Thử thách ngày thứ 9 là viết về một vài bộ phim yêu thích mà bạn đã từng xem. Mình định viết về Series Westworld, Trilogy Batman, Stranger Things, Legions,... nhưng mình nhận ra nó toàn là phim kiểu Series, Shows,... dài và khó phân tích. Rồi mình định viết về Inception, Inglorious Basterds hay là Pulp Fiction,... nhưng rồi mình vẫn không viết được. Lí do rất cơ bản và đơn giản: Có những ngày đời vật bạn không còn gì!
Nên ngày hôm nay mình xin phép không viết gì mới mà sẽ đăng lại một bài phân tích về Lalaland mình viết từ năm ngoái. Bởi Lalaland vẫn luôn là bộ phim yêu thích nhất của mình, lí do không phải vì nó là phim tình cảm, mà bởi nó là một bộ phim về những giấc mơ và đam mê của những người đeo đuổi nghệ thuật. Sau khi mình đăng tải bài viết này lên blog cá nhân năm ngoái, rất nhiều người đã nhận xét tích cực về nó và thừa nhận rằng, bài viết của mình đã mang đến cho họ rất nhiều góc nhìn khác về bộ phim. Mời bạn đọc cùng.
Phân tích bộ phim
Phần I. Tình yêu
1. Định mệnh là có thật
Đầu phim, chúng ta bắt gặp một Mia xinh đẹp, trẻ trung và giản đơn.  Cô làm việc trong một quán cafe nhỏ trong trường quay của Warner Bros, ở  trọ với vài người bạn. Cô có một giấc mơ diễn xuất, thể hiện qua những  lần cô đi thử vai (và đều tạch). Cô này luôn cô đơn, lạc lõng giữa nhiều  người. Mong muốn của cô ấy vẫn là tìm người một người mà ở bên người ấy  cô được là chính mình. Tình cờ cô này bước vào quán ăn nơi Sebastian  đánh đàn, và phim lại đưa chúng ta đến với Sebastian, chàng trai ta cũng  đã gặp ở đầu phim.
Seb đam mê nhạc Jazz vào thời buổi nhạc Jazz có lẽ đang chết dần chết  mòn, anh hay nghe Jazz bằng đĩa vinyl và chơi theo, đôi khi sáng tác  thêm vì nhạc Jazz khá là ngẫu hứng, có mong muốn mở club nhạc Jazz của  riêng mình để cứu lấy Jazz, con người Sebastian thì vẫn lãng mạn mặc dù  cuộc đời nhiều sóng gió (bị lừa tiền, không có bảo hiểm xe, sống bất  cần, nhiều hóa đơn thì chưa trả…). Seb có một người chị gái, chị này là  người thân duy nhất của anh. Sebastian là một người ít nói, điềm đạm,  tuy nhiên bên trong vẫn ẩn chứa khát khao cháy bỏng được phá cách và  thoát xác. Vì thế mà lúc chơi Jingle Bells ở nhà hàng ăn, anh đã không  chịu được mà bất giác chơi bản nhạc anh sáng tác (dù rất hay nhưng anh  ta vẫn bị đuổi việc!).
 “I’m a phoenix rising from the ashes”, Seb.
Thế nhưng như 1 loại định mệnh, nhờ ông này chơi liều mà bà Mia giữa  lúc cô đơn lạc lối giữa đêm chốn quạnh hiu đã nghe được tiếng nhạc du  dương của ông ấy bèn chui vào nhà hàng và bị cuốn hút ngay lập tức. 
Related image

Related image
“Is someone in the crowd the only thing you really see?
 Watching while the world keeps spinning ’round?
 Somewhere there’s a place where I find who I’m gonna be
 A somewhere that’s just waiting to be found”, Mia.
Chúng ta rút ra đc 1 điều: Định mệnh là có thật! Đến một thời điểm  nào đó, bạn nhất sẽ gặp được “người ấy” của mình. Tuy nhiên, để gặp được  định mệnh thì há miệng chờ sung không phải là cách. Giống như Mia phải  đứng lên mặc váy xúng xính đi ra ngoài, đến party thấy chán chê rồi mới  có cơ hội lang thang ra ngoài đến quán Sebastian đang chơi nhạc.  Sebastian đã phải chơi Piano cả đời để có thể sáng tạc được bản nhạc  City of Stars, và phải không nghe lời chủ, chơi bài nhạc đó thì Mia mới  xông vào. Mia mà yên vị ngồi nhà hoặc Sebastian ngậm bồ hòn chơi mấy cái  bài Giáng sinh nhảm nhí mà ông chủ yêu cầu,… một trong hai điều này xảy  ra thôi thì hai ng này cũng sẽ không bao giờ gặp nhau. Thế nên muốn gặp  được người ấy thì không thể ngồi không đợi người ta đến được đâu. Làm  gì thì làm chứ ngồi không ấy chắc chắn không phải là cách!
Xác xuất để bạn gặp lại một người trong một thành phố không bé cũng  chẳng to như LA là bao nhiêu phần trăm? Mia và Sebastian thì đã gặp nhau  3 lần, 1 lần trên phố, 1 lần đổ café lên áo Mia tại quán (trong cuộc  nói chuyện bên hồ bơi Sebastian nói là đã nhìn thấy Mia ở quán café khi  cô vội vã đi thử vai mà đâm vào anh), và ở nhà hàng “Jingle Bell”. Bộ  phim không hề nhắc đến hai chữ định mệnh, nhưng chúng ta đều hiểu, họ là  nhờ định mệnh mà gặp nhau.
2. Ở bên người, được là chính mình
Thời tiết ở LA thì mùa nào trong năm cũng là mùa hè. Bạn có thể thắc  mắc tại sao phải nhắc đến yếu tố thời tiết trong phim này. Theo tôi thì  khi nhắc đến việc đông hay xuân cũng đều như hè, những người làm phim  muốn người xem phần nào chú ý đến tâm trạng của các nhân vật. Đông hay  hè, nếu các nhân vật của chúng ta vẫn vui vẻ và phấn khởi thì thời tiết  sẽ luôn luôn đẹp.
Bên hồ bơi, hai kẻ khờ mộng mơ nói chuyện chính thức lần đầu tiên.  Một người tự nhận mình là “nghệ sĩ thực thụ”, người kia thì nhận mình là  “diễn viên”, rốt cuộc họ đều chỉ là những người đang vất vả kiếm sống  bằng những công việc mình không thích. Khi cùng đi dạo trên đường phố,  Mia kể về giấc mơ diễn viên của mình với Seb, việc cô bỏ dở 2 năm đại  học và đến LA để theo đuổi nghiệp diễn, đi thử vai,… và mãi không thành  công. Sebastian khích lệ cô nên viết vở kịch của riêng mình.
Sau đó Seb đưa Mia đến nghe Jazz, kể cho cô về lịch sử của Jazz, kết  cấu nhạc Jazz, vì sao anh yêu Jazz và anh muốn cô cũng yêu Jazz như anh.  Mia có lẽ là người đầu tiên không thích nhạc Jazz nhưng lại chịu ngồi  yên nghe Sebastian ba hoa về thứ anh thích, và có lẽ khi hiểu kĩ hơn thì  Mia cũng thích.
Image result for mia and seb last scene

Tại đây ta chứng kiến hai tâm hồn nghệ sĩ tìm thấy nhau, cố gắng tìm  hiểu những đam mê của đối phương. Seb đã không thụ động ủng hộ Mia theo  đuổi nghiệp diễn xuất đơn thuần, mà anh còn chủ động gợi ý cô viết kịch.  Về phần Mia, cô cũng không bảo thủ giữ nguyên thái độ ghét Jazz, mà đã  bị lay động bởi tình yêu cháy bỏng của Seb dành cho Jazz.
Khúc hát “City of Stars” vang lên dưới nền Vanilla sky, ngắn thôi  nhưng cũng cho thấy được giây phút rung động mạnh mẽ trong trái tim  chàng trai trẻ Seb. Cảnh quay này và âm nhạc kì diệu đã khiến chúng ta  hiểu được tâm trạng nhân vật mà không cần nói hay làm gì cả.
Related image

Trong khi đó, cảnh kế đưa chúng ta đến với Mia và người bạn trai mờ  nhạt hiện tại của cô – Greg. Họ gặp hai người bạn ở trong nhà hàng, Mia  ngồi nghe những cuộc nói chuyện về sự xa hoa của cuộc sống của những con  người này, về việc họ chê bai rạp chiếu phim hiện nay ra sao,… rồi mọi  thứ dần ù đi. Cô bắt đầu chỉ nghe thấy tiếng nhạc vang lên đâu đó, và  rồi cô lao ra đường để đến với Seb.
“The one to finally lift you off the ground
 Someone in the crowd could take you where you wanna go”, Mia.
Related image

Theo dõi hai người họ nhảy múa trong bảo tàng thiên văn học, ta thấy  Seb chính là người “finally lift” Mia “off the ground”. Mọi thứ kết thúc  với tiếng trống dồn và nụ hôn của hai nhân vật, màn hình khép lại cho  thấy hai nhân vật của chúng ta đã chính thức tìm được tình yêu của đời  mình, mở ra chương hai của bộ phim: nơi cả hai người cùng tiếp tục đeo  đuổi đam mê cá nhân.
Related image

Phần II. Đam mê và mơ ước
1. Mặt trái của nghệ thuật
Nốt trầm của bản tình ca Seb Mia bắt đầu từ khi Mia nghỉ việc ở quán  café, theo đuổi vở kịch một người, còn Seb kí hợp đồng với Keith và đi  suốt ngày. Yếu tố thời tiết ở đây lại được sử dụng một cách rất tài  tình. “Fall” cónghĩa là mùa thu nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa động  từ, tức là rơi. Bởi dường như hai nhân vật của chúng ta đang rơi khỏi con đường họ muốn đi, rất xa, và biết đâu chẳng thể quay lại được. 
Image result for fall la la land

Mia yêu Seb, và cô yêu Jazz nhờ Seb. Cô muốn Seb được sống với đam  mê, được sống với Jazz. Cô không muốn Seb quên đi thứ mà anh yêu, nếu  Seb đánh mất đam mê thì chẳng khác nào anh đánh mất chính mình. Và cô sẽ  không còn biết được người mình yêu là ai nữa. Về phần Seb, tuy anh vẫn  yêu Jazz nhưng anh nói anh cần biết lớn lên, cần có một công việc ổn  định và thu nhập đều đặn. Hơn nữa, giờ anh cũng đã biết tự đặt ra câu  hỏi “liệu rằng người ta có thích thứ mình làm hay không”, dù anh luôn  nói với Mia là đừng quan tâm người khác nghĩ gì. 
Unbenannt.png

Keith – người bạn của Seb đã nói những người yêu Jazz như Seb quá ôm  chặt lấy quá khứ, không cho người trẻ cơ hội để tiếp cận, không cho Jazz  cơ hội để được phát triển. Chơi nhạc cho U90, nghe nhạc của những huyền  thoại Jazz cổ,… không phải là cách để cứu Jazz. Bất giác chúng ta phải  tự hỏi, nghệ thuật là gì? Bạn hạnh phúc khi bạn làm nó, nhưng bạn sẽ chỉ  thành công khi người khác thích thứ bạn làm ra. Nghệ thuật cũng vậy,  nghe thật cay đắng nhưng đây lại là một mặt trái của sự thật mà chúng ta  cần phải chấp nhận. Sự yêu thích từ quần chúng sẽ quyết định độ sống  còn của một loại nghệ thuật, và những người như Seb hay Mia có thể trụ  lại được trong làn sóng ấy? Hay họ sẽ dạt trôi đi, thay đổi và biến dạng  đến không nhận ra nữa?
2. Theo đuổi đam mê 
là điều mà Mia vẫn đang làm. Seb thì có vẻ như đang quên, đang lạc  lối, nhưng Mia vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu của mình. Tuy nhiên sau  vở kịch độc diễn, cô cũng chính thức từ bỏ. Khi Seb chạy đến nhà Mia để  báo với cô về buổi thử vai, cô đã nói không rất nhiều lần. Một Mia mong  manh, một Mia vẫn nghi ngờ bản thân mình sau 6 năm ròng rã cố gắng chạy  theo một giấc mơ không có thật, cuối cùng cũng đã chịu nhìn thẳng vào  vấn đề và cảm thấy cần phải từ bỏ.
maxresdefault (5)

“Maybe I’m one of those people  that has always wanted to do it, but it’s like a pipe dream for me. You  know, and then you, you said it. You change your dreams and then you  grow up. Maybe I’m one of those people and I’m not supposed to. And I  can go back to school and I can find something else that I’m supposed to  do. ‘Cause i left to do that. And its been six years and I dont want to  do it anymore.”
“Why don’t you want to do it anymore?”
‘Cause I think it hurts a little bit too much.” 
Cố gắng quá nhiều để nhận lại được bao nhiêu? Nghệ thuật là gì mà sao con người ta lại cố chấp hi sinh? Gửi gắm qua ca khúc “The fools who dream” là nỗi lòng của người làm nghệ thuật (“The painters, and poets, and plays”). Những kẻ dại khờ mơ mộng như dì của Mia có lẽ sẽ đều kết thúc với việc  “lived in her liquor; And died with a flicker”, thế  nhưng những cái flicker ấy lại là những ngọn lửa trong lòng những người  trẻ như Mia. Dì Mia đã sống hết mình cho nghệ thuật để đến khi chết đi  vẫn tỏa sáng, và được hỏi cô ấy vẫn trả lời cô ấy sẽ làm lại một lần  nữa.
 “A bit of madness is key
 To give us new colors to see
 Who knows where it will lead us?
 And that’s why they need us”
 Làm nghệ thuật cần điên một chút, để thấy được những màu sắc mới, để  thấy được những điều ta chưa từng nghĩ tới. Những người nghệ sĩ cần phải  dũng cảm hơn người khác, phải điên hộ phần người khác, để mang lại  những chân lí mới, những giác ngộ mới cho cuộc đời này. Người ta chỉ  trầm trồ vào thành công của người khác, chứ ít ai ngưỡng mộ sự trườn bò  hay lết xác của một người đang cố gắng, đang mộng mơ. 
Image result for the fools who dream

“And here’s to the fools who dream
Crazy as they may seem
Here’s to the hearts that break
Here’s to the mess we make”
Khúc hát vang lên, dành tặng những kẻ khờ mộng mơ.
Phần III. Cái kết hợp lí
Tại công viên Griffith (nơi họ nhảy cùng nhau lần đầu tiên), chúng ta  lại thấy mia và seb ngồi cạnh nhau, bình yên như đã từng. Họ hỏi nhau  về việc người kia sẽ làm gì trong tương lai. Họ biết rằng họ không thể  tiếp tục được với nhau nữa, dù họ vẫn còn rất yêu nhau, và vẫn sẽ luôn  ủng hộ người kia trên con đường theo đuổi giấc mơ của mình. Và rồi họ  quyết định chờ đợi, xem điều gì sẽ đến.
Điều gì đến rồi cũng phải đến. Mia giờ đã trở thành một diễn viên nổi  tiếng đúng như cô mong muốn. Cô bước vào quán cafe cũ nơi mình đã làm  đầy cao ngạo, trong con mắt của bao người nhìn theo. Như tôi đã phân  tích ở trên, chẳng ai biết Mia trước đây cũng chỉ là cô bé đứng quầy  cafe này và cũng phải nhìn lên những nữ diễn viên nổi tiếng khác đầy  ngưỡng mộ. Seb giờ đây đã mở được một Jazz Club như anh từng mơ. Anh đi  qua tấm biển quảng cáo phim của Mia đóng một cách bình thường và lững  thững, dường như anh vẫn luôn dõi theo và quan tâm Mia, dù giờ đây hai  người đã không còn chung đường. 
Image result for mia and seb last scene

Mia đến Club Seb’s, gặp Seb chơi đàn. Qua tiếng đàn của Seb, chúng ta  cùng quay ngược lại thời gian và cùng chơi trò chơi “What if…” với hai  nhân vật chính. Cảnh cuối này thực chất rất đẹp. Nếu chỉ xem một lần,  bạn sẽ nghĩ cái viễn cảnh kia là viễn cảnh hạnh phúc và viên mãn nhất  dành cho hai người. Cuộc sống của Seb và Mia trong mơ rất đẹp, có một  đứa con, Mia vẫn thành toàn được nghiệp diễn của mình. Nhưng khi Seb và  cô đến quán club, ta không thấy tên Seb’s, và người chơi City of Stars  cũng là người khác. Như vậy có thể hiểu, để hai người có thể bên nhau  thì một trong hai phải đánh đổi giấc mơ của mình. Và ở hoàn cảnh này là  Seb. Và vì Mia yêu Seb, nên cô sẽ không muốn anh không thể sống với giấc  mơ của mình. Trong khoảng lặng cuối bản nhạc, hai người dù không nói gì  cũng vẫn hiểu ý nhau. Họ vẫn hiểu rằng, đây là cái kết duy nhất mà họ  có thể nhận được để cả hai có thể theo đuổi giấc mơ, để có thể sống với  đam mê. Vậy nên viễn cảnh kia cũng chỉ là một viễn cảnh mà ở đó hạnh  phúc cũng chỉ là hạnh phúc đánh đổi mà thôi, cũng sẽ không trọn vẹn và  đủ đầy.
Nhận xét cá nhân
La la land đối với phần lớn người xem đều là một bản tình ca buồn,  nhưng đối với tôi nó là thánh ca của những người mơ. Tình người thì vẫn ở  đó, dù không thể bên nhau nữa, nhưng ta vẫn biết trong lòng có nhau,  mãn nguyện khi người kia đã tìm thấy được đam mê. Loại tình yêu này đẹp  đẽ hơn nhiều nếu như ta từ bỏ đam mê để đến với người kia. Dù cho đó có  là hạnh phúc, nó cũng không phải loại hạnh phúc trọn vẹn. Hơn nữa, đối  với những kẻ có tâm hồn nghệ sĩ thì nghệ thuật là cả cuộc đời họ. Nếu  phải từ bỏ, có lẽ họ sẽ mãi mãi dày vò, và chẳng bao giờ có thể hạnh  phúc lại được nữa.
La la land cho tôi cái dũng khí để tiếp tục “đeo bám” đam mê, cho tôi  một lời động viên, khiến tôi dám tiếp tục hi vọng vào một tương lai  giấc mơ sẽ thành hiện thực. Trên thế giới có hai loại người: Một loại  cực thích La la land, sẽ yêu phát điên phát cuồng La la land. Một loại  bình thường và không thích, chẳng hiểu La la land có gì hay ho mà người  ta khen ngợi nhiều thế. Có người nói La la land không có cốt truyện hay,  dù cho họ có đầu tư về âm nhạc, cảnh quay, trang phục và hình ảnh,… Tôi  nói: vốn dĩ đời chỉ có từng ấy drama thôi, hay là ở cách ta kể câu  chuyện ấy như thế nào. La la land đã làm quá tốt cái việc kể chuyện. Cái  kết của La la land là một cái kết hợp lí, ta không cần và không nên  tiếc nuối cho Mia hay Seb. Ta nên mừng cho họ, bởi rốt cuộc, như tôi nói  họ đã đạt được giấc mơ của mình. Họ sẽ không phải quay đầu lại mà tiếc  nuối khi tuổi trẻ đã qua đi. Âm nhạc trong La la land quá xuất sắc, vì  nó thật sự rất hợp với cảnh quay, lột tả được tâm trạng của nhân vật đến  từng cung bậc cảm xúc mà không cần phải nói, cũng không cần phải diễn.  Kĩ thuật quay và dựng phim quá đỉnh, nhất là những cảnh Mia hay Seb được  focus, xung quanh tối thui, đèn chỉ chiếu vào hai anh chị. Hay những  cảnh Party dựng ở đầu phim, người múa chậm xung quanh Mia, người nhảy  xuống hồ bơi, cảnh quay mòng mòng liên tục và tiếng nhạc được phát ra  quá khớp và hoàn hảo. Đoàn làm phim đã làm quá tốt bộ phim, khiến tôi  phát mê mỗi lần xem lại.
La la land là một bộ phim tôi cực yêu thích và phải xem lại được gần  chục lần rồi. Thiếu nước thuộc chặt lời thoại thôi. Tôi muốn viết về bộ  phim này từ lâu, nhưng đã quá nhiều người viết về nó rồi nên tôi cũng  ngại. Có điều tôi vẫn muốn được phân tích nó theo cách của tôi. Tôi  không gọi là review, vì tôi không hề review, tôi rewatch, và rewatch rất  nhiều lần. Trước đây viết review cho một page, mọi người cực chuộng  hình thức review không spoil, nên tôi cố ép mình viết theo hình thức  này. Nhưng rồi tôi chẳng biết nói gì về phim cả. Nhất là những phim mới  ra rạp, ào ào và chỉ xem được một hay hai lần. Như vậy làm sao mà cảm  nhận? Làm sao mà hiểu thấu? Bởi vậy, tôi đã ém La la land rất lâu vì  không muốn những gì mình viết ra bị hời hợt. Tôi đã xem lại rất nhiều  lần trước khi viết bài. Tôi yêu bộ phim này, và cảm ơn nếu bạn đã đọc  đến tận đây. Nếu bạn có thể, xin hãy cũng yêu nó như tôi.

Danh sách 30 ngày thử thách viết lách:
Ngày 1: Liệt kê ít nhất 10 điều khiến bạn hạnh phúc.
Ngày 2: Viết một điều gì đó về bạn mà ai đó đã nói với bạn khiến bạn nhớ mãi không quên.
Ngày 3: Viết về một người nào đó đã truyền cảm hứng cho bạn
Ngày 4: Liệt kê ít nhất 5 địa điểm mà bạn muốn đến thăm.
Ngày 5: Liệt kê 10 bài hát mà bạn yêu thích vào lúc này.
Ngày 6: Viết về một điều gì đó mà khi nghĩ đến khiến bạn thêm mạnh mẽ.
Ngày 7: Viết về những điểm mạnh của bản thân.
Ngày 8: Viết về 5 điều mà bạn luôn cảm thấy biết ơn trong cuộc sống của mình.
Ngày 9: Viết về một bài bộ phim yêu thích mà bạn đã từng xem.
Ngày 10: Viết một bức thư/email hỏi thăm cho ai đó.
Ngày   11: Nghĩ về một từ bất kỳ mang ý nghĩa tích cực mà bạn muốn. Tìm kiếm   từ đó trên “google image”. Dừng lại ở bức ảnh bạn thấy yêu thích và  viết  điều gì đó bạn thấy được truyền cảm hứng từ bức ảnh đó.
Ngày  12:  Liệt kê 25 điều (hay thậm chí chỉ 5 điều) mà bạn muốn làm được  trong  cuộc đời mình/ Viết 101 điều mình muốn làm trong cuộc đời này (My  Bucket  lists).
Ngày 13: Viết kế hoạch những việc cần làm của bạn vào ngày mai.
Ngày 14: Viết cảm nhận về một ngày tuyệt nhất của bạn trong tuần vừa rồi.
Ngày 15: Viết cảm nhận về một cuốn sách bất kì mà bạn thích.
Ngày 16: Viết (liệt kê) về một vài website/blog yêu thích mà bạn hay đọc.
Ngày 17: Viết về một thói quen xấu mà bạn muốn thay đổi trong năm nay.
Ngày 18: Viết về một tời điểm khó khăn nào đó mà bạn đã từng trải qua.
Ngày 19: Viết về một nỗi sợ nào đó của bạn.
Ngày 20: Viết về một khoảnh khắc đáng nhớ nào đó của bạn.
Ngày 21: Viết lại 4 câu trích dẫn yêu thích của bạn.
Ngày 22: Viết ít nhất 10 điều bạn biết ơn vào hôm nay.
Ngày 23: Viết về một buổi sáng lý tưởng mà bạn muốn có vào mỗi ngày.
Ngày 24: Viết chu trình buổi tối thông thường mà bạn muốn có vào mỗi ngày.
Ngày 25: Viết thư gửi bản thân trong quá khứ.
Ngày 26: Viết thư gửi bản thân trong tương lai (1 năm, 3 năm, 5 năm,… )
Ngày 27: Viết hình dung về người yêu/bạn đời của bạn trong tương lai.
Ngày 28: Viết mục tiêu trong 30 ngày sắp tới của bạn.
Ngày 29: Viết những điều mà bạn muốn người khác nhớ về bạn khi được nhắc đến.
Ngày 30: Viết cảm xúc của bạn sau 29 ngày thử thách viết lách vừa qua.