Tâm linh hay là sự yếu đuối về tâm lý?
Tôi có một người họ hàng, gọi là bà. Bà là em dượng của mẹ của mẹ tôi (bà ngoại tôi đó, không phải tôi gõ đúp...
Tôi có một người họ hàng, gọi là bà. Bà là em dượng của mẹ của mẹ tôi (bà ngoại tôi đó, không phải tôi gõ đúp "của mẹ" đâu). Từ bé tôi hay sang nhà bà chơi, nhà bà giàu lắm. Đầu óc non nớt của tôi không thể lý giải nổi tại sao bà suốt ngày ăn chơi ở nhà mà có thể nuôi cả người chồng cũng ăn chơi ở nhà và cho 2 đứa con bà ăn học được. Tôi chỉ để ý rằng nhà bà có cái bàn thờ rất to, và bà thì chăm cúng bái lắm.
Tâm linh là gì? Từ đâu mà ra?
Theo Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri và tinh thần. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người.
Tâm linh cũng được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do các thuật ngữ tiếng Anh spiritism (thông linh luận) hoặc spiritualism (duy linh luận), một quan niệm xem hồn người chết có thể liên lạc với người sống qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đó là giả thuyết cần bác bỏ. (Wikipedia)
Ta hiểu nôm na rằng, tâm linh là thứ trừu tượng, thuộc về trí tuệ con người. Nó xuất phát từ thời kỳ mông muội của con người ham muốn tìm hiểu nguồn gốc các hiện tượng xung quanh như gió, mưa, bão...
Cũng như các thuyết duy vật, duy tâm, những người tin vào tâm linh gọi là những người duy linh.
Người Việt Nam duy linh đến đâu?
Giờ giả sử nhé. Bạn là người đầu tiên ra chợ vào buổi sáng tinh sương. Bạn ghé vào một hàng nào đó, nhưng không mua thứ gì cả. Tôi dám cá là khi bạn vừa đi khỏi tầm mắt, việc đầu tiên người chủ hàng làm là lấy giấy ra đốt rồi bước vài bước qua nó.
Mỗi tháng 2 lần, cứ vào ngày rằm, mùng 1 theo âm lịch, chúng ta có thể thấy người người đi chùa, nhà nhà đi lễ. Đó là việc làm liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng cầu may mắn, an lành của người Việt.
Đó là 2 ví dụ tôi đưa ra về mức độ duy linh của người Việt. Ở đây tôi không bàn việc duy linh là tốt hay xấu, tôi chỉ bàn về việc duy linh thể hiện tâm lý người Việt như thế nào.
Những kẽ hở trong tâm linh của người Việt
Bạn có bao giờ đứng trước ngã rẽ mà chưa biết chọn lối đi như nào cho phù hợp? Vậy tôi khuyên bạn nên lấy đồng xu ra để tung sấp ngửa. Tin tôi đi, bạn tung đồng xu không phải vì bạn không biết mình nên chọn cái nào, mà bạn tung đồng xu vì muốn nó ra kết quả mà mình mong đợi.
Não bộ con người là một cỗ máy phức tạp. Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh được rằng tốc độ nơ ron thần kinh là nhanh hơn chúng ta tưởng. Con người đã có quyết định trong não đến 4 giây trước khi chúng ta nhận ra quyết định đó.
Điều đó liên quan gì đến tâm lý người Việt? Đúng vậy, họ quá coi trọng vào quyết định của một thực thể nào đó ở "trên kia" mà bỏ qua ý chí của bản thân mình. Ví dụ khi cúng bái, chúng ta hay có tục tung các đồng xu để xem các "vị" có "thuận" theo ý chúng ta không. Tất nhiên đừng bảo tôi là các bạn không muốn thuận nhé. Nhưng chúng ta vẫn làm điều đó. Và khi các "vị" đó không thuận thì sao? Người ta có thể hủy, hoãn, hoặc thậm chí là "xin ý" các vị đó lại đến khi nào các vị "thuận" thì thôi. Bạn nào học qua lớp 11 thì biết rõ môn xác xuất thống kê rồi chứ. Ta làm bài toán nho nhỏ nhé.
Tung 3 đồng xu, nếu 2 ngửa 1 sấp thì coi như là 1 "thuận", ngược lại là "không". Tung 3 lần như thế, 2 "thuận" là các "vị" đồng ý, còn không là "không". Xác suất 2 trong 3 đồng xu "ngửa" là (3C2)/6=1/2. Tung 3 lần như thế, xác suất để 2 lần "thuận" trong 3 cũng là (3C2)/6=1/2. Lấy 2 kết quả thu được nhân với nhau ta được 1/4 tức khoảng 25% là các "vị" "thuận".
Liệu một quyết định quan trọng có đáng để bị 3 phần bỏ, 1 phần làm như thế?
Hay tôi lấy ví dụ khác dễ hiểu hơn cho bạn nào không giỏi toán nhé. Trước khi cưới các bạn trẻ sẽ làm gì? Xem tuổi. Không hợp thì sao? Bỏ. Thật là... vô duyên. Hoặc nếu bạn qua cửa ải xem tuổi rồi, thì ngày cưới sẽ phải xem xét tiếp. Ngày lành tháng tốt để làm lễ cưới có thể thật là mưa, thật là gió. Hoặc nếu các bạn muốn chung vui cùng đại gia đình và họ hàng thì sao? Tôi ít khi thấy ngày tốt để làm đám cưới rơi và thứ bảy, chủ nhật. Nghĩa là người ta vẫn phải đi làm. Đám cưới sẽ diễn ra một là bỏ bê công việc nếu muốn làm đúng giờ tốt, hai là làm vội vàng vào buổi trưa, tối khi mọi người hối hả từ công việc đến đám cưới. Và cô dâu chú rể thì phờ phạc vì tiếp khách có khi đến xuyên đêm, làm hỏng cả "tân hôn" của họ!
Có đáng để một ngày trọng đại bớt vui vì nghiêm khắc giờ giấc như thế?
Hay như việc dân buôn bán thờ thần tài ấy nhỉ? Người viết thấy ai đi buôn bán cũng có bàn thờ nho nhỏ đặt tượng ông thần tài. Và hơn hết họ là những người chăm chỉ cúng bái nhất. Tôi thường nghĩ: "Nếu họ ai ai cũng "tích điểm đổi thưởng" như vậy, tại sao tất cả không giàu?". À sẽ có người bảo không có duyên, không tích đủ đức, tôi lại tự hỏi tiếp: "Vậy nếu mọi thứ đã an bài rồi thì còn cố làm gì?". Thật là một vòng xoay nhức não.
...Và còn nhiều vấn đề nữa, hi vọng các bạn hoàn thiện ở mục bình luận.
Kết luận
Người Việt có đức tin tâm linh rất mạnh. Tôi không phê phán cho rằng điều đó là xấu. Nhưng hãy trực giác hơn một chút, đừng cảm tính nữa, dù là bất kì điều gì, trong lĩnh vực nào. Tâm linh là một công cụ hỗ trợ giải tỏa chứ không phải là thuốc phiện để phụ thuộc. Chúng ta đã vận động được việc hạn chế đốt vàng mã thì tôi cũng mong rằng người trẻ chúng ta thay đổi được nhận thức. Đừng để tâm hồn yếu đuối ỷ lại vào những thứ chưa chứng minh được là có thật. Be yourself, Trust yourself.
...À quên, còn câu chuyện ở đầu nữa
Hóa ra bí mật của bà nằm trong cái két sắt trong phòng ngủ của bà. Nó chứa một tập hóa đơn đủ loại có sẵn con dấu. Tôi cũng không rõ bà tôi làm gì, nhưng có lẽ là liên quan đến làm giả thứ gì đó. Bà ấy đã bị công an tạm giữ điều tra, đó là lý do khiến tôi suy nghĩ về vấn đề này. Có lẽ việc chăm chỉ cúng bái cũng không khiến các "vị" thuận theo bà.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất