Lưu ý: Trong bài này mình sẽ đề cập đến văn hóa phương Tây là chủ yếu vì khó có thể bao hàm hết được các quốc gia trong 1 bài viết. Nhưng bạn có thể hiểu phần nào điều mình đang muốn nói đến trong bài. Mong sẽ có những comment đóng góp mang tính tích cực dưới phần bình luận.
Tôi được tiếp xúc văn hóa đại chúng của nhiều thập niên khác nhau từ rất nhỏ tuổi, chủ yếu (một cách rất duyên) là văn hóa phẩm của Mỹ. Tất nhiên, hiếm có ai ở Gen Z, là người Việt, là không lớn lên với Disney Channel, Cartoon Network. Hannah Montana, Zack and Cody, và hiếm ai là chưa từng thấy chiếc điện thoại nắp gập, chơi GTA San Andreas, Playstation 2 hay đến những quán net cỏ chơi CF, Gunny bằng bàn phím hỏng và chuột bi lăn cùng kiểu tóc HKT trong lúc đang nghe “Chiếc khăn gió ấm” và rồi về nhà xem Bỗng Dưng Muốn Khóc trên điện thoại.
Đó là thập niên 2000 – thập niên đầu tiên mà tôi đã sống, đã trải qua nó, một phần trong DNA của tôi.
Nhưng trong bài viết này, tôi sẽ nói nhiều hơn về văn hóa đại chúng phương Tây nói chung, cụ thể là nước Mỹ và sự thoái trào văn hóa mà ta đang trải qua trong giai đoạn này – hoặc ít nhất là từ góc độ tôi.
Khi từ một thằng nhóc mê Disney Channel và lên đến cấp 2, bằng một lẽ duyên nào đó, tôi bắt đầu tìm hiểu thập niên 1940, hậu thế chiến II và thập niên 1950 lại gây ấn tượng với tôi một cách mãnh liệt. Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của nữ thần Ingrid Bergman đến nỗi để ảnh bà làm hình nền cho PC. Tôi bị ám ảnh với không khí Giáng Sinh trong It’s A Wonderful Life, tôi thích giọng của họ, thích cách nói chuyện vô cùng điện ảnh và dramatic mà vẫn có tính thực tế (như trong phim His Girl Friday). Về phía âm nhạc, giọng ca của bộ ba The Andrews Sisters không thể không nhắc tới khi ta nói về thập niên 1940, với những bản nhạc calypso như “Rum and Coca-Cola” hoặc “Don’t Sit Under The Apple Tree”. Ai có thể quên được điện ảnh noir ở thời điểm này, hay các phim hậu chiến tranh được phản ánh lại ở góc nhìn của những người đạo diễn như Alfred Hitchcock hay Howard Hawks?
Còn đến thập niên 1950, một thập niên màu sắc hơn hẳn, tuy tình hình xã hội và chính trị ở thời điểm này không phải là thứ tôi yêu thích (ví dụ như nạn phân biệt chủng tộc và giới tính), nhưng nội thất của thập niên 50 cũng như thời trang, có một điều gì đó vẫn lôi cuốn tôi cứ mỗi khi tôi được dịp xem một bộ phim, đọc một cuốn tiểu thuyết miêu tả những câu chuyện tình làng nghĩa xóm tại nước Mỹ giai đoạn này, với những bộ suit của đàn ông và skirt của phụ nữ thể hiện gender role rất mạnh mẽ.
Nó là thời điểm ngay trước phong trào counterculture, trước cuộc xâm lăng của hippie và đoàn người muốn tìm chỗ đứng nhất định trong một hệ thống nam quyền cũ mòn.
Nó là thời mà nhạc jazz đang đang dần đi đến giai đoạn cuối, các big bands bắt đầu không còn tìm thấy chỗ đứng của mình nữa mà thay vào đó là thứ nhạc “rock ‘n roll” đồi trụy, thế mà vẫn còn nét đẹp cổ kính không lẫn vào đâu: Ta vẫn thấy điều đó trong các bộ phim như Roman Holiday với nét đẹp ngàn năm có một của Audrey Hepburn. Đồng lúc, ta thấy hình mẫu James Dean chết trẻ “nổi loạn vô cớ”, tiền thân của những nhân vật punk sau này như Jim Morrison của The Doors 15 năm sau đó. Ta thấy Marlan Brando với kiểu áo wifebeater iconic về sau, khai phá lối diễn xuất mới mẻ hoàn toàn.
Tương tự khi lên cấp 3, tôi dấn thân sâu vào thập niên 1960, với chiến tranh Việt Nam và phong trào hippie mà đã xảy ra từ tít hồi ba mẹ tôi mới ra đời. Đó là giai đoạn mà thế giới có bước chuyển biến mãnh liệt trong nhiều thứ, thậm chí tính bằng tháng chứ không còn tính bằng năm. Sự thử nghiệm hút cần sa, dùng LSD, mặc những bộ đồ màu mè gypsie, quần ống loe, cuộc cách mạng hóa tình dục cũng nổ ra một cách mạnh mẽ ở thời điểm này. Thế giới được chia làm hai thái cực: người già và người trẻ. Rồi là cột mốc năm 1967, mùa hè của tình yêu (Summer of Love) đã thay đổi toàn bộ cục diện về văn hóa một cách vô cùng mạnh mẽ. Các phong trào biểu tình nổ ra, đi song song với âm nhạc, mang lại thế giới màu sắc thực sự sau nhiều thập kỷ bị đàn áp và chống chế.
Và tương tự với thập niên 1970, khi mà trào lưu hippie dần lụi tàn và thay vào đó thì sự pha tạp đáng kể của văn hóa cũng bắt đầu xuất hiện. Sau The Beatles và các phong trào làn sóng mới của điện ảnh Pháp, Mỹ, Nhật, hàng loạt các genre và subgenre âm nhạc nổ ra cũng như các thể loại phim gai góc, thập niên 70 khi ta so sánh với thập niên 60 là một trời một vực, một biển và một bể. Punk ra đời từ đây. Những phim đặt bối cảnh New York, với không khí bẩn thỉu và gai góc chiếm ưu thế như Mean Streets hay mọi phim của Scorsese chẳng hạn.
Cuối thập niên 1970 tiến dần đến thập niên 1980, hip-hop đã xuất hiện, hòa quyện cùng thời với new wave – một nấc tiến hóa nữa của punk. Track “Rapture” của band Blondie là ví dụ tiêu biểu nhất: vừa kết hợp giữa new wave với đoạn rap gần như là xuất hiện đầu tiên trong 1 track nhạc rock, music video của Rapture cũng gây ấn tượng mạnh khi phản ánh giới trẻ tại thời điểm đó trải nghiệm cuộc sống như thế nào: từ rap, graffiti, DJ cho đến breakdancing – nền móng của hip-hop sinh ra từ đây. Nào là Public Enemy, A Tribe Called Quest cho đến Beastie Boys – thập niên 1980 là soft spot của rất nhiều người dân Mỹ. Ta có các phim gần gũi cho tuổi teen vượt thời gian (cả nghĩa đen lẫn bóng) như Back to the Future, Ferris Bueller’s Day Off, rồi là Ghostbusters. Ta có những phim cho gia đình, A Christmas Story, E.T, The Goonies, và vô số những phim kinh điển khác tạo nên một thập niên gần như đáng để hoài niệm nhất cả thế kỷ XX khi xét trên phương diện văn hóa đại chúng).
Như bạn có thể để ý, mỗi giai đoạn đều có culture đặc trưng và những subculture đa dạng pha lẫn trong đó để tạo ra chất riêng biệt không lẫn vào đâu. Nó không phải là thứ mono-culture tẻ nhạt mà chúng ta hiện đang có. Mỗi thập niên đều có một nét chấm phá, một điều gì đó rất đặc biệt từ màu sắc của nội thất cho đến thời trang, cho đến thiết kế của xe cộ, lối sống, đến cách con người giao tiếp, nói chuyện với nhau, mà không thể nào lẫn vào nhau được. Ta không thể tìm được 1 người mặc phong cách như (ví dụ thôi nhé) Travis Bickle ở năm 1982, dù khoảng cách chỉ là 6 năm kể từ lúc phim ra đời. Hoặc, phong cách đầu năm 1980 và cuối năm 1980 cũng có những sự khác biệt rõ rệt (hãy so thời trang và lối quay phim của Trading Places năm 1983 với Do The Right Thing năm 1989).
Năm 1990s thì khỏi phải nói, đặc biệt khi nhăc đến sự đa dạng của âm nhạc: Ta vừa có gangster rap mọc lên, vừa có một số band nho nhỏ như Nirvana ở Seattle tạo nên những làn sóng trong dòng nhạc grunge, vừa có các band shoegaze như My Bloody Valentine hay Slowdive đặt nền móng cho Dreampop/chillwave về sau này. Các band electronic và điện tử cũng ra đời như The Chemical Brothers, việc sử dụng MDMA trong các hộp đêm là điều như cơm bữa. Thời trang thì chỉ cần xem Seinfeld hay Friends là cũng đủ hiểu!
Ngày Kurt Cobain chết, 1 tuần sau đó thì album đầu tiên của Oasis ra đời, Definitely Maybe, và thế là lại có British Invasion lần thứ hai với các band Britpop thống trị thị trường âm nhạc. Đến cuối năm 1990, Eminem cho ra mắt “My Name Is”, tạo nên alter ego Slim Shady. Văn hóa lại bước sang một chương khác, một chương mà rap và sự kết hợp với RnB lên ngôi.
Và rồi ta bước vào thập niên 2000. Có điều gì đó khác biệt xảy ra, chính xác là vào thời điểm mà internet và điện thoại di động bắt đầu trở nên phổ biến. Các diễn đàn, message boards vẫn duy trì mạnh mẽ, song song với giai đoạn đầu của mạng xã hội như Facebook hay MySpace. Sự sống ảo cũng bắt nguồn từ đây. Văn hóa có vẻ như đã khựng lại ở cuối năm 2000. Tôi không thấy có quá nhiều sự khác biệt giữa thập niên 2010 và 2020. Rõ rệt nhất có lẽ là về sự phát triển công nghệ thông tin, cụ thể là bước nhảy A.I. từ 2015 cho tới 2023 hoặc cụ thể hơn nữa là các dating apps ra đời. Tuy nhiên, nếu như ở năm 2015 ta có Vine, thì 2024 ta có Tiktok. Vẫn y hệt là như vậy.
Ta có mọi thứ ở trên lòng bàn tay nhờ sự tiện dụng đến thần kỳ của internet. Bằng một cú click chuột và vài thao tác, ta được đọc một tiểu thuyết Nga năm 1932, xem phim Ý năm 1944 và nghe nhạc điện tử Pháp thử nghiệm năm 1990. Mọi thập niên, mọi thông tin về nền văn hóa đều nằm gọn trên chiếc điện thoại. Nếu thích, ta có thể mặc đồ như trong Peaky Blinders, trong lúc dùng LSD và xem phim Mỹ 1982 trên smartphone được sản xuất năm 2024.
Và sự hoài niệm về các thập niên cũ, nếu bạn để ý kỹ, cũng nở rộ rõ rệt ngay ở thời điểm lúc này. Hãy để ý xem có bao nhiêu page Facebook và Instagram sinh ra chỉ để hoài niệm về 1 thời điểm nào đó trong lịch sử? Aesthetic năm 1980 điển hình là Stranger Things và rồi là năm 90 đang dần quay trở lại (trào lưu thrifting), sau đó gần đây nhất ta lại vòng về với thập niên 2000 – Y2K. Bước tiếp theo logic sẽ là sự hoài niệm với thập niên 2010.
Phải chăng sự thoái trào văn hóa đã xảy ra khi ta bước sang thế kỷ XXI và cái ta còn lại của pop culture chỉ là tàn dư, sự lặp lại của những gì đã có sẵn trong quá khứ, xào nấu lại trong cái hoài niệm về một khoảng thời gian đã trải qua (hoặc thậm chí ta chưa từng trải qua) do thông tin của internet đã đi đến sự quá tải và quá tải và nhân loại nói chung không còn ý tưởng mới mẻ nào nữa, và meme chính là bức tường cuối cùng ta chạm trán, phương tiện giao tiếp mà ta gọi là “văn hóa” cùng với hàng triệu streamer khác dùng ngôn ngữ brainrot để cho ta được 1 ít dopamine sau khi ta nằm trên giường cả ngày?
Tôi đã có lên subreddit khá hay là /r/decadeology để tìm câu trả lời. Nhưng càng tìm thì càng thấy, có lẽ câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà nó phức tạp hơn ta nghĩ. Ví dụ, một số người sẽ cho rằng năm 2012 mới là kết thúc của thập niên 2000 chứ không hẳn là năm 2010, và cái gọi là mid 2010s (Giữa năm 2010) bắt đầu có thể là năm 2015 hay năm 2016. Có người quả quyết COVID chính là cột mốc để ta tiến vào thâp niên 2020. Hoặc, đi xa hơn, thì có người cho là năm 1991 mới là kết thúc của thập niên 1980, và ngày 11/9/2001 là kết thúc của thập niên 90.
Có thể, tôi sẽ không thấy được nét đặc trưng của thập niên 2020 cho đến khi đã bước vào thập niên 2030. Có một điều chắc chắn là, thế giới không còn thay đổi dồn dập như thế kỷ XX nữa, và cái ta còn lại chỉ là sự xoay vòng và xoay vòng đến khi không còn thứ gọi là “văn hóa” nữa.
Hãy cho biết quan điểm của bạn dưới phần bình luận.
Minh Tu Le