Trên cổng của đền Delphi có khắc câu “Hãy tự biết mình, rồi tự khắc sẽ biết cả thần thánh lẫn vụ trụ” , đây cũng là châm ngôn hành động của Socrates trong những năm tháng đi tìm người khôn ngoan hơn mình. Rồi, ông nhận ra, ông khôn ngoan hơn mọi người chỉ vì ông nói “tôi chỉ biết chắc một điều là tôi không biết gì cả”. Socrates đã chỉ ra điểm khởi đầu cho chúng ra noi theo, ông xứng đáng được yêu mến, nhưng ta cũng cần mỉa mai lại chính điều đó: yêu mến Socrates hay yêu mến sự thông thái, khôn ngoan như Socrates đây? Bắt đầu hành trình. Điểm khởi đầu của hành trình hiểu biết, biết mình có gì, thiếu gì và cần làm gì để đạt được mục tiêu của con đường. Những thứ mình có, cái nào là chân thực, cái nào là tốt, cái nào xấu, cái nào  cần vứt bỏ. Con chim bằng muốn bay cao phải được nâng bởi tầng khí dày, đâu như con châu chấu muốn là nhún nhảy; nhưng con chim bằng bay từ biển bắc qua biển nam, còn con châu chấu chỉ nhảy từ nhọn cỏ sang cành cây mà thôi. Nền tảng nào nâng đỡ chúng ta. Con người sống, là con người hiện thực, sinh ra và lớn lên, theo những phong tục, thói quen, tôn giáo,... do đất mẹ nuôi dưỡng. Đứa trẻ hấp thu một cách vô thức những điều đó, đưa vào và coi như lẽ sống tất yếu. Chất liệu thô nâng đỡ chúng ta chính là xã hội, nhưng còn một công cụ khác nữa mà ta được thần ban cho mỗi người:cái đầu - lý trí. Nếu mục đích của con người là hạnh phúc đơn thuần, thì thiên nhiên đã chỉ ban cho con người bản năng chứ chẳng cần cho thêm cái đầu, để rồi cứ dằn vặt suy nghĩ.
          Chính việc suy tư về các điều tưởng như là hiển nhiên trong giai đoạn trẻ thơ ấy là đánh dấu sự trưởng thành của con người. Con người được tự do tư tưởng và lòng khao khát hạnh phúc để đánh giá lại cả rổ táo của mình, nói như Descartes: quả nào hỏng phải bỏ đi, quả nào lành thì để lại và phân ra rổ khác. Hình ảnh ví von này, thiết nghĩ cũng chính là việc chúng ta tự kiểm tra, mỉa mai những quan niệm, niềm tin, kiến thức, lý tưởng,... mình thu nạp vào được. Socrates đã phê phán các biện sĩ “lạc vào một thứ tri thức tưởng là mới mẻ nhưng sai lầm, hay vào sự phủ nhận tất cả những gì đáng gọi là truyền thống”[K.Jaspes, Socrates,tr.135]. I.Kant cũng tựa ý, và viết cho bài "Bàn về Khai minh" thế kỉ XIX với khẩu hiệu “Hãy dám biết”. Hãy dám biết ở góc độ nào đó, là việc con người nhận ra mình không biết, mà không dám nhận biết điều đó và sẵn sàng sử dụng cái đầu để biết. Một thái độ dứt khoát, thẳng thắn, can đảm để mình được lớn lên, để thành một con người, nhân bản thực sự. Cicero định nghĩa người La Mã nhân văn thời ông, và mở rộng là con người chung là có lòng bác ái và giáo dục. Trong đó,  giáo dục, tự giáo dục là thứ đóng vai trò quan trọng. Nhìn ở góc độ người học, muốn học chúng ta phải biết mình thiếu và ao ước khát khao việc được học. Tinh thần ở đây giống với việc tự tra vấn chính mình. Và, người dạy cũng thế, có thực sự là mình biết không. Socrates đã mỉa mai, giả vờ mình không hiểu biết, cũng có thế không biết thật theo quan điểm của ông, để được dạy dỗ từ người có vẻ khôn ngoan hơn ông; nhưng sau những lời đối thoại, người dạy ông tỏ ra lúng túng và cũng nghi ngờ về việc biết của mình có thật không. Lúc đó người dạy đó đã biết mình, nhưng chưa tự, nên chịu nhiều khó khăn trong đối thoại tìm ra chân lý. Và, người đi sau, ta nên chủ động vào vai người học, kẻ không biết. Tính không biết này càng thúc đẩy sự tò mò, khuyến khích ta đi sâu và rộng hơn chính những vấn đề tầm thường và quá đỗi quan trọng này. Nhưng, chính sự tra vẫn này lại gây ra nhiều sự phiền toái lớn nếu người tra vấn không ý thức được thái độ không biết gì này như phương thức sống chứ không phải công cụ, phương tiện. Tự tra vấn chính mình vừa là con đường vừa là chính là mục tiêu của chính con người. Vậy phải có con đường, phương pháp tiếp cận nó cho chính xác.
          Bất kì sự tự vấn nào đều bắt đầu từ một mâu thuẫn của các nhận thức cá nhân. Con người với khả năng nhận thức của mình khi tiếp xúc với thế giới bằng một tinh thần tự do đã tạo điều kiện cho đối thoại của chính mình. Chân lý chỉ có ý nghĩa với chính bản thân cá nhân khi chúng thuyết phục được người đó trong chính kinh nghiệm sống của con người, hay của tập thể người chung một nền tảng. Tiêu chuẩn của kiểm tra dựa vào sự logic của vấn đề thông qua lý trí, ta có thể gọi là tri thức. Tri thức với Socrates, Plato phải mang hai đặc điểm: chúng cắt nghĩa được, và tuyệt đối, không phụ thuộc vào kinh nghiệm, hay Kant gọi là tiên nghiệm. Niềm tin của con người giờ đây không đặt niềm tin vào tri thức sẵn có mà mình chưa kiểm tra, vào guồng máy xã hội với những quy ước, chuẩn mực được phơi bày sẵn cho mình như trong  mà đặt vào niềm tin vào việc lý trí được chứng minh. Mặt khác, các vấn đề mà Socrates đề cập thường là các vấn đề xã hội, đạo đức: thế nào là thiện, là ác,..  việc tra vấn chính mình là việc xác lập lại những gì chúng ta tin tưởng. Là việc tham gia vào cuộc sống mà hiểu được luật chơi của chúng, chứ không chỉ là sống. Tức khởi đầu từ tri thức đến đạo đức mới tới hạnh phúc như niềm tin về sự tra vẫn đem lại.
          Con người bước vào cuộc sống đã được truyền lại cho những truyền thống của xã hội, xã hội luôn mang tính lịch sử, nó thay đổi theo những biến chuyển của cuộc sống, của từng địa phương. Sự tra vấn lại chính mình là cách để ta sống thực sự, để tăng cường tri thức tới hạnh phúc. Với lý trí và tinh thần tự do, con người tra vấn sẵn sàng đối thoại và nhận mình không biết để tăng cường phản ứng với những định kiến xã hội sẵn. Và, khi đã tin tưởng lại sự tự vấn này, con cá điện sẽ không bị điếng người và tin mạnh mẽ vào sức mạnh của nó. Một lần kiểm tra cho mình và sẵn sàng chích điện cho người xung quanh nữa. Nhưng sức mạnh của việc tự vấn chính bản thân này dễ khiễn những người thiếu trải nghiệm và quá ảo tưởng dẫn đến phá bỏ những truyền thống tốt đẹp và hàm ý về một xã hội hỗn loạn, hay một thái độ không đúng của một học trò Socrates. Thrasymachus đã cảnh bảo về thái độ “mỉa mai thường lệ” trong Nền Cộng Hòa của Plato: “Thật đúng là sắc thái, là phong cách mỉa đời của ông đấy, Socrates ạ. Há tôi đã chẳng tiên đoán như thế, chẳng nói trước với các bạn rằng ông ta sẽ giả bộ ngu dốt, hoặc dùng mọi thủ đoạn tránh né khác thay vì trả lời, nếu người đó đạt câu hỏi gì đó cho ông ta sao?”[Plato,  Cộng hòa, 337a]. Tự vấn mình phải với một thái độ nghiêm khắc, tránh mỉa mai thường lệ, là tâng bốc mình, đẩy những gì mình không có. Việc tự biết chính mình này luôn luôn dịch chảy như tư tưởng biến dịch của Heraclitus với một thái độ của người không biết. Dù cho điểm đến của phương pháp là nhằm xác lập một tri thức mang tính phổ quát, hay một khái niệm mang nội hàm phổ quát, nhưng ngay bước một ta thấy nó là một phong cách, một thái độ. Vừa là tìm tri thức vừa là sống tri thức, con đường vừa là đường đi vừa là cái đích. Con người, tự biết chính mình, không mang một định kiến nào cả, không một hệ thống nào cả, cứ khao khát mãi mà phóng mình vào thế giới.
#nhamnhi