TẬP 2 “SENECA - NHỮNG BỨC THƯ ĐẠO ĐỨC” - ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG MẢNG MÀU TĂM TỐI CỦA CUỘC ĐỜI
Cuốn sách “Letter from a Stoic” với tựa đề Tiếng Việt mang tên “Seneca - Những bức thư đạo đức” là cuốn sách phù hợp với bạn đọc muốn...
I. Đôi dòng về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ trong “Seneca - Những bức thư đạo đức”
Cuốn sách “Letter from a Stoic” với tựa đề Tiếng Việt mang tên “Seneca - Những bức thư đạo đức” là cuốn sách phù hợp với bạn đọc muốn bắt đầu tìm hiểu về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ. Khác với các cuốn sách nổi tiếng cùng trường phái, “Những bức thư đạo đức” mang lại trải nghiệm gần gũi khi được trình bày dưới dạng những bức thư do chính triết gia Khắc Kỷ Lucius Seneca gửi cho người bạn Lucilius của ông. Phần mở đầu và kết thúc từng lá thư đều đưa ra những chiêm nghiệm của Seneca về một vấn đề cụ thể. Với phần nội dung, ông sẽ sử dụng các ví dụ xuất phát từ chính cuộc sống thường nhật để lập luận, chứng minh những đúc kết ở phần đầu và cuối thư. Trong nhiều bức thư, Seneca còn nhắc tới quan điểm của một số trường phái triết học khác. Từ đây, ông biện luận lại những quan điểm ấy từ tổng quát đến chi tiết, công nhận những mặt hợp lý và phủ nhận những mặt theo ông là chưa chính xác và tuân theo lẽ tự nhiên.
Nhìn chung, quan điểm của Seneca về trường phái Khắc Kỷ xoay quanh 4 phẩm chất: Trí tuệ (Wisdom), Chính trực (Integrity), Công bằng (Justice), và Lòng can đảm (Courage). Trong 124 bức thư, vị triết gia người Hy Lạp đưa tới bạn đọc tới nhiều chiêm nghiệm cao quý về việc tồn tại trên đời phải tìm ra đạo lý, tìm ra lòng can đảm để chống lại sự cám dỗ, tha hóa từ cuộc sống xung quanh. Sau tất cả, câu hỏi cuối cùng mà Seneca mong muốn những người theo trường phái Khắc Kỷ tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp?”
Để đạt mục tiêu này, Seneca từ nhà hiền triết thành một nhân vật truyền cảm hứng, có thể hướng dân và thúc đẩy người khác trở nên giống ông bằng tính nhân văn nhẹ nhàng và sự yên bình, gần gũi trong các bức thư.
Các chủ đề nổi bật được Seneca mang đến cho bạn đọc thông qua “Seneca - Những bức thư đạo đức”:
- Hóa giải nghịch cảnh và khổ đau hiện tại- Cách giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc mạnh (đặc biệt là giận dữ và đau buồn) - Làm thế nào để thanh thản đối mặt với cái chết, - Cách sử dụng của cải và cách mang lại lợi ích cho người khác.
II. “Seneca - Những bức thư đạo đức” tập 2: U ám nhưng đầy chiêm nghiệm
Vững vàng tinh thần của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, “Seneca - Những bức thư đạo đức” tập 2 bàn luận về những chủ đề mà không có ai khác ngoài tâm trí chúng ta chứ có thể đưa ra quyết định đúng đắn. So với tập đầu tiên, 64 bức thư trong tập 2 chạm tới những chủ đề tăm tối hơn khi nội dung nhiều bức thư chiêm nghiệm về chủ đề cái chết, về những sai lầm hay thói xấu của con người.
Một số bức thư nổi bật bàn luận về cái kết của cuộc đời, về sức mạnh của tâm trí hay phong cách sống mà “Seneca - Những bức thư đạo đức” tập 2 đề cập tới tiêu biểu như:
1. Bức thư số 77: Đối diện cái chết với lòng dũng cảm
“Một chuyến đi là dang dở nếu bạn dừng lại giữa đường, hoặc bất cứ nơi nào không phải đích đến của bạn; nhưng cuộc đời sẽ không bao giờ dang dở miễn là ta vẫn sống một cách ngay thẳng. Cuộc đời ấy trọn vẹn ở bất cứ nơi nào bạn dừng chân, miễn là bạn chọn kết thúc một cách tốt đẹp. .... Cuộc đời giống như một vở kịch: điều quan trọng không phải là vở diễn dài đến đâu, mà là diễn hay đến thế nào. Bạn dừng lại ở đâu cũng không quan trọng. Hãy dừng chân bất cứ nơi nào bạn muốn; chỉ cần nhớ tạo nên một hồi kết tốt đẹp.”
Bản thân Seneca đã không còn quá quan trọng việc được và mất trong cuộc sống mặc dù chính bản thân ông lại là người giàu có và quyền lực. Ông quan niệm số mệnh con người đã được sắp đặt, định đoạt bởi những quyền năng vĩ đại và vĩnh hằng. Vậy nên cái chết là quy luật bắt buộc. Không một sức mạnh nào có thể ngăn chặn hay thay đổi cái chết. Sao phải hơn thua, được mất khi tất cả đều đến với một kết thúc đã được định sẵn.
Thay vì khóc than hay ủ rũ về “cái kết” mà tất cả con người đều đã được ấn định. Chủ Nghĩa Khắc Kỷ nói chung và triết gia Seneca nói riêng mong muốn hướng tâm trí bạn tới hoàn cảnh khi đối diện với cái chết. Mọi cuộc đời tồn tại đều ngắn ngủi và ẩn chứa những luyến tiếc nhưng đừng để đó là rào cản để bạn sợ hãi, run rẩy khi bước tới đích đến cuối cùng của con người. Giã từ cõi đời với lòng dũng cảm và tiếp nhận nó với sự bình thản trong tâm hồn.
2. Bức thư số 98: Sức mạnh của tâm trí
“Tất cả những thứ vận mệnh ban tặng chỉ có thể mang đến sự thịnh vượng và niềm vui thích nếu những người sở hữu chúng nắm quyền kiểm soát bản thân chứ không bị mờ mắt trước chính khối tài sản của mình. …. Một tâm trí u mê khiến mọi thứ trở nên tồi tệ, ngay cả với những thứ ban đầu vốn rất tốt đẹp. Một tâm trí ngay thẳng và sáng suốt có thể hiệu chỉnh những sai lầm của vận mệnh, giảm thiểu sự khó khăn và gian khó bằng cách hiểu làm thế nào để chịu đựng chúng, đón nhận sự thịnh vượng với lòng biết ơn có chừng mực, đồng thời thể hiện sự vững vàng và kiên định khi đối mặt nghịch cảnh.”
Sức mạnh của tâm trí chính là thứ duy nhất có khả năng thay đổi nghịch cảnh. Ta có thể bị tước mất thứ mình “đang có” nhưng không bao giờ mất thứ “đã có”. Tâm trí mạnh mẽ lưu giữ những ý niệm, trải nghiệm mà một con người đã từng trải qua. Chìm đắm trong nuối tiếc, buồn rầu chỉ khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn, làm biến mất đi niềm hạnh phúc mà đáng lẽ ra tâm trí được tận hưởng.
Nhìn vào cuộc sống hiện đại, chúng ta phụ thuộc vào niềm vui và may mắn tới từ cuộc sống bên ngoài quá nhiều. Bạn mong muốn người khác tặng quà để được tận hưởng niềm vui, bạn may mắn vượt qua kỳ thì mặc dù không ôn luyện kiến thức... Seneca chia sẻ rằng những ai dựa dẫm vào may mắn thì họ chỉ có những niềm vui do tình cờ, và tất nhiên những điều tình cờ thì rất mong manh: “Chúng đến rồi cũng đi rất nhanh.” Thứ niềm vui khởi nguồn từ chính bản thân, xuất phát bên trong con người thì vững chãi và mạnh mẽ. Một tâm trí ổn định có thể phát triển và đồng hành với ta đến hết cuộc đời.
Những thứ tới từ bên ngoài chỉ là nhất thời, nội tại bên trong chúng ta mới là thứ ở lại mãi mãi.
3. Bức thư số 101: Cái chết bất ngờ
“Giờ đây bạn nên thừa nhận tự nhiên đã rất ưu ái con người khi khiến cái chết là điều không thể tránh khỏi. ….. Chúng ta cần hiểu giã từ cuộc sống vào thời điểm nào cũng như nhau, bởi sớm muộn gì bạn cũng ra đi. Điều quan trọng không phải bạn sống bao lâu mà là sống tốt như thế nào.”
Cũng như các bức thư khác về chủ đề cái chết trong tập 2, Seneca vẫn tiếp tục chiêm nghiệm về lòng dũng cảm khi đối mặt với điểm kết thúc của cuộc đời. Một trong số những lý do giúp bạn có được lòng can đảm xuất phát từ quan điểm bạn đã sống như thế nào trong suốt thời gian bạn tồn tại.
Việc chết già hay chết trẻ (vì bệnh tật, thảm họa,...) cũng chỉ là đối mặt với sự tàn lụi - thứ sẽ đến và bất cứ ai cũng phải đối mặt. Đó không phải là chông gai mà là bến bờ thực sự của cuộc đời. Không nên vì không muốn chết hay muốn kéo dài sự sống mà lựa chọn sống tiếp trong tủi nhục, không ngay thẳng. Cũng không nên vì luyến tiếc những gì đẹp đẽ đã xảy ra, những điều tốt đẹp đã thực hiện mà liên tục chối bỏ cái chết. Nếu phải đối diện với tử thần, hãy giữ cho tâm trí sự bình yên. Dù cách sống của bạn ra sao, đời người đã thực sự trọn vẹn, đã đến lúc rũ bỏ sự ham sống.
4. Bức thư số 105: Làm sao để tránh bị người khác hãm hại
“Hãy nghĩ đến những thứ khiến một người muốn làm thương tổn kẻ khác. Bạn sẽ chạm mặt chúng cả, ấy là: tham vọng, đố kỵ, thù ghét, sợ hãi, và coi thường. ….. Thứ hữu dụng nhất, nhìn chung, là giữ bình tĩnh, nói với người khác thật ít nhưng trò chuyện với bản thân thật nhiều.”
Seneca cho rằng 5 yếu tố “tham vọng”, “đố kỵ”, “thù ghét”, “sợ hãi”, và “coi thường” là nguyên nhân khiến cho con người hãm hại lẫn nhau.
- Nếu muốn tránh khỏi những kẻ tham vọng làm hại bạn, đừng sở hữu bất kỳ thứ gì có thể dấy lên sự thèm muốn. Lòng tham của con người chưa bao giờ có điểm dừng, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất cũng có thể khơi dậy lòng tham.
- Loại bỏ lòng đố kỵ bằng cách không gây chú ý, không khoe khoang và học được cách tận hưởng kín đáo.
- Sự thù ghét có thể đến hoặc xuất phát từ việc làm mất lòng ai đó và phương pháp đơn giản nhất bạn có thể tránh chuyện này là không khiêu khích ai. Cách hành xử hoà nhã sẽ như tấm khiên vững chắc bảo vệ bạn khỏi bất cứ điều xấu nào giữa con người và con người.
- Để tránh việc khiến người khác sợ hãi cần cư xử chừng mực trong mọi hoàn cảnh và có thái độ trầm ổn. Bên cạnh đó, những người khiến người khác sợ hãi thì chính bản thân họ cũng tràn đầy nỗi sợ: không ai từng gieo rắc sợ hãi cho kẻ khác mà có thể sống một cuộc đời vô lo.
- Kiềm tỏa sự coi thường trong khuôn khổ bằng cách chấp nhận, biến nó thành thứ ta chủ động gánh lấy, chứ không phải đáng nhận lấy.
III. Một vài cảm nhận cá nhân
Nhìn chung, “Seneca - Những bức thư đạo đức” tập 2 là sự hoàn thiện cho rất nhiều phương pháp rèn luyện tâm trí trước những vấn đề mà con người hiện đại đang vướng mắc trong cuộc sống. Nội dung một số bức thư có thể trừu tượng hơn nhưng Seneca không bao giờ kéo bạn đi quá xa khỏi các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Thực tại phũ phàng đang tồn tại trước mắt, lựa chọn rối loạn hay bình thản trước từng vấn đề là ở chính bản thân bạn. Và trên hết, Chủ Nghĩa Khắc Kỷ ở đây để giúp tâm trí con người rèn luyện, hình thành nên sự bình tĩnh khi khó khăn ập tới.
Cảm ơn đội ngũ Spiderum cùng dịch giả Andy Luong đã chuyển ngữ hoàn thiện bộ sách ý nghĩa này!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất