Những  câu chuyện dân gian như Trạng Quỳnh hay chú Cuội thường được kể với mục đích giải trí và giáo dục qua các tình huống hài hước, nhưng chúng cũng phản ánh sâu sắc quan điểm xã hội và tư duy của người dân lao động trong quá khứ. Tuy nhiên, khi phân tích từ góc nhìn hiện đại, sự thông minh của các nhân vật như Trạng Quỳnh hay chú Cuội không thực sự thể hiện qua khả năng tư duy chiến lược hay quản lý rủi ro, cũng không phải là sự thông minh theo kiểu biết tính toán, cũng chẳng phải kiểu thông minh hiểu chuyện và hiểu lòng người, mà thường chỉ là thông minh trong những trò đố mẹo mang tính chất ngẫu nhiên, đối nghịch với các nhân vật phản diện có vẻ "ngớ ngẩn". Điều này khiến ta đặt ra câu hỏi: Liệu những nhân vật này có thực sự thông minh hay không?
1. Trò đố mẹo và sự tầm thường của tính thông minh:
Trạng Quỳnh và chú Cuội thường được ca ngợi là thông minh trong những câu chuyện, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng, ta thấy sự thông minh này chủ yếu xoay quanh việc giải các câu đố mẹo vặt do nhân vật phản diện đưa ra. Những thử thách đặt ra thường dựa trên ngôn ngữ, chơi chữ hoặc lợi dụng sự sơ suất của đối thủ, thay vì một kế hoạch có tính toán kỹ lưỡng. Trong thực tế, không có quốc gia nào đặt lợi ích của mình vào những trò chơi chữ tầm thường như vậy. Vì thế, gọi đó là "thông minh" có vẻ không thực sự chính xác.
Ví dụ, trong truyện Trạng Quỳnh, các tình huống mà cậu giải quyết thường là những bài đố mẹo mang tính ngẫu nhiên hơn là những vấn đề thực tế phức tạp. Điều này tạo cảm giác rằng cậu thông minh vì đã đánh lừa được những kẻ quyền thế, nhưng thực chất chỉ là kết quả của sự may mắn hoặc sự đơn giản hóa của người kể chuyện. Thay vì tập trung vào khả năng hoạch định chiến lược, hiểu lòng người, hoặc dự đoán các tình huống phức tạp, Trạng Quỳnh chỉ cần vượt qua các tình huống ngắn hạn và đơn giản.
2. Sự ưu ái của người kể chuyện:
Sau khi Cuội nhận lời thách thức của phú ông - “tao thách mày trong hôm nay lừa được tao quỳ xuống lạy mày thì mày sẽ được tự do, nếu không từ ngày mai trở đi mày sẽ phải khiêng võng cho tao suốt đời”. Cuội đã lên kế hoạch để lừa phú ông, ta cùng phân tích kế hoạch đó như sau:
Nếu ta nói việc Cuội lừa phú ông với phú bà người ngã xuống ao, người bị trâu húc là một phần của kế hoạch, thì kế hoạch đó quá nhiều rủi ro và nhiều biến số. Cuội không thể nào biết chính xác tiếp theo phú ông sẽ làm gì, phản ứng của từng nhân vật sẽ ra sao. Lỡ như phú ông tiếp tục đợi tới sáng mai, Cuội sẽ phải khiêng võng cho phú ông cả đời. Hay lúc ở bờ sông Phú ông tức quá đá Cuội xuống sông luôn thì làm gì còn cơ hội thì thầm với anh Hổ để mà tiếp tục lừa về cuốn sách bí kíp trên chuồng heo? 
Tóm lại Cuội rất vội vàng khi nhận lời cá cược với Phú ông, nhưng cậu ấy lại không có một kế hoạch cụ thể nào để thắng cuộc cá cược này, mà chỉ toàn dựa vào may mắn. Điều đó chẳng cho thấy sự thông minh nào ở cậu bé này cả. Không thông minh, mà đồng thời cũng chẳng khôn lỏi luôn. Đơn giản là vì người kể chuyện đang ưu ái hơn cho nhân vật này thôi, người kể chuyện không làm cho chú Cuội thông minh hơn, mà người ta chỉ làm cho nhân vật phú ông trở nên ngu hơn thôi.
3. Tư duy và thái độ của tầng lớp lao động nghèo:
Các câu chuyện dân gian phản ánh tư duy của tầng lớp lao động trong xã hội phong kiến. Những người kể chuyện không có trình độ cao, và vì vậy, họ không thể xây dựng được những nhân vật có chiều sâu trí tuệ hay kỹ năng chiến lược. Thay vào đó, họ tạo ra những nhân vật "thông minh" theo cách mà họ có thể hiểu được: thông minh trong những tình huống ngắn hạn, dễ hiểu, và đối lập với những kẻ quyền thế "ngu ngốc" để thỏa mãn nhu cầu tâm lý của mình.
4. Tại sao các phản diện lại ngớ ngẩn?
Một điểm đặc biệt phi lý trong các câu chuyện về Trạng Quỳnh hay chú Cuội là việc các nhân vật phản diện như phú ông đặt cược lợi ích của họ, thậm chí của cả quốc gia, vào những trò đố mẹo tầm thường. Thay vì dùng quyền lực hoặc trí tuệ để giải quyết vấn đề, họ lại thử thách nhân vật chính bằng các câu đố chơi chữ, tạo cảm giác phản diện quá ngớ ngẩn. Đây không phải là sự thông minh thực sự của nhân vật chính, mà là sự thất bại của phản diện vì họ tự đặt mình vào tình huống dại dột, khiến cuộc đối đầu trở nên thiếu thuyết phục.
Trong các câu chuyện cổ tích, những nhân vật giàu có, quyền lực thường được xây dựng với tính cách ngớ ngẩn, kiêu ngạo, hay chấp vặt và độc ác. Điều này phản ánh tâm lý ghen ghét, bất mãn của tầng lớp lao động đối với giai cấp thống trị. Việc mô tả phú ông là kẻ ngốc, hay thua cuộc trong các tình huống vô lý là cách người dân bày tỏ sự phản kháng với hệ thống xã hội bất công. Họ không có khả năng trực tiếp chống lại quyền lực, nên họ biểu hiện sự chống đối thông qua các câu chuyện này.
Những kẻ phản diện trong các câu chuyện này thường là những phú ông hoặc nhân vật quyền thế, được xây dựng theo cách ngu ngốc, hay chấp vặt và đặt cược những thứ quan trọng vào những tình huống vô lý. Sự thất bại của họ không phải là vì nhân vật chính quá thông minh, mà vì họ bị "hạ bệ" bởi những trò đùa tào lao mà chính họ tự tạo ra. Điều này phản ánh tâm lý của người kể chuyện, muốn làm cho kẻ thù của người dân trở nên ngớ ngẩn để thỏa mãn cảm giác ganh ghét và bất mãn với những người có quyền lực trong xã hội.
5. Tóm lại là những câu chuyện như Trạng Quỳnh hay chú Cuội, khi được phân tích kỹ lưỡng không thực sự thể hiện sự thông minh của nhân vật chính, mà chỉ là một cách để người kể chuyện tạo ra sự hài hước và thỏa mãn tâm lý của người nghe. Các nhân vật như phú ông/Kẻ có quyền thếthường bị làm cho ngu ngốc để làm nền cho "sự thông minh" của nhân vật chính, điều này không phải là trí tuệ thực sự. Những câu chuyện này phản ánh tư duy của tầng lớp lao động nghèo trong xã hội phong kiến, và sự "thông minh" mà họ mô tả chỉ là một cách phản ánh sự ganh ghét và bất mãn với giai cấp thống trị.