THE CO-DEPENDENCY MYTH - Hay những nhầm tưởng về lệ thuộc cảm xúc
Liệu bạn có quá lệ thuộc vào nửa kia trong tình yêu?
"Hạnh phúc phải đến từ chính bạn."
"Không ai ngoài kia phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn."
"Nếu bạn cần người kia để cảm thấy ổn, bạn đang bị phụ thuộc thái quá."
"Nếu bạn đau lòng vì một mối quan hệ, đó là bởi bạn chưa yêu bản thân đủ. Hãy quay về học cách yêu mình."
Bạn có thấy những câu nói trên quen thuộc? Bạn có từng giận dữ hay thất vọng với bản thân mình vì không làm được như những lời khuyên đó? Bạn có từng băn khoăn nếu chúng đúng? Và đúng thì đúng đến đâu?
Mời bạn đọc bài viết để có câu trả lời.
CÂU CHUYỆN MỞ ĐẦU
Chia sẻ từ M, 27 tuổi.
“Mình quen T hết sức tình cờ trong một chuyến du lịch. T có tất cả mọi thứ mình tìm kiếm ở nửa kia hoàn hảo - công việc tốt, chiều cao lý tưởng, đi đây đó nhiều. Chúng mình nói chuyện cực kì hợp gu. Thậm chí T còn chủ động mời mình đi ăn tối cùng đám bạn T đang đi du lịch cùng. Mình thật sự lập tức “cảm nắng” T.
Nhìn lại thì ngay từ lúc đầu hẹn hò đã đầy rẫy “cờ đỏ” (red flags) nhưng mình bỏ qua. Buổi hẹn hò chính thức đầu tiên, T đã hủy hẹn, giải thích do có buổi happy hour sau giờ làm uống hơi quá chén nên mệt không đến được. Nhưng T xin lỗi mình rất chân thành và lập tức sắp xếp buổi gặp bù ngay hôm sau nên mình cũng không nghĩ nhiều. Thật sự đã có những lúc mình cực kì hạnh phúc. T hài hước và làm mình cười ngay cả khi mình đang có một ngày rất tệ. Chúng mình cũng chia sẻ nhiều quan điểm chung về cuộc sống. Lúc đó mình đã nghĩ mình tìm được người ấy rồi và hy vọng mối quan hệ sẽ cứ thể đi lên.
Nhưng không.
Mọi chuyện dường như chỉ có thể tiến triển đến mức ấy. Sau đó là liên tiếp những trắc trở. Đầu tiên là mình nhận ra T không hề có chút hứng thú hay quan tâm nào về cảm xúc của mình. Chúng mình có thể nói chuyện trên trời dưới biển, chính trị - xã hội, cãi nhau về bầu cử tổng thống. T luôn sẵn lòng tham gia những cuộc trò chuyện đó. Thế nhưng, khi nói là về việc mình cảm thấy tụt mood hay thất vọng với cuộc sống, T sẽ chẳng có vẻ gì thực sự quan tâm. Khi mình mang chuyện này ra nói, T bảo mình rằng công việc của bạn ấy đã đủ bận và stress để có thể gánh thêm những gánh nặng đó và nói rằng mình phải tự chịu trách nhiệm về việc mình thấy ra sao chứ đừng dựa vào bạn ấy. Mình im lặng. Điều T nói cũng không sai. Chắc mình đang quá vồ vập. Hay mình đang đẩy nó đi quá nhanh so với T? Mình phải chậm lại. Mình ra sức điều chỉnh mình vì T. Mình trở thành mẫu bạn gái hoàn hảo. Luôn vui vẻ và phấn khích với bất kì ý tưởng nào T đưa ra và không đòi hỏi bất kì điều gì ngược lại. Mình gắng thể hiện mình ổn. Dẫu rằng bên trong mình gào thét mình cần nhiều hơn thế, bên ngoài mình tỏ ra mình có thể chơi cuộc chơi này. Mình xem không biết bao nhiêu bài talks hay vids về lệ thuộc cảm xúc (co-dependency) và tự nói với mình mình đang làm đúng. Mình không phụ thuộc. Mình có thể tự đem lại sự đủ đầy cho chính mình. Nếu chỉ cần mình làm được vậy, mọi chuyện sẽ ổn.
Điều đó không bao giờ đến.
Mình tiếp tục bị giật dây như con rối. Càng nhiều hơn những lời hứa không thành, càng nhiều hơn những kế hoạch thay đổi phút chót. Khi mình phản kháng, những cuộc trò chuyện cũng chẳng đi đến đâu vì luôn là lỗi của công việc, hoàn cảnh. Mình hoàn toàn bất lực. Mình không biết phải làm gì với T hay mối quan hệ này. Đám bạn mình cũng thấy T ảnh hưởng tiêu cực đến mình ra sao nên luôn khuyên mình bỏ T đi. Thế nhưng khi mình nói cần khoảng thời gian xem lại mối quan hệ, T sẽ chủ động làm lành rồi dỗ dành mình quay lại.Cú giáng thực sự chỉ đến khi, trong một lần cãi vã, T tiết lộ việc đã có lần ngủ với người khác trong một đợt đi công tác. Mình shocked. Nhưng mình cũng túm lấy lý do đó như một chiếc phao cứu sinh bởi đó là thứ duy nhất cho mình động lực rời khỏi mối quan hệ này. Mặc cho T xin lỗi, giải thích rằng chuyện đó chỉ đơn thuần là sex và người đó chẳng có ý nghĩa gì với T, mình chia tay, block T. Mình khóc nhiều ngày trời và vẫn đang khốn khổ tìm lại bản thân mình sau mối quan hệ đó. Mình vẫn chưa thực sự hiểu chuyện gì đã xảy ra và vì sao lại như vậy. Mình đã làm sai ở đâu? Tại sao T đối xử như vậy với mình? Những gì mình có với T liệu có phải tình yêu hay thứ gì đó khác? Mình quay cuồng với muôn vàn câu hỏi. Mình muốn có câu trả lời để lấy lại sự bình yên cho mình.”
THE CO-DEPENDENCY MYTH
Khắp nơi bạn được nghe những lời khuyên rằng: hạnh phúc phải đến từ chính bạn. Bạn không nên phụ thuộc vào người kia. Họ không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn, và ngược lại, bạn cũng không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ. Bạn cũng không nên để mình bị ảnh hưởng bởi người kia. Nếu người kia hành xử theo cách khiến bạn bất an, bạn vẫn cần điềm nhiên, “quay về với chính mình”, bình thản trước mọi biến cố. Và nếu bạn không làm được như vậy, đó là lỗi ở bạn. Đó là bởi bạn bị phụ thuộc quá mức hay “codependent” với người kia. Bạn cần phải tự xem lại mình và đặt ra các giới hạn cho bản thân để không “dựa dẫm quá mức” vào họ.
Một mối quan hệ lý tưởng, theo quan điểm này, là mối quan hệ giữa hai người hoàn toàn độc lập (independent) và tự lực (self-sufficient). Họ không cần đến nhau (không lệ thuộc) nhưng chọn ở lại cùng nhau. Việc một người trong mối quan hệ cần đến người kia là một dấu hiệu xấu báo hiệu sự lệ thuộc mà hệ quả kéo theo là một mối quan hệ không lành mạnh.
Câu hỏi đặt ra: liệu quan điểm này có hoàn toàn đúng? Liệu có "góc khuất" nào khác mà góc nhìn này không chạm tới?
SỰ THẬT: GẮN BÓ LÀ BẢN NĂNG
Vào năm 2006, TS. James Coan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thần kinh học về cảm xúc tại Đại học Virginia thực hiện một nghiên cứu về mối quan hệ giữa mức độ gần gũi của các cặp đôi với khả năng điều hòa cảm xúc trên các khách thể là các phụ nữ đã kết hôn [1]. Bằng cách tạo ra một tình huống gây căng thẳng cao - báo với khách thể họ sẽ bị sốc điện nhẹ, các nhà nghiên cứu muốn đánh giá mức độ của phản ứng căng thẳng ở ba nhóm khách thể với ba điều kiện khác nhau: (1) một mình chờ đợi bị sốc điện, (2) được nắm tay người khác, nhưng là một người xa lạ, và (3) nắm tay chồng của mình. Mức độ phản ứng căng thẳng sẽ được thể hiện qua mức độ sáng lên của vùng dưới đồi (hypothalamus) - trung khu của phản ứng lo âu và sợ hãi, và được ghi nhận lại bằng công nghệ scan não bộ MRI.
Kết quả cho thấy nhóm chờ sốc điện một mình có vùng dưới đồi sáng nhất. Nhóm được nắm tay người lạ ghi nhận giảm mức độ sáng ở vùng dưới đồi. Đặc biệt nhất là ở nhóm được nắm tay chồng của mình, có sự giảm rõ rệt hoạt động ở vùng dưới đồi, đến mức gần như không phát hiện được. Đáng chú ý hơn, ở những phụ nữ ghi nhận mức độ giảm nhiều nhất cũng là những người cho biết họ có mức độ hài lòng cao nhất trong hôn nhân!
Cũng từ nghiên cứu này, chúng ta thấy được ý nghĩa sâu xa hơn về gắn bó. Khi hai người ở trong mối quan hệ tình cảm, họ không còn là hai cá thể hoàn toàn độc lập. Trên thực tế, họ có khả năng ảnh hưởng và điều hòa cảm xúc lẫn nhau. Mức độ hiện diện và gắn bó giữa hai người có thể tác động đến cơ chế của phản ứng căng thẳng ở người kia. Với kết quả này liệu chúng ta có thể kì vọng một mối quan hệ mà cả hai hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì từ nhau trong khi rõ ràng người kia có khả năng tác động đến ngay cả những phản ứng sinh học cốt lõi nhất của chúng ta?
Nghiên cứu của Coan không phải là duy nhất. Hàng loạt các nghiên cứu khác cũng chỉ ra khi chúng ta gắn bó với ai đó, đó không chỉ là về cảm xúc mà về mặt sinh học, chúng ta cũng kết nối chặt chẽ với nhau. Nửa kia có khả năng tác động đến huyết áp, nhịp tim, nồng độ hóc-môn trong cơ thể chúng ta. Những nghiên cứu của Brian Baker [2], nhà tâm thần học tại Đại học Toronto cho thấy nếu bạn có huyết áp cao, một mối quan hệ viên mãn có thể giúp điều tiết huyết áp của bạn về mức khỏe mạnh. Ngược lại, nếu bạn ở trong một mối quan hệ không viên mãn, nội việc ở gần họ cũng khiến huyết áp của bạn sẽ tăng cao! Điều này cũng có nghĩa nếu bạn ở trong một mối quan hệ mà nhu cầu gắn bó của bạn không được đáp ứng, bạn sẽ trong trạng thái căng thẳng và bất an thường trực. Hệ quả tất nhiên không chỉ là sự đau khổ về tinh thần mà cả những rủi ro tăng cao về sức khỏe thể chất.
Từ góc độ của tâm lý học, những nghiên cứu của Hazan và Shaver (1987) [3] cũng chỉ ra người trưởng thành tiếp tục tìm kiếm sự gắn bó trong mối quan hệ tình cảm. Tương tự như ở trẻ nhỏ, khi nhu cầu gắn bó không được đáp ứng, người trưởng thành cũng có xu hướng đấu tranh đòi hỏi cho đến khi họ có được nó.
Với tất cả những bằng chứng khoa học trên đây, có thể nói, hai người trong mối quan hệ tình cảm kết nối với nhau sâu sắc và đều phụ thuộc lẫn nhau ở một mức độ nào đó. Đây không phải một khả năng hay một lựa chọn mà là một điều tất yếu. Tất nhiên phong trào chống lại sự lệ thuộc trong chuyện tình cảm vẫn có ý nghĩa to lớn. Nó khuyến khích việc tự khám phá bản thân và tiếp động lực để cá nhân tự hoàn thiện mình. Thế nhưng, nếu không kết hợp với những hiểu biết khoa học về gắn bó, quan điểm này có thể gây hiểu nhầm, thậm chí “lợi bất cập hại” như trong câu chuyện mở đầu của M.
CÂU CHUYỆN CỦA M TỪ GÓC NHÌN CỦA THUYẾT GẮN BÓ
Dưới lăng kính của thuyết gắn bó, nhu cầu được cảm thông và nâng đỡ bởi người kia của M hoàn toàn không có gì sai. Tình yêu cũng đồng nghĩa với việc hai người trở nên gắn bó (getting attached) với nhau. Và như đã tìm hiểu qua những bằng chứng khoa học trên đây, trở nên gắn bó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta muốn và cần được ở bên họ, được họ hỗ trợ và vỗ về, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Nếu M đã được biết về khoa học của gắn bó, M có lẽ đã không phải vác theo gánh nặng của việc phải tự phủ nhận những nhu cầu tình cảm chính đáng của mình hay cảm giác tội lỗi và bất lực vì mình quá lệ thuộc. Có thể M đã nhận ra M và T đơn giản không dành cho nhau.
Đó là bởi T có gắn bó né tránh. Còn M có gắn bó lo âu.
Giải thích một cách đơn giản nhất. M và T không cùng chung “ngôn ngữ tình yêu”. Trong khi người có gắn bó lo âu luôn mong muốn được trở nên gần gũi hơn thì người có gắn bó né tránh lại cần giữ một khoảng cách nhất định để cảm thấy an toàn trong mối quan hệ. Điều đó có nghĩa mỗi khi M tiến lên một bước, T sẽ lùi lại một bước. Đó là lý do T không muốn chia sẻ cảm xúc với M và cũng từ chối tham gia vào những nỗ lực của M để giải quyết vấn đề giữa họ. Cả hai điều đó đều đồng nghĩa với sự gần gũi hơn mức mà T có thể chấp nhận được.
Đáng tiếc rằng, hành động giữ khoảng cách, điều đem lại sự an toàn và hài lòng cho T trong mối quan hệ, lại đem lại đau khổ cho M bởi đó là sự từ chối thẳng thừng nhu cầu được gắn kết sâu sắc hơn. Đến đây, nếu bạn nắm vững thuyết gắn bó bạn sẽ đoán được, M sẽ không thể chỉ đơn giản rời bỏ T (nhớ đến thí nghiệm của Coan và Baker về kết nối sâu sắc cả trên phương diện tâm lý và sinh học của gắn bó!) M sẽ ở lại và nỗ lực kéo T lại gần hơn. Mà như đã phân tích ở trên, M càng kéo T sẽ càng rời xa.
Hẳn khi đọc đến đoạn này sẽ có bạn tự hỏi “vậy chẳng phải M đang trở nên lệ thuộc (co-dependent) vào T đây sao? Vậy co-dependency thực sự tồn tại đó chứ?” Câu trả lời của Carota là M chỉ bị T chi phối nhiều như vậy bởi nhu cầu gắn bó của M đã không được đáp ứng. Nếu M đã gặp ai đó có gắn bó an toàn, người đáp ứng nhu cầu được gần gũi và nâng đỡ của M mà không cần M phải tranh đấu, M chắc chắn đã không phải chạy theo họ như cách M chạy theo T. Như cách nói của hai tác giả Levine và Heller [5]: hai người chỉ có thể tự do khi mỗi người trong họ biết chắc người kia sẽ luôn ở đó cho mình.
Như vậy, nhu cầu được gắn bó, được dựa vào người kia của M chưa bao giờ là sai. Chỉ có quan điểm cho rằng nhu cầu đó là sai mới là thứ khiến M càng đau khổ và mắc kẹt lâu hơn trong mối quan hệ không lành mạnh với T. Đáng tiếc rằng quan điểm này đang được truyền bá đại trà và vô tình “kết tội” người có gắn lo âu vì chính những nhu cầu chính đáng của họ trong khi cung cấp một lời biện mình quá dễ dàng cho người có gắn bó né tránh để tiếp tục từ chối phần trách nhiệm của họ trong một mối quan hệ.
Nếu bạn có gắn bó lo âu và muốn tìm hiểu cách để hạn chế “vướng phải” những người có gắn bó né tránh, mời bạn bấm “theo dõi” trang Carota để chờ đọc bài viết tiếp theo về chủ đề này nhé!Nếu bạn có gắn bó né tránh, mục đích của Carota không phải để “tấn công” bạn. Nhưng bạn cần được biết cách thức mình hành xử trong mối quan hệ có thể gây tổn thương cho người kia ra sao và nhận trách nhiệm cùng vun đắp cho mối quan hệ nếu bạn muốn nó. Bài viết tiếp theo của Carota cũng sẽ đưa ra những gợi ý để bạn bắt đầu điều chỉnh để trở nên lành mạnh hơn trong mối quan hệ.
----------
Bài viết tham khảo nội dung và quan điểm của hai tác giả Amir Levine M.D. và Rachel Heller M.A trong cuốn Attached: The New Science of Adult Attachment and How It Can Help You Find and Keep Love, nhà xuất bản Penguin Group, 2010.
Nguồn tham khảo:
[1] Coan, J. A., H. S. Schaefer, and R. J. Davidson. “Lending a Hand: Social Regulation of the Neural Response to Threat.” Psychological Science 17, no. 12 (2006): 1032–39.
[2] Baker, B., J. P. Szalai, M. Paquette, and S. Tobe. “Marital Support, Spousal Contact, and the Course of Mild Hypertension.” Journal of Psychosomatic Research 55, no. 3 (September 2003): 229–33.
[3] Hazan C, Shaver PR. Romantic love conceptualized as an attachment process. J Pers Soc Psychol 1987;52:511-24
[4] Levine A. M.D, Heller R. M.A, Attached: The New Science of Adult Attachment and How It Can Help You Find and Keep Love, Penguin Group, 2010.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất