Đây là những gì mình ghi chép lại sau khi đọc "Thế gian này nếu chẳng còn mèo" của tác giả Genki Kawamura.
Dạo này mình đang nghe Podcast Bít Tất của Vietcetera, vừa mới tối qua thôi mình đã nghe “Chết có phải là hết”, về việc bình thường hoá việc nói về cái chết. Đồng thời mình cũng đang đi đến những trang cuối cùng của cuốn “Thế gian này nếu chẳng còn mèo”, cũng là một góc nhìn mới về cái chết (chẳng hiểu vũ trụ đang mách bảo điều gì khi vô tình những nội dung về cái chết lại cứ hiện lên xung quanh mình).
“Thế gian này nếu chẳng còn mèo” là câu chuyện kể về một chàng bưu tá tầm 30 tuổi, đang sống một cuộc sống bình yên thì nhận được kết quả chuẩn đoán ung thư, bất ngờ hơn nữa là chỉ trong ngày mai anh ấy sẽ chết. Nhưng nếu nam chính chết nhanh như thế thì đã chẳng có câu chuyện này. Ác quỷ (có nhân dạng giống anh ấy chứ không phải kiểu ác quỷ mặc đồ đen với hai sừng đỏ và cây đinh ba đâu) hiện lên và làm một cuộc trao đổi với anh ấy, mỗi một thứ trên cuộc đời này mất đi thì bù lại anh ấy sẽ được sống thêm một ngày nữa. Thế là lần lượt là điện thoại, đồng hồ được mang ra để trao đổi. Nhưng đến khi đối tượng trao đổi là con mèo thì diễn biến trở nên phức tạp hơn. Là một người đọc có đạo đức, mình sẽ dừng lại ở đây nếu không sẽ biến thành spoil mất.
Phim điện ảnh dựa trên tiểu thuyết này cũng được chiếu vào 2016 rồi này!
Ý nghĩa câu chuyện nằm ở quãng thời gian trước và sau cuộc đổi chác, ý nghĩa của đồng hồ, điện thoại và xa hơn là câu chuyện về cuộc đời anh, về những người xung quanh anh dần dần hiện ra. Khách quan mà nói, qua những lần đổi chác, dường như anh chàng đã làm hoà với cuộc đời, gạt bỏ được những mâu thuẫn và sự day dứt trong các mối quan hệ tồn tại bấy lâu nay. Kiểu dẫn dắt này đối với mình thật sự đỉnh, vì chỉ từ những vật vô tri mà khai thác được cả diễn biến tâm lý và sự thay đổi của cả một con người.
“Thế gian này nếu chẳng còn mèo” nhắc nhở mình phải trân trọng những người trước mắt, một điều dĩ nhiên nhưng thường bị mình quên lãng. Mình nghĩ nhiều người đều như vậy, nghĩ rằng những người yêu thương mình đương nhiên sẽ chẳng rời xa mình, giống như đoạn trích dẫn này:
“Vì là người trong một gia đình nên chúng ta cảm thấy việc đối phương ở đó là lẽ đương nhiên, và cũng luôn tin tưởng rằng mọi thứ sẽ mãi yên ổn và suôn sẻ như thế. Vì nghĩ vậy mà chúng ta không lắng nghe câu chuyện của nhau, liên tục áp đặt chính kiến của bản thân lên người khác. Nhưng chúng ta sai rồi.”
Thế nên hãy lắng nghe, yêu thương và tin tưởng người đối diện, ít nhất là để bản thân không phải hổi hận khi họ rời xa chúng ta.
Lúc mình nghe podcast Chị Miêu Cao (Bít Tất Podcast “Chết có phải là hết?”) có trích dẫn một đoạn trong cuốn “When the breath becomes air”: “Cuộc sống tốt là một cuộc sống mà ta sẽ rất buồn khi phải chia tay”. Nếu như mình là người đối diện với cái chết như nam chính thì chắc sẽ nuối tiếc và buồn nhiều lắm. Ban đầu mình nghĩ, buồn thì chưa chắc là ta đã sống tốt, có thể do người ta không muốn rời xa người thân thì sao. Nhưng sau đó phản tư lại một hồi để hiểu kỹ hơn câu nói này thì mới thấy đúng đắn. Nó giống như câu: “Khi bạn chào đời, bạn khóc còn mọi người cười. Hãy sống sao cho khi bạn chết đi, mọi người khóc còn bạn thì mỉm cười” (đại khái thế trích dẫn theo trí nhớ nên có chỗ hơi lủng củng:()
Nhưng mà lo lắng làm gì đâu, hãy cứ sống và yêu thương hết mình. Tranh thủ một lần sống, hãy sống cho đáng mặt con người xem nào!
“Tình yêu rồi sẽ chết. Vậy mà chúng ta vẫn cứ yêu, dẫu biết nhạt phai là khó tránh. Cuộc đời này cũng thế. Hiểu rất rõ rằng một ngày kia sinh mệnh phải chấm dứt, nhưng con người vẫn phấn đấu sống tiếp. Giống như sự tồn tại của ái tình, dù một mai lụi tàn, nhưng vẫn lưu lại nơi sinh mệnh một vầng sáng lấp lánh.”