Nhân dịp đức Phật về Thành Ca Tỳ La Vệ giáo hóa hay tin công chúa Da Du Đà La mới bảo con mình đến gặp Phật xin chia gia tài, Phật mới nói rằng ta bây giờ không còn nắm giữ tài sản thế gian, chỉ có tài sản của bậc Thánh, nếu con muốn ta sẽ chia cho con? La Hầu La nghe Phật nói liền chấp nhận và sau đó phát tâm xuất gia tu theo Phật. Các bạn biết gia tài tâm linh đó là gì không?

Gia tài tâm linh đó là bảy gia tài bậc Thánh:Tín, giới, tàm, quý, văn, huệ, thí, bảy thứ này nếu chúng ta biết cách tiếp nhận thì sẽ làm chủ bản thân mà sống đời an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.
1. Tín ở đây là lòng tin, trước tiên là phải tin sâu nhân quả, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu đau khổ. Chính ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, chứ không có một đấng thần linh thượng đế nào có quyền ban phước giáng họa.
Đối với người Phật tử, niềm tin chân chính nhất là tin vào Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đầu tiên là tin Phật. Chúng ta tin Phật vì Ngài là bậc có đầy đủ phước đức và trí tuệ. Lúc mới sinh ra, Ngài đã có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Còn chúng ta kiếm được một tướng tốt cũng khó. Không những thế, Ngài còn sinh ra trong gia đình vua chúa, địa vị tột đỉnh, hưởng thụ mọi điều sung sướng trong cuộc đời này. Rõ ràng, đức Phật là người có nhiều phước đức.
Nhờ có niềm tin vào Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng, chúng ta mới nỗ lực tu tập, tạo được nhiều phước đức và công đức, dần đi đến thoát khổ hoàn toàn, thành tựu Phật quả. Đó là tín tài, tức tài sản có được nhờ niềm tin.

2. Giới giúp cho chúng ta ngăn ngừa việc xấu ác không rơi vào hố sâu của tội lỗi, giới như con đường sáng phá tan si mê, tối tăm mờ mịt:
Bậc Thánh hay người Phật tử còn phàm phu cũng thọ trì và thực hành các học giới ( có thể là Năm giới, Tám giới, Mười giới hay giới của Tỷ kheo ) nhưng bậc Thánh thọ trì và thực hành các học giới với Trí tuệ tức với hiểu biết : sự thực hành giới là tạo duyên cho Chánh Niệm khởi lên và khi Chánh Niệm khởi lên thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên theo định luật Duyên Khởi. Và chỉ lộ trình tâm Bát Chánh Đạo mới đoạn trừ tham, đoạn trừ sân, đoạn trừ si. Bậc Thánh thực hành các học giới với mục đích đoạn trừ Tham Sân Si. Kẽ phàm phu tuy cũng thực hành các học giới nhưng với mục đich để có được mạnh khoẻ, sống lâu, vô bệnh, để được giàu có, thành đạt, danh tiếng, để sau khi chết được sinh cõi trời, để không bị đoạ địa ngục ... hoặc thực hành với sự chấp thủ giới và biến giới luật vốn là phương tiện để đoạn tận Tham, đoạn tận sân, đoạn tân si thành giới cấm thủ.
3. Tàm là biết hổ thẹn với chính mình khi làm điều sai quấy. Biết ăn năn hối lỗi tự biết xấu hổ với chính mình, thường tôn trọng danh dự cá nhân nên không bao giờ để tái phạm lại lỗi lầm xưa.
4. Quý là biết hổ thẹn với người nên cố gắng không làm điều xấu ác. Khi ta lỡ làm một điều gì lầm lỗi ta cảm thấy ăn năn, ta cảm thấy hối tiếc mà cố gắng tìm cách khắc phục sửa sai.
Người biết hổ thẹn xấu hổ với lỗi lầm, tức còn thấy mình sai nên cố gắng sửa sai do đó có cơ hội làm mới lại chính mình mà vươn lên vượt qua số phận tối tăm.
5. Văn là học rộng nghe nhiều mở mang kiến thức để sau này lớn lên phục vụ nhân loại mà thành tựu sự nghiệp thế gian. Cho nên chúng tôi có hai câu đối để tự răn nhắc chính mình nhiều hơn:
"Học mở rộng tầm nhìn kiến thức
Tu sửa tâm ngày một sáng trong".
6. Huệ là trí tuệ thấy biết đúng như thật nhờ có tu tập nên dễ dàng buông xả tâm tham đắm si mê hại người vật. Làm tất cả sáu điều trên mà không có trí huệ sáng soi thì không thể thành tựu viên mãn, bởi lòng tin mà không có trí huệ dễ trở thành mê tín, có phước mà không có huệ thì phiền não tham sân si còn hoài, phước là cái đóng góp bên ngoài, huệ là quán chiếu lại bên trong để thấy rõ thật tướng của các pháp là do nhân duyên theo nguyên lý: “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Nên ta phục vụ đóng góp làm việc mà không bị các dục lạc thế gian làm mê mờ.
7. Thí là tâm biết buông xả các phiền muộn khổ đau có tính cách hại người vậy, ngoài ra còn biết bố thí cúng dường cung kính hiếu dưỡng với ông bà cha mẹ, biết ơn thầy cô giáo và sẵn sàng chia vui sớt khổ khi gặp người hoạn nạn khó khăn.
Bố thí cúng dường giúp đỡ chia sẻ là mục đích đầu tiên Phật dạy chúng ta, là nhân dẫn đến sung mãn về tài sản tiền bạc vật chất dồi dào, nhờ vậy đời sống con người được ổn định mà có cơ hội tu tâm dưỡng tính. Do đó, 
"Phật dạy pháp bố thí
Để chuyển hóa nghèo khổ
Để dứt trừ tham si
Nhờ vậy nên dễ tu".
Khi chúng ta có được đời sống ổn định về vật chất nên đỡ phải bận bịu lo toan việc cơm áo gạo tiền, do đó có thời gian mà làm các việc hữu ích khác. Người nghèo khổ cuộc sống khó khăn thường làm cho họ hay oán trời trách đất, đổ thừa xã hội gia đình người thân nên không có điều kiện đóng góp phúc lợi xã hội.


Bảy thứ gia tài Thánh nếu chúng ta biết ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày, thì chúng ta sẽ giàu có và tràn đầy hạnh phúc, không một ai có thể cướp đi được. Đức Phật của chúng ta đã thừa hưởng gia tài đó, nên đã không còn luyến tiếc cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, và thần dân thiên hạ./.
Nguồn Sưu Tầm Internet