TỐNG THANH THƯ: BẤT KHẢ VÃN HỒI
Tản mạn chuyện võ lâm, bình luận truyện kiếm hiệp, nhân vật Tống Thanh Thư trong tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký của tác giả Kim Dung
TỐNG THANH THƯ: BẤT KHẢ VÃN HỒI
Con người ta vốn đầy khiếm khuyết; hãy tha thứ lỗi lầm của nhau, đó là luật tự nhiên trước nhất.
Ỷ Thiên Đồ Long Ký là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Kim Dung với rất nhiều nhân vật đa dạng về tính cách, khác biệt về số phận và trái ngược về kết cục. Trong số đó, xét về tuổi tác và xuất xứ thì Tống Thanh Thư có nhiều tương đồng với nhân vật chính Trương Vô Kỵ. Đã có nhiều người bình luận về nhân vật chính Trương Vô Kỵ. Bài viết này đi sâu về số phận nhân vật Tống Thanh Thư. Bởi quá trình trượt dốc của Tống Thanh Thư mang trong mình nhiều diễn biến tâm lý vượt ra ngoài sự suy đoán của độc giả. Đồng thời, sự sa ngã của họ Tống cũng mang nhiều hàm nghĩa nhân văn sâu sắc, rất đáng được suy xét từ nhiều góc độ…
1.Tống Thanh Thư là con trai duy nhất của Tống Viễn Kiều, đại đệ tử của Võ Đang Lão Tổ Trương Tam Phong, về xuất thân như vậy có thể được coi là “chính nhất của chính”. Bản thân Tống Thanh Thư thấm nhuần nguyên tắc đạo lý của phái Võ Đang, sớm cùng các sư thúc trong nhóm Võ Đang Thất Hiệp sớm đi lại trên giang hồ, cứu tế giải khốn, giúp đỡ dân lành, được mọi người ngợi ca với mỹ danh: “Ngọc Diện Mạnh Thường” được mọi người ca ngợi không phải chỉ là hư danh bởi họ Tống cũng. Hơn nữa, họ Tống lại có trí thông minh tuyệt đỉnh, bản lãnh cao cường, là biểu tượng của tương lai với những ánh hào quang lấp lánh nhất của phe chính phái. Ở tuổi thiếu niên, một mình đấu võ với cao thủ Thiên Ưng Giáo là Vô Lộc, Vô Phúc, Vô Thọ mà tinh thần không hề hoảng loạn, chiêu số cực tinh kỳ, đúng là phong phạm của danh môn đệ tử chính phái. Tiếp xúc trao đổi võ học với một kẻ lạnh lùng như Diệt Tuyệt sư thái trong có vài ngày mà Diệt Tuyệt đã phải phần nào kiêng nể tài năng hiếm có của chàng trai trẻ tuổi. Một trong Tứ đại Thiên vương của Ma giáo là Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu dùng khinh công tuyệt kỹ làm náo loạn hàng ngũ của Nga My nhưng đã bị Tống Thanh Thư dùng trận pháp vây khốn khiến một kẻ cao ngạo như Bức Vương cũng phải tỏ lời khen ngợi: “Phái Nga My có được nhân tài như thế, Diệt Tuyệt lão ni quả thật không vừa”. Vi Nhất Tiếu khen như vậy vì nhầm tưởng Tống Thanh Thư là người phái Nga My. Tuy nhầm nhưng giá trị lời khen dành cho họ Tống là không hề thay đổi. Diệt Tuyệt sư thái chứng kiến sự việc phải than lên: “Phái Nga My ta làm sao có được nhân tài như thế?”
Một nhân tài như thế mà lại trượt dài trên con đường tội lỗi khiến người ta không khỏi ngẫm ngợi mãi không thôi.
2.Tống Thanh Thư có lẽ sẽ tiếp tục hành trình trở thành biểu tượng chính nghĩa của võ lâm và lên ngôi lãnh đạo phái Võ Đang nếu như không rơi vào mối tình vô vọng với Chu Chỉ Nhược. Thực ra, tôi nghĩ mối tình với Chu Chỉ Nhược chỉ là giọt nước tràn ra vỡ bờ khiến sai lầm của họ Tống trở nên bất khả vãn hồi.
Kim Dung đã xây dựng ra nhiều hình tượng thanh niên si tình. Tống Thanh Thư là một trong số đó. Tuy nhiên si tình như Tống Thanh Thư có phần mù quáng đến dại dột. Y không biết ý trung nhân của mình tính tình như thế nào? Nàng đã có cảm tình với ai chưa? Cảm tình với người đó sâu nặng đến đâu? Từ đó họ Tống hoàn toàn sai lầm trong những bước đi nhằm chinh phục Chu Chỉ Nhược. Thứ nhất, Tống Thanh Thư không biết rằng Chu Chỉ Nhược là một người phụ nữ cực kỳ âm mưu và tham vọng. Trên hoang đảo, nàng không ngại hạ độc mọi người, đâm nát mặt Ân Ly, đổ mọi tội lỗi lên đầu Triệu Mẫn, ra tay chiếm đoạt Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao ngầm luyện Cửu Âm Chân Kinh mong có bản lĩnh vô địch thiên hạ. Sẽ có người bảo rằng nàng làm vậy vì phải nghe theo lời hứa trước lúc lâm chung của sư phụ Diệt Tuyệt Sư Thái. Nhưng sự thật không hoàn toàn như thế. Khi Trương Vô Kỵ lãnh đạo Minh Giáo, tỏ ý muốn sau này rời xa chính trị, muốn quy ẩn giang hồ, nàng Chu chê trách chàng Trương, thể hiện tham vọng muốn nắm quyền thiên hạ trong tay. Còn lời thề độc với sư phụ, nàng cũng sẵn sàng bỏ qua mà thành hôn với Trương Vô Kỵ. Điều đó cho thấy Chu Chỉ Nhược cực kỳ tham vọng, muốn trọn vẹn cả con đường quyền lực và tình yêu. Thứ hai, ở thời điểm Tống Thanh Thư gặp Chu Chỉ Nhược, nàng tuy rằng có tình cảm hồi nhỏ với Trương Vô Kỵ nhưng tuyệt nhiên đó chưa phải là tình yêu. Thể hiện ở việc nàng sẵn sàng ra tay đâm Vô Kỵ một kiếm. Nếu họ Trương võ công không cao cường thì đã táng mạng dưới tay nàng. Vậy nên Tống Thanh Thư hoàn toàn có cơ hội chinh phục người đẹp nếu như họ Tống biết cách thể hiện tình cảm của mình.
Thế nhưng họ Tống không những không biết những điều trên, lại thêm hành động sai lầm mù quáng nên cuối cùng đổ vỡ cả chuyện tình cảm lẫn công danh sự nghiệp. Người ta thường nói: “Đàn ông chinh phục thế giới để có được đàn bà. Đàn bà chinh phục đàn ông để có được thế giới”. Điều đó giải thích tại sao đàn ông hay coi trọng sự nghiệp. Bởi nếu anh ta có một sự nhiệp thành công, tiền tài danh vọng và cả phụ nữ cũng sẽ tìm đến. Tống Thanh Thư thiên tư thông tuệ, lại được chân truyền của Trương Tam Phong. Nếu một lòng rèn luyện thì chẳng mấy mà võ công của y sẽ đứng vào hàng đệ nhất thiên hạ. Khi đó, với tư thế là một Chưởng môn tương lai của phái Võ Đang, chỉ cần tìm cơ hội gần gũi với Chu Chỉ Nhược, lại được sự ủng hộ của Diệt Tuyệt Sư Thái, không chừng nàng Chu sẽ nảy nở tình cảm tự nhiên mà thuận tình kết mối lương duyên giữa Võ Đang và Nga My. Tuy nhiên Tống Thanh Thư hành động hoàn toàn ngược lại. Y vứt bỏ tương lai trở thành Chưởng môn của phái Võ Đang để làm đệ tử sáu túi của phái Cái Bang. Rồi từ vị trí là một Đệ tử sáu túi phái Cái Bang, y lại cam lòng thành một đệ tử vô danh của phái Nga My, dưới trướng của Chu Chỉ Nhược. Với một cô gái đầy tham vọng như Chu Chỉ Nhược, đương nhiên nàng không thể nào rung động trước một gã trai thiếu ý chí và ngu muội đến thế. Nhưng thực tế, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy…
3.Tống Thanh Thư hành động ngốc nghếch, không biết mình biết ta nên thất bại trong tình yêu là chuyện tất yếu. Dẫu sao, không thể nói lỗi lầm hoàn toàn thuộc về y. “Con người không thể vừa si tình vừa sáng suốt được” (Bacon) Ở đây, chính Chu Chỉ Nhược là chất xúc tác khiến lỗi lầm của họ Tống trở nên bất khả vãn hồi. Ta thấy rằng Chu Chỉ Nhược rất nặng tình với Trương Vô Kỵ. Nhưng tuyệt nhiên nàng không thể hiện điều đó với Tống Thanh Thư nên họ Tống cứ theo đuổi mãi. Thông điệp rõ ràng nhất chỉ xảy ra khi Chỉ Nhược đồng ý làm đám cưới với Vô Kỵ. Nhưng đám cưới bị hủy bỏ. Sau đó, Chu cô nương đã đồng ý lấy Thanh Thư làm chồng. Theo logic của họ Tống thì do sự vô tình của Vô Kỵ và tấm chân tình của y đã lay động được tình cảm của Chu Chỉ Nhược. Đương nhiên với một kẻ si tình như Tống Thanh Thư, y coi đó là cơ hội trời cho, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện và nhận Chỉ Nhược làm vợ. Tình cảm kiểu này đã từng xảy ra tương tự như cặp đôi Đoàn Dự - Vương Ngữ Yên (Thiên Long Bát Bộ). Tuy nhiên, Tống Thanh Thư không phải là Đoàn Dự và Chu Chỉ Nhược càng không phải là Vương Ngữ Yên. Thành ra, họ Tống tưởng như đạt được mục đích nhưng thực tế y lại là kẻ trắng tay. Tuy được trở thành chồng Chu cô nương nhưng nàng Chu không có chút tình cảm thực sự với y. Đám cưới được cử hành nhưng đêm hoa chúc y chẳng được động phòng cùng vợ. Đến như bọn đệ tử phái Nga My sau này cũng nói: “Tống Thanh Thư tên gian tặc đó ở trong bản phái chỉ làm ô danh cho Chu chưởng môn. Chu chưởng môn của chúng ta thanh bạch, không có liên hệ gì đến tên gian đồ họ Tống kia”. Cảnh Kim Dung mô tả khi Trương Vô Kỵ đến trại của phái Nga My đã thể hiện rõ thực trạng tình cảnh của Tống Thanh Thư: “Chu Chỉ Nhược giơ bàn tay thon thon trắng muốt như bạch ngọc vẫy Tống Thanh Thư. Tống Thanh Thư mặt mày dương dương đắc ý đi đến ngồi xuống bên cạnh nàng”. Nên nhớ ở thời phong kiến, hành động đó của Chu Chỉ Nhược chẳng khác gì người trên với kẻ dưới, giống như một người chủ với một con chó chứ đâu phải là hành động của một người vợ đối với một người chồng?
Có thể nói Tống Thanh Thư căn bản không biết rằng mình chỉ là công cụ để Chu Chỉ Nhược sử dụng, trước là để trả hận phụ bạc của Vô Kỵ, sau nhằm củng cố âm mưu thâu tóm giang hồ. Thế nên khi bị sư thúc Du Liên Châu đánh vỡ đầu trọng thương sắp chết, giá trị sử dụng đã hết, Chu Chỉ Nhược chỉ coi họ Tống như món đồ bỏ đi. Thể hiện ở việc Trương Vô Kỵ đến thăm bệnh, tỏ ý muốn chữa trị cho y, nàng Chu hoàn toàn thản nhiên, chẳng coi sự sống chết của chồng làm trọng mà chỉ tỏ ý oán trách hờn giận và bày tỏ tình cảm thầm kín với Vô Kỵ khiến chàng phải ngẩn ngơ: “không lẽ Chu Chỉ Nhược chẳng muốn mình trị thương cho chồng nàng?” Xét ra số phận làm chồng của Tống Thanh Thư không khỏi có chỗ khiến người ta thấy đáng thương.
4.Tống Thanh Thư cuối cùng trở thành kẻ phản đồ bất nghĩa. Chân nhân Trương Tam Phong đã tuyên bố: “Phái Võ Đang chúng ta có một đứa đệ tử chẳng ra gì. Cái thứ nghịch tử này, có cũng như không!” rồi xuất chưởng đánh vỡ sọ, kiết liễu mạng sống của một kẻ si tình ngốc nghếch. Tất nhiên Tống Thanh Thư là một kẻ đáng chết. Nhưng xét lại, cái chết của y có một phần lỗi từ chính Võ Đang, từ lối giáo dục mà y được thừa hưởng hay nói rộng hơn là từ môi trường văn hóa mà y sinh sống. Đó là lối giáo dục không nhân nhượng với cái sai lầm, coi sai lầm của con người như một điều cực kỳ xấu xa khiến người ta ghê sợ. Từ đó hình thành nên một bộ phận con người khi phạm lỗi thì việc trước tiên là luôn cố tìm cách che đậy sai lầm của mình. Bởi với mỗi sai lầm, cộng đồng xã hội đang sống sẽ đào sâu vào lỗi lầm khiến con người không có lối thoát. Chẳng nói đâu xa, sư thúc của y là Trương Thúy Sơn, chỉ vì yêu thương “ma nữ” Ân Tố Tố mà bị bao người chê trách, chỉ vì không chịu khai ra chỗ ở của Tạ Tốn mà hai vợ chồng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó không phải là trường hợp duy nhất. Kỷ Hiểu Phù phái Nga My yêu thương và có con với người bên “phe địch” là Dương Tiêu. Chỉ vì nàng không chịu nghe lời sư phụ giết họ Dương mà lập tức bị Diệt Tuyệt sư thái xuống tay hạ sát. Nền văn hóa của phe chính phái không bao giờ nhân nhượng với những lỗi lầm. Đương nhiên điều đó có mặt tốt, giúp người ta cân nhắc suy nghĩ, tránh được sai lầm. Nhưng nó cũng tạo nên phản ứng ngược. Khi mắc sai lầm, người ta sẽ sợ hãi trượt dài khiến sai lầm trở nên bất khả vãn hồi. Tống Thanh Thư là một người như vậy. Đời người ai chẳng mắc sai lầm. Nhưng họ Tống thì lỗi nhỏ thành lỗi lớn, lỗi lớn thành lỗi không thể tha thứ, cuối cùng chịu kết cục thê lương khiến người ta không khỏi thầm tiếc cho một tài năng hiếm có. Tôi cứ nghĩ việc y lén nhìn phòng ngủ những cô gái phái Nga My, trong đó chủ ý chính là nhìn thấy Chu Chỉ Nhược thì đâu có gì quá đáng đối với một chàng trai đang căng tràn trong tuổi yêu đương? Nếu như sư thúc Mạc Thanh Cốc nghiêm khắc nhắc nhở, chắc hẳn họ Tống sẽ nghe theo và không dám tái phạm. Nhưng Mạc Thanh Cốc lại một mực đòi đưa y về để trình tội lỗi của y với Chưởng môn Trương Tam Phong, về nguyên tắc không sai nhưng về nhân tình có thể coi là quá đáng. Tống Thanh Thư là một ngôi sao sáng của Võ Đang, giờ nếu bị phanh phui ra sự việc, một phần y sợ chịu tội, phần nữa y sợ danh tiếng bấy lâu nay mình gây dựng sẽ trở thành vô nghĩa với sự kiện nhục nhã kể trên. Thế nên họ Tống chống đối lại và hai chú cháu hỗn chiến khiến Trưởng lão Cái Bang Trần Hữu Lượng gài bẫy làm y giết chết chính sư thúc của mình. Hoang mang kinh hãi, y trốn theo họ Trần và bất đắc dĩ trở thành người của Cái Bang để che đậy tội lỗi. Sau rốt, mọi việc vỡ lở, y công khai rời khỏi Võ Đang, trở thành một đệ tử tầm thường của phái Nga My để được trở thành chồng của Chu Chỉ Nhược.
Tôi hơn băn khoăn khi bình luận về nhân vật Tống Thanh Thư. Phải chăng tôi đang bênh vực cho y, một kẻ chấp nê mê ngộ, khinh sư diệt tổ đáng muốn đời bị phỉ nhổ? Thực ra tôi chỉ nghĩ rằng, nếu như con người ta nếu không biết bỏ qua những lỗi lầm của người khác thì có thể sẽ làm xoay chuyển số phận của cả một con người. Như Tống Thanh Thư, không phải không có lúc y hối hận với lỗi lầm của mình. “Tôi là kẻ có tội vốn đã không còn muốn sống làm gì. Chưởng Bát long đầu, ông một đao chém tôi chết đi cho xong, tôi xin đa tạ ông đã thành toàn cho”. Thậm chí, Tống Thanh Thư cũng nhận ra được sự thật: “Đêm hôm đó ta làm bại hoại môn phong phái Võ Đang, bị Mạc sư thúc đuổi tới, có chết dưới tay sư thúc cũng là đáng lắm, ai bảo ngươi ra tay tương trợ? Ta trúng phải ngụy kế của ngươi, để đến thân bại danh liệt, rơi xuống bùn sâu không sao rút ra được nữa”. Chỉ tiếc rằng y không đủ dũng khí dám nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình mà làm lại từ đầu. Hay có thể nói rằng, chính nền văn hóa nói không với sai lầm đã đẩy y trượt dài trên con đường tội lỗi?
HOÀNG TÙNG
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất