THUẾ MÁ, SỰ MINH BẠCH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH
"Taxation without representation is tyranny" (đóng thuế mà không cho người đại diện là bạo chúa), câu nói này đã được người Mỹ nói...
"Taxation without representation is tyranny" (đóng thuế mà không cho người đại diện là bạo chúa), câu nói này đã được người Mỹ nói đến từ thế kỷ 18 cho đến nay và nó vẫn còn nguyên giá trị đối với các dân tộc trên thế giới. Bầu cử để đưa người đại diện của mình vào Quốc hội và làm người đứng đầu chính phủ đã trở thành nguyên tắc của mọi quốc gia dân chủ và cả những quốc gia giả dân chủ. Ở nước ta, việc áp thuế và minh bạch trong việc thu chi về thuế đã thể hiện rõ trong việc không có người đại diện đã dẫn đến hệ luỵ lớn đến mức nào cho người dân của một đất nước không có bầu cử minh bạch.
Theo luật thuế chính thức thì mức thuế suất của Việt Nam chưa phải là đứng đầu thế giới. Thuế doanh nghiệp của Việt Nam là 20% mức thu nhập, thấp hơn nhiều so với mức 33.3% tại Pháp (vừa được điều chỉnh còn 31% vào đầu năm nay), Brazil 34% và thậm chí mức thuế khá kinh hoàng của UAE là 55%. Tuy nhiên tính riêng về các loại thuế phí thì doanh nghiệp Việt Nam và người dân Việt Nam phải chịu thì cao bậc nhất trong khu vực mà không thấy có nhiều ý kiến trong nhân dân.
Về mức thuế thu nhập cá nhân, theo luật thuế hiện hành mới nhất, mức thu nhập phải chịu thuế là 11 triệu đồng/tháng của một công dân. Mức chịu thuế cao nhất lên đến 35% (thực ra là 35% trừ đi cho 9.85 triệu đồng) nếu thu nhập của người lao động có mức chịu thuế là trên 80 triệu đồng. Trong bối cảnh GDP đầu người của nước ta chỉ có gần 3000 USD/năm thì mức thuế này thực sự là rất lớn nếu so với mức thuế cao nhất của Singapore là 22%, của Malaysia là 28%, của Philippines là 32% và ngang bằng với Thái Lan là 35%. Mức thuế suất của nước ta cho dù có giảm trừ hay không giảm trừ gia cảnh đều gần như là cao nhất khu vực Đông Nam Á mức thuế bắt đầu là 10% so với chỉ 2% của Singapore. Số bậc luỹ tiến của Singapore cũng rất có lợi cho người lao động, với 11 mức thu thuế so với 7 bậc của Việt Nam. Đặc biệt là mức thu nhập của các quan nhà ta luôn nằm trong "top khủng" nhưng mức chịu thuế luôn nằm trong bậc thấp nhất của xã hội. Có vẻ như nếu muốn Việt Nam thành Singapore thì việc đầu tiên cần làm là phải học hỏi luật thuế thu nhập của Sing và nâng trần thu nhập chịu thuế lên gấp đôi gấp ba hiện tại.
Một loại thuế khác mà người Việt Nam phải chịu là thuế gián thu. Lấy cao điểm giá xăng năm 2019 là 22.191 đồng/lít, giá này phải cõng thuế nhập khẩu 20% (đồng ý vì mang dầu đem nước ngoài bán để nhập khẩu lại xăng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (?!?), thuế VAT là 10%, và thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng. Mỗi lít xăng còn phải chịu thêm quỹ bình ổn giá, chi phí định mức... lên đến hơn 50% giá xăng. Đặt vấn đề xăng cộ là một nhu yếu phẩm của xã hội mà lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ngang với rượu bia thì cũng thật lạ đời cho cách định giá thuế tại Việt Nam. Và quỹ bình ổn xăng dùng để xài vào dịp gì thì tôi google mãi chưa ra. Mong anh em làm trong ngành xăng giải thích giúp tôi. Và thuế môi trường có được sử dụng vì mục đích môi trường không? Chưa thấy tài liệu nào công khai về các dự án môi trường sử dụng loại thuế này.
Về cơ bản, có xăng phải có xe để chạy. Tôi có lên một bài về nền văn hoá xe máy ở Việt Nam. Vì sao lại hình thành nền văn hoá này? Vì giá xe hơi quá cao so với thu nhập người dân. Vì sao giá xe hơi quá cao? Hãy nhìn các loại thuế sau: thuế tiêu thụ đặc biệt (tính theo xy lanh) từ 35% đến 150%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22% (thường được tính vào giá xe), thuế trước bạ (Hà Nội 12%, các nơi khác 10%), phí đăng kiểm, phí đường bộ và phí biển số (20 triệu ở SG và HN, 1 triệu ở nơi khác), đó là chưa tính thuế nhập khẩu nếu xe được nhập từ các quốc gia ngoài ASEAN. Với các mức thuế trên, một chiếc xe hơi trước khi đến tay người dân đã phải tăng giá lên gấp đôi, có khi gấp 3 lần. Không nhiều người có khả năng chịu các khoản thuế này.
Nếu bạn chọn một lối sống tối giản, không đi xe, không đổ xăng, đi bộ giảm cân thì e rằng bạn cũng không thoát khỏi các loại thuế phí hiện hành của một con gà. Một con gà mới nở sẽ chịu các khoản phí kiểm dịch gà con mới nở, phí giấy kiểm dịch xuất gà con khỏi trại, giấy tiêu độc khử trùng cho xe vận chuyển gà con, tổng số phí lên đến gần 14 loại. Đó là chưa kể các loại phí bảo vệ môi trường (lại phí này), tiêu độc khử trùng, xử lý động vật chết... Các khoản phí này được liệt kê từ năm 2016 nhưng đến nay chưa thấy cập nhật mới, có lẽ vẫn chưa có thay đổi gì. Đây chỉ là các loại phí được áp dụng trên một mặt hàng, hiện tại người dân có lẽ phải chịu đến hơn 400 loại thuế phí khác nhau.
Đó là chưa kể đến các loại phí ngầm không nằm trong luật định như BOT, phí "giao thông". Đó là chưa kể đến các loại bảo hiểm xã hội mà người lao động phải gánh chịu ở mức 8% thu nhập, người sử dụng lao động phải chịu ở mức gấp đôi và...sắp vỡ.
Chúng ta có thông qua những loại thuế phí này không? Hẳn là không nhưng chúng ta gián tiếp bầu nên những người đưa ra luật và thực thi luật. Có lẽ ai cũng biết về một hệ thống bầu cử 99% ở Việt Nam, nhưng ít người thậm chí để ý đến mỗi sắc lệnh về thuế phí mới được ban hành. Nó đều được đặt lên bàn cân quốc hội để các ông nghị chúng ta gật hay hơi gật mà thôi. Và tình cờ thay là các ông nghị đều có thẻ Đ kể cả các sư thầy trong Quốc Hội, một số ông còn có tư tưởng bảo hoàng hơn vua. Việc sử dụng thuế phí vào đâu thực sự là một sự đánh đố đối với người muốn quan tâm thực sự, chứ chưa nói đến người đấu tranh thay đổi thuế má. Ấy vậy mà đôi khi việc thu thuế cũng chỉ đủ để trả lãi cho nợ nước ngoài của nước mình. Thu phí môi trường nhưng môi trường tệ nhất thế giới. Xăng có thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu. Con đường nào cũng mắc nhất thế giới nhưng thi công xong vài ngày lại có ổ gà xuất hiện. Tất cả đều là đặc sản của Việt Nam trong thời đại rực rỡ này.
Dân chúng không có một nỗ lực đòi hỏi sự minh bạch trong các khoản phí này, họ chỉ chăm chăm vào cuộc sống mưu sinh trước mắt. Một con bò Kobe, được ăn uống ngon, được nghe nhạc, được thư giãn sướng như tiên, khi được giết thịt thì giá trị lên đến vài chục triệu/ký. Một con bò Việt Nam, ăn rong, thả rong, bị đánh đập tàn tệ, đôi khi còn bỏ đói, khi bị giết thịt giá trị thấp hơn con bò Kobe đến chục lần. Hãy nhìn lại hai con bò trên sẽ thấy người dân Việt Nam đang sống như nào. Và con bò này vẫn đang ngoan ngoãn đưa bầu vú cho người chủ vắt sữa mỗi ngày.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất