Mình sinh năm 2000, lúc mình 6 tuổi là năm 2006. Trong đoạn kí ức mà mình có thì ba mẹ mình có một cuốn sổ tay mini để ghi lại các thông tin liên lạc cần thiết - chính xác phải gọi là danh bạ điện thoại bằng giấy. Có hôm gọi điện cho bác ở quê, mẹ chạy qua nhà hàng xóm mượn chiếc điện thoại cục gạch rồi mở cuốn sổ đó ra, bấm cạch cạch để gọi về.
Năm mình học lớp bốn, độ đó chắc là năm 2010, mình có mấy đứa bạn thân trong lớp. Về nhà muốn nói chuyện là xin số điện thoại của nhau - nhưng thực ra là số điện thoại của phụ huynh không à. Xin xong về nhập vào điện thoại ba, lưu với cái tên theo cú pháp "Ba/ Mẹ của ...". Lúc đó đi học gặp nhau mỗi ngày, nhu cầu nói chuyện qua tin nhắn hay gọi điện đều không có nên hầu như muốn hỏi gì, nói chuyện gì thì cứ lên lớp, giờ ra chơi, tan học gặp nhau mà hỏi, còn gần nhà thì cứ tèn tèn chạy qua, nô đùa thỏa thích. Còn điện thoại chỉ là lưu phòng hờ có chuyện gì thôi. Thành thử ra chỉ có mấy dịp đặc biệt như Tết hay Giáng sinh, mình với tụi bạn mới gửi nhau qua lại SMS kí hiệu đặc biệt để chúc mừng. (づ ̄ ³ ̄), mấy dạng kiểu như vậy:
Nhận được tin nhắn của bạn là xin ngược lại ba cho con gửi một tin qua cho bạn - 100, 200 hay 300đ gì đó một tin, tin nào dài quá 2-3 trang SMS là 500đ. Mấy trường hợp này hy hữu này chắc chỉ gửi cho đứa bạn thực sự thân thiết thôi.
Năm mình lớp 7, độ khoảng năm 2012, chỗ mình tuy hẻo lánh xa xôi nhưng trường vẫn có dàn máy tính kết nối internet cho mấy đứa tụi mình thi IOE và Olympic toán học.
Sau mỗi tiết Tin học, mình với mấy đứa trong đội tuyển sẽ được ưu tiên xài "dàn máy siêu cấp" của trường phục vụ cho việc thi hàng tuần. Với mình, có lẽ đó là "mạng xã hội" đầu tiên mình tiếp cận. Nơi mình chầu chực mỗi tuần để xem danh sách thống kê kết quả tại trường, tại huyện, tỉnh mình và tại các trường, tỉnh khác trên cả nước. Tâm trí dành trọn sự ngưỡng mộ cho mấy đứa đạt điểm cao luôn nằm liên tiếp trong top đầu dù chẳng biết đứa đó là ai ngoại trừ một cái tên. Lâu lâu xem hết danh sách, thấy tên đứa nào quen quen từ hồi tiểu học sẽ ngồi băn khoăn xem đó có phải là đứa bạn của mình không. Nhưng rồi mọi thứ rơi vào quên lãng vì đó không phải nội dung chính trong công cuộc thi đua này.
Năm mình lớp 8 là 2013, mình vẫn nằm trong đội tuyển IOE, vẫn được toàn quyền dùng phòng máy, và còn được tín nhiệm cho dùng ngoài giờ vào chiều thứ bảy. Khi "lớn hơn" một xíu, mình và mấy đứa bạn mới bắt đầu chia nhỏ thời gian ngoài lề cho những "việc riêng" khác. Và thế là Zing Me xuất hiện - viên gạch lót nền đầu tiên trong làng mạng xã hội với mình ngày đó.
Bản thân mình thực ra không biết mạng xã hội là gì sất, chỉ biết là mấy đứa bạn có tài khoản Zing Me chơi game bắn gà Gunny các thứ, rồi tụi nó chỉ mình xài. Tài khoản Zing Me mình không nhớ rõ có đăng gì không, vì mình không hoạt động mạnh mẽ trên đó. Nhưng chắc chắn một điều là mình đã mê đắm hai quả game Khu vườn trên mây và Happy City - trồng cây, xây thành phố - đam mê một thời. Ta nói ở nhà tưới cây thiệt thì hổng chịu, lên Khu vườn trên mây ngày tưới chục lần vẫn vui :v
Năm lớp 8 cũng là năm mình nhận được khoản thưởng nhiều nhất từ kết quả học tập so với các năm học khác, tích hợp nguyên năm với những phần thưởng từ danh hiệu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, lum la các khoản thưởng, mẹ dẫn mình ra tiệm điện thoại bé xinh của cô bưu tá mua một chiếc điện thoại trị giá 400k VNĐ. Nó là con điện thoại phím màu cam, giao diện có màu, nhưng không truy cập được internet, có camera nhưng không chụp hình được vì không có tiền mua thẻ nhớ, cái loại thẻ micro SD 1GB ngày xưa ấy =
Nhưng nói chung là mình được mua cái điện thoại và bỏ thêm con sim, căn bản cũng để ở nhà, không mang đi học vì cũng không dùng là bao. Chủ yếu là lâu lâu đi đâu đó với bạn bè hay đi thi xa nhà, có điện thoại mang theo để liên lạc phòng ngừa bất trắc. Ngoài ra là để nghe đài VOV3 như một thú vui giải trí thay vì cứ xem bộ phim mang tên Thời sự hoài. Ta nói bắt sóng FM mệt muốn bở hơi mới nghe được rõ. Trong điện thoại cũng lưu dần số điện thoại của mấy đứa cùng lớp, cùng tổ. Hồi đó hay thấy mấy đứa chỉ nhau đăng ký gói trăm tin nhắn giá rẻ gì đó để nhắn tin cho bồ này nọ, mà mình thì chả có một bóng nào nhắn tin ngoài tổng đài nên cũng không quan tâm đến vụ này lắm :v
Cuối lớp 9 - năm 2015, vào cái thời điểm chuyển cấp, cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những sự chia ly của tuổi học trò, vì đứa học trường này, đứa học trường khác. Cũng chính hè năm đó, mình được nâng cấp qua một chiếc điện thoại pro hơn có thể lên được internet 2G, còn con điện thoại kia chuyển sở hữu qua cho mẹ. Chị gái mình có “chơi Facebook” nên mình cũng bắt đầu mon men, mò mẫm để tạo tài khoản và bước vào công cuộc tìm lại bạn học. Với vài nghìn đồng trong tài khoản, mình đăng ký mạng được để xài. 01/08/2015 là ngày mình tạo Facebook, vẫn nhớ hôm đó nằm trên võng, suy nghĩ chọn ảnh đại diện mãi, và rồi quyết định chọn con ảnh đại diện là cung hoàng đạo của mình rồi hôm sau suy nghĩ lại đổi thành ảnh của Park Shin Hye trong phim Cô nàng đẹp trai.
Mấy thời gian đầu dùng cũng chỉ để viết mấy status xàm xí, lâu lâu ghé wall nhau để chúc ngủ ngon, chúc thi tốt này kia nọ. Hầu như nội dung chỉ xoay quanh mấy đứa bạn cấp 2, rồi về sau khi lên lớp 10 thì có thêm mấy đứa bạn mới chung lớp. Nhắn tin thì cứ tà tà vào m.facebook.com.vn xong vào mục tin nhắn. Mỗi lần muốn biết có tin nhắn mới hay không thì phải tải lại trang mới thấy, mấy đứa bạn mà nhắn tin dùng sticker hay emoji xịn xịn là mình chỉ biết =)) vì điện thoại cục gạch mình không xài được mấy cái đó. Kỹ năng nhắn tin của mình thượng thừa chỉ dừng ở level kí hiệu thui :3
Với chiếc điện thoại cục gạch không có app và lướt web đơn, mình không thực hiện được các tác vụ đa nhiệm nên đang làm việc gì thì tập trung làm việc đó, càng không có chuyện thông báo nhảy ting ting ing ỏi làm phiền. Thông báo hay tin nhắn trên Facebook đều tụ họp tại một đốm đỏ đánh số, 2, 3 ngày vào kiểm tra một lần hoặc không vào xem cũng chẳng vấn đề gì.
Lên cấp 3, mình vẫn gia nhập đội quân IOE, vì không có máy tính nên lâu lâu lại đi bộ ra net gần chỗ trọ để thi. Thi xong thì đăng nhập vào Facebook nhắn tin với bạn đôi chút rồi về. Đến cuối năm 11, khi đó là 2017, chị gái mua cho mình chiếc điện thoại thông minh đầu đời - Sony Xperia Z1, thế giới ảo mới thực sự bắt đầu từ đây.
Từ đơn nhiệm chuyển sang đa nhiệm với sự xuất hiện của những ứng dụng. Từ thông báo đổ về trong âm thầm đến thông báo trong thời gian thực khi có những cập nhật mới nhất. Những bong bóng Messenger bắt đầu xuất hiện, tài khoản Instagram được tạo ra với những bài post gắn hàng tá #hashtag. App nào cũng được thử tải ít nhất một lần về, ví dụ như Twitter mình thử đụng vào nhưng vì bạn bè người quen ít xài và vì không biết làm gì với nó nên chỉ tạo tài khoản rồi lẳng lặng đi ra. Trong số đó, Youtube như trở thành “tượng đài” trong làng mạng xã hội với chính sách kiếm tiền từ việc đăng tải video. Mơ ước tạo kênh kiếm tiền đã bắt đầu len lỏi và xuất hiện trong suy nghĩ của mình những ngày đó. Điều kiện bật kiếm tiền bấy giờ của Youtube rất đơn giản, chỉ cần kênh có tổng lượt view trên 10k là đăng ký được rồi. Nhưng chung quy lại, thì việc nhắn tin hay trao đổi mọi thứ ở trường học, mấy mối quan hệ thì đều được quy tụ về Facebook và SMS là chính yếu.
Dần dần Zalo bắt đầu len lỏi vào khi chị gái mình bảo dùng Zalo để liên lạc. Instagram từ một nơi gắn đầy hashtag trở thành hang ổ của kẻ hướng nội trầm tính thích riêng tư với vài đứa bạn theo dõi nhau qua lại. Youtube là nơi để mình khám phá những kỹ năng mới với hàng loạt video tutorial edit Kinemaster, Vevo Video, cách cài app apk để xài lậu vì làm gì có tiền đăng ký tài khoản pro; đồng thời cũng là kho tàng khai mở tri thức với những video bài giảng học ké của hocmai hay hoc24h... Rồi mấy khứa cùng lớp chỉ cho dùng Soundcloud để up nhạc và file ghi âm các thứ - chắc cũng gọi là mạng xã hội âm thanh được nhỉ. Vì hồi đó mơ ước up được nhạc lên Zing Mp3 mà chẳng biết cách, may thay Soundcloud xuất hiện và cứu rỗi cuộc đời.
Năm mình học lớp 12-2018, mình vẫn nhớ đợt đó Chi Pu ra MV Đóa Hoa Hồng với điệu nhảy độc lạ, hồi đó kênh Youtube mình làm đăng toàn mấy video xàm xí đu theo của showbiz rồi edit lại nhưng view lẹt đẹt vài chục tới vài trăm. Đợt đó, clip mình đăng về Chi Pu lại hot rần rần và mình đạt được cột mốc hơn 10k lượt view cho kênh. Thế là mình nhanh nhảu đăng ký bật mode kiếm tiền liền. Ta nói đời chỉ dễ dàng trong suy nghĩ của mấy đứa chưa trải đời, mình bị Youtube từ chối vì nội dung không phải do chính mình tạo ra và còn dính bản quyền ăn gậy các thứ. Nên là lần đó, mình quyết định từ bỏ con đường làm Youtuber "không chân chính" như vậy nữa để chuyển qua đàn ca múa nhạc - lấy chính mình làm nội dung trong video. Khi đó mình không biết đàn, nên toàn lên lấy beat karaoke rồi cover, giờ phải công nhận lại là vì mình hát không hay, video edit không đủ hấp dẫn nên video không có ai xem ngoài mình =)). Trong lúc mình vẫn chật vật với chuyện làm Youtuber thì Musical.ly xuất hiện, hình ảnh mấy đứa cùng dãy trọ quay rồi edit Musical.ly tới giờ vẫn còn nguyên xì bo trong đầu mình. Không biết sao nhưng hồi đó mình không thích nền tảng này lắm, có lẽ vì tính hữu dụng của nó không cao và nội dung cũng không hợp gu nên mình cho vào blacklist.
Khi dần bước vào ngưỡng cửa đại học, mình dẹp bớt Youtube lại để tâm cho việc thi cử. Thay vào đó, mình dùng Facebook để kết bạn dạo tứ phương - mấy khứa để avatar "quyết tâm" có cùng logo với trường mình nộp xét tuyển, FTU, USSH,... Mục đích chính là để hỏi thăm chiến lược học tập và lân la xin vào các group tin nhắn của các trường để ôn thi ké. Giờ nghĩ lại, đó là cú đột phá trong công cuộc mở rộng networking mà mình đã làm từ những năm cấp 3 chứ nhỉ :v
Cuối 2018, 2019, khi mình đã trải qua năm nhất và bước vào năm 2 đại học, đến đây Facebook, Instagram hay Youtube mọi thứ nằm lòng bàn tay, nhưng chỉ ở cấp độ người dùng, còn tư duy làm nội dung, xây cộng đồng thì chẳng có gì cả. Mỗi nơi phân biệt ra các cấp độ: - Facebook là để networking, sống ảo siêu cấp độ với việc cập nhật thành tích, hoạt động, đu điểm rèn luyện, vân vân, mây mây. - Instagram là để hướng nội part-time, đăng story mỗi ngày để than vãn hay kể những câu chuyện thường ngày nhạt nhẽo rồi lâu lâu đăng một bài deep deep thâm sâu. - Còn Youtube thì tuy không bật được kiếm tiền nhưng theo tiếng gọi tư bản, cũng đu theo làm reviewer để có tiền như một công việc part-time.
2020, Spiderum xuất hiện trong đời mình - nền tảng mạng xã hội cho người thích viết, nghe khá là hay ho - một làn gió mới với con dân thích viết như mình. Lúc đó đa phần chỉ lên để đọc những bài viết chia sẻ bởi chị Nga Levi, Huskywannafly hay Scarlet, rồi đọc bình luận dạo không sót miếng nào. Vì với mình thời ấy, Spiderum giống như tinh túy trong làng mạng xã hội - tổ hợp của những con người có quan điểm rõ ràng với mong muốn phát triển bản thân.
Cũng là 2020, nhưng trong tình thế lockdown cùng Covid-19, TikTok trở nên phổ biến và trở thành cơn sốt trong làng mạng xã hội khi dân tình ào ào nói về TikTok và những nội dung TikTok. Mình đã cho Musical.ly vào blacklist nên TikTok cũng không ngoại lệ. Thời điểm đó, mình chạy đi sửa soạn thêm LinkedIn - mạng xã hội việc làm để chuẩn bị cho hành trang bán mình.
Tình trạng lockdown kéo dài mãi tận đầu 2022, nên trong suốt thời gian đó, mình chạy từ Coursera rồi Linkedin qua lại để học lấy chứng chỉ rồi chia sẻ ngược lại Linkedin để thu hút sự chú ý của Nhà tuyển dụng. Song song mới thực sự xây trang và group cộng đồng ở Facebook, mục đích chủ yếu là để bỏ vào portfolio, vì trong lúc sửa soạn Linkedin, mình thấy tư gia của mình chỉ là một cái vỏ bọc rỗng tuếch. Đợt đó, mình tạo độ 10 page và 2 group cộng đồng, có cái hoạt động mạnh mẽ đến tận bây giờ, còn có cái thì flop mãi không ngóc đầu lên được và mình phải khai tử.
2022, khi TikTok phát triển mạnh mẽ và dần len lỏi vào từng kẽ hở của cuộc sống đến độ dùng Facebook nhưng nội dung toàn clone từ TikTok qua. Lúc đó mình nghĩ "ủa, cái này là mình xem nội dung TikTok nhưng chắng qua là được chắt lọc thêm một bước nữa hả ta". Vì tò mò, mình quyết định dùng thử, việc đăng tải nội dung của mình lúc đó, hầu như chỉ là reup những video của mình từ Youtube qua, hoặc chính xác là nhân tiện quay cho kênh Youtube, mình đăng luôn cả cho TikTok mặc dù format video hai bên trớt quớt với nhau.
Một thời gian mình thấy không có dấu hiệu gì tiến triển nên tạm bỏ, xóa app, mãi cho đến đầu 2023, bạn mình tâm sự rồi nói về những tiềm năng mà mình có, khuyến khích mình quay lại con đường làm tóp tóp. Ban đầu mình chỉ nghĩ dù sao công việc của mình cũng liên quan đến mạng xã hội, xây kênh TikTok cũng là kỹ năng tất yếu mình cần có, và mình quay lại xây kênh với mục tiêu hiểu cách nền tảng vận hành. Clip triệu view mình có, không chỉ 1 mà là vài, làm việc với Agency cho campaign quảng cáo cũng có, mình cũng nhận vài job, rồi TikTok shop, affiliate trong 1 năm xây kênh mình cũng kinh qua đủ cả. Tuy mỗi cái một ít, nhưng mình nghĩ là đủ để mình dư sức hiểu nền tảng này vận hành ra sao.
Khi TikTok phát triển vượt bậc và chiếm miếng bánh thị phần thơm ngon, Meta và Youtube đã chẳng để yên và cho phát triển ngay Reels và Shorts. Zalo cũng không từ bỏ cuộc đua khi cho ra mắt Zalo Video với tính năng đơn giản hơn - clone video từ TikTok qua =))
Anyway, nói chung là khi mình vừa tìm hiểu được TikTok, biết sơ sơ về Reels, Shorts và Zalo Video phần nào thì trên trời rơi xuống Threads - mạng xã hội tối giản nhất hiện tại mà mình thấy. Mình chỉ hơi ngạc nhiên sao trên Threads lại nhiều thông tin tuyển dụng đến vậy, lướt Linkedin mình còn không thấy tin tuyển dụng nhiều đến thế. Nhưng vào được độ 10 phút, khi xem và lướt qua kha khá nội dung, bỗng mình thấy "bội thực".
Lý do không phải vì Threads, mà bởi vì Threads là ứng dụng mạng xã hội cuối cùng trong danh sách sử dụng của mình. Bởi thông thường mình hay kiểm tra Wordpress, Facebook, Messenger rồi đến Instagram, TikTok, Youtube, Zalo lâu lâu ngó qua Spiderum, Reddit, còn Threads mới nên luôn là lựa chọn cuối cùng. Khi chính mình đã ngấu nghiến hàng tá nội dung ở những nền tảng khác, đến độ "bão hòa" nhất định mình cảm thấy chóng mặt và phát ngấy với những nội dung mà mình đó nhận. Lúc đó mình mới ngớ người ra và đặt câu hỏi:
"Tại sao mình phải dùng nhiều mạng xã hội đến thế?"
Khi trên bàn ăn 4.0, mình được mớm rất nhiều món ăn ngon, món nào cũng có thể trở thành món best seller với cương vị của một người sáng tạo nội dung. Nhưng ngẫm lại, một mình mình ăn hết không nổi hết tất cả các món trên bàn ăn ấy. Từ những món chính như Facebook, Messenger, Instagram, Youtube, TikTok, Threads đến món phụ như Zalo Video, X, Reddit, Spiderum, Quora, Voz; tráng miệng còn có Discord, Telegram, Viber, các kênh community đa phương tứ hướng,..
Nếu quan sát đủ kỹ thì bất cứ miếng bánh nào cũng trở thành "nền tảng mạng xã hội" thúc đẩy sự kết nối, xóa bỏ rào cản trong thế giới phẳng: - CapCut không chỉ là ứng dụng để edit, nó là nơi cộng đồng editor cập nhật, chia sẻ template rộn rã; - Duolingo không chỉ là nền tảng học tập ngoại ngữ, đó còn là nơi mình ganh đua để học tập, để chúc mừng khi ai đó đạt được thành tích cao trong học tập; - E-commerce cũng rộn ràng không kém khi Shopee Live, Feed cũng ngập tràn thông tin, lướt nữa, lướt mãi. - Thậm chí Youtube cũng đã từng phát triển tính năng nhắn tin phiên bản web (và cũng đã bị kill).
Thực sự không tài nào thẩm hết nổi.
Cứ thử tính mỗi món ăn bình quân 10', thành thử tổng cộng 10 món hết 120 phút đã là 2 tiếng đồng hồ. Nhưng chắc gì đã chỉ là 10 phút khi thuật toán của mọi nền tảng đều hướng đến việc giữ chân người dùng qua việc "lướt không giới hạn" bất chấp không gian và thời gian.
Chưa kể, tính cách cá nhân cũng "bị phân hóa" ở mỗi nền tảng, khi mỗi địa điểm sẽ được thủ vai một nhân vật với những tính cách khác nhau
"Chuyện bỗng dưng biến thành một con người khác hoàn toàn trên mạng xã hội như trường hợp kể trên không phải là hiếm gặp. Rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ cá nhân lên Facebook nhưng lại không thể nói chính câu chuyện đó với người thân, bạn bè của mình bằng giao tiếp thông thường." - Những nhân cách khác nhau trên mạng xã hội
Mình đã dành cả buổi chiều để ngẫm nghĩ về câu hỏi trên, về chuyện tại sao mình phải dùng nhiều mạng xã hội đến thế. Đúng là tùy thời điểm, tùy nhu cầu mà mình sử dụng mỗi nền tảng với mục đích khác nhau. Nhưng đa phần, mình thường dung thứ bản thân với 3 lý do: (1) mở rộng mối quan hệ; (2) cập nhật thông tin, xu hướng; (3) kiếm tiền.
Nhưng nghĩ kỹ lại, thì những mối quan hệ trên mạng xã hội, mình không xác định được bao nhiêu phần trăm là mối quan hệ có chất lượng tốt trong đời thực. Mỗi bài post với hàng trăm đến cả nghìn reaction, với những khuôn mặt thu gọn trong chấm tròn mà mình cũng chỉ biết đó là những chấm tròn lạ lẫm. Những comment tương tác thiếu cảm xúc, những sticker chất chứa đầy sự hời hợt...
Mình nhớ về lúc mình bị tai nạn, chân bó bột, 7 đứa bạn cùng phòng kí túc xá nghe mình khóc qua cuộc điện thoại liền hốt hoảng chạy ra với mình; lúc về tới được nhà, người chăm sóc mình là mẹ, là ba, là chị gái, là em gái mình. Mình nhớ ngày mình bị người yêu đá, cũng là mẹ, là ba, là chị gái và em gái mình lắng nghe mình, động viên mình và lo lắng cho mình. Ba mình ít thể hiện tình cảm, nhưng ngày đó ba đã nhắn "Con gái của ba vui vẻ lên nhé". Ngoài ra không còn ai cả.
Cập nhật thông tin và xu hướng? Mình không phủ nhận giá trị nó mang lại, khi những thông tin mình tiếp nhận thực sự "real time". "Chiều nay bầu trời Sài Gòn có vầng mây ngũ sắc tuyệt đẹp" - khi ánh mắt của mình đổ dồn về phía màn hình thì mạng xã hội đã giúp mình cập nhật ngay thông tin đó để nghía ra bên bầu trời xa xa. Rồi nhiều tin tức khác nữa: bà Trương Mỹ Lan, ở đâu có biến, ở đâu có phốt, đúng chất "nhiều chuyện".
Về mặt trái hẳn là ai cũng hiểu, đó là tính xác thực của thông tin không hề cao vì chuyện tam sao thất bản, fake news tràn lan khắp mọi ngõ ngách. Chưa kể sự phát triển của AI khiến cho các ấn phẩm, hình ảnh, âm thanh trở nên khó phân biệt thật giả lẫn lộn nữa. Việc giữ một cái đầu lạnh và tư duy đánh giá vấn đề khi tiếp nhận thông tin cần phải được đề cao hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, đầu óc mình phải hoạt động mạnh mẽ hơn để xử lý những thông tin tiếp nhận. Thông tin nhiều quá, hấp thụ không được thì bội thực là điều không thể tránh khỏi rồi.
Còn về việc kiếm tiền, với cá nhân nhu cầu của mình thì đây không phải là ưu tiên, có thêm thu nhập từ đây thì vui, không thì cũng không ảnh hưởng quá lớn. Mình vẫn đi làm để trao đổi giá trị bình thường. Không có mạng xã hội, mình không chết. Cái này disclaimer: mình không phải tay chơi đầu tư mạnh vào MMO nên mình đưa ra nhận định này.
Có thể nói, khoảnh khắc mình nhận ra mình bị bội thực là lúc mình dừng lại dể nghĩ lại về mạng xã hội.
Cái gì cũng có hai mặt của nó - mạng xã hội mang lại giá trị tích cực và cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Quan trọng nhất chính là bản thân mình thôi, mạng xã hội cũng chỉ là công cụ giúp mình đạt được những mục tiêu sử dụng nhất định - cái này thì cá nhân với vai trò là người dùng phải tự làm chủ và xác định được rõ nhu cầu để không bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống ảo.
Ngày trước, có chuyện gì, sơ hở là mình sẽ đăng tải 7749 story lên Instagram, Facebook, rồi status, ảnh với caption thật kêu rồi ngồi tương tác với những gương mặt lạ lẫm. Giờ mình chọn ngược lại, mình kể với gia đình mình trước, còn chuyện đăng lên mạng xã hội người ngoài, ai biết, ai hay đó không còn quan trọng nữa. Những tâm sự, mọi điều cá nhân mình chọn viết nhật ký hoặc coffee với người mình tin tưởng để chia sẻ - cảm giác thoải mái và mình trân quý cuộc trò chuyện hơn hẳn.
Mình nhận ra rõ rằng một ngày không vào Facebook, Instagram hay Reddit,.. thì ngày đó của mình vẫn trôi qua bình thường. Có khi mình lại có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, để nghĩ về bản thân, để viết lách, để làm 7749 những thứ dang dở mà mình đã nghĩ trong đầu thay vì đi "nhiều chuyện" ngấu nghiến thông tin rồi bội thực.