Như đã đề cập trong 2 phần trước, Minh giáo là một tôn giáo có thật trong lịch sử xuất phát từ Ba Tư truyền sang Trung Nguyên vào thời Đường Võ Hậu, là tôn giáo có ảnh hưởng vô cùng lớn đến chính trị Trung Hoa cuối Nguyên và đầu Minh sử. Minh giáo có phiên âm là Ma-ni giáo, xuất phát từ tên gốc tiếng Ba Tư, trong tiếng Anh là Manichaeism được cho là đặt theo tên của nhà Tiên tri lập giáo Mani. Tuy nhiên, do chống đối lại triều đình nhà Nguyên, nên bị gắn mác tà ma, dần dần chữ ma trong Ma ni bị người ngoại đạo đổi thành chữ ma trong ma quỷ. Cuối thời Nguyên, các nhóm khởi nghĩa nhân dân nổ ra khắp nơi, điền hình là phong trào Khăn Đỏ do lãnh đạo các tôn giáo dân gian Minh giáo, Bạch Liên giáo và Di Lặc giáo kết hợp chống lại triều đình ngoại tộc. Ba tôn giáo này có nhiều điểm khác biệt nhưng có điểm chung là cùng thờ Phật và trong giai đoạn đó đều tin vào thuyết “Phật Di Lặc giáng sinh tịnh thổ”.
art-mai3-frnt_3

Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Minh giáo không xuất hiện là một tôn giáo riêng biệt như Minh giáo lịch sử, mà là tổng hợp các tôn giáo khác có hệ tư tưởng và liên kết chính trị gần gũi, bao gồm: Bái Hỏa giáo, Minh giáo (Mani giáo), Bạch Liên giáo và Di Lặc giáo. Bái Hỏa giáo, Minh giáo và Bạch Liên giáo đã được đề cập trong 2 phần trước. Ở phần 3 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Di Lặc giáo trong tiểu thuyết, trong lịch sử và hình tượng Bồ Tát/Phật Di Lặc trong Phật giáo.
I. Di Lặc giáo trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký
Di Lặc giáo xuất hiện trong trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký được nhắc tới lần đầu tiên trong hồi 17, trong bối cảnh sau khi Trương Tam Phong dẫn Trương Vô Kỵ nên Tung Sơn Thiếu Lâm Tự để tìm cách dùng Cửu Dương Thần Công để chữa Hàn Minh Thần Chưởng nhưng bị từ chối, trên đường xuống núi gặp mặt Thường Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược. Thường Ngộ Xuân lúc này đang bị quân triều đình đuổi bắt nhưng vẫn liều mình bảo vệ ấu chúa. Tiểu chúa công này chính là con của Chu Tử Vượng – đại đệ tử của Di Lặc tông trong Minh giáo, “năm trước khởi sự tại Viên Châu đất Giang Tây, tự lập làm đế, lấy quốc hiệu là Chu, chẳng bao lâu thì bị quân Nguyên tiêu diệt, còn Chu Tử Vượng bị bắt chém đầu. Di Lặc tông và Thiên Ưng giáo tuy không cùng một phái nhưng đều là chi lưu của Minh giáo, có liên hệ rất sâu xa. Khi Chu Tử Vượng khởi sự, Ân Thiên Chính có thanh viện tại Triết Giang.” Trong bữa ăn, khi thấy Thường Ngộ Xuân không động vào thịt cá, Trương Tam Phong mới nhớ ra: “Người ma giáo quy củ rất nghiêm, không ăn mặn, từ đời Đường tới giờ đều thế cả. Cuối thời Bắc Tống, đại thủ lãnh của Minh giáo là Phương Lạp khởi sự tại Triết Đông, đương thời quan cũng như dân gọi là ‘đạo ăn chay thờ ma’. Ăn chay và thờ phụng ma vương là hai quy luật lớn của ma giáo, đã truyền từ mấy trăm năm nay. Đời nhà Tống, quan phủ chém giết ma giáo rất ngặt, người trong võ lâm cũng coi họ chẳng ra gì, vì thế giáo đồ hành sự cực kỳ bí ẩn, tuy ăn chay nhưng đối với người ngoài phải giả xưng thờ Phật, bái Bồ Tát, không dám tiết lộ thân phận của mình”.
II. Ngài Di Lặc là ai?
Di Lặc (彌勒 – Maitreya) là một nhân vật trong truyền thống Phật giáo. Ngài không phải là một nhân vật lịch sử như Đức Phật Thích Ca, mà chỉ xuất hiện thông qua lời kể của Thích Ca khi nói về tương lai. Theo đó, hiện tại, Ngài Di Lặc đang sống tại khung trời tịnh độ Đâu Suất (Tusita), nhưng được Thích Ca tiên tri sẽ đầu thai xuống cõi Ta Bà, tức Trái Đất, với tư cách là một vị Bồ Tát để giảng giảng con đường thoát khổ cho chúng sinh vì khi đó, theo lời Thích Ca, Phật Pháp của Ngài đã không còn được thực hành nữa, và Đức Phật Di Lặc chính là vị Phật kế nhiệm Ngài, là vị Phật của tương lai.
Phật Di Lặc là một nhân vật vô cùng quan trọng đối với Phật giáo nói chung, được công nhận bởi cả hai nhánh Bắc Tông và Nam Tông, đặc biệt là các nhánh Bắc Tông Đại Thừa. Trong các ngôi chùa Việt Nam, vị trí cao nhất trong chính điện thường đặt Tam Thế Chư Phật gồm 3 pho tượng giống nhau đại diện cho ba vị Phật quan trọng nhất trong quá khứ, hiện tại và tương lai, lần lượt là, Phật A Di Đà, Phật Thích Ca và Phật Di Lặc.
ca-bocca3cc82-1

Phật Di Lặc là vị phật của tương lai, kế nhiệm sứ mệnh truyền bá Phật Pháp của Thích Ca. Lời tiên tri cũng nói rõ thêm một số chi tiết về Ngài để hậu nhân được rõ, ví như, Bồ Tát Di Lặc sẽ được sinh ra trong một gia đình hoàng tộc Bà La Môn, Ngài sẽ đạt được giác ngộ Bồ Đề chỉ sau 7 ngày – khoảng thời gian ngắn nhất có thể đạt đại ngộ, các đại dương sẽ giảm kích thước để Ngài có thể đi lại tự do tùy ý, Phật khi đó sẽ mở pháp hội Long Hoa (nên còn được gọi là Long Hoa pháp chủ, Long Hoa Giáo chủ Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật,…) để truyền đạo…
Đó là những điều ai cũng biết, tuy chỉ có thời điểm đó là khi nào Ngài xuất hiện thì không có ai chắc chắn được. Một số nhánh phái Phật giáo Việt Nam cho rằng, tương lai đó là 30,000 năm sau khi Thích Ca nhập diệt, ở một số nhánh Phật giáo Đông Á, con số đó là 8 tỉ 500 năm… Mỗi một tông phái lại đưa ra những cách tính, con số khác nhau, nhưng tựu chung lại là còn rất xa nữa, vì tính tới thời điểm hiện tại Đức Phật Thích Ca mới chỉ nhập Niết Bàn hơn 2500 năm.
III. Di Lặc giáo trong lịch sử
Phật Di Lặc với xuất phát điểm ban đầu là một nhân vật trong truyền thống Phật giáo, dần dần trong dân gian Trung Quốc trở thành một vị thần cứu thế trong tương lai mà các tín đồ ngóng đợi. Người dân chờ đợi một ngày Phật Di Lặc tái sinh trần thế với những tuyên bố mới về một tôn giáo mới. Hình tượng Phật Di Lặc vì thế trở thành một nhân vật quan trọng trong rất nhiều các phong trào tôn giáo dân gian Trung Hoa, vượt ra khỏi niềm tin Phật giáo.
Di Lặc giáo được nhắc tới trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký chính là một trong những phong trào tôn giáo cứu thế dân gian Trung Hoa, trong thời kỳ đầu lấy niềm tin Đức Phật Di Lặc tái thế làm ý niệm trung tâm. Niềm tin vào Đức Di Lặc sẽ sớm tái sinh độ thế trở nên vô cùng phổ biến trong tầng lớp quần chúng nhân dân khổ cực không biết đặt hy vọng vào đâu để tiếp tục sống. Đây cũng là lý do vì sao, trong lịch sử Trung Hoa, có rất nhiều nhân vật đã tự xưng là hiện thân của Phật Di Lặc. Năm 613, Tống Tử Hiền và Hướng Hải Minh đã tự xưng là xuất thế Phật để tập hợp quần chúng nhân dân nổi dậy. Đời Đường-Chu, Võ Tắc Thiên cũng đã ngụy tạo kinh văn, lấy danh nghĩa là hiện thân của Phật Di Lặc để ngồi lên ngôi báu danh chính ngôn thuận.
Từ thời Tống trở đi, Di Lặc giáo kết hợp Minh giáo, phất lên và trở thành phong trào nhân dân có ảnh hưởng vô cùng lớn. Đến thời Nguyên, phong trào này sử dụng chung một niềm tin vào “Phật Di Lặc giáng sinh tịnh thổ để khuyến khích tín đồ, quần chúng đấu tranh chống lại quân triều đình ngoại tộc.
Khi đó, các Bạch Liên xã với xuất phát điểm từ đại sư Huệ Viễn cũng có ảnh hưởng vô cùng lớn bị tách thành 2 nhánh, một nhánh quay trở lại với các giáo lý Phật giáo chính thống, nhánh còn lại kết hợp với Minh giáo và Di Lặc giáo trở thành Bạch Liên giáo, với chủ trương chống đối Nguyên triều. Đến thời điểm Hàn Sơn Đồng khởi sự, trùng với giai đoạn của Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Di Lặc giáo đã cơ bản trở thành một chi phái của Bạch Liên giáo.
IV. Bố Đại Hòa Thượng (布袋)
Như đã trình bày ở trên, không chỉ ở Trung Quốc, tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Tây Tạng, trong lịch sử, cũng đã có rất nhiều người tự xưng là hiện thân của Phật Di Lặc. Tuy vậy, phần lớn các nhân vật đó đều không chiếm được niềm tin của quảng đại quần chúng, giáo đồ, trở thành những kẻ giả mạo. Duy chỉ có một ngoại lệ, đó là Bố Đại Hòa Thượng.
Bố Đại sống vào đời Ngũ Đại, thế kỷ X tại vùng Phụng Hóa, Minh Châu. Cái tên Bố Đại xuất phát từ chiếc túi vải to mà Ngài luôn vác theo mình khi đi lang thang. Ngài được người đời đặc tả lại là một vị thiền sư lập dị, béo lùn và bụng bự nhưng vui tươi, lúc nào cũng đang cười, thích chơi đùa với trẻ con, ngủ bất cứ đâu và có phép tiên tri. Người đời cũng tin rằng, bụng Ngài  lớn để chứa những thứ xấu của chúng sinh.
phat-di-lac-la-vi-phat-tuong-lai-trong-coi-ta-ba

Ngài được mọi người rất yêu quý vì mang lại niềm vui và sự an lạc. Thêm vào đó là sự kính phục trước năng lực của Ngài, người dân cũng thường cúng dường lễ vật. Và vì Ngài không có nơi ở cố định nên cho tất cả đồ vào cái bao của mình xách mang theo.
Đến khi Ngài chuẩn bị viên tịch, Ngài đã để lại một bài thơ nói về xuất thân của mình chính là Phật Di Lặc. Sau đó, người ta vẫn nghe nói Ngài xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau để giáo hóa Phật pháp, người đời lại càng tin rằng Ngài có pháp lực thật sự và Ngài chính là hóa thân của vị Phật tương lai.
Hiện nay, phần lớn hình tượng Phật Di Lặc tại các ngôi chùa Bắc Tông đều chủ yếu mô phỏng theo Bố Đại Hòa Thượng. Ngoài ra, do là Đức Phật của tương lai tươi vui và may mắn, dần dần trong dân gian cũng gắn hình ảnh của Bố Đại – Di Lặc to béo vui cười với tiền tài và phúc vận, người ta thờ ngài trong gia đình, quán hàng như một vị thần phong thủy đem lại tài lộc.