THÍCH CHÂN QUANG
Tôi nghe/đọc ngài từ năm 2000. Rất hay, rất hữu ích và tôi học được nhiều. Sau dăm năm, tôi bỏ. Tôi có thể trích lời ngài ấy nói còn nhanh hơn chính ngài ấy, chứ không chấp bọn con nhang đệ tử.
Sau đây là kiến giải của tôi về một vị tu hành nổi tiếng. Qua đó, tôi cũng bày tỏ ý kiến nhỏ về Phật pháp. Mong quý vị đọc như một kênh tham khảo mua vui. Thích thì LIKE, chẳng thích thì NEXT. Chớ nên nặng nề tâm trí, chuốc phiền não không đâu.
Tôi biết đến Thích Chân Quang chính xác là năm 2001 qua mấy đĩa CD bán ở Nhà Sách Nguyễn Văn Cừ (Cầu Giấy). Lúc ấy ngài đã là một thượng tọa/giảng sư nổi tiếng nhưng chùa Phật Quang (Bà Rịa) cũng chưa mạnh lắm. Tôi năm đó 20 tuổi, mon men tìm hiểu Phật giáo. Trước tôi có đọc Phật nhưng chẳng hiểu gì mấy về nhị thập nhân duyên, bát chánh đạo, tứ chánh cần…
Những bài giảng của ngài về Tứ Diệu Đế rất hay và mới lạ với tôi lúc ấy. Những bài giảng sau đó tôi cũng thấy rất hay và nhiều ý nghĩa. Ngài có năng lực sáng tạo lớn trong cách đặt vấn đề. Tôi còn nhớ các bài pháp nổi tiếng như Người bắn cung, Hai bàn tay, Thiên nhiên nổi giận, Người ngoài hành tinh.
TƯ TƯỞNG SƠ KHỞI
Hồi mới đi thuyết pháp, Thích Chân Quang là một người hoàn toàn khác. Thích Chân Quang ngày xưa dám chất vấn chính quyền táo bạo với lòng dũng cảm ngời ngời. Những phát ngôn ấy có xu hướng đẩy ngài về phe dân chủ, cấp tiến. Và chúng cũng rất dễ dàng đẩy ngài vào hàng “đối tượng” của an ninh, mật vụ. Bạn nào theo dõi ngài từ hồi 2000 sẽ thấy nhận xét này hoàn toàn có cơ sở.
HAM HỌC, ĐA TÀI, NHẠY BÉN
Thích Chân Quang là người đa tài, ham đọc và ham học. Kiến thức của ngài khá rộng và phủ nhiều lĩnh vực từ âm nhạc đến võ học, thơ ca. Lối nói chuyện nhẹ nhàng êm ái, ứng đối nhanh nhạy, hài hước rất dễ gây thiện cảm nơi thính chúng. Do đó, ngài được mời đi giảng ở nhiều nơi, nhiều chùa với nhiều chủ đề khá phong phú.
Bài giảng (không liên quan Phật giáo) mà tôi thích nhất là khi ngài nói về nghệ thuật diễn đạt ý tưởng. Giáo viên, diễn giả, những người muốn củng cố năng lực viết và nói đều có thể học được gì đó từ đĩa CD ấy. Cánh con nhang đệ tử ruột của thầy bây giờ ít ai được nghe bài giảng ấy.
Có thể nói, Thích Chân Quang là người đầu tiên ở Việt Nam đưa bài giảng pháp in thành CD để bán. Qua đó cũng thấy tính năng động, óc nhạy bén trong kinh doanh của ngài.
Thích Chân Quang, sau này, còn có chủ trương chế lời mới cho những ca khúc nổi tiếng để “hoằng pháp.” Chẳng hạn như Mị nói cho mà nghe, Vọng cổ Teen, Lạc Trôi đều có ca từ bên Phật Quang để lôi kéo thanh niên mỗi lần có sự kiện tập kết đông người.
Ngạc nhiên hơn, ngài còn lập ra một môn phái võ gọi là Phật Quang Đạo để làm ngọn cờ huy động thanh niên. Kể cũng giỏi.
Bằng những “thiện xảo pháp”, ngài đã tạo ra một cộng đồng cực khủng. Có nhiều phen tập trung hàng vạn người. Chùa Phật Quang trở thành nơi sầm uất tập nập khách ra vào. Có lẽ chùa ấy hoạt động sôi động nhất so với các chùa ở miền Nam.
THAY ĐỔI BẤT NGỜ
Tuy nhiên, trong nhiều năm nay, qua hàng chục bài nói chuyện, Thích Chân Quang tỏ rõ thái độ nịnh chính quyền, ôm chân chế độ lộ liễu và thô kệch. Thích Chân Quang, có thể vì sợ, có thể vì lợi, đã quay xe một cách vô cùng bất ngờ và khó hiểu.
Và đâu đó đã xuất hiện những lời giải thích cho hành vi ấy.
Theo như tôi được biết, tất cả đám đông tụ tập quá 1000 người đều được anh em bên an ninh ưu ái chăm sóc tỉ mỉ. Cái ấy nhiều người cũng biết.
Vẫn biết người khôn không nên chống đối chính quyền ra mặt, thi thoảng có vài câu nịnh cũng là cách hành xử thấu tình đạt lý. Để mọi việc êm ái trôi chảy, cứ nói 3 xảo ngôn tốt cho chính quyền thì có 7 trực ngôn, ấy mới là chân quân tử biết lựa thời lựa thế.
Người làm công ăn lương không bao giờ hiểu tâm sự người lãnh đạo. Bác nào tác chiến đơn thương độc mã sẽ không hiểu được nỗi lo của kẻ gánh trách nhiệm về sự tồn vong của cộng đồng hàng vạn con người.
Cách đây 7 năm, khi tôi thắc mắc điều này với một anh bạn ở Sài Gòn, tôi đã được giải thích theo biên giải trên. Và tôi tin Thích Chân Quang cũng chỉ đôi lúc bẻ cong ngôn từ để thuận lợi cho “sự nghiệp hoằng pháp”.
Nhưng càng nghe ngài nói nhiều, tôi càng cảm thấy mình và anh bạn kia đã sai. Thích Chân Quang đã không dừng lại ở tỉ lệ 3/7 nữa. Ngài nịnh thô thiển, lộ liễu và thậm chí khiến người được nịnh cũng phát ngượng. Cụ thể nhất và cao trào nhất là đề tài luận văn tiến sỹ (nghe nói nghiên cứu ở Thanh Xuân, HN) bàn về “trách nhiệm công dân trẻ với tổ quốc.” Một đề tài sặc mùi sến súa mà tôi sẽ bàn ở phần sau.
THIỀN TỊNH SONG TU
Thích Chân Quang đi theo trường phái Thiền-tịnh song tu. Nghĩa là giảng cả về thiền học (khoa học tâm thức, nhận thức luận) và cả vấn đề siêu hình như kiếp sau kiếp trước, cực lạc, vãn sanh. Những năm đầu giảng pháp, ngài đi theo hướng khoa học tâm thức nhiều hơn. Nhưng có lẽ hướng đấy kén khách nghe. Muốn có cúng dường thì phải có tín chúng đông. Muốn có tín chúng đông ắt phải nói điều tín chúng thích nghe. Từ đó, Thích Chân Quang đi sâu khá nhiều về những ý tưởng huyễn hoặc vô căn cứ nhưng dễ đi vào quần chúng.
Quần chúng Phật tử của ta đa số chuộng điều dễ hiểu như xin lộc cầu an, cúng dường để mong làm ăn phát đạt. Dân mình muôn kiếp vẫn một màu ấy. Điều này khiến nhiều bậc chân sư muốn tử tế cũng khó. Sư phụ giảng bài dễ để chiều lòng đệ tử nhiều quá cũng sinh hư. Hư ở đây tôi muốn ám chỉ thầy hư chứ không phải trò hư. Ban đầu các thầy ấy nói lời dễ nghe để quần chúng đi theo nhưng lâu dần chính thầy cũng đâm nghiện. Giống như thằng bán heroin, định bụng là không hút nhưng bán lâu ngày, hít mãi thành ra cũng phê khói luôn.
Theo tôi, biểu hiện rõ nhất của việc tầm thường hóa Phật giáo là bộ tranh nhân quả mà ngài in mấy trăm tập cực đẹp (với tiền tài trợ của Phật tử cúng dường). Cách giải thích kiếp trước làm gì, kiếp sau phải làm gì tương ứng khiến bất cứ ai thích suy tư đều thấy khó hiểu. Ai cũng biết rằng, tranh nhân quả của Phật Quang có hàm ý răn đe, khuyến thiện, trừng ác (theo tứ chánh cần) nhưng việc kể tỉ mỉ kiếp sau, kiếp trước đã gây bức xúc cho nhiều bộ óc ưa tò mò.
THAM GIA GIẢNG LỊCH SỬ
So với mặt bằng chung, thầy Chân Quang khá biết về lịch sử, cả sử trong nước và sử thế giới. Tuy nhiên, lịch sử thầy Thích Chân Quang kể là lịch sử của ngài ấy. Nó nhuốm màu cá nhân. Chẳng có nguồn nào, dẫn chứng nào cụ thể. Đã thế, thầy ấy kể về lịch sử Việt Nam hiện đại như một tay tuyên huấn lành nghề. Cách tiếp cận một chiều, dân tộc chủ nghĩa nên khá phiến diện.
TRỒNG CÂY
Thầy chùa Phật Quang luôn khuyến khích trồng cây. Đây là điểm sáng trong tư duy xuyên suốt của thầy ấy. Tuy nhiên, thầy ấy liên tục bảo “trồng cây kiếp này thì kiếp sau sẽ giàu có”. Và “ai kiếp này giàu có đều là do kiếp trước trồng cây nhiều, xây đường, xây chùa nhiều.” Như trên tôi đã trình bày, chẳng có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa việc lắm tiền ở một kiếp và việc trồng nhiều cây ở kiếp trước đó. Lý luận này mơ hồ và mê tín hết sức. Hoặc tôi ngu dốt đến mức không thể nhận thức nổi chăng?
MA QUỶ CÕI ÂM
Về cõi âm và ma quỷ, tôi hoàn toàn vô tri (không có hiểu biết) về cơ chế hoạt động của cõi ấy. Chỉ có điều, tôi cũng như các bạn, đã chứng kiến nhiều bằng chứng cho thấy sự tồn tại của cõi âm và linh hồn. Không hiểu về ma nhưng chúng ta luôn chắc có một cõi ma khó hiểu nào đó tồn tại.
Còn thầy Thích Chân Quang liên tục nói về chủ đề này. Ngài mô tả ma ăn ngủ, suy nghĩ, đi lại ra sao. Rành mạch và cụ thể y như người đang xem TV.
Tóm lại, tôi không phủ nhận sự tồn tại của cõi âm và các linh hồn sau khi chết (gọi là ma). Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu cơ chế hoạt động của cõi ấy. Chắc các bạn cũng kẹt như tôi. Còn thầy Thích Chân Quang tỏ ra thông thạo. Ngài vẫn kể về cõi ấy như bình luận viên tường thuật bóng đá. Điều ấy, theo tôi, ngài đã lạm dụng lòng tin nơi Phật tử.
Sau đây là những lời giảng đầy ma mị và vô lý của thầy Thích Chân Quang. Dù cho với bất cứ mục đích gì, ma mị vẫn là ma mị:
- Đập đầu cá thì sau này bị bệnh đau đầu (khó lí giải nguyên nhân). Nếu cúng dường một chỉ vàng thì không bị vỡ sọ, chỉ lãnh họa đau đầu do trước đây từng đập đầu con vật nào đó.
- Trồng cây nhiều, xây cầu cho dân đi, làm đường cho thiên hạ thì sau này làm ăn phát đạt, mua rẻ bán đắt, gặp nhiều phúc lộc.
- Cúng hương hoa lên cho Phật thì đầu thai sẽ có cơ thể, dung nhan đẹp.
- Câu cá nhiều thì kiếp sau bị rách mép, lở mồm long móng, hoặc bị thiên hạ lừa gạt.
- Và vô số suy diễn nhân quả khác nữa mà quần chúng có thể kể ra mấy ngày không hết.
BÀN VỀ NHÂN QUẢ
Thầy Chân Quang rất khoái bàn về nhân quả. Ngài coi lý luận về nhân quả là vĩ đại, cái phát minh khủng khiếp của Phật giáo. Thực tế, tôi không nghĩ thuyết nhân quả ghê gớm đến vậy. Ít nhất, phương Tây cũng bàn về nói rất tỉ mỉ từ thời Platon và Aristotle.
Theo tôi, nhân quả là quy luật dễ hiểu, đương nhiên, là logic miễn bàn. Nó không cần ai bảo vệ, giải thích. Nó cũng chẳng cần ai công nhận hay phủ nhận.
Sờ vào nước nóng thì bỏng tay. Ăn ớt thì cay rụt lưỡi. Vô cớ đánh người thì bị người đánh. Trẻ con cũng hiểu nhân quả. Dạy nhiều là thừa. Nó chẳng cần ai phải dạy, tự người ta cũng luận ra nhân quả. Dạy làm gì?
Tại sao người ta làm bậy?
Thầy Thích Chân Quang (cũng như nhiều nhà giáo dục khác) cho rằng không được học nhân quả, không hiểu luật nhân quả khiến ai đó làm bậy. Tôi cho rằng kết luận ấy không có cơ sở.
Theo tôi, hành vi làm bậy của ta là do ái dục và lòng tham che mờ mắt, lấp mất trí khôn nên mới phớt lờ hậu quả. Nghĩa là, khi tỉnh táo, ta thừa hiểu làm bậy sẽ trả giá. Nhưng trí khôn (nhất thời) của ta bị mờ đi do lòng tham, ái dục quá mạnh.
Một số đối tượng phạm tội khác thì nương tựa vào trí thông minh. Họ cho rằng với mưu kế của mình thì không ai có thể biết mình làm bậy.
Một số ít rất minh mẫn nhưng họ chấp nhận đánh đổi. Năm ăn năm thua. Quân khởi nghĩa luôn xác định rõ "được làm vua, thua làm giặc". Dân đánh hàng lậu quốc cấm qua biên giới chấp nhận nguy cơ bị bắt và cái giá phải trả. Họ tính kỹ khi họ bị tóm sẽ phải làm gì, làm gì.
Tuy nhiên, luật nhân quả mà suy luận sang cả kiếp này với kiếp trước, kiếp sau thì chỉ có thầy Phật Quang mới giải thích tỉ mỉ được. Lĩnh vực này nằm ngoài hiểu biết của tôi.
Quý vị nên nhớ, đánh bạc là hành vi phạm pháp ở Việt Nam nhưng không phạm pháp ở rất nhiều nước. Vi phạm pháp luật và vi phạm tiêu chuẩn làm người là hoàn toàn khác nhau. Cách đây 100 năm, đàn ông bồ bịch, dăm bảy cô dì là chuyện rất thường. Ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy tha hồ gái gú bê bết vẫn là mẫu đàn ông lí tưởng của chị em. Sự thật là vậy.
Vậy xin hỏi tại sao Hoàng Mười, Hoàng Bảy vẫn cơm no bò cưỡi, chị em xoắn xuýt phụng thờ mấy trăm năm nay? Luật nhân quả của thầy Chân Quang tại sao lại miễn nhiễm với các ông Hoàng? Theo như thầy Phật Quang, đáng ra 2 vị ấy phải bị cắt chim, quăng cho chó ăn hoặc ít nhất chim 2 vị ấy nên xay ra làm xúc xích chứ?
Cũng xin hỏi luôn, theo thầy Thích Chân Quang, một người nghiện đánh bạc (nhưng thường làm việc cực tốt, thường xuyên cúng dường) ở kiếp này thì kiếp sau sẽ làm gì, biết rằng đánh bạc chỉ là sai trai ở mỗi Việt Nam?
BÌNH LUẬN LÝ THƯỜNG KIỆT
Đây là sự kiện trấn động dư luận, gây hại cho danh tiếng Thích Chân Quang một thời gian dài. Ngài phát biểu “Lí Thường Kiệt” đưa quân đánh Ung Châu của Tống theo kế “tiên phát chế nhân” hồi thế kỉ 12 là “em đánh anh” và rằng “làm em như thế là hỗn”. Tuy nhiên, tôi không coi đây là một vấn đề to tát.
Thứ nhất, phải đặt câu nói ấy vào bối cảnh. Xem trong video đủ thì ngài lúc đó có ý nói đùa chứ không quá nghiêm trọng. Thứ hai, khi ta đặt câu ấy trong dòng chảy của mạch kể thì câu nói ấy chấp nhận được. Chỉ khi tách riêng ra, nó mới thành trò châm chọc của dư luận.
LUẬN VĂN TIẾN SỸ
Đề tài tiến sỹ của nghiên cứu sinh Việt (tên chuẩn của Thích Chân Quang) là trách nhiệm của công dân, tuổi trẻ với tổ quốc. Ý tứ ấy cũng giống như Kennedy kêu gọi thanh niên “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Một đề tài có lợi cho đảng và chính quyền, ai cũng thấy rõ.
Về đa số, tuổi trẻ, công dân bất cứ quốc gia nào cũng đều đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ đi lính, chấp hành luật pháp. Có ăn có chọi mới gọi là trâu! Thầy Chân Quang kêu gọi thanh niên nhịn ăn chơi để xây dựng tổ quốc (trong một bài pháp) là hoàn toàn sai quy luật tự nhiên và phản khoa học. Theo tôi, câu kêu gọi chuẩn phải là, "hỡi tuổi trẻ, các bạn cứ vừa ăn chơi, vừa lao động, học tập. Làm hết sức, học cật lực, chơi hết mình. Cần thì mình VAR nhau luôn". Ấy mới là tuổi trẻ đích thực chứ!
Vả lại xét cho kĩ, thế gian luôn cân bằng. Có một đứa ăn chơi nghiện ngập, phá gia chi tử thì lại xuất hiện một cháu chăm chỉ học hành, chí thú làm ăn. Đời nửa đen nửa trắng, vẫn xoay vần âm dương từ ngàn vạn năm nay. Cá nhân tôi chẳng bao giờ bi quan về giới trẻ. Tôi tin hễ quốc gia lâm nạn, bọn ấy vẫn xung phong ra trận và hi sinh oanh liệt lắm. Vả lại, không phải bọn trẻ ấy ra trận thì là bọn nào? Ban đầu bọn ấy chắc phải ngã như rạ trước cường địch (do bạc nhược vì sung sướng quá lâu) nhưng sau chinh chiến, bản lĩnh bọn ấy sẽ được tôi luyện dần và mạnh lên. Mọi thứ, thế gian đã có cách an bài.
Thêm vào đó, những người biết việc đều khẳng định tài liệu ấy chưa xứng tầm một luận văn tiến sỹ. Nó không phải đề tài tiến sỹ. Nó chỉ là một bài diễn văn kêu gọi của cán bộ tuyên giáo được viết dài ra thêm. Chiếu theo tiêu chuẩn nghiên cứu quốc tế, hầu hết luận văn của Việt Nam (nhất là lĩnh vực xã hội, nhân văn) đều không đủ tiêu chuẩn gọi là luận văn khoa học. Thôi thì chín bỏ làm mười. Không có thì một hai ta cũng bỏ làm mười. Nước mình nó thế, biết làm sao được.
Vấn đề ở đây là, ngài làm tiến sỹ để làm gì? Câu hỏi ấy không dễ trả lời nếu bạn chiếu theo lời Phật dạy. Tất Đạt Đa xuất thân quyền quý, học mọi thứ rồi từ bỏ mọi thứ. Thân sạch thì tâm an. Cớ sao một “chân sư” cỡ Thích Chân Quang lại vơ vào một cái mẩu giấy ngài biết rõ chẳng mang giá trị gì trong giới thế tục hàn lâm? Lê Thẩm Dương mới cần bằng tiến sỹ chứ? Nếu không là một doanh nhân lặn ngụp bể lợi danh thì họ Thích cần mảnh bằng tiến sỹ để làm gì? Thích Chân Quang thường lí giải là, ngài dùng thiện xảo để dẫn dắt chúng sinh u mê vào cửa đạo. Vào rồi, ngài sẽ khai ngộ dần dần cho họ. Nhưng, ngài đã khai ngộ được cho họ nhiều chưa?
Quý vị nên nhớ giúp, nếu chỉ khuyên chúng sinh sống thiện lành, thờ mẹ kính cha, làm việc ích nước lợi nhà thì đó không phải công việc của riêng đạo Phật. Các tôn giáo khác, các triết lý khác, những hệ luân lý phổ thông đều khuyên như vậy. Nhất là tục ngữ ca dao Việt Nam có hàng tỉ câu hay hơn lời Phật rất nhiều. Ý tôi muốn nói là, chẳng có đạo Phật (như đang nhìn thấy) thì ta cũng có vô số công cụ để dạy chúng sinh sống tốt, sống đẹp, sống đúng, sống lành. Quý Phật tử đừng tự huyễn hoặc vai trò của thứ quý vị tôn thờ. Tôi nói có sách, mách có chứng. Nhiều nước (Bắc Âu) có đạo Phật đâu mà mọi thứ vẫn cực tốt lành đấy thôi.
Những câu sau đây chẳng phải giống hệt Phật dạy hay sao?
- Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại
- Công cha như núi…, nghĩa mẹ như nước…
- Chị ngã em nâng
- Một điều nhịn, chín điều lành
- Chim sa, cá nhảy (chớ giết)
- Đời cha ăn mặn, đời con khát nước (quả báo)
ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐẠO PHẬT
Đạo khả đạo phi thường đạo! Đạo không có ở trong kinh (kể cả kinh tốt, kinh hay). Càng bám vào kinh càng sa lầy. Vậy kinh có ý nghĩa gì không?
Kiến thức Phật giáo của tôi cơ bản được tích lũy dần từ sách của thầy Thích Nhất Hạnh và các bài pháp của thầy Thích Thông Lạc. Nếu ví kinh Phật như củi thì Thích Nhất Hạnh (và một số hòa thượng khác) là người tiều phu cần mẫn mang củi tốt về cho ta. Ta, bằng cách nào đó, phải đốt đi mọi hình ảnh và mọi văn tự. Chữ Niết Bàn có nghĩa gốc là đốt cháy, đưa về không. Bao giờ Phật thành phân, kinh thành phân, lúc ấy bạn đã đạt đạo.
Người có công giúp tôi đốt toàn bộ kho củi ấy ra tro lại là Harari, Phạc Nhiên Giáo Chủ, Ajar Chah, Bùi Giáng, Bảo Sinh (và những người bên phạc nhiên hội). Củi chất đống đầy nhà mà không đốt, ắt mang họa vào thân. Khi đốt bỏ củi rồi, bạn mới thực sự khai ngộ và bay thoát khỏi kinh viện. Lòng bạn khi ấy nhẹ như mây. Lúc ấy bạn sẽ nhận ra Phật, thánh, tiên, chủ nghĩa, tổ quốc, danh dự, vinh nhục đều là ảo giả.
Nhưng khi chưa có củi, bạn lấy gì mà đốt? Kiếm củi đi rồi đốt. Đạo là như thế đó!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất