Một chủ đề tương đối khù khoằm mà có lẽ sẽ ít người sờ vào.
Bắt đầu nhé. Bài này ngôn ngữ cục súc chứ không bay bướm đâu. Mình sẽ cố gắng diễn giải dễ hiểu nhất có thể.

KHÁI QUÁT VỀ GENRE ANALYSIS

Từ “genre” vốn có nguồn gốc từ tiếng Pháp, cùng nghĩa với “type” hay “kind” trong tiếng Anh. Genre analysis dịch ra tiếng Việt là “phân tích thể loại”. Vì đây là mục “Phim ảnh”, nên chúng ta sẽ phân tích “thể loại phim”, chứ không phải “thể loại nhạc” hay “thể loại văn học”.
“Phim Hành động”, “phim Tình cảm”, “phim Kinh dị”, vv. Rất dễ để chúng ta dán nhãn về thể loại cho từng bộ phim, dựa trên những gì mà chúng ta “xem” được, “thấy” được, hay “cảm nhận” được. Nhưng “những gì” ở đây là gì? Khó đúng không? Có thể là một thứ to lớn, và mang tính xuyên suốt như nhân vật hay nhân vật. Cũng có thể chỉ là một chi tiết nhỏ: như một sự kiện, một hành động, hay một đồ vật chẳng hạn.
Ví dụ nhé, một bộ phim được phân loại vào thể loại Kinh dị, thì thường phải có một thể lực phản diện quỷ quyệt gây sợ hãi cho phe chính diện, rồi những đoạn hù dọa khiến người xem ướt cả quần. Hay một bộ phim được phân loại vào thể loại Hành động, thì thường phải có mấy cảnh đấm nhau, rồi đấu súng pằng chíu trông rất ghê gớm.
Trong cuốn Film Art: An Introduction, hai tác giả David Bordwell và Kristin Thompson đã chỉ ra bốn yếu tố “vàng” khi phân loại một bộ phim:
- Plot element (yếu tố cốt truyện): cái này dễ thấy nhất, nhưng yêu cầu cả nhà phải xem một lượng phim đủ để có database mà phân loại. Một bộ phim Trinh thám thường có motif như sau: một vị thanh tra/thám tử điều tra một vụ án bí ẩn, mà sự thành bại của nó chính là thứ khiến khán giả dán mắt vào màn hình (thôi cái này hiển nhiên rùi không cần ví dụ nữa nhá :P). Một bộ phim Tội phạm/Gangster thường kể chuyện về quá trình “rise-and-fall” của tên gangster, cũng như khắc họa thế giới ngầm đầy phức tạp và cạm bẫy (vd., The Godfather trilogy, Goodfellas, Scarface, Miller’s Crossing, vv.). Dễ hiểu đúng không?
Goodfellas (1990)
Goodfellas (1990)
- Subject (chủ đề): cái này thì cần phải xem phim, rồi nghiền ngẫm một chút mới ra. Về chủ đề thì cứ lấy ví dụ là phim Tình cảm - Lãng mạn cho dễ hiểu. Đa số các phim thuộc thể loại này đều xoay quanh hai chữ “Tình yêu”. Tình yêu có thể được thể hiện qua sự đánh đổi (Atonement), sự chia ly (Eternal Sunshine of the Spotless Mind), sự hy sinh (Titanic), hoặc cũng có thể là sự từ bỏ (La La Land). Tương tự thể loại Tình cảm, thể loại Khoa học - Viễn tưởng thường khắc họa ưu/nhược điểm của máy móc, sự tương phản giữa con người và máy móc, hay các chủ đề liên quan đến bản chất cuộc sống, cũng như điều gì làm nên một con người (vd., Gattaca, The Matrix, Minority Report, Blade Runner 2049, vv.).
Minority Report (2002)
Minority Report (2002)
Nếu như plot element là thứ cả nhà có thể nhận thấy ngay trong những phút đầu tiên của phim, thì subject là thứ sẽ lắng đọng sau cuối, khi những dòng credit cuối cùng của tác phẩm chạy trên màn hình. Không quá khi nói rằng, tính lưu truyền của bộ phim sẽ phụ thuộc rất lớn vào chủ đề; và khả năng truyền tải chủ đề/thông điệp của nhà làm phim tới người xem.
- Technique (kĩ thuật): Như tên, genre cũng có thể được phân loại qua kĩ thuật. Kĩ thuật ở đây bao gồm 7749 loại: từ production design, camerawork, cho đến bối cảnh, màu sắc hay âm thanh, vv. Thậm chí, có những dòng phim được đặt tên theo những đặc điểm về mặt kĩ thuật. Film noir (hay phim đen, nhưng không phải phim đen kia :v) - thể loại đã từng làm mưa làm gió trong những năm 40-50 tại Mỹ ở thế kỉ 20, được biết đến qua cách đánh sáng đặc trưng: với sự tương phản rõ rệt giữa hai màu đen -trắng trong khung hình (google “low-key lighting” & “chiaroscuro lighting” để biết thêm chi tiết). Hay những bộ phim Kinh dị sẽ thường có những âm thanh quái đản, cộng thêm các pha jump scare mang tính hù dọa.
Chinatown (1974)
Chinatown (1974)
*Lưu ý: không phải bộ phim nào có đặc điểm kĩ thuật A thì sẽ thuộc thể loại X. Luận điểm này chỉ valid một chiều, tức bộ phim thuộc thể loại X thì thường có đặc điểm kĩ thuật A, chứ KHÔNG CÓ điều ngược lại.
- Iconography (biểu tượng): một cách nữa để phân loại genres, đó là dựa vào các đồ vật/hình ảnh/sự kiện mang tính biểu tượng với genre đó. Lấy ví dụ đi:
+ Phim Chiến tranh: chiến trường, cái chết, vv.
+ Phim Musical: sân khấu, một buổi trình diễn ca nhạc, vv.
+ Phim Western: đấu súng, revolver, mũ cao bồi, miền Viễn Tây, vv.
+ Phim Sci-Fi: máy móc, AI, tàu vũ trụ, vv.
Thậm chí, có những diễn viên còn trở thành “biểu tượng” của một số thể loại nhỏ: như Adam Sandler với dòng phim Rom-com nhẹ nhàng bựa bựa, Arnold Schwarzenegger hay Jason Statham với dòng phim hành động cơ bắp, rồi xa xưa hơn là John Wayne với dòng phim Western.
Singin' in the Rain (1952)
Singin' in the Rain (1952)
Ngoài ra, còn một số lưu ý khác cũng quan trọng không kém về genre:
- KHÔNG CÓ một cách thức thống nhất nào để phân loại phim.
- PHẦN LỚN các bộ phim hiện tại đều có thể được phân loại vào nhiều hơn một genre. Sự phát triển của Điện ảnh cũng dẫn đến sự phân hoá về thể loại với nhiều sub-genres hơn.
- Các bộ phim có thể gây bất ngờ cho khán giả bằng cách ĐẢO NGƯỢC genre conventions.
- Sự khác biệt về TÍNH CHẤT của từng genre ảnh hưởng đến ĐỘ THỊNH HÀNH của chúng trong từng thời kì.
Phần này khá nhiều thông tin, nhưng toàn thông tin dễ nhai dễ nuốt thôi hihi :P

CÁC STAGES CỦA MỘT GENRE: CASE STUDY VỀ SUPERHEROES GENRE

Phần ở trên thì cả nhà có thể tìm thấy trong sách, chứ phần này thì có cái nịt. Đơn giản là KHÔNG CÓ một framework chính quy nào để đánh giá sự phát triển của một genre cả. Thế nên, toàn bộ phần này là kiến thức mình góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau.
*Một phút quảng cáo: Anh chị em nào mà yêu phim, hoặc muốn có những góc nhìn hay ho về Điện ảnh thì có thể ghé qua page của mình nhé =))))))))) Mọi người có thể tìm thấy page tại đây hê hê.
Về cơ bản, BẤT KÌ một genre nào đều đã, đang và sẽ trải qua toàn bộ năm stages dưới đây. Tương tự, BẤT KÌ một bộ phim nào đều sẽ thuộc một trong năm stages của thể loại tương ứng:
1. Primitive stage: đây là giai đoạn sơ khai nhất của một genre. Nếu tưởng tượng genre là một đứa bé, thì đây là một đứa bé sơ sinh, mới biết lẫy, bò, và vẫn bú tí mẹ hàng ngày. Primitive stage là khoảng thời gian mà nhà làm phim THIẾT LẬP mọi quy ước cho genre đó: từ chủ đề, câu chuyện, nhân vật, hay biểu tượng (establishing genre conventions).
Hãy lấy ví dụ của toàn bộ phần này là dòng phim Siêu anh hùng (tham chiếu là Hollywood) đi. Primitive stage của dòng phim Siêu anh hùng, đơn giản, chính là những bộ phim Siêu anh hùng đầu tiên được làm ra. Cần lưu ý rằng, Điện ảnh là medium đi sau (sau myths, folklores & comics), thế nên, nó vay mượn rất nhiều conventions từ những người đàn anh. Dù đã xuất hiện trên màn ảnh nhỏ từ những năm 40; thế nhưng, phải đến những năm 70 của thế kỉ 20, dòng phim Siêu anh hùng mới thực sự gây tiếng vang trên màn ảnh rộng. Bộ phim đặt nền móng cho nó tại Hollywood là Superman (1978) - tác phẩm đã trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng Mỹ thời điểm đó. Tất cả những thứ liên quan đến Superman (1978) đều rất chân phương và sơ khai: một siêu anh hùng theo kiểu “all-good, all-powerful”, một tuyến phản diện theo kiểu “all-bad, all-evil”, và một hành trình giải cứu thế giới khỏi diệt vong rất cơ bản. Chiếc áo choàng đỏ của Superman trong phiên bản này đã trở thành biểu tượng của lòng tốt, và của hi vọng.
Superman (1978)
Superman (1978)
“THE GOOD ALWAYS WINS.”
2. Classical stage: nếu ví primitive stage là đứa trẻ sơ sinh khóc nhè đòi bú tí mẹ; thì classical stage là một đứa trẻ lên cấp 1, đã biết đi, biết ăn, và biết…rửa đít :s Về cơ bản, classical stage là giai đoạn tiếp nối của primitive stage - với genre conventions được “chuẩn hóa”, “phổ biến hóa”, và củng cố qua hàng loạt bộ phim khác nhau (solidyfing genre conventions).
Nhìn vào dòng chảy Hollywood, thì sau Superman (1978), chúng ta thấy gì? Các phiên bản Batman của Michael Keaton, Val Kilmer và George Clooney vào những năm 80, 90. Tuy vậy, bộ phim mà mình lựa chọn để minh họa cho giai đoạn này là Spider-Man (2002) của Sam Raimi. Tại sao lại là Spider-Man (2002), chứ không phải là bất kì một tác phẩm nào thuộc MCU (Captain America: The First Avenger hay The Avengers chẳng hạn)? Bởi đơn giản, Spider-Man (2002) vẫn giữ được các giá trị ban đầu của dòng phim Siêu anh hùng, và “nâng cấp” câu chuyện cũng như nhân vật lên một tầm cao mới: phức tạp hơn, đa dạng hơn, và “thật” hơn - so với hình ảnh không khác gì “Chúa trời” của Superman trước đây. Spider-Man (2002) vẫn là một hành trình nhân vật chính diện khai phá tiềm năng bên trong, và trở thành người hùng đánh bại kẻ ác. Thế nhưng, độ tinh xảo trong câu chuyện và nhân vật đã được nâng cấp. Peter Parker vẫn “all good”, nhưng không còn “all powerful”. Cậu - ngoài việc đu cà.., à nhầm đu tường bắn tơ, thì còn ở trong các câu chuyện với gia đình (Bác Ben & dì May), với Mary Jane Watson, hay với người bạn thuở ấu thơ Harry Osborn. Nhân vật phản diện Norman Osborn (Green Goblin) cũng được xây dựng một cách chi tiết và đa chiều hơn. Giống như Superman (1978), Spider-Man (2002) xoay quanh chủ đề về lòng tốt, sự dũng cảm, và sứ mệnh/trách nhiệm mà năng lực đặc biệt mang lại. Hầu như không có sự khác biệt giữa primitive stage và classical stage, khi classical stage là “bản chính thức” tinh xảo, và hoàn thiện hơn của “bản beta” primitive stage vẫn còn sơ khai.
Spider-Man (2002)
Spider-Man (2002)
“THE GOOD ALWAYS WINS, BUT AT SOME COST.”​
3. Revisionist stage: khi các bộ phim thuộc classical stage được làm ra theo kiểu đại trà, thì ắt sẽ đến một lúc, dòng phim sẽ đạt đến một điểm mà mọi thứ đều bão hòa. Một, hoặc thậm chí là nhiều sự thay đổi là điều bắt buộc. Đứa trẻ cấp 1 tại classical stage không còn nữa, mà giờ nó đã khôn lớn thành một thiếu niên cấp 2, cấp 3, biết nghi ngờ và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Như cái tên, “revision” trong tiếng Anh có nghĩa là xét lại, xem lại một vấn đề gì đó. Và revisionist stage là khi mà nhà làm phim xét lại, xem lại genre conventions của chính thể loại tương ứng. Các bộ phim rơi vào revisionist stage đều có một đặc điểm, đó là chúng thách thức các nguyên mẫu, và các giá trị truyền thống của dòng phim. Chủ đề, câu chuyện, và nhân vật của các bộ phim rơi vào revisionist stage cũng phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều suy ngẫm hơn, chứ không còn dễ dàng phân tách trắng-đen rạch ròi như ở primitive stage hay classical stage (challenging genre conventions).
Và có lẽ, The Dark Knight (2008) của Christopher Nolan là bộ phim tiêu biểu nhất thuộc revisionist stage của dòng phim Siêu anh hùng. The Dark Knight (2008) đã định nghĩa lại, rằng một bộ phim Siêu anh hùng có thể “đi xa” như thế nào về mặt nội dung. Thực tế, nhiều người sẽ cho rằng, việc lấy ví dụ về The Dark Knight (2008) là hơi khiên cưỡng. Tác phẩm của Christopher Nolan giống với một bộ phim Hành động - Trinh thám nhiều hơn là một bộ phim Siêu anh hùng, với các yếu tố siêu nhiên được giảm thiểu tối đa. Nhưng mình thì thấy lấy The Dark Knight (2008) lại là đẹp nhất, bởi nó thách thức hầu hết genre conventions của dòng phim Siêu anh hùng:
- Nhân vật trung tâm là tuyến chính diện? KHÔNG. Nhân vật trung tâm là Joker (tính theo độ đầu tư chứ không tính theo screen time), hay trừu tượng hơn là Gotham.
- Hết phim, tuyến chính diện “save the day”, và mang đến happy ending? CŨNG KHÔNG. Batman phải nhận mình là kẻ đã giết Ủy viên Công tố quận Harvey Dent (Two-Face), và rời khỏi Gotham.
- Tuyến phản diện bị tiêu diệt? KHÔNG NỐT. Joker không rõ tung tích. Harvey Dent (Two-Face) dù bị tiêu diệt, nhưng lại trở thành biểu tượng của hi vọng tại Gotham.
- The Dark Knight (2008) còn đề cập đến rất nhiều vấn đề nằm ở vùng xám của đạo đức. Nhà làm phim không đưa một câu trả lời rõ ràng nào cho các câu hỏi thuộc phạm trù này trong suốt chiều dài phim. Cái này ai mà xem The Dark Knight rồi sẽ hiểu, hị hị.
The Dark Knight (2008)
The Dark Knight (2008)
​“THE GOOD ALWAYS WINS. SOMETIMES THEY LOSE. BUT ARE THEY GOOD?”
Do đây là giai đoạn phức tạp nhất trong một dòng phim, nên mình sẽ bàn luận thêm một chút. Ngoại trừ The Dark Knight (2008), thì một vài tác phẩm tiêu biểu khác thuộc revisionist stage còn có thể kể đến Watchmen (2009) hay Captain America: The Winter Soldier (2014). Đây là những bộ phim mà phần lớn người hâm mộ Điện ảnh sẽ coi là kiểu phim “dark dark bruh bruh”, mang nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu xa gì đấy. Mà cũng đúng, bởi từ việc thách thức các nguyên mẫu và giá trị truyền thống như thế, mà các phim thuộc revisionist stage đặt ra rất nhiều câu hỏi: chẳng hạn như bản chất của siêu anh hùng, giới hạn của họ trong việc trừng trị tội phạm, hay những lằn ranh về đạo đức mà họ không được vượt qua. Tương tự là với tuyến phản diện. Liệu một nhân vật phản diện với mục đích cao cả (Ozymandias hay Thanos), có thể được tha thứ, và trở nên “con người” hơn, bớt đi sự tàn ác hay không? Câu hỏi trọng tâm mà các bộ phim Siêu anh hùng thuộc revisionist stage đặt ra, đó là đâu mới thực sự là người tốt, và đâu mới thực sự là kẻ xấu trong câu chuyện.
4. Parodic stage: nghe tên là đã biết có mùi buồn cười rồi. Sau revisionist stage, thì một thể loại phim sẽ tiến hóa đến độ, mà nó không còn nghi ngờ hay thách thức genre conventions nữa, mà cười thẳng mặt luôn =)))))))))))))))) Giờ thì các tiêu chuẩn làm nên dòng phim đó: như yếu tố cốt truyện, chủ đề, thông điệp, đặc trưng kĩ thuật, hay biểu tượng - hoặc là sẽ được giữ nguyên và “hài hước hóa”, hoặc là sẽ được “nghịch đảo” 180 độ nhằm tạo bất ngờ cho người xem. Cái này thì lấy dòng phim Kinh dị, với franchise Scary Movie là dễ hiểu nhất (parodying genre conventions).
Ở thể loại Siêu anh hùng, thì cả nhà có thể nghĩ ngay đến Deadpool, hoặc TV series nổi tiếng của Amazon, The Boys. Cả hai tác phẩm này có một đặc điểm chung, đó là chúng đều chế giễu các nguyên mẫu, và giá trị truyền thống của dòng phim Siêu anh hùng. Deadpool trước nhé. Đời thuở nhà ai mà nhân vật chính diện giết người như ngóe, phá vỡ bức tường thứ tư (breaking the fourth wall), rồi xử luôn phe phản diện không chớp mắt vào cuối phim vậy? Rồi The Boys, một show đi ngược lại hầu hết những thứ mà chúng ta từng biết về dòng phim Siêu anh hùng. Homelander aka. Superman bản tóc vàng, cũng giết người như ngóe, và chịu sự quản lí của tập đoàn Vought như các KOLs thích đực à nhầm đích thực (cùng với nhiều siêu anh hùng khác trong The Seven). A-Train - siêu anh hùng có ngoại hình không khác gì Captain America bản Châu Phi, nhưng lại sở hữu năng lực như The Flash của DC, và chơi thuốc thay cơm qua ngày. The Seven (vốn nhái lại từ Justice League) thì hóa ra là một công ty truyền thông dưới vỏ bọc của một đội nhóm siêu anh hùng. Về mặt chủ đề, Deadpool hay The Boys vẫn là những câu chuyện giữa cái thiện và cái ác. Thế nhưng, điểm đặc biệt của chúng đó là sự “móc máy” đầy khéo léo, hoặc bẩn bựa và thô tục với dòng phim Siêu anh hùng truyền thống.
Điểm khác biệt giữa parodic stage và revisionist stage, đó là parodic stage chú trọng vào việc chế giễu genre conventions, trong khi revisionist stage tập trung vào việc nghi ngờ và thách thức chúng.
The Boys (2019 - hiện tại)
The Boys (2019 - hiện tại)
“F*CK CONVENTIONS.”
5. Extensive stage: cuối cùng là extensive stage. Đây là “cảnh giới” cao nhất của một dòng phim, khi nó tập hợp tất cả các đặc điểm từ các giai đoạn trước đó, cũng như vay mượn thêm đặc điểm từ các dòng phim khác. Cứ tưởng tượng, extensive stage không còn là một đứa trẻ nữa, mà là một người trưởng thành, với tư duy và bộ kĩ năng được hoàn thiện tối đa. Chính vì như thế, nên các bộ phim thuộc extensive stage có thể xuất hiện dưới vô số hình thù, được kể với vô số cấu trúc, và đề cập đến vô số câu chuyện khác nhau. Dòng chảy của thể loại Siêu anh hùng mới chỉ dừng lại ở parodic stage, và (theo ý kiến chủ quan của mình) chưa có một bộ phim nào có thể chạm đến cảnh giới cao nhất này một cách tròn trịa. Tuy vậy, nếu như nhìn ở một góc nhìn ít khắt khe hơn, thì chúng ta có thể liệt kê không ít những bộ phim "hòm hòm" chạm đến cảnh giới extensive stage: từ The Dark Knight, Joker, cho đến Everything Everywhere All at Once.

LIỆU KHÁN GIẢ ĐÃ CHÁN PHIM SIÊU ANH HÙNG?

Mình đã từng đề cập đến câu hỏi này trong một status cách đây tầm nửa năm trên page cá nhân. Lướt qua các trang mạng xã hội, thì rất nhiều quan điểm cho rằng, giờ khán giả đã chán ngấy với dòng phim Siêu anh hùng. Tuy nhiên, với mình thì điều này chưa thực sự đúng. Khán giả chán dòng phim Siêu anh hùng, nhưng là các phim thuộc classical stage mà thôi. Bằng chứng, là các tác phẩm thuộc revisionist stage hay parodic stage như The Boys, Doom Patrol, Invincible, vv. vẫn đang được đón nhận nồng nhiệt bởi một lượng đông đảo khán giả. Ngược lại, hai gã khổng lồ là Marvel và DC có vẻ lại đi lùi so với xu thế, và chọn một cách tiếp cận an toàn với các bộ phim ra rạp gần đây. Tất nhiên, đây không phải là một nước đi không có cơ sở, miễn sao là họ duy trì được chất lượng của từng tác phẩm (điều mà Marvel đang làm như loz vậy, nếu loại trừ Guardians of the Galaxy Vol. 3 ra).
Nhìn ở góc độ chủ quan, thì có lẽ các bộ phim thuộc revisionist stage và parodic stage sẽ còn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ Điện ảnh một thời gian nữa (từ năm đến bảy năm); trước khi thị trường yêu cầu một dạng nội dung mới, cao cấp hơn.
Nếu đã đọc đến dòng này thì, well, thank you all. Thực tế, tìm hiểu về mấy cái này cũng khá...dở hơi, bởi sẽ chẳng ai đánh giá độ "tinh thông" của bạn về Điện ảnh qua mớ kiến thức toàn chữ ở trên cả. Tuy vậy, với những bạn muốn có một góc nhìn thú vị hơn về Điện ảnh nói chung, hay dòng phim Siêu anh hùng nói riêng, thì đây là một điểm khởi đầu.
Biết cơ bản cũng đâu có mất gì ^.^