Nếu Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải viết về sự “bình thường”, hợp lý của những kẻ bất thường, thì Sổ tay nhà thôi miên lại viết về sự bất thường của những người bình thường.

Để kiếm tìm nguồn nguyên liệu cho tác phẩm đầu tay của mình, tác giả Cao Minh đã thực hiện khoảng 200 cuộc phỏng vấn các bệnh nhân tâm thần và những kẻ bất thường, sau đó ghi chép lại lối tư duy, suy nghĩ của họ. Bạn sẽ bảo, bệnh nhân tâm thần thì có tư duy gì đáng nói chứ? Vậy là bạn chưa thực sự tiếp xúc với họ rồi. Nói một cách nhẹ nhàng thế này, họ không điên, họ chỉ đang sống trong thế giới của riêng họ, mà thế giới ấy từ chối những người bình thường khác, đồng thời chính thế giới của những người bình thường khác lại xua đuổi, loại bỏ họ. Bạn bảo thế còn những người gặp ảo giác, hoang tưởng thì sao? Chẳng phải tất cả đều là giả ư? Họ nói có quái vật đuổi theo mình, nhưng bạn không hề nhìn thấy. Đúng là như vậy, nhưng bạn có từng nghĩ đến chưa, biết đâu trong thế giới của họ, dưới ánh nhìn của họ, tất cả đều là sự thật.
Nếu nhìn nhận theo cách đó, những người điên chẳng hề điên chút nào. Họ có hệ thống ngũ giác, tư duy, cảm xúc riêng. Có những người giỏi hệ thống lại tất cả những điều đó, dùng ngôn ngữ truyền đạt rõ ràng đến cho độc giả, khiến độc giả phải gật gù ra chiều đồng ý, rồi lại giật mình tự hỏi “Ơ, thế mình hiểu được tư duy của người điên và thấy có lý, vậy có phải mình cũng điên theo họ?” Không hẳn, bạn chỉ đang bỏ qua định kiến rằng người điên chỉ toàn nói linh tinh vớ vẩn không đáng bận tâm, mà trái lại, bạn dần hiểu được rằng có nhiều khi nên suy nghĩ cởi mở hơn, phóng khoáng hơn, bởi cuộc sống không chỉ có một mặt, bạn không thể nhìn từ một hướng để rồi kết luận mọi thứ quá sớm. Bạn hiểu được sự “bình thường” của người điên.

Mặt khác, trong hai tập Sổ tay nhà thôi miên, tác giả lại xây dựng một bố cục gần như trái ngược. Lần này nhân vật tôi không còn tìm đến những người điên để rồi phát hiện ra mặt “bình thường” của họ. Mà lần này, đến lượt người bình thường chủ động đến tìm nhân vật tôi (và cộng sự) để rồi thể hiện ra mặt “bất thường” nhất trong lòng mỗi người. Hóa ra trên đời này, mọi thứ vốn chỉ là tương đối, nếu chỉ nhìn mặt ngoài, ai nấy đều giống nhau, nhưng càng đi sâu vào nội tâm mỗi người, ta lại càng thấm thía một điều: Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, ai cũng có một thế giới mà người khác chẳng thể nào bước chân vào nổi. Nếu không có nhà thôi miên giúp khơi gợi tiềm thức, hé mở cánh cửa nội tâm, những tổn thương từ rất lâu trong quá khứ mà bình thường cơ chế tự bảo vệ đã giấu đi thật sâu trong tiềm thức xa xôi ấy sẽ mãi nằm lại đó, bị phủ một lớp bụi mờ, bị lãng quên nhưng không chết hẳn mà vẫn tìm được cách (giấc mơ) để khiến mỗi người phải bất an, khổ sở. Hóa ra người bình thường chỉ bình thường cho tới khi họ thể hiện ra mặt “bất thường” của chính mình.

Nếu như Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải khiến người đọc choáng váng trước hệ thống tư duy logic và lượng tri thức không nhỏ, đòi hỏi mỗi độc giả phải có một trái tim rộng mở, một đôi mắt nhìn đời không định kiến, một tâm trí sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ, thì Sổ tay nhà thôi miên (hai tập) lại là chuyến hành trình đi tìm tiềm thức, cần mỗi người phải bình tĩnh ngồi lại, suy ngẫm và trở về với nội tâm của chính mình. Hai tác phẩm đều xuất sắc, một để đi và một để trở về. Một để mở rộng trái tim và tâm trí, một để lắng tai nghe những thương tổn từ tiềm thức. Một hướng ra bên ngoài, một trở lại bên trong.
Quan sát thế giới này, chỉ cần dùng một con mắt là đủ, một con mắt còn lại, hãy dùng để quan sát chính mình.
Người ta luôn nói đến việc làm thế nào để yêu thương chính mình hay trở thành chính mình, nhưng để làm được như thế, điều kiện tiên quyết chẳng phải là “hiểu thấu bản thân” hay sao? Khi quan sát một vấn đề, muốn nhận định đầy đủ thì phải suy xét trên nhiều mặt, theo nhiều hướng khác nhau, khi quan sát bản thân cũng vậy. Ta sẽ không thể đánh giá chính mình qua lời người khác nói, cũng chẳng thể mù quáng chỉ tin vào mỗi cái nhìn của bản thân. Sự đúng đắn nằm ở điểm cân bằng của những chiều hướng đối lập.
Có một câu trích rất hay trong cuốn Sổ tay nhà thôi miên thế này: “Quan sát thế giới này, chỉ cần dùng một con mắt là đủ, một con mắt còn lại, hãy dùng để quan sát chính mình.” Bạn giải thích câu nói đó ra sao?
Bạn thấy ấn tượng với cuốn nào hơn? Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải hay Sổ tay nhà thôi miên?
Câu trả lời nằm ngay trong trái tim bạn đấy.