[Homo Scachorum] Khám nghiệm tâm lí Bobby Fischer (Phần 1/2), Joseph G. Ponterotto, Nguyễn Tuấn Linh dịch
Bản đánh giá tâm lí của vua cờ Bobby Fischer dựa trên các tài liệu về cuộc đời ông, của Joseph G. Ponterotto. Bản dịch của Nguyễn Tuấn Linh, tổng cộng 9000 chữ, chia làm hai phần.
Lời giới thiệu của người dịch
Robert “Bobby” Fischer – một cách không chủ tâm – vẫn là con người truyền rất nhiều cảm hứng cho thế giới trong cả cuộc cờ lẫn cuộc đời từ bấy đến nay.
Không thiếu thốn tư liệu như huyền thoại cờ vua Paul Morphy đến mức người ta phải dùng giai thoại để trám vào, tiểu sử của Fischer rất thật, nhưng thật mà lại li kì không thua gì tiểu thuyết. Từ một cậu bé nhà nghèo trở thành người hùng của nước Mĩ, từ người hùng của nước Mĩ trở thành tội nhân bị nước Mĩ truy nã, từ người đáng lẽ có gần như tất cả lại trở thành người gần như không có gì, từ một bộ óc thông minh tót vời trở thành một bộ óc bị hoang tưởng và phí hoài; đó chính là cuộc đời của Robert Fischer.
Nếu như trong cuộc cờ, Fischer là nguồn truyền cảm hứng cho việc chỉ nhờ đam mê, ước mơ, nỗ lực bạn cũng có thể đánh bại một cỗ máy chơi cờ chuyên nghiệp và giàu có; thì trong cuộc đời, Fischer là nguồn truyền cảm hứng cho những nghiên cứu về tâm lí, để hiểu và thông cảm rằng những bộ óc thông minh nhất của chúng ta cũng có những điểm dễ tổn thương như thế nào, và qua đó thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần để sao cho chúng ta vừa cân bằng được cuộc sống của các thiên tài, mà vừa không làm giảm bớt tài năng của họ trong công cuộc ấy.
Joseph Ponterotto là một tâm lí gia người Mĩ, ông nổi tiếng với những quyển sách thể loại tiểu sử tâm lí (psychobiography) do chính mình viết. Nổi tiếng nhất trong số đó là A Psychobiography of Bobby Fischer (Tiểu sử tâm lí của Bobby Fischer) năm 2012, tác phẩm này đã được tham khảo để làm nên bộ phim Pawn Sacrifice (Thí Tốt) năm 2014 kể về quá trình trở thành vua cờ và sự sa sút tâm thần của Robert Fischer.
Bài viết này được viết năm 2010, hai năm trước khi quyển sách A Psychobiography of Bobby Fischer ra đời, chúng ta có thể coi đây như là phần dạo đầu của quyển sách ấy. Ở bài viết này Ponterotto bàn sơ qua tình trạng tâm lí của Fischer, sử dụng thủ thuật gọi là khám nghiệm tâm lí (psychological autopsy), tức là đánh giá tâm lí của một người đã qua đời bằng cách nghiên cứu các tài liệu về đối tượng và có thể phỏng vấn người quen của đối tượng, nhưng không được tiếp xúc trực tiếp với đối tượng. Với những vấn đề tâm lí sâu rộng hơn, Ponterotto để dành cho quyển sách 2012 bên trên không gian để trình bày.
Đọc bản đánh giá này hẳn nhiều người sẽ không khỏi thấy tiếc cho Robert Fischer, một con người có tài nhưng cuộc sống trở nên khổ sở vì mắc các chứng bệnh tâm thần, và bệnh tâm thần khiến ông trở thành con người bị gần như cả thế giới xa lánh và ác cảm. Nếu như được chăm sóc tâm thần tốt hơn, chắc chắn trang sử của ông vua cờ này đã rất khác, nhưng tất cả chỉ là nếu như.
Khám nghiệm tâm lí Bobby Fischer
Cuộc đời khốn khổ của kì thủ Bobby Fischer minh hoạ cho việc tại sao các tài năng triển vọng trẻ xứng đáng nhận được những chương trình hỗ trợ tốt hơn.
Tác giả: Joseph G. Ponterotto
Dịch giả: Nguyễn Tuấn Linh (Tornad)
Tại một giải đấu năm 1958 ở Nam Tư, Mikhail Tal, một đại kiện tướng chuyên chơi tấn công huyền thoại và nhà vô địch thế giới một thời, đã chế nhạo thần đồng Bobby Fischer là “biêng biêng.” Câu chọc tức của Tal có thể là động thái chủ ý nhằm kích động Fischer, lúc bấy giờ mới 15 tuổi nhưng đã là một thế lực lớn trong thế giới cờ vua thi đấu đẳng cấp cao.
Nhưng những người khác trong thế giới ấy – bao gồm một số đại kiện tướng từng giao thiệp với ông – đều nghĩ Fischer không chỉ lập dị, mà còn hết sức bất ổn. Tại một giải đấu ở Bulgaria bốn năm sau đó, đại kiện tướng người Mĩ Robert Byrne đề nghị Fischer đi gặp bác sĩ tâm thần, Fischer đáp rằng “Bác sĩ tâm thần phải trả tiền [cho tôi] để có được đặc quyền làm việc trên bộ não [của tôi].” Theo nhà báo Dylan Loeb McClain, đại kiện tướng người Hungary Pal Benko đã nhận xét, “Tôi không phải bác sĩ tâm thần, nhưng rõ ràng là cậu ấy không bình thường. […] Tôi bảo cậu ấy, ‘Cậu bị hoang tưởng rồi,’ và cậu ấy đáp ‘Người hoang tưởng cũng có lúc nói đúng.’”
Robert James Fischer qua đời vì bệnh suy thận ở tuổi 64 vào tháng Một năm 2008 tại quê hương di cư Reykjavik, Iceland, nơi mà 36 năm trước đó ông đã hút hồn cả thế giới bằng chiến thắng giòn giã trước Boris Spassky, đương kim vô địch cờ vua thế giới người Nga. Là người Bắc Mĩ đầu tiên đoạt được danh hiệu vô địch sau nửa thế kỉ bị người Nga thống trị, Fischer đã nhận về tiếng thơm muôn đời ở mức độ toàn cầu.
Được hầu hết mọi người đánh giá là lỗi lạc, Fischer có lẽ là kì thủ có tầm nhìn xa nhất kể từ José Raul Capablanca, một người Cuba nắm giữ danh hiệu vô địch trong sáu năm vào những năm 1920. Lối chơi mới lạ và táo bạo của Fischer – ở tuổi 13, ông đã đánh bại kiện tướng lão làng (và cựu vô địch giải Mĩ Mở rộng) Donald Byrne trong thứ mà đôi khi được gọi là “Ván cờ thế kỉ” – đã khiến ông trở thành hình mẫu người hùng của hàng triệu người ở Mĩ và trên khắp thế giới. Năm 1957, Fischer trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất của Giải vô địch Cờ vua Mĩ – khi đó ông mới 14 tuổi – trước khi đánh bại Spassky để đoạt danh hiệu vô địch thế giới vào năm 1972.
Nhưng Fischer đánh mất danh hiệu ấy chỉ ba năm sau đó, ông từ chối bảo vệ ngôi vua theo các điều lệ do Liên đoàn Cờ vua Thế giới đặt ra, và ông gần như không thi đấu cờ vua nữa trong các thập kỉ tiếp theo, mà thay vào đó là lui về cuộc sống cô lập và dường như hoang tưởng. Do một loạt phát ngôn bài Do Thái rõ rệt và công khai, cùng lời tán dương, qua đài phát thanh, dành cho vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng Chín năm 2001, nên vào lúc qua đời, Fischer bị phần lớn người đời coi là tha hoá, trịch thượng, và ác tâm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đi tới hiểu biết rằng Bobby Fischer đã gặp vấn đề tâm lí ngay từ thuở ấu thơ. Việc xem xét kĩ lưỡng cuộc sống và gia đình của ông cho thấy rằng ông có thể đã mắc bệnh tâm thần mà chưa bao giờ được chẩn đoán hay điều trị đúng cách.
Dĩ nhiên, bất kì đánh giá tâm lí nào về một người đã không còn sống đều phải tính đến vô cùng nhiều yếu tố. Nhưng lịch sử tâm lí của nhà vô địch cờ vua vĩ đại nhất nước Mĩ này rõ ràng đã làm dấy lên hai câu hỏi sâu sắc, câu thứ nhất cụ thể về Fischer và cờ vua, câu thứ hai thì tổng quát hơn: Cuộc sống và sự nghiệp của Bobby Fischer sẽ ra sao nếu ông nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần phù hợp trong suốt cuộc đời? Và liệu có cách nào để xã hội giúp đỡ các thần đồng bất ổn, và thường ương ngạnh, trở nên đỡ bất ổn hơn, mà không làm giảm bớt thiên tài và qua đó là những cống hiến của họ cho xã hội?
Để hiểu được cấu phần tâm lí của Bobby Fischer, thì quan trọng phải hiểu được tiểu sử của ông, mọi chuyện bắt đầu vào ngày 9 tháng Ba năm 1943 khi ông được sinh ra ở Chicago với mẹ là Regina Wender, một người Thuỵ Sĩ gốc Ba Lan-Do Thái, và khả năng cao cha là Paul Felix Nemenyi, một kĩ sư cơ khí được sinh ra và đào tạo ở Hungary – người đã gặp Regina năm 1942. Ông ta cũng là người Do Thái. (Hans Gerhardt Fischer, một nhà vật lí sinh học sinh ra ở Đức mà Regina đã cưới tại Moscow năm 1933, được ghi là cha của Fischer trên giấy khai sinh, nhưng hồ sơ FBI được công bố sau khi Regina qua đời cùng nhiều tài liệu khác đều cho thấy gần như chắc chắn rằng Nemenyi mới là cha ruột.)
Bobby có một người chị gái, Joan, là con của Regina và Hans Gerhardt Fischer sinh năm 1937 tại Moscow, nơi hai vợ chồng sinh sống vào thời điểm đó. Không lâu sau khi Joan chào đời, cuộc hôn nhân giữa Hans Gerhardt và Regina bắt đầu đổ vỡ, và năm 1939, Regina cùng Joan đi tới Mĩ mà vắng chồng. Ông ta chưa bao giờ đến Mĩ và mọi tài liệu đều cho thấy ông hoàn toàn vắng mặt trong cuộc sống của hai đứa trẻ nhà Fischer. Năm 1945, Regina chính thức li hôn với ông.
Không lâu sau khi Bobby chào đời, Regina Fischer chuyển cả gia đình từ Chicago đến Pullman, bang Washington, nơi Paul Nemenyi đang sống lúc bấy giờ, rồi tới Moscow, bang Idaho, đi sang Portland, bang Oregon, rồi xuôi về nam tới Los Angeles, và đến thị trấn nhỏ Mobile, trong vùng hoang mạc của bang Arizona cách thành phố Phoenix 35 dặm về phía tây nam. Theo quyển tiểu sử kinh điển về Fischer của Frank Brady, Profile of a Prodigy (Tiểu sử của một thần đồng), Regina làm các việc vặt để trang trải gia đình cho tới khi hành nghề giáo viên ở Los Angeles và Mobile.
Từ Arizona, gia đình Fischer chuyển đến Brooklyn, bang New York, năm 1949, nơi mà Regina – vốn đã là một điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề – đang theo học thạc sĩ ngành giáo dục điều dưỡng tại Đại học New York. Khi Bobby lên 6, chị gái ông mua một bộ cờ vua rẻ tiền từ một cửa hàng bánh kẹo, và họ cùng nhau học cách chơi. Bobby lúc nào cũng thích các trò chơi và trò giải đố, và ban đầu hứng thú của ông với cờ vua là không đáng kể, như ông đã chia sẻ với Brady nhiều năm sau: “Lúc đầu nó là một trò chơi như bao nhiêu trò khác thôi, chỉ phức tạp hơn đôi chút.”
Dường như Fischer chưa bao giờ hoà nhập được với hệ thống trường học của thành phố New York. Ông bị đuổi khỏi một trường công ở Manhattan khi đá thầy hiệu trưởng, và ông bỏ học cấp ba. Trái ngược với việc thờ ơ với trường học, Bobby tập trung cao độ vào cờ vua. Thực tế, nói Bobby ám ảnh với cờ vua vẫn là cách nói quá nhẹ nhàng.
Trong thời thơ ấu và thời niên thiếu của Bobby, Regina đã thỉnh ý, hoặc dẫn Bobby gặp trực tiếp, ba chuyên gia sức khoẻ tâm thần khác nhau. Theo Brady, Regina đã nói chuyện với Ariel Mengarini, một bác sĩ tâm thần và kiện tướng cờ vua ở thành phố New York, về việc kìm hãm “nỗi ám ảnh cờ vua” của con trai bà, và Mengarini đáp: “Tôi có thể nghĩ đến hàng đống thứ tồi tệ hơn cờ vua mà con người ta có thể đâm đầu vào và […] chị nên để cậu ấy tự tìm ra con đường riêng của mình.” Regina cũng nhận được phản hồi tương tự từ Harold Kline, người đã gặp con trai bà tại Khoa Tâm thần Trẻ em của Bệnh viện Do Thái Brooklyn.
Đại kiện tướng cờ vua và nhà phân tâm học lừng danh thế giới, Tiến sĩ Reuben Fine, từng viết trong quyển sách của mình, Bobby Fischer's Conquest of the World's Chess Championship (Hành trình chinh phục chức vô địch cờ vua thế giới của Bobby Fischer), rằng Regina đã thỉnh ý ông ngay sau khi con trai bà đoạt ngôi vô địch thiếu niên Mĩ năm 1956 ở tuổi 13. “Cậu ấy đến gặp tôi khoảng nửa tá lần,” Fine viết. “Lần nào chúng tôi cũng chơi cờ trong một hai giờ. Để duy trì mối quan hệ với cậu ấy, tôi buộc phải thắng, việc mà tôi làm được. […] Gia đình tôi vẫn nhớ cậu ấy đã bực tức đến thế nào sau mỗi cuộc đọ sức, và lầm bầm rằng tôi chỉ ‘ăn may.’ Với hi vọng rằng mình có thể giúp cậu ấy phát triển theo chiều hướng khác, tôi bắt đầu lựa lúc để nói chuyện về những việc cậu ấy làm ở trường. Ngay khi nhắc đến trường học, cậu ấy liền nổi điên, và thét lớn, ‘Ông gài tôi,’ rồi đùng đùng bỏ đi. Suốt nhiều năm sau đó, hễ tôi gặp cậu ấy ở các câu lạc bộ hoặc giải đấu là cậu ấy lại nhìn tôi hằn học, như thể tôi đã gây ra cho cậu ấy một tổn thương khủng khiếp nào đó qua việc cố gắng đến gần cậu ấy hơn một chút.”
Phản ứng cực đoan, có lẽ là hoang tưởng, ở phần mở đầu sách của Fine đã phản ánh một khuôn mẫu trong phong cách giao tiếp cá nhân của Bobby Fischer mà sẽ trở thành đặc trưng trong hành vi của ông ở tuổi thiếu niên và trưởng thành. Nhưng theo hồi ức của cả Brady và anh rể của Fischer, Russell Targ, Bobby chưa bao giờ tham gia trị liệu tâm lí lâu dài với bất kì chuyên gia sức khoẻ tâm thần nào.
Khi Bobby bước vào tuổi thiếu niên, ông xung đột với mẹ mình một cách thường xuyên và trực tiếp. Theo các nhà báo David Edmonds và John Eidinow của BBC, những người đã viết một quyển sách về Fischer, rốt cuộc Bobby và Regina không thể sống chung được nữa, và vào mùa thu năm 1960, khi Bobby 17 tuổi, bà ấy rời khỏi căn hộ ở Brooklyn để sống với một người bạn nữ ở Bronx. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Ralph Ginzburg vào tháng Tám năm 1961, Bobby đã thảo luận về hoàn cảnh chia tay với người mẹ của mình.
Fischer: “Sau đó [trở thành đại kiện tướng quốc tế vào năm 1958], tôi bỏ học.”
Ginzburg: “Mẹ anh cảm thấy thế nào về chuyện này?”
Fischer: “Bà ấy và tôi không đồng quan điểm với nhau. Bà ấy là người cổ hủ. Bà ấy lúc nào cũng lải nhải rằng tôi quá ham mê cờ vua, rằng tôi nên kết bạn bên ngoài cờ vua, rằng tôi không kiếm sống nhờ cờ vua được, rằng tôi nên học hết cấp ba và đủ thứ nhảm nhí khác. Bà ấy cứ bấu vào tóc tôi, và tôi không thích người ta bấu vào tóc mình, anh biết đấy, nên tôi phải rũ bỏ bà ấy ra.”
Cuộc “chia tay” này, thực tế, không vĩnh viễn hoặc triệt để; Fischer và mẹ đã có một mối quan hệ không liên tục trong suốt cuộc đời. (Thú vị thay, lúc Bobby lâm bệnh nặng trong bệnh viện ở Reykjavik, ông đã nghĩ về mẹ mình, anh rể của ông có viết về điều này trong tự truyện năm 2008, Do You See What I See? [Bạn có thấy cái tôi thấy?])
Theo Brady, người viết tiểu sử Fischer, mẹ của ông là mẫu phụ huynh quan tâm và tận tuỵ nhưng có thể độc đoán. Rõ ràng là bà ấy rất có tài, được học cao và nói đa ngữ; thực tế, sau khi các con tách ra ở riêng, Regina trở về Đức để học nốt ngành y, lấy được bằng y khoa và cuối cùng là bằng tiến sĩ huyết học.
Nhưng việc nuôi cả Joan lẫn Bobby dưới tư cách phụ huynh nhập cư đơn thân trong những năm 1940 và 1950 là rất khó khăn, và Regina liên tục thiếu tiền. “Regina tuyệt vọng vì túng thiếu, đến mức mà, thông qua một tổ chức từ thiện Do Thái, bà ấy đã cố gắng gửi cô con gái Joan cho một gia đình khác,” Edmonds và Eidinow viết. Nhưng cuộc dàn xếp này không thành, người mẹ nuôi yêu cầu Regina mang Joan về. Thú vị thay, người mẹ nuôi trở nên nghi ngờ Regina, khi thấy nhiều công thức hoá học trên các tài liệu mà bà để lại trong số đồ đạc của con gái ruột, và đã báo cáo tới FBI, vào năm 1942 cơ quan này bắt đầu giám sát bà trong ba thập kỉ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi FBI điều tra báo cáo về công thức hoá học của người mẹ nuôi kia. Bấy giờ là thời kì đầu của Chiến tranh Lạnh, người mẹ và người cha danh nghĩa của Bobby vào thời điểm đó, Hans Gerhardt Fischer, đều đã từng sống ở Nga một thời gian dài; cả hai đều được đào tạo khoa học ở đẳng cấp cao. Các kết quả báo cáo của FBI về Regina Fischer và hai người đàn ông trong cuộc đời bà, Hans Gerhardt Fischer và Paul Felix Nemenyi, không cho thấy có hoạt động gián điệp nào. Nhưng chúng đã làm sáng tỏ tâm lí và hành vi khác thường của người mẹ của thần đồng cờ vua vĩ đại nhất nước Mĩ.
Theo nhiều điều mục khác nhau trong các báo cáo của FBI, rốt cuộc đã được các nhà báo và nhà viết tiểu sử công bố, Regina là người thông minh và hoạt ngôn nhưng khó giao du. Không lâu sau khi Bobby chào đời, Regina nhận được bản đánh giá sức khoẻ tâm thần cưỡng bách sau khi bị bắt giữ vì tội gây rối trật tự công cộng trong một vụ lôi thôi xảy ra vào lúc Regina và Bobby sơ sinh sống trong trại từ thiện dành cho các bà mẹ đơn thân ở Chicago, Nhà Tưởng niệm Hackett. Sau khi cuộc dàn xếp gửi nuôi Joan không thành, Regina đã cố gắng mang lén cô bé vào cơ sở này, dẫu đã được thông báo rằng ở đó không còn chỗ cho một đứa trẻ nào nữa.
Trong bản đánh giá, Viện Tâm thần Thành phố đặt trụ sở ở Chicago đã chẩn đoán Regina là “người mang tính cách (hoang tưởng) cứng nhắc, ưa khiếu kiện [nguyên văn] nhưng không loạn thần.” FBI rõ ràng cũng cho rằng bà ấy bất ổn tinh thần. Theo các báo cáo của FBI, đã có lúc cơ quan này cảm thấy việc bí mật giám sát Regina đã không còn lợi ích gì nữa, họ viết, “Có vẻ như cuộc điều tra hợp lí duy nhất còn sót lại sẽ là phỏng vấn đối tượng, nhưng do bà ấy tâm thần bất ổn nên hành động này không được khuyến khích.”
Regina Fischer mang cảm xúc lưỡng phân với sự nghiệp cờ vua của con trai mình. Thời gian đầu, bà khuyến khích Bobby mở rộng mối quan tâm và nền tảng tình bạn ra ngoài cờ vua. Tuy nhiên, khi thiên tài cờ vua của Bobby ngày càng lộ rõ, Regina đã làm mọi việc có thể để hỗ trợ đam mê của ông. Bà thường tham gia các cuộc tuần hành và biểu tình liên quan đến sự nghiệp cờ vua của Bobby và cờ vua Mĩ nói chung. Năm 1960, chẳng hạn, bà diễu hành trước Nhà Trắng vì Bộ Ngoại giao đã từ chối yêu cầu được thi đấu ở Olympiad Cờ vua 1960 tại Đông Đức của đội tuyển cờ vua quốc gia. Thú vị thay, người hiện còn sống và biết rõ nhất về Regina và Bobby là con rể của bà, Russell Targ, đã nhận xét với tôi rằng “Bobby sẽ không bao giờ trở thành nhà vô địch thế giới nếu không có Regina.”
Regina Fischer qua đời vì ung thư vào năm 1997 ở tuổi 84 tại Palo Alto, bang California. Chị gái Joan của Bobby qua đời vì xuất huyết não một năm sau đó. Hai mất mát này, xảy ra rất sát nhau, hẳn đã tác động sâu sắc đến trạng thái tâm lí đang phát triển của Bobby.
Sau khi Regina qua đời, hồ sơ FBI dài 750 trang của bà được đưa ra công khai. Những người đầu tiên đọc nó là cựu phóng viên của tờ báo Philadelphia Inquirer, Peter Nicholas và Clea Benson, và công trình nghiên cứu điều tra của họ mang tính đột phá. Một phát hiện quan trọng được lượm lặt từ báo cáo của FBI cho thấy có liên quan đến danh tính của cha ruột của Bobby. Dẫu chúng ta không thể đoan chắc 100% vì không có xét nghiệm di truyền, nhưng có đến thừa mứa các chứng cứ thuyết phục bằng tài liệu – từ hồ sơ FBI và nhiều nơi khác – chứng minh rằng Paul Felix Nemenyi, chứ không phải Hans Gerhardt Fischer, mới là cha ruột của Bobby. Thời điểm mà Bobby biết được sự thật về cha mình vẫn chưa được làm rõ. Nhưng có thể nói rằng việc Bobby có biết hay không về danh tính cha ruột của mình cũng hẳn đã tác động đến ý thức về danh tính và sự phát triển tâm lí của ông.
Ngay từ thuở ấu thơ, Bobby Fischer đã vô cùng độc lập, lập dị và thiếu các kĩ năng xã hội thông thường. Những người cùng thời vẫn thường cảm thấy hành vi của ông vượt xa tính lập dị đơn thuần. Trong quyển sách về Fischer của mình, nhà phân tâm học Reuben Fine nhớ lại rằng trong nhiều năm trời “các kì thủ tìm đến tôi với đề nghị thử giúp Bobby giải quyết các vấn đề cá nhân. Bất chấp thiên tài của mình, cậu ấy vụng về trong giao tế, dễ kích động, thích tranh cãi và thiếu hạnh phúc.”
Sự rối loạn và ức chế bên trong của Bobby đôi khi phun trào thành bạo lực. Mike Franett, khi viết cho BobbyFischer.net vào năm 2000, đã phỏng vấn Ron Gross, một người bạn cũ của Fischer và một kiện tướng cờ vua, người đã kể lại về một chuyến đi bằng xe hơi năm 1957 lúc mà Bobby, ngồi ở ghế sau, đã cắn rất mạnh vào cánh tay kì thủ Gil Ramirez. Gross cho biết rằng vết cắn vẫn còn lưu dấu sau nhiều năm kể từ vụ việc ấy. Nửa sau của cuộc đời, Bobby cũng bột phát bạo lực khi, theo nhà báo Ivan Solotaroff, ông hành hung một cựu thành viên của Hội Thánh Đức Chúa Trời Toàn cầu, người mà ông cho rằng đã phản bội lòng tin của mình.
Hai nhà báo Nicholas và Benson tường thuật một cuộc họp tại Câu lạc bộ Cờ vua Marshall ở thành phố New York vào cuối những năm 1950 mà ở đó mức độ ổn định cảm xúc của Bobby được hội đồng quản trị câu lạc bộ mang ra thảo luận. “Không ai nghi ngờ tài năng của cậu thiếu niên này. Nhưng lối hành xử gai góc của cậu ấy đã khiến một số nhà tài trợ giàu có xa lánh, những người mang sự hỗ trợ mà cậu ấy cần đến để có thể vươn tới đỉnh cao,” Nicholas và Benson viết “‘Một số hành động của cậu ấy cực đoan đến mức có thể nói rằng cậu ấy có vấn đề về cảm xúc,’ [Allen] Kaufman, [một kiện tướng cờ vua và là bạn của Fischer] người tham dự cuộc họp, chia sẻ. Phải làm sao? Các thành viên hội đồng bàn về việc tìm một bác sĩ tâm thần. Họ cân nhắc tới Reuben Fine, bản thân ông cũng là một trong những kì thủ nặng kí. Sau đó có người đặt câu hỏi: Nếu liệu pháp có tác dụng thì sao? Nếu việc điều trị hút cạn khát khao chiến thắng của Fischer, tước đoạt khỏi nước Mĩ nhà vô địch thế giới đầu tiên của bản quốc thì sao? Cuộc họp được hoãn. Không ai, Kaufman nhớ lại, muốn động vào bộ não vốn đã được tinh chỉnh ấy.”
Các đại kiện tướng Robert Byrne và Pal Benko đã trực tiếp nói với Bobby rằng ông nên cân nhắc đến việc gặp bác sĩ tâm lí. Nhận xét của họ được hỗ trợ bởi những quan sát về hành vi kì quặc trong suốt cuộc đời Bobby. Trong cáo phó của Fischer trên tờ New York Times, Bruce Weber viết rằng nhà vô địch cờ vua đã đưa ra “những yêu cầu lạ lùng đến ban tổ chức giải đấu – như ánh sáng đặc biệt, chỗ ngồi đặc biệt, điều kiện đặc biệt nhằm đảm bảo yên tĩnh. Ông khiếu nại rằng đối thủ đang cố gắng đầu độc thức ăn của ông, rằng các phòng khách sạn của ông bị đặt máy nghe trộm, rằng người Nga cấu kết với nhau trong các giải đấu để dàn xếp các trận hoà. Ông bắt đầu sợ đi máy bay vì nghĩ rằng người Nga có thể đặt bẫy trên máy bay.”
Để viết quyển sách Searching for Bobby Fischer (Đi tìm Bobby Fischer), mà đã được chuyển thể thành phim, Fred Waitzkin đã phỏng vấn Gross, ông đã chia sẻ hồi ức sau về một chuyến câu cá ở Ensenada, Mexico: “Anh ấy trông khủng khiếp […] quần áo rộng thùng thình, đi đôi giày cũ rách. […] Sau đó tôi nhận thấy anh ấy rất ưng ý với cái miệng của mình, và anh ấy bảo tôi rằng mình đã đi sửa răng; anh ấy nhờ nha sĩ lấy hết sạch miếng trám răng ra khỏi miệng. […] Tôi nói ‘Bobby, sự ấy sẽ làm hỏng răng của cậu. Cậu có để người ta trám nhựa vào các lỗ sâu răng không?’ Và anh ấy nói, ‘Tôi không để cái gì vào đó hết. Tôi không muốn có cái gì nhân tạo trong đầu mình.’ Anh ấy có đọc về một người bị thương trong Thế chiến II, bị đặt một miếng kim loại trong đầu và lúc nào cũng thu thập các rung động, thậm chí có thể cả sóng phát thanh. Anh ấy nói điều tương tự cũng có thể xảy ra với kim loại trong răng người ta.”
Sau khi đoạt ngôi vô địch cờ vua thế giới năm 1972, Bobby rơi vào thời kì cô lập và hoang tưởng tăng dần, biểu lộ chủ yếu ở chủ nghĩa bài Do Thái và bài Mĩ một cách độc địa và cay nghiệt. Những lời vênh vang này có thể được nghe qua các chương trình phát thanh do Bobby thực hiện ở Philippines và Hungary. Dĩ nhiên, người mẹ và người cha khả dĩ của Bobby, Nemenyi, đều là người Do Thái. Edmonds và Eidinow, các nhà báo của BBC, đặt nghi vấn liệu một phần căn nguyên cho lòng thù ghét Do Thái của Bobby có bắt nguồn từ việc từ mặt người mẹ của ông hay không. Trong quyển tiểu sử ngắn về Bobby năm 2003, cựu vô địch cờ vua thế giới từng giữ ngôi 15 năm, Garry Kasparov, đề xuất rằng chủ nghĩa bài Do Thái của Bobby có thể liên quan đến mâu thuẫn của ông với đại kiện tướng người Mĩ-Do Thái Samuel Reshevsky, cũng như sự chán ghét của ông với những người Do Thái khác khi tham gia cộng đồng cờ vua, bao gồm cả những nhà báo và nhà tài trợ giàu có. Kasparov bổ sung một quan sát thú vị khác: “Tôi nghĩ cơn cuồng bài Do Thái của Fischer, mà đã tăng dần theo năm tháng, có liên quan nhiều đến sự thống trị của những kì thủ ‘Liên Xô-Do Thái.’ Dường như đối với ông ấy thì thảy bọn họ đều liên minh để chống lại ông ấy với mục đích ngăn cản ông ấy trở thành nhà vô địch thế giới. Tôi nhớ Reshevsky đã kể tôi nghe rằng, trong giải đấu Interzonal ở Palma de Mallorca, với đôi mắt rực cháy Fischer đã thông báo với ông ấy rằng mình đang đọc một ‘quyển sách rất thú vị.’ ‘Sách gì thế?’ Sammy ngây thơ hỏi. ‘Mein Kampf!’ Bobby đáp.”
Bất kể căn nguyên bài Do Thái đến cùng cực của Bobby là gì, nhưng những tuyên bố bài Do Thái vênh vang của ông, cuối cùng, đã khiến phần lớn đồng đội, bạn bè, và người ủng hộ xa lánh. Đó là còn chưa nói đến bình luận của ông sau vụ khủng bố 11 tháng Chín 2001, được tuyên ngôn qua một trạm phát thanh ở Philippines. Theo một bài báo năm 2002 của Rene Chun trên tờ The Atlantic Monthly, Fischer tuyên bố: “Đây hoàn toàn là tin tức tuyệt vời. Tôi tán thưởng hành động ấy. Mĩ và Israel đã tàn sát người Palestine, đơn thuần là tàn sát họ trong nhiều năm. Cướp bóc họ và tàn sát họ. Nhưng đếch ai quan tâm đến. Bây giờ nước Mĩ đang bị báo ứng. Con mẹ nước Mĩ. Tôi muốn thấy nước Mĩ bị xoá sổ.”
Bài gốc: A Psychological Autopsy of Bobby Fischer, Joseph G. Ponterotto
TORNAD
12/05/2024
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất