Sự kiện Hắc Thuyền - Điểm khởi đầu cho sự chuyển mình của Nhật Bản
Minh Trị Duy Tân là một thời kì đổi mới mang tính bước ngoặt trong lịch sử của Nhật Bản. Công cuộc cải cách này đã giúp cho Nhật Bản...
Minh Trị Duy Tân là một thời kì đổi mới mang tính bước ngoặt trong lịch sử của Nhật Bản. Công cuộc cải cách này đã giúp cho Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu ở châu Á, đã chuyển mình thay đổi, vươn lên vượt qua các nước khác ở Á châu và ghi tên mình vào danh sách những cường quốc trên thế giới. Đâu là động lực để người dân cũng như chính quyền Nhật Bản thời điểm đó cố gắng thay đổi để bắt kịp và vượt qua các nước phương tây ? Trả lời cho câu hỏi này, phần lớn các học giả Nhật Bản cũng như trên thế giới đều đồng ý đó là: Sự kiện Hắc Thuyền (黒船来航) hay còn được gọi là Perry Expedition năm 1853. Vậy bối cảnh lịch sử cũng như diễn biến của sự kiện này thế nào, thì xin mời mọi người quay lại khoảng thời gian giữa thế kỉ 19.
NƯỚC MỸ GIỮA THẾ KỈ 19
Từ cuối thế kỉ 18 cho đến đầu thế kỉ 19, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã giúp cho năng lực sản xuất của các nước phương Tây phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, và đưa họ trở thành những cường quốc với tiềm lực về kinh tế và quân sự bỏ xa phần còn lại của thế giới. Với công nghệ hiện đại, những quốc gia phương Tây đã sản xuất ra một số lượng hàng hoá vô cùng lớn, khiến cho thị trường ở châu Âu không thể tiêu thụ hết số lượng đó. Vì thế bài toán mở rộng thị trường được đặt ra với các đế quốc phương Tây thời bấy giờ. Câu trả lời của bài toán này là: châu Á. Châu Á với diện tích rộng lớn sẽ là một thị trường lớn và vô cùng tiềm năng trong con mắt của các đế quốc. Đối thủ của nước Mỹ thời bấy giờ chính là đế quốc Anh. Đế quốc Anh đã nhanh chóng xâm lược và biến nhiều nước ở châu Á cũng như châu Phi trở thành thuộc địa của mình. Thuộc địa của Anh rộng và nhiều đến mức, nó được coi là đất nước mặt trời không bao giờ lặn. Vì thế để cạnh tranh một thị trường rộng lớn ở châu Á, Hoa Kỳ không còn cách nào khác là phải tuyên bố chiến tranh với đế quốc Anh. Đặc biệt khi Hoa Kỳ nhòm ngó đến Trung Quốc - một thị trường nổi tiếng với trà và lụa cùng rất nhiều sản vật phong phú khác. Nhưng thời điểm đó, thương nhân hay quân đội Mỹ nếu muốn đến Trung Quốc thì đều phải đi tuyến hải trình: băng qua Đại Tây Dương, vòng qua Ấn Độ Dương rồi mới tới Trung Hoa. Một chuyến hải trình dài như thế là một điểm vô cùng bất lợi với người Mỹ, vì thế để giành chiến thắng trước đế quốc Anh ở chiến trường Trung Quốc, họ phải tìm một con đường thuận lợi hơn. Và câu trả lời từ các nhà chiến lược của Mỹ thời bấy giớ là: Vượt qua Thái Bình Dương. Người Mỹ tin rằng nếu họ có thể xây dựng tuyến hàng hải băng qua Thái Bình Dương thì họ chắc chắn sẽ giành chiến thắng.
Kế hoạch vượt qua Thái Bình Dương càng trở nên chắc chắn và rõ nét hơn với các chiến lược gia người Mỹ khi họ đã chiếm đóng được vùng đất California, và bên kia Thái Bình Dương Trung Quốc cũng đã khai thông một số cảng và cho phép tự do buôn bán. Người Mỹ đã cho xây dựng các cảng hàng hải ở bờ biển phía tây chuẩn bị xây dựng các tuyến hàng hải kết nỗi Bắc Mỹ với châu Á .Ở thời điểm này, công nghệ hơi nước đã phát triển nên những thương nhân người Mỹ sử dụng những chiếc tàu hơi nước thay cho các con thuyền buồm cũ kĩ trước đây. Vì thế, để có thể xây dựng một tuyến hải trình ổn định, người Mỹ thấy rằng cần phải tìm được những vùng đất trung gian làm nơi cung cấp nhiên liệu cùng những nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến hải trình dài này. Vợi đặc điểm vị trí thuận lợi, cùng các tin đồn về những vùng đất có trữ lượng than đá lớn, Nhật Bản trở thành một điểm không thể thiếu trong chiến lược của Hoa Kỳ. Người Mỹ trong thời điểm này rất muốn có một mối quan hệ bang giao trong chính trị cũng như thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên đây không phải là một vấn đề dễ dàng.
Từ thế kỉ 16 và 17, các thương nhân cũng như các nhà truyền giáo người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan đã giao thương và tổ chức các hoạt động truyền giáo ở Nhật Bản. Nhưng ở thời điểm đó, người phương Tây quá tham lam, những người truyền giáo thì muốn cải đạo toàn bộ người dân Nhật thành đạo Gia Tô, còn những thương lái thì lại dùng thủ đoạn kinh doanh một cách không công bằng với người Nhật. Điều này dẫn đến việc, Nhật Bản đã trục xuất một số lượng lớn người ngoại quốc vào năm 1639. Các tàu buôn đến từ Hà Lan hay Trung Hoa thì cũng bị hạn chế giao thương bằng những luật đặc biệt dành cho các thương nhân ngoại quốc. Chính quyền Mạc Phủ Tokugawa Nhật Bản đã duy trì việc bế quan toả cảng như thế trong suốt hai thế kỉ. Tính đến giữa thế kỉ 19, thì đã có đến 18 lần các nước phương Tây đến Nhật Bản và đưa ra các mong muốn Nhật Bản mở cửa giao thương với phương Tây, trong đó có 4 lần là người Mỹ. Vì thế nhiệm vụ mang tính chiến lược lần này của Mỹ được giao cho Matthew.C.Perry - Phó đề đốc Hải quân Hoa Kỳ lúc đó.
MATTHEW.C.PERRY VÀ CUỘC VIẾN CHINH ĐẾN NHẬT BẢN
Matthew Callbraith Perry, tham gia vào cuộc hải chiến năm 1812 giữa Mỹ và đế quốc Anh, khi ông còn là một sĩ quan hải quân trẻ. Ông là em trai của Oliver Hazard Perry - người anh hùng trong trận chiến hồ Erie. Matthew Perry đã hoạt động trên chiếc tàu chiến USS President trong suốt thời gian giao tranh với tàu chiến HMS Little Belt của hải quân hoàng gia đế quốc Anh - cuộc chiến với chiến thắng thuộc về hải quân Mỹ, và ông bị thương trong trận chiến với HMS Belvidera. Trong sự nghiệp của Perry, ông tham gia vào rất nhiều công việc quan trọng khác nhau như tham gia nghiên cứu hệ thống học viện hải quân, chuẩn bị cho khoá học đầu tiên của học viện hải quân, hỗ trợ thành lập Hải quân Newyork Lyceum, ủng hộ việc phát triển động cơ hơi nước, tổ chức đội kĩ sư (công binh) cho Hải quân Hoa Kỳ, đàm phán yêu cầu các nước bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Mỹ, quản lý các vấn đề thuộc địa của Mỹ ở Nigeria và giải quyết những tranh chấp trên biển giữa các tàu cá của Mỹ và đế quốc Anh.
Tháng ba năm 1852, Phó đề đốc Perry nhận được mệnh lệnh về một cuộc viễn chinh đến Nhật Bản. Perry là một người cẩn thận và biết được nhiệm vụ lần này là vô cùng quan trọng, cho nến ông đã lên một kế hoạch một cách tỉ mỉ, và chuẩn bị rất kĩ cho chuyến đi lần này. Ông tìm tất cả những tài liệu ghi chép về Nhật Bản, chính quyền Mạc Phủ Tokugawa mà người Mỹ có được và cố gắng nhớ hết tất cả những thông tin này.
Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1853, Perry cùng với 4 chiếc tàu chiến Susquehana, Misissipi, Saratoga và Plymouth bí mật nhổ neo từ một hòn đảo của Nhật Bản, và thẳng tiến về vịnh Edo (ngày nay là vịnh Tokyo). Trong ghi chép của hải quân Mỹ, sáu ngày sau đó hạm đội của Perry đã có thể nhìn thấy toàn bộ núi Phú Sĩ, và sau đó Perry cho hạm đội của mình dừng ở thuỷ đạo Uraga - nơi có thể xem như là cửa vào vịnh Tokyo. Vì đã tìm hiểu rất kĩ về người Nhật Bản cũng như chính quyền Mạc Phủ, nên kế hoạch viễn chinh lần này của Phó đề đốc Perry là phô diễn sức mạnh của một quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến, và dùng nó làm vũ khí cho các cuộc đàm phán. Trong suốt năm ngày sau đó, phía Mạc Phủ cũng đã gửi người đến để đàm phán với Perry, nhưng ông không chịu ra mặt. Perry nói ông sẽ chỉ đàm phán nếu người đại diện cho Hoàng đế đến đàm phán trực tiếp với ông. Perry cũng gửi các yêu sách từ tổng thống Mỹ đến Nhật Bản. Yêu sách của Mỹ gồm ba điểm chính như sau:
+ Điểm thứ nhất: Yêu cầu Mạc Phủ Tokugawa mở cửa, cho phép người Mỹ được quyền giao thương buôn bán Nhật Bản.
+ Điểm thứ hai: Nhật Bản sẽ cung cấp nhiên liệu như than đá, lương thực và các nhu yếu phẩm cho hải quân Mỹ trong suốt thời gian hải quân đóng quân ở Nhật Bản.
+ Điểm thứ ba: Cứu trợ những thuyền nhân bị nạn người Mỹ.
PHẢN ỨNG CỦA MẠC PHỦ TOKUGAWA VÀ NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN
Về phía Nhật Bản, nội các Mạc Phủ thì bất ngờ trước sự hiện diện của hải quân Mỹ và cố tìm cách trì hoãn với người Mỹ. Vì lý do này, trong suốt thời gian hạ neo ở ngoài khơi Uraga, Perry đã cho tập trận để thị uy trước Nhật Bản và đặc biệt là việc sử dụng những hải pháo hiện đại. Điều này gây nên sự tò mò trong người dân Nhật thời bấy giờ. Họ kéo nhau rất đông đến bờ biển để thoả mãn sự hiếu kì của mình về những vị khách không mời mà tới này, có những người thì liều lĩnh hơn họ dùng những chiếc thuyền nhỏ để có thể đến gần sát hạm đội của Hải quân Mỹ. Có một số tài liệu có ghi chép rằng, có những người Nhật được Hải quân Mỹ cho phép lên trên thuyền để tham quan các chiến thuyền của họ. Việc này khiến cho chính quyền Mạc Phủ cảnh giác hơn bao giờ hết, và những tin đồn về những chiếc hải pháo hiện đại cũng làm dấy lên nỗi bất an giữa những người dân Edo nói riêng và người Nhật Bản nói chung. Cũng từ sự kiện này mà người Nhật Bản sau này sử dụng từ Kurofune (黒船 - Hắc thuyền: những chiếc thuyền chiến của hải quân Mỹ được sơn đen) để ám chỉ cho những mối đe doạ từ các phương tiện kĩ thuật hiện đại của người Tây phương.
Mặc dù đã có những cảnh báo từ hải quân Mỹ, nhưng hàng chục tiếng pháo lệnh từ hạm đội Mỹ được bắn ra mỗi ngày vẫn gây ra những cuộc hỗn loạn trong thành Edo lúc đó. Với những người am hiểu về pháo lệnh (pháo bắn với mục đích ra mệnh lệnh và không có đạn) thì họ lạc quan hơn và coi đây chỉ như là một lễ hội bắn pháo hoa. Tuy nhiên trong dân gian Nhật Bản, có một câu tanka về sự kiện này như sau:
- "泰平の眠りを覚ます上喜撰(じょうきせん)たつた四杯で夜も眠れず" -
- Tạm dịch: Chỉ với bốn chén trà Joukisen, giấc ngủ đêm yên bình của ta đã bị lấy mất
Joukisen là một trong những loại trà thượng hạng của Nhật Bản. Người ta nói rằng, chỉ với bốn tách trà Joukisen nhỏ cũng làm cho bạn mất ngủ cả đêm. Câu tanka này ám chỉ cho việc chỉ với bốn chiếc thuyền chiến của người Mỹ, cũng làm người dân xao động bất an đến nỗi mất ngủ cả đêm - hoặc do tiếng pháo quá lớn.
Trong khi đó, nội các Mạc Phủ viện cớ Shogun Tokugawa (Tướng quân Tokugawa - người đứng đầu Mạc Phủ) đang mang bệnh nặng và không thể ra ngoài, nên họ đã xin Phó đề đốc Perry trì hoãn một năm. Đồng ý với thỉnh cầu từ phía nội các, Perry tuyên bố sẽ quay lại Nhật Bản sau một năm và nhận câu trả lời từ Nhật Bản. Trước khi quay trở về, Perry cho hạm đội của mình tiến sát đến cảng Edo, nhằm phô trương sức mạnh của hải quân Mỹ cũng như Hoa Kỳ trước toàn Mạc Phủ và người dân Edo. Mười ngày sau khi hải quân Mỹ rút quân, Shogun Tokugawa qua đời, toàn bộ quyền hành của nội các Mạc Phủ Tokugawa rơi vào tay của Roju Abe Masahiro (阿部正弘).
Ở thời điểm đó, Abe Masahiro là một trong số ít những người vẫn giữ được bình tĩnh trước sự đe doạ của người Mỹ. Trong suốt thời gian hải quân Mỹ ở biển Uraga, Abe thấy việc Nhật Bản phải cung cấp lương thực, nhiên liệu cũng như các nhu yếu phẩm cho những vị khách không mời mà tới này là một nỗi nhục với nội các Mạc Phủ nói riêng và Nhật Bản nói chung. Ông nhận định việc các nước phương Tây sẽ dùng vũ lực để uy hiếp và yêu cầu Nhật Bản mở cửa không phải việc bất ngờ. Tuy nhiên sự chênh lệch về lực lượng quá lớn như thế đã làm sốc hầu hết những người trong nội các Tokugawa. Và ông cho rằng Nhật Bản cần phải thay đổi và tìm cách tăng cường sức mạnh của hải quân nếu muốn giữ sự độc lập của mình . Vì thế sau đó Abe đã quyết định cho xây dựng trường quân đội Koubusho (講武所 - Giảng Võ Sở) , học viện hải quân Nagasaki (長崎海軍伝習所) và cũng cho thiết lậo đội hải quân ở vịnh Edo để tránh bất ngờ như sự kiện Hắc Thuyền vừa rồi.
HIỆP ƯỚC 12 ĐIỀU NHẬT MỸ THÂN THIỆN- DẤU CHẤM HẾT CHO 200 NĂM BẾ QUAN TOẢ CẢNG
Tuy đã tuyên bố với Mạc Phủ Tokugawa là sẽ quay lại sau một năm, nhưng khi biết tin đã có hạm đội từ Nga cũng đã tới Nhật Bản để yêu cầu Nhật Bản mở cửa giao thương, Perry đã thay đổi kế hoạch rút ngắn lịch trình của mình và quay trở lại biển Uraga vào ngày 16 tháng 1 năm Gia Vĩnh (嘉永) thứ 67 (1854), nửa năm tính từ sự kiện Hắc Thuyền. Lần viếng thăm thứ hai này, Phó đề đốc Perry đã hào phóng mang đến 9 chiếc chiến thuyền đến và cho tập kết ngay ở vịnh Edo. Với lực lượng hùng hậu, Perry cuối cùng cũng đã khiến Mạc Phủ Tokugawa kí kết hiệp ước 12 điều với chính phủ Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 3 cùng năm.
Tôi xin lược dịch nội dung của bản Hiệp ước 12 điều như sau:
- Điều thứ nhất: Duy trì quan hệ hoà bình giữa Hoa kỳ và Nhật Bản.
- Điều thứ hai: Nhật Bản sẽ mở cửa cho cảng Shimoda và Hakodate. Người Mỹ được quyền mua các nhu yếu phẩm ở đây như lương thực, than đá, củi, nước. Giá cả sẽ do người Nhật quyết định, phương thức thanh toán sẽ là vàng hoặc bạc.
- Điều thứ ba: Hỗ trợ cho những tàu thuyền Mỹ bị gặp nạn trong khu vực.
- Điều thứ tư: Những thuỷ thủ gặp nạn sẽ không bị bắt hoặc bị ngược đãi.
- Điều thứ năm: Những người Mỹ được cho phép di chuyển tự do ở hai cảng Shimoda và Hakadote.
- Điều thứ sáu: Cho phép hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.
- Điều thứ bảy: Cho phép sử dụng vàng và bạc trong buôn bán giữa Nhật và Mỹ.
- Điều thứ tám: Việc cung cấp hàng hoá sẽ do chính phủ Nhật phụ trách.
- Điều thứ chín: Nước Mỹ sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt hơn các nước khác trong việc giao dịch với Nhật Bản từ thời điểm này trở đi.
- Điều thứ mười: Ngoại trừ lý do thời tiết, hay tai nạn, Hoa Kỳ chỉ được phép sử dụng hai cảng Shimoda và Hakodate.
- Điều thứ mười một: chính phủ Mỹ được quyền đặt lãnh sự của mình tại Shimoda.
- Điều thứ mười hai: Hiệp ước có hiệu lực sau 18 tháng kể từ ngày được kí kết.
Như thế chỉ nửa năm sau ngày hạm đội gồm 4 chiếc tàu chiến của hải quân Mỹ hạ neo ngoài biển Uraga, nước Mỹ đã đạt được mục đích của mình là bắt Nhật Bản phải mở cửa bằng Hiệp ước 12 điều. Hiệp ước này đã đánh dấu chấm hết cho chính sách bế quan toả cảng được chính quyền Mạc Phủ Tokugawa trong suốt 200 năm. Sự kiện này đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong dòng chảy lịch sử của Nhật Bản, người Nhật lần đầu tiên cảm nhận được nguy cơ mất nước mất độc lập trước sức mạnh của người phương Tây. Nhật Bản bắt đầu tìm cách thay đổi khi Abe cho xây dựng các trường hải quân để củng cố sức mạnh của hải quân Nhật Bản, sau đó là một loạt những phương án canh tân đất nước được đưa ra. Và đáng kể nhất là sự thay đổi trong thời Minh Trị Duy Tân đã thay đổi bộ mặt của Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.
===================
Tài liệu tham khảo:
1. "明治維新は「革命」ではなかった." trên trang webronza.asahi.com/
2. "6月3日 ペリー来日" trên trang https://rekijin.com/
3. "The United States and the Opening to Japan, 1853" trên trang Office of the historian.
4. 『ペルリ提督 日本遠征記』〈l~4〉(ペルリ/土屋喬雄、玉城肇<訳>岩波文庫/1948~55年)
5. "Brief Summary of the Perry Expedition to Japan, 1853" trên Naval History and Heritage Command
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất