịu trách nhiệm điều hướng các thủy triều nhờ trọng lực của nó. Từ sự điều phối nước có chu kỳ, mặt đất bắt đầu lộ diện nhiều hơn và trở thành lục địa khổng lồ đầu tiên của hành tinh xanh, được gọi tên là Kenorland.
Sau vài trăm triệu năm, nhiệt độ tiếp tục giảm trong khi độ nghiêng của hành tinh giúp Trái Đất có mùa. Chưa kể đến việc quỹ đạo của Trái Đất cũng thay đổi liên tục từ hình elip thành hình tròn và ngược lại khiến cho khí hậu hành tinh thay đổi theo thời gian. Nhờ đó, những mảng từng là nước trở thành lục địa và ngược lại, đưa các dấu hiệu sự sống đầu tiên đến với sự tiến hóa và phát triển.
Những loài động vật đơn bào đầu tiên xuất hiện rồi sau đó là đa bào và cuối cùng là những loài có khả năng sinh sống trên cạn cũng bắt đầu lộ diện sau hàng trăm triệu năm tiếp theo. Chúng di chuyển khắp hành tinh để tìm thức ăn, tìm nguồn sống mới trong quá trình sinh sống của mình. Tuy nhiên, vì vỏ hành tinh cũng chỉ là những tảng đất lớn trôi trên những dòng sông nham thạch khổng lồ, các mảng kiến tạo bắt đầu xê dịch, tạo ra núi lửa, động đất, sóng thần và cắt đứt những con đường từng nối giữa các lục địa với nhau. Có những sinh vật tìm được đến vùng đất mới đã không còn đường trở lại và trở thành sinh vật địa phương ở…địa phương đó.
Và vậy là hành tinh xanh đã hoàn thiện, cùng với các hành tinh khác trong hệ mặt trời. Sự sống đã ra đời và nó đã dần an toàn nhờ sự ổn định trọng lực và va chạm vũ trụ cũng không còn đáng kể nữa.
Tuy nhiên, phải chăng đây sẽ là hành trình vĩnh cửu của hành tinh này? Nó sẽ mãi mãi xanh rờn và chứa đựng sự sống sao?

Cái chết của một hành tinh

Không có gì tồn tại mãi mãi, kể cả hành tinh xanh, hoặc ít nhất là màu xanh của nó không tồn tại mãi.
Trái Đất, như bao hành tinh khác trong hệ mặt trời đều có quỹ đạo quanh ngôi sao gần nhất. Với riêng Trái Đất, nó đặc biệt hơn các chị em trong vùng vì nằm ở khu vực an toàn nhất cho sự sống hay còn gọi là Habitable Zone. Đây là khu vực vừa đủ ấm và vừa đủ lạnh để sự sống có thể tồn tại được, không như sao Kim thì quá gần và bị đốt cháy mỗi ngày hoặc quá xa như Thiên Vương bị đóng băng cả đời.
Tuy nhiên, vị trí này cũng sẽ là ghế VIP trong trường hợp mặt trời rơi vào những ngày cuối đời của nó. Như mọi ngôi sao khác, mặt trời rồi cũng sẽ đến ngày phải già đi, đốt hết năng lượng nó có và phình ra thành một Red Giant hay một sao đỏ khổng lồ.
Sự bành trướng của mặt trời sẽ đốt cháy mọi hành tinh gần với nó, và tất nhiên là bao gồm cả hành tinh xanh của chúng ta. Ngày mặt trời phát phì sẽ là ngày loài người phải đối mặt với tử thần. Tuy nhiên, Trái Đất thì vẫn sẽ tồn tại, không bị hủy diệt, chỉ mất đi bầu khí quyển và màu xanh trên vỏ ngoài của nó mà thôi.
Một trường hợp khác là khi hệ mặt trời trôi qua một nơi có trọng lực không ổn định, ví dụ như một ngôi sao khổng lồ khác trong dải ngân hà chẳng hạn.
Vấn đề tam thể hay 3-body problem về trọng lực trong vũ trụ vẫn luôn là một bài toán khó giải đối với các nhà thiên văn. Khi có trường trọng lực của 3 thực thể tương đối bằng nhau về khối lượng, trọng lực của cả 3 sẽ khiến chúng có quỹ đạo khó đoán, dẫn tới tình huống có thể xảy ra là một hành tinh sẽ thoát khỏi hệ thống và để hai hành tinh còn lại tự bay quanh nhau.
Nếu một ngày nào đó hệ mặt trời có đi ngang qua một hệ mặt trời khác, các hành tinh sẽ phải cố gắng bám vào nhau và hy vọng chúng không gặp phải vấn đề tam thể. Vì nếu trường hợp xấu xảy ra, Trái Đất có thể bị hất tung khỏi hệ mặt trời, trở thành một hành tinh lang thang, một Rogue Planet.
Đây là thời điểm Trái Đất sẽ phải tự bơi trong dải ngân hà thay vì đi chung chiếc xe bus hệ mặt trời như bao hành tinh chị em khác. Không có ngôi sao ở bên, trái đất sẽ lạnh dần và cả đại dương sẽ trở thành tảng băng khổng lồ. Mặt trăng vẫn có thể ở bên chúng ta nhưng lúc đó nó như một tù nhân bị đính kèm với một hành tinh không có điểm tựa.
Và không cần phải nói có lẽ ai cũng hiểu, đây là ngày tàn của nhân loại.
Ngoài hai tình huống trên, có tình huống nào dẫn tới cái kết của hành tinh này không?
Có thể… có thể khi một Damocloid, một thiên thể khổng lồ từ ngoài vành đai Kuiper đột ngột lao tới và phá hủy cả hành tinh, chúng ta sẽ lại có một vụ va chạm như ngày mặt trăng ra đời. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một biến cố hy hữu khó xảy ra. Và kể cả điều đó có xảy ra, chúng ta vẫn sẽ có Trái Đất, chỉ là…loài người sẽ không cồn tồn tại nữa thôi.
Cho dù có thể nào, hành tinh xanh vẫn trường tồn với vũ trụ, kể cả có bị đốt cháy, bị văng ra ngoài không gian hay bị tấn công bởi hành tinh khác. Chỉ có chúng ta, những sinh vật nhỏ bé này mới là những kẻ dễ bị loại bỏ. Vậy nên thay vì nói rằng chúng ta hãy cứu lấy hành tinh này, hãy nói:
“Hãy cứu lấy nhân loại đi.”