Tự dưng vào một ngày đầu năm như thế nay, à mà thực ra là đã từ ngày 30 và ngày 31 của năm cũ tôi bỗng dưng lại đi tìm tài liệu và có ý tưởng viết về sự kiện Wounded Knee, sau đó tôi mới nhớ ra là do sự kiện này diễn ra vào ngày 29 tháng 12 và nó có một tác động khá lớn đến tôi từ bao lâu rồi khi tôi bắt đầu đi tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ trong những lúc học môn Văn Hoá Anh- Mỹ vào năm 2 Đại học.

Theo sự tìm hiểu của tôi thì có lẽ chỉ có bộ phim Bury my heart at Wounded Knee là có làm liên quan đến sự kiện này rõ nhất, nhưng tôi xem nó cũng phải gần 5,6 năm trước rồi, vả lúc đó cũng xem nhiều nên tôi không nhớ quá chính xác nội dung, nhưng bọn họ có làm về cảnh trận chiến ở Wounded Knee cho thấy cảnh đoàn kỵ binh số 7 đã chiến đấu rồi sau đó tàn sát người da đỏ. Tôi sẽ post clip về đoạn ấy lên, nhưng điều chính xác tôi muốn làm ở post này là đưa ra một sự thật kinh khủng còn hơn cả những gì phim đã thể hiện.


Trước hết thì để tôi tả cho các bạn nghe về Ghost Dance của người da đỏ. Với việc những người da trắng liên tục chiếm đất của người da đỏ, những bộ tộc lớn như người Sioux đã dần mất đi đất đai, mất cả vị thế như cái thời phiêu bạt khắp nơi săn bắn tự do, bò rừng cũng không còn để họ săn, họ bị "ném" cho những khu đất ở những "khu vực bảo tồn" vốn là các vùng khô cắn và không thể nào mà trồng trọt được, nạn đói xảy ra liên miên và tất nhiên người da đỏ lâm vào thế vô cùng tuyệt vọng. Họ tin vào một đấng tối cao luôn ở bên họ(nhớ không lầm hình như là Jesus hiện về đưa lời tiên tri thì phải) và vũ điệu Ghost dance là cách để bọn họ cầu nguyện các linh hồn tối cao, cầu nguyện linh hồn người đã khuất sẽ về giúp đỡ họ và thậm chí còn có những lời về việc tiên tri rằng sự cầu nguyện này sẽ giúp họ đuổi được người da trắng. Và, rất nực cười, nó làm những người da trắng khiếp sợ và là nguyên nhân của một cuộc chiến, đại loại là họ cấm nó và xem như việc thực hiện nghi lễ này là một dạng thách thức chính quyền, lẫn kêu gọi nổi dậy nên người da trắng "thà giết làm còn hơn bỏ sót". Sau cái chết của Tù trưởng Sitting Bull vào ngày 15 tháng 12 năm 1890 thì người em khác dòng của ông là Big Foot cũng bị truy bắt và dẫn người của mình đi lang thang đến những địa phận "bảo tồn" khác để nương tựa. Đó là cuộc chiến Ghost dance war tai tiếng, và Wounded Knee là một trong những xung đột cuối cùng, nếu không muốn nói là xung đột cuối cùng trong cuộc chiến tranh với dân da đỏ trước khi người da đỏ đâu hàng vào tháng 1 năm 1891.

 1 ngày trước sự kiện, quân đoàn số 7 cũng đã đánh đuổi một nhóm người Hunkpapa và Minicojou Lakota do Big Foot (Hoặc Spotted Elk, 2 tên nay đều cùng là 1 người) dẫn dắt vài dặm về phía tây đến Lạch Wounded Knee. Sáng ngày 29 tháng 12 năm 1890, quân đoàn số 7 đến trại của họ, bao vây để tịch thu vũ khí và đã xảy ra "cuộc chiến". Nghe cuộc chiến dữ dội ha, nhưng đây là những gì đã xảy ra: Quân đoàn kỵ binh số 7 bao vây các người da đỏ, tất cả súng của họ bị ném ra một chỗ Một người da đỏ, Black Coyote bị điếc, khi bị tịch thu vũ khí thì đã có sự phản kháng, đại khái là do nó là gia tài còn lại của mình và không nghe/hiểu được ý định của người da trắng, thì một tai nạn đã xảy ra khiến khẩu súng cướp cò khi giành giật, và gần như ngay lập tức là tất cả lính của quân đoàn số 7 đồng loạt nổ súng, những người da đỏ cũng nhặt lại vũ khí bị tịch thu bắn trả yếu ớt nhưng hoàn toàn bị áp đảo, thậm chí có phiên bản kể rằng người da đỏ có chuẩn bị mai phục ở khu lều phía xa với vũ khí cận chiến, khi những người trong đó xông ra thì đã để lộ hết phụ nữ và trẻ em của đoàn người Sioux... Những người lính kị binh đầu tiên nã các loạt đạn súng hoả mai giết hết gần 1 nửa số người đang tụ tập ngay trước mặt họ, sau đó là các loạt đạn tầm xa bằng đại bác Hotchkiss để giết tất cả những người phụ nữ lẫn trẻ em, những người chạy thoát bị đuổi bắt và chém giết trong vòng 2 dặm tính từ khu trại... Theo miêu tả là mọi việc chỉ diễn ra có vài phút do những người da đỏ hầu như không hề có vũ khí đáng kể, cả việc đánh nhau tầm gần người da đỏ cũng chỉ có dao cắt bơ hay vài cây rìu là đáng nói. Kết quả là 25 lính Mỹ đã chết và 35 lính Mỹ bị thương, chủ yếu là do họ tự bắn mình bởi đại bác Hotchkiss khi đuổi giết... Còn thiệt hại của người da đỏ là gần 300 người trong đó có 65 phụ nữ và 24 trẻ em. Big Foot, vốn đang bị lao phổi do cái lạnh cũng đã không phải chịu khốn khổ thêm. Sau đó các người lính này đã đào một cái hố chôn hết hàng trăm các xác người này, và đây có lẽ là tấm ảnh nổi tiếng nhất về Wounded Knee.

Sau khi tôi đã tả cho các bạn nghe, và cả hình ảnh trên clip thì đây có giống một cuộc chiến không? Không, đây là một cuộc thảm sát. Một tội ác chiến tranh khủng khiếp. Điều diễn ra sau đó, tôi không biết được gọi là vinh quang hay là tồi tệ nữa, 20 lính Mỹ tham gia sự việc này được trao Huân Chương Danh Dự! Mặc cho sự thật là trước năm 1916 thì HCDD được trao khá là "bừa bãi" nhưng với việc này thì 20 huân chương này thật sự là nỗi ô nhục chứ không thể nào gọi là danh dự được. Những người đứng lên và kêu gọi thu hồi lại 20 huân chương này vào năm 1996 thậm chí còn "được" Thượng nghị sĩ John McCain gửi vài dòng chữ về việc này như sau:

"Những chính sách và quyết định của chính phủ Hoa Kỳ cho những việc làm tại Wounded Knee vào năm 1890 có thể được xem là không công bằng, không cẩn trọng hay thậm chí tồi tệ hơn. Tuy vậy, việc xem xét lại những hành động và chính sách đầy ô nhục này không có nghĩa rằng phải ra lệnh thu hồi lại những huân chương đã được trao cho những chiến binh vì sự dũng cảm trong một cuộc chiến ngắn gọn mà dữ dội đã dẫn đến sự hy sinh của 25 người và 45 người bị thương. Những tiêu chuẩn trong việc trao huân chương hay những chính sách của chính phủ đối với người da đỏ ngày nay chẳng hề giống với những gì được đề ra vào năm 1890."

Đây chính là Big Foot đã chết


Nói ngắn gọn, chỉ vì những gì bây giờ người ta thấy kinh tởm với việc diệt chủng nhưng thời đó thì không thấy vậy nên bọn họ không thu hồi lại HCDD của những người đã tàn sát cả một tộc người thổ dân vô tội. Tôi không biết các bạn nghĩ sao, nhưng một hành động dù mang danh nghĩa như nào hay vì bất kỳ lí do gì thì tính chất thật sự của hành động ấy dù trải qua bao nhiêu năm lịch sử cũng không thể nào thay đổi, thế nên tôi không thể nào chấp nhận việc McCain gọi đó là hành động "dũng cảm" được. 

Tôi không viết ra bài này để mang đến một tư tưởng bài trừ người Mỹ hay gì cả, tội ác chiến tranh thì nơi đâu và gần như là thời nào thì cũng có... Thế nhưng khi đọc được  một chuyên mục "Holiday reads" ở cận Giáng Sinh thì tôi nghĩ mình cũng nên có trách nhiệm với lịch sử một chút. Những điều không hay vẫn diễn ra ở khắp nơi, ở mọi chủ đề và mọi chủng tộc, hy vọng tất cả chúng ta luôn trân trọng những điều an lành hạnh phúc đang có trong tầm tay và giúp nâng cao ý thức ở khắp nơi.

Happy New Year to all.