Barbara Corcoran - một nữ doanh nhân và diễn giả nổi tiếng người Mỹ đã từng nói rằng “Bạn không thể nào làm giả niềm đam mê của mình”. Đam mê trong cuộc sống là gì? Chúng ta liệu nhất thiết có cần phải “sắm” cho mình một (hoặc vài) đam mê để sống hay không? Liệu sống với đam mê thì sẽ trở thành người thành công hay sống không có đam mê sẽ là người thất bại? 
Đam mê có thực sự quan trọng như vậy không?
Đam mê có thực sự quan trọng như vậy không?
Cá nhân tôi nghĩ đây là một vấn đề mà bất cứ thời đại nào người ta cũng vẫn-sẽ-luôn băn khoăn về. Từng lớp trẻ học hành, lớn lên rồi bước vào đời với ngơ ngác những câu hỏi rằng sao người ta hay nhắc về đam mê nhiều như vậy. Và, phần lớn sẽ cuống cuồng lên bởi nhận ra mình không có đam mê nào trong cuộc sống. Khoan đã nào! Trước khi xác định đam mê của mình là gì thì đầu tiên, hãy cùng tôi đi tìm hiểu định nghĩa của đam mê nhé! 
Một vài định nghĩa về đam mê
Theo tâm lý học, đam mê được định nghĩa là một khuynh hướng diễn ra mạnh mẽ đối với hành động tự xác định hoạt động mà chủ thể thích (hoặc yêu) và nhận diện được tầm quan trọng của nó với cuộc đời mình vì thế sẽ đầu tư vào nó nhiều thời gian và năng lượng. 
Cũng theo nhiều nghiên cứu tâm lý học, đam mê được chia làm hai loại: đam mê hài hòađam mê ám ảnh. Đam mê hài hòa là động lực khiến mọi người tham gia vào hoạt động họ yêu thích. Ngược lại, niềm đam mê ám ảnh tạo ra áp lực bên trong bắt buộc mọi người phải tham gia hoạt động yêu thích. Về kết quả nghiên cứu, đam mê hài hòa có ảnh hưởng tốt góp phần tạo nên tâm lý tích cực hơn, có lợi cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cùng các mối quan hệ xã hội. 
Theo từ điển Oxford, đam mê có 3 định nghĩa khác nhau: (1) Là một cảm xúc rất mạnh về việc yêu, ghét, giận dữ, hăng hái; (2) Là một cảm xúc rất mạnh về việc yêu thích bất cứ điều gì; (3) Là một cảm xúc mãnh liệt trong tình yêu. 
Vậy, ta có thể tóm tắt rằng đam mê là niềm yêu thích bất kì một điều gì trong cuộc sống của chúng ta và chúng ta cảm thấy xứng đáng để đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức vào đó. Đến đây, các bạn đã nhận ra niềm đam mê của mình chưa? Nếu có, các bạn thật may mắn! Nếu chưa, các bạn cũng không nên lo lắng đâu! Hãy cùng nhau tìm hiểu sự khác biệt giữa một cuộc sống có đam mê và không có/chưa biết đam mê là gì nhé! 
So sánh giữa cuộc sống có đam mê với cuộc sống chưa biết/không có đam mê
Tôi sẽ lấy chính trường hợp của mình để có thể làm một ví dụ rõ ràng và cụ thể nhất. Cũng chính vì vậy, trải nghiệm của tôi hoàn toàn chủ quan chỉ có tác dụng tham khảo cho các bạn thôi nhé! Tôi sẽ chỉ nêu ra những điều khác biệt giữa “hai cuộc sống” tôi đã từng trải qua mà thôi! 
Tôi của hiện tại đang sống với niềm đam mê của mình 
Nếu nói đam mê bắt nguồn từ sở thích sau khi được đầu tư thời gian và năng lượng vào thì hiện tại, đam mê của tôi là viết lách. Kể từ sau khi tốt nghiệp đại học, tôi “mắc kẹt” ở nhà vì dịch bệnh và không thể ra ngoài xin việc làm trong ngành học của mình (không liên quan đến viết lách và tôi cũng đã thấy mình không còn phù hợp), vì thế, tôi đã bắt đầu “lên lại kế hoạch” cho cuộc đời tôi. Từ nhỏ tôi đã thể hiện năng khiếu và sở thích viết văn, làm thơ. Tôi đã từng được nhận tiền nhuận bút vì bài viết của tôi được chọn đăng trên tập san của trường thời trung học. Và vào năm nhất đại học, tôi cũng đã từng làm thêm công việc viết lách trong vai trò copywriter. Từ những điều trên, tôi bắt đầu tạo CV với nội dung trình bày các kinh nghiệm và những bài viết đã từng viết rồi tôi tìm kiếm các công ty đang tuyển dụng người viết và nộp vào, rất nhiều.  
Vậy là tôi bắt đầu nhận những công việc cộng tác viên viết lách bán thời gian đầu tiên. Cơ hội việc làm này đã giúp tôi rất nhiều trong hành trình “hiện thực hóa” đam mê. Tôi dần đúc kết kinh nghiệm sau mỗi bài viết. Tôi tìm kiếm thông tin và học hỏi thêm các kỹ năng, công cụ phục vụ viết lách để vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa có thể nâng cao kỹ năng để kiếm tiền. Tôi đầu tư thời gian và công sức vào đam mê (đã từng là sở thích) viết lách và dần nhận được những quả ngọt đầu mùa. Cuộc sống của tôi hiện tại, con đường tôi đang đi, tôi đều rất chắc chắn rằng sẽ còn rộng mở ở tương lai. Và tôi đang sống một cách lạc quan và vui vẻ nhất khi tìm thấy niềm đam mê của mình! 
Nếu khẳng định rằng, không có đam mê nào có thể vừa giúp bạn kiếm được tiền vừa là nhu cầu xã hội cần thì thật không chính xác. Tôi biết rằng trong vô vàn sở thích - trùng lặp nhau của muôn ngàn người trẻ chúng ta, việc xác định được sở thích nào bản thân ta muốn theo đuổi lâu dài và có khả năng giúp ta kiếm sống được là rất khó nhưng, không phải là không thể! Vì thế, các bạn hãy cứ bình tĩnh khi hiện tại cuộc sống của các bạn diễn ra với không một đam mê nào nhé! Điều này là hoàn toàn bình thường, các bạn ạ! 
Tôi cũng đã từng là người sống với sự không rõ ràng về niềm đam mê của chính mình…
Tôi của quá khứ đã sống với không một niềm đam mê nào
Tôi là người thích rất nhiều thứ. Tôi thích từ những điều lớn lao (vượt xa hoàn cảnh) đến những điều bình thường (nhỏ như hạt tiêu) trong cuộc sống. Tôi thích nấu ăn, tôi thích làm bánh, mong muốn có thể làm giáo viên dạy yoga, muốn làm nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh thiên nhiên, cũng thích trở thành travel blogger nổi tiếng hay làm một đầu bếp trong nhà hàng đặc biệt (có sao Michellin) của riêng tôi.  
Có thể khẳng định rằng, từ nhỏ đến trước khi tôi tìm thấy niềm đam mê của mình, tôi đã thích rất nhiều thứ và tôi “chết chìm” trong biển yêu thích đó của tôi. Cộng thêm khoảng thời gian học đại học với những khó khăn đầu đời, bài học hay việc nghiên cứu luận văn tốt nghiệp đã làm tôi không thể nào nhìn nhận được đâu là đam mê của mình. Tôi thậm chí đã bỏ cuộc trong công cuộc tìm kiếm “niềm đam mê đích thực”.  
Nhưng, tâm trạng tôi cũng không khi nào bình an khi nhìn thấy bạn bè xung quanh tôi có đam mê để theo đuổi, phấn đấu và sống vì đam mê. Một người bạn của tôi cực kì đam mê nghiên cứu và đã vạch sẵn con đường du học ở đâu, đề tài nghiên cứu là gì và sau khi tốt nghiệp thì sẽ làm gì, nghiên cứu gì. Một người bạn khác có đam mê về các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường, bạn lên kế hoạch gap year để thực hiện các dự án cộng đồng trước khi sang Nhật học về xử lí nước thải. Chúng tôi khi ngồi chung bàn, mỗi lúc hai người bạn này nói về kế hoạch với niềm đam mê rực cháy và thể hiện quyết tâm của họ, tôi cười trừ “Tao hả, chắc qua Ý hay Pháp lấy chồng” - một câu nói đùa bâng quơ nhưng mang nặng tâm tư của tôi. Tôi, không biết mình thích gì, muốn gì, đam mê gì! 
Vậy rồi vào thời điểm bộ phim hoạt hình Cuộc Sống Nhiệm Màu (Soul) với doanh thu phòng vé đạt kỉ lục công chiếu, tôi đã một mình vào rạp “chiêm nghiệm” bộ phim này. Mặc dù mang danh là phim hoạt hình cho trẻ em nhưng tôi chắc chắn rằng, khi người lớn xem, sẽ học được rất nhiều bài học bổ ích. Joe có đam mê mãnh liệt với nhạc Jazz và luôn mang trong mình suy nghĩ rằng anh sinh ra là để chơi nhạc Jazz nhưng cuộc sống vốn không dễ dàng, trước khi anh biến đam mê thành hiện thực thì cuộc đời anh đã “sang trang” khác. 22 là một nhân vật mà tôi - thời điểm đó - rất đồng cảm với cô. Tôi từ thích rất nhiều thứ đến mệt mỏi vì không biết rốt cuộc mình thích gì, đam mê gì. Trải nghiệm của 22 đã trực tiếp đánh thức tôi với quan niệm rằng, chúng ta đâu cần nhất thiết phải có một đam mê sống nhất định, chúng ta có thể chỉ cần vui sống hưởng thụ từng phút giây ở hiện tại, mỗi ngày. Và làm những điều nhỏ nhặt mình thích, tận hưởng một điệu nhạc nghe được bất chợt trên đường hay nhắm mắt cảm nhận làn gió trong khu vườn cũng là một cách để sống mà! 
Thế nên, tôi đã nhẹ nhàng với chính tôi hơn. Thay vì nói tôi bỏ cuộc trong việc tìm kiếm đam mê, tôi đã nói rằng, tôi dừng tìm kiếm đam mê. Tôi sẽ để cho bản thân có cơ hội được tận hưởng mọi phút giây vui sống trong hiện tại và sẽ không ép buộc bản thân phải có một đam mê nào nhất định cả. Đó cũng chính là quyết định đúng đắn tại thời điểm đấy giúp cho tôi không phải vướng vào “nỗi đam mê ám ảnh” như đã nêu định nghĩa phía trên. 
Vậy, ta có nên lo sợ vì mình không có bất kì niềm đam mê nào trong cuộc sống không?
Câu trả lời là không! 
Như trường hợp của tôi là một ví dụ, các bạn có thể thấy rằng khi chúng ta quá lo lắng về việc mình không có bất kì đam mê nào trong cuộc sống sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nặng nề hơn. Điều này chẳng khác nào việc chúng ta tự gây áp lực cho mình, bắt buộc bản thân phải có-bằng-được một niềm đam mê (cưỡng ép) nào đó để được yên tâm khi nhìn xung quanh mình. 
Nhưng, thay vì mang tâm trạng lo lắng và áp đặt bản thân như thế, các bạn hãy tham khảo quá trình tôi “chuyển hóa” để đối mặt với tình trạng “không đam mê” sống dưới đây nhé! 
- Tôi dừng lo lắng, dừng áp đặt bản thân, tập sống chậm lại;
- Tôi cho bản thân thời gian, tôi trò chuyện với bản thân để hiểu rõ những nhu cầu của mình;
- Tôi quan sát chính mình, rằng khi tôi làm điều gì thì tâm trạng tôi thấy thoải mái, vui vẻ, phấn khích và ngược lại;
- Tôi mở rộng lòng mình trước những cơ hội đến với tôi bất kể là lĩnh vực, chủ đề gì, nếu tôi thấy hứng thú, tôi sẽ tham gia vào;
- Sau mỗi trải nghiệm, tôi sẽ cẩn thận ghi lại suy nghĩ của chính mình và quyết định có nên tiếp tục thử sức, đi sâu vào lĩnh vực/hoạt động đó nữa hay không.
Nếu sau những trải nghiệm, bạn tìm thấy đam mê của mình thì rất đáng mừng. Còn sau nhiều trải nghiệm bạn đã trải qua mà bạn vẫn chưa biết mình thích, đam mê gì thì hãy cứ bình thản và chấp nhận điều này! 
Một người không có đam mê sống không hẳn là một người không có mục đích sống! Chỉ cần các bạn mỗi ngày sống đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với chính mình. Các bạn tạo dựng được mối quan hệ tốt với cha mẹ, gia đình, xã hội và làm được những điều bản thân yêu thích cũng là một cuộc sống rất mãn nguyện rồi. 
Vậy nên, tôi muốn nói rằng, hãy cho bản thân thời gian và cơ hội để trải nghiệm một cách cân bằng nhất để giữ cho trạng thái cảm xúc ở mức tích cực nhé! Không có đam mê sống, không sao! Chỉ cần hiểu rõ mục đích sống của chúng ta là được! 
Chúc các bạn sẽ sống vui, sống hạnh phúc, bình an và có mục đích!