Đây là bản lược dịch từ bài báo Back from a Vietcong của nhà báo người Nhật Akihiko Okamura trên tờ báo Times, ra ngày 02/07/1965. Bài dịch của mình sẽ tập trung vào phần sau của bài báo, khi nhà báo người Nhật được gặp và phỏng vấn ông Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tóm tắt phần đầu: nhà báo người Nhật bị quân Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam(từ nay trong bài sẽ gọi tắt là Mặt trận) bắt giữ trên đường đi tác nghiệp. Vụ việc đó vô tình trở thành cơ hội cho anh ta biết thêm được nhiều điều trong cuộc chiến chống lại quân đội VNCH và Mỹ. Anh ta thậm chí còn có cơ hội được gặp mặt, phỏng vấn và chụp ảnh ông Huỳnh Tấn Phát, người sẽ hé lộ nhiều thông tin hết sức bất ngờ về cuộc chiến nảy lửa tại Việt Nam lúc bấy giờ. 

(Một số chi tiết thú vị của phần đầu bài báo: Đội trưởng(không rõ tên) của quân Mặt trận nơi ông Okamura bị bắt, cũng có chức vụ trong chính quyền VNCH. Người đội trưởng này cũng nói rằng, ở khu vực mà quân Mặt trận kiểm soát, nếu có xe chở hàng hóa đi qua, quân Mặt trận sẽ mua lại hàng của người dân, còn nếu là xe của bên VNCH thì sẽ cướp luôn.)

Note là cả bài báo chỉ có một tấm ảnh chụp ông Phát mà thôi, nên mình dùng ảnh của bài ngay tiếp theo trong số báo này để minh họa (và đỡ wall of text). Tiêu đề của bài vốn dĩ là Back from a Vietcong hellhole in the jungle, mình sửa lại cho phù hợp hơn.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(...) Một lúc sau đó, có bốn người đến gặp tôi. Người đứng đầu của họ là một người đàn ông thấp bé, gầy gò, với ánh mắt xuyên thấu tâm gan người khác. Ông ta cắt tóc kiểu quân đội - cũng như tôi, nhưng mặc một bộ Kaki sạch sẽ và xếp li cẩn thận, chất vải và đường may rất đẹp. Nhưng ông ấy vẫn đi một đôi dép lốp cao su(người Mỹ gọi là Ho Chi Minh's sandal) như bao người nông dân khác.

Ông ta bắt tay tôi và hỏi tình hình của tôi:

"Không quá tệ, không quá tốt - dù gì tôi cũng là tù binh ở đây" . Tôi trả lời đầy tức giận.  Tôi đã chịu quá đủ những câu hỏi mà không hề có lời đáp lại. Tôi muốn hét to một chút vào mặt ông ta và quả thực đã làm vậy.

"Ông vẫn nghĩ tôi là gián điệp à"

"Anh có bị đối xử tàn tệ không?" Ông ta đáp

"Tôi đã bị lột sạch đồ, bỏ đói và bị lừa dối". Tôi nói, càng lúc càng tức giận.

"Đừng trở nên quá khích". Một người lính vỗ vai tôi và nói. "Đây là chỉ huy thứ hai của Mặt trận Giải phóng"

Nếu đây là sự thật, tôi biết rằng ông ta chắc chắn là Huỳnh Tấn Phát, người kĩ sư đã trở thành chính trị gia theo cách mạng, đồng thời là chiến lược gia của quân Vietcong. Tôi hỏi ông ta liệu rằng có đúng như vậy không.

"Tôi là Phát". Ông ta đáp

Tôi phải mất một lúc để trấn tĩnh. Hóa ra thông điệp của tôi đã đến được với ông Phát, và ông ta đã thực sự hồi đáp(trước đó trong lúc bị bắt anh nhà báo này ra yêu cầu muốn được gặp ông Phát). Tại sao lại vậy? Và tại sao lại mất nhiều thời gian đến vậy? Ông Phát nói rằng, bởi quá nhiều sự kiện dồn dập, đây là cơ hội đầu tiên ông ấy có để đến gặp tôi,

Chúng tôi nói chuyện đến 10 giờ tối hôm đó, sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng cùng nhau lúc 6 giờ, và nói chuyện tiếp đến trưa, rồi tiếp tục đến lúc ông ấy đi.

Đêm đầu tiên chúng tôi nói chuyện là lúc chờ bữa tối, lần đầu tiên tôi thấy được ăn thịt gà với cơm. Tôi kể chuyện mình được ăn cơm như thế nào với ông Phát.

"Anh đã may mắn rồi đấy". "Chúng tôi cho suất ăn của anh là 6 đồng rưỡi 1 ngày, đối với chiến sĩ của chúng tôi thì chỉ có 2 đồng thôi"

"Ông có phải là cộng sản không" Tôi hỏi ông ta

"Không, tôi là người theo chủ nghĩa xã hội."

Giọng nói của ông ấy mang sự chân thành, tôi tin ông ấy. Nhưng trước đó, hầu hết những gì ông ấy nói đều là những điều chống lại chủ nghĩa thuộc địa. Tôi chỉ mong rằng tôi không phải trải qua một cuộc diễn thuyết sáo rỗng, như cách mà tôi mong sao người Mỹ sẽ không gào tướng lên "Đồ cộng sản" mỗi khi họ không thích cái gì đó. Nhưng những gì ông Phát nói, không hề sáo rỗng chút nào.

"Người Mỹ đang đánh bom miền Bắc bởi họ hết cách rồi, điều này chẳng ảnh hưởng đến chúng tôi chút nào". Ông ta nói

"Nhưng tôi nghe nói về Đường mòn Hồ Chí Minh, và các ông được cung ứng từ miền Bắc cơ mà?"

"Anh không hiểu được vấn đề hậu cần và cung ứng rồi. Đúng là, nếu chúng tôi cần tiếp tế cho những đơn vị nhỏ, Hà Nội sẽ cung ứng được cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi có đến hàng triệu con người, những chiến sĩ và gia đình của họ. Chúng tôi tự trồng cấy thức ăn. Chúng tôi có xưởng, kho quân dụng trong rừng, chúng tôi tự chế được vũ khí, tuy thô sơ nhưng vẫn hiệu quả"

"Tôi nghĩ rằng các ông còn được tiếp tế bởi quân Sài Gòn nữa"

Ông Phát ngửa đầu cười. "Chúng tôi lấy của họ"

Tôi hỏi ông Phát về cách đối xử của họ với lính Mỹ.

"Nếu họ bị thương, họ sẽ được chăm sóc y tế trước. Chúng tôi để họ ở trong những lán, như anh đang ở, cho họ ăn, như anh được ăn. Chúng tôi không thể có sự quan tâm đặc biệt nào cả."

"Các ông có tẩy não họ không"

Ông Phát bất ngờ trước từ ngữ tôi dùng. "Có chứ, chúng tôi thường xuyên nói chuyện với họ, thuyết phục họ rằng họ đang là công cụ cho chủ nghĩa đế quốc lợi dụng"

Tôi hỏi ông ấy về việc thả tù binh

"Từ lúc này chúng tôi sẽ không thả tù binh nữa. Trước đây, đã có đôi lần người Mỹ muốn trao đổi tù nhân qua 1 nước thứ 3. Nhưng bây giờ chúng tôi cương quyết không thả tù binh nếu người Mỹ không nói chuyện trực tiếp với chúng tôi"

Tôi hỏi rằng nếu điều tương tự xảy ra trong nhà tù chính quyền Việt Nam thì sao.

"Không, vấn đề này tuyệt đối chỉ là vấn đề của chúng tôi và Mỹ, VNCH chỉ là bù nhìn mà thôi. Anh thấy đó, Mỹ đang gửi thêm hàng nghìn quân, sẽ có thêm rất nhiều tù binh Mỹ"

Tôi không biết ông ta có nói thật không, nhưng ông Phát luôn giữ 1 thái độ khinh thường với người Mỹ.

"Chúng chỉ là lũ hèn nhát". Ông ta tuyên bố vậy. "Rõ ràng là, người Pháp dẫn đầu quân Việt Nam, nhưng người Mỹ lại cho quân Việt Nam lên trước và chúng thì theo sau"

Tôi hỏi ông ta về chiến thuật và chiến lược

"Chúng tôi dựa theo nền tảng Chiến tranh Nhân Dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng những bài học của ông Giáp đã cũ rồi. Thời thế đã thay đổi. Vũ khí của quân Mỹ đã khác. Ở Điện Biên Phủ chúng tôi đánh quân Pháp bằng dây thừng và gậy gộc. Giờ đây, chỉ trừ có xe tăng máy bay, cái gì chúng tôi cũng có. Vũ khí của chúng tôi không khác gì kẻ địch cả, chính xác mà nói thì chúng tôi lấy cắp hầu hết là từ kẻ địch."

"Và vì thế, chúng tôi không còn phải đánh kẻ địch theo lối ẩn nấp nữa. Chúng tôi tấn công tổng lực để tiêu diệt hoàn toàn đơn vị của đối phương. Những cuộc tấn công này hoạt động rất hiệu quả vào mùa mưa"

Điều này ông ta thực sự không hề nói dối. Cuộc tấn công lớn đầu tiên của Việt cộng diễn ra tại Ba Gia ngay trước khi tôi trở về Sài Gòn 1 ngày.

Khi chúng tôi nói chuyện, chốc chốc lại có những tiếng nổ phía xa. Ông Phát ít khi để ý để chuyện này, trừ lúc nhấn mạnh rằng quân đội của ông chịu rất ít thiệt hại từ những cuộc đánh bom này.

"Chúng tôi đang xây dựng những mục tiêu giả để họ lãng phí bom đạn. Chỉ tốn 1 chút công sức mà thôi. Chúng tôi có thể dựng lên khung nhà của căn nhà trong một đêm."

Tôi nhiều lần hỏi ông Phát có bao nhiêu quân, nhưng ông ta né tránh vấn đề này. "Nếu anh biết, anh sẽ ngạc nhiên đấy". Tôi ước tính rằng quân Việt cộng có khoảng 200000 quân thường trú, và khoảng 200000 quân du kích.

"Các ông có nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng sản Trung Quốc không" Tôi hỏi.

"Chúng tôi không hề có ý định nhờ đến sự giúp đỡ của bên ngoài. Chúng tôi có mọi thứ chúng tôi cần. Thêm vào đó, mỗi lần đảo chính, chúng tôi lại mạnh hơn, thêm những sĩ quan của Sài gòn bị tống vào tù hoặc tháo chạy khỏi đất nước"

Tôi liên tục đưa ra vấn đề về sự trợ giúp từ bên ngoài vào cuộc bàn luận. Tôi bị nhắc đi nhắc lại rằng vấn đề này là ông ta khó chịu. Ông ta nhấn mạnh rằng Việt cộng không hề tìm kiếm sự giúp đỡ lớn lao nào từ bên ngoài. Tôi tự hỏi rằng ông ta đang cố gắng xóa bỏ nghi ngờ quân Cách mạng đang được giúp đỡ từ bên ngoài, hay đó là một nỗi sợ vô hình rằng "Chủ nghĩa đế quốc kiểu Mỹ" sẽ bị thay thế bởi một chủ nghĩa đế quốc khác khó lòng tiêu diệt hơn tại Việt Nam. Sau tất cả, đó có thể chỉ là suy nghĩ của ông Phát rằng đất nước này đã chịu 1000 năm đô hộ của phương Bắc.

Nếu Việt cộng thành công thì sao? Tôi hỏi "Ông biết đấy, dân Sài Gòn không ưa gì các ông. Nếu các ông chiếm được chính quyền, các ông nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận à?"

"Đúng là thế. Nhưng tất cả chúng tôi đều là người Việt Nam. Cuối cùng thì, đó vẫn là bản tính của con người khi chống lại kẻ hợp tác với giặc ngoại xâm. Sẽ đến lúc, và chắc chắn sẽ là như thế, lựa chọn sẽ không còn là giữa chúng tôi và Sài Gòn, mà là giữa chúng tôi và người Mỹ, họ sẽ ủng hộ chúng tôi."

Ông Phát hối thúc tôi đừng viết báo về chiến tranh nữa, sẽ có lúc tôi chết trên chiến trường.

"Ông nói về nhân đạo, nhưng mùa xuân này, các ông đã thổi tung đại sứ quán Mỹ. Tôi đã thấy xác người Việt Nam. Các ông nghĩ sao về việc giết người vô tội?"

Phát giải thích rất dài rằng, Mặt Trận đã cố gắng bố trí rất cẩn thận để "giảm thiểu thiệt hại cho dân thường ở khu vực lân cận" (Ông Phát không bao giờ dùng từ Việt cộng). Ông ấy nói rằng chiếc ô tô được cài bom đã phải đi 1 quãng đường rất khó khăn, thay vì một tuyến đường dễ hơn, qua đại lộ đông đúc trước cửa Đại sứ quán. Tổi chỉ ra rằng, bất kể ông ấy cẩn thận đến đâu, vẫn có rất nhiều người vô tội thiệt mạng. Ông ấy nhún vai.

"Không phải tất cả bọn họ đều là người vô tội. Tối thiểu phải 90% người Việt Nam chết ở đó là mật vụ của người Mỹ hoặc của chính quyền Sài Gòn. Hầu hết những người chết trong nhà hàng dọc tuyết phố, đều là mật vụ. Nhà hàng đó là nơi hẹn gặp của chúng. Hầu như người dân Việt nam đều tự biết rằng xung quanh Đại sứ quán Mỹ là cực kì nguy hiểm." Ông ấy nhún vai. "Dĩ nhiên cũng có những người vô tình đi qua, nhưng chúng tôi không thể kiểm soát mọi thứ"

Tôi hỏi thêm về tương lai của những vụ khủng bố.

"Chúng tôi sẽ nâng nó lên 1 mức. Chúng tôi sẽ tiếp tục đến khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Không một người Mỹ nào ở Sài Gòn được phép an toàn cả."

Ông Phát thực sự có ý định đó, lấy ví dụ là vụ đánh bom ở sân bay dân dụng Sài Gòn 1 tháng trước, 32 người bị thương, hầu hết là người Mỹ.

Tôi hỏi rằng nếu người Mỹ mang thêm hàng nghìn quân như đã làm với Triều Tiên, thì việc khủng bố có bắt họ rời khỏi đây không.

Ông Phát trở nên tự tin. "Nếu người Mỹ muốn đánh tay đôi với chúng tôi, họ cần ít nhất 4 triệu lính ở đây. Điều đó thật hiển nhiên. Chiến sĩ của chúng tôi có thể sống nay đây mai đó. Trên tất cả, đây là đất nước của họ, họ sẽ chết vì nó. Mặt khác, hãy nhìn vào lượng hậu cần khổng lồ của người Mỹ. Họ không hiểu địa hình, họ không hiểu con người. Làm sao họ đối đầu với chúng tôi được?

"Người Mỹ tự gọi mình là cố vấn". Ông Phát nói tiếp. "Nhưng rồi sẽ chẳng còn quân Sài Gòn để họ cố vấn nữa, lúc đó họ sẽ cần "Cố vấn người Việt Nam". Mà khi ấy, một nửa số người đang "cố vấn" cho họ là người của Mặt trận chúng tôi"

Tôi hỏi ông ấy về chính phủ mà Việt cộng sẽ thành lập nếu họ chiếm chính quyền thành công

"Sẽ không phải là Cộng sản. Một chính quyền trung lập, không theo 1 phe nào cả, và theo đường lối Kinh tế Xã hội"

"Vậy những người đứng đầu chính quyền Sài Gòn lúc này thì sao"

Ông ấy bật cười. "bất kì sĩ quan cao cấp nào của Sài Gòn, nếu biết suy nghĩ, đều sẽ đến Washington, hoặc Paris khi chúng tôi chiếm Sài Gòn. Bất kể trường hợp nào, những người cấp cao đều đã đi rồi. Cuộc đảo chính đã loại bọn họ ra khỏi cuộc chơi. Sẽ chẳng còn ai ngoài những con rối của Mỹ và những con chiên nhỏ bé."

"Tôi đồ rằng sẽ chẳng ai tin tôi đã nói chuyện với ông, nếu không có một bức ảnh của hai chúng ta"

"Được thôi". Ông ấy đồng ý. Ông ấy ra lệnh trả máy ảnh cho tôi. Trừ việc rêu mốc mọc đầy dây đai, thì chiếc máy vẫn nguyên vẹn. Tôi chụp ảnh ông ấy, rồi tôi chỉnh cự ly, khẩu độ, màn trập, rồi hướng dẫn người lính cách chụp ảnh để anh ta chụp bức ảnh của 2 chúng tôi.

Tôi hỏi ông Phát rằng bao giờ tôi sẽ được tự do. Ông Phát bảo rằng tôi hãy cứ yên trí. Ông ấy muốn chuyến trở về sài Gòn của tôi thật an toàn. Tôi muốn giữ máy ảnh của tôi, nhất là mấy cuộn film.

"Nếu có bất kì ai thấy anh mang thứ này, đó sẽ là bằng chứng chống lại anh với Chính quyền Sài Gòn. Để tôi giữ những thứ này, và tôi sẽ gửi cho anh ở Nhật Bản". Ông ấy đã giữ lời, thật tiếc rằng khi 2 cuộn film được gửi về New York, rất nhiều film đã bị hỏng.

Chúng tôi tạm biệt nhau, và ông ấy biến mất vào trong khu rừng. Ngày hôm sau những quyển sách của tôi được gửi trả. 10 ngày sau đó thật nhiều lo lắng. Nhưng rồi giây phút ấy cũng đến, một người lính xuất hiện với chiếc đèn dầu. Nó được là từ vỏ đạn pháo của Mỹ, dùng 1 chiếc lá rừng rất to làm gương phản chiếu.

Phải mất đến 3 đêm, để họ đưa tôi đến 1 trang trại gần đường 13. Ở đó toàn những người tị nạn muốn tránh xa cuộc chiến. Tôi trú ở đó 1 ngày 1 đêm, chờ đoàn hộ tống mới. Thật nực cười, khi tôi đã đến rất gần Sài Gòn rồi và vẫn trong vùng nguy hiểm - theo 1 cách khác. Vì tôi vừa trở về từ căn cứ Việt Cộng, hiện tôi đang không thuộc phe nào cả.

Tôi đã có những giờ phút lo lắng khi những tốp lính chính phủ đi lùng sục ngôi nhà và hỏi về Việt cộng. Người nông dân giấu tôi dưới 1 đống rẻ rách tại 1 góc trang trại. Điều này thật sai trái, nhưng tôi đã được giấu mình.

Khi đường đã quang, họ đưa tôi đi cùng 1 nhóm trẻ em tị nạn trên 1 chiếc xe bò. Đến ngã tư, tôi xuống bắt xe lam. Cuối cùng thì tôi cũng lên được xe bus. Rồi sau đó, lại vẫn là xe bus. Và rồi, 5 giờ sáng ngày 30 tháng 5, tôi đổ sập xuống căn hộ tại Sài Gòn, gần khác sạn Caravelle, bò lên giường và đánh một giấc no nê. Khi ăn bữa sáng kiểu Nhật thực thụ sau nhiều tuần đầu tiên, tôi đã ọe ngay lập tức.