Sự học và sách “Tôi Tự Học”
Tôi bị cuốn hút ngay từ những trang sách đầu bởi tư tưởng, hành văn triết học của tác giả. Một cuốn sách không quá dày, nhưng lại chứa...
Tôi bị cuốn hút ngay từ những trang sách đầu bởi tư tưởng, hành văn triết học của tác giả. Một cuốn sách không quá dày, nhưng lại chứa đựng hàm lượng tư tưởng đủ lớn để khiến người đọc phải đọc đi, đọc lại nhiều lần.
Tự học luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển bản thân của mỗi người, Tôi cũng luôn tìm hiểu để có thể tự học được đúng và nhiều nhất. Sách "Tôi Tự Học" như khai mở định nghĩa cho những gì tôi đang theo đuổi. Xin được dành không gian ghi lại những chủ ý của mình về cuốn sách. Để lưu lại đây và sẽ đọc lại cuốn sách này nhiều lần
Tôi tự học
Sách nói về mục đích của của việc học đối với con người và đưa ra một số phương pháp học tập đúng đắn, hiệu quả, trong đó đặc biệt quan trọng là sự đọc. Sách cũng nêu lên giá trị của học vấn nằm ở sự lĩnh hội và mở mang tri thức của con người. Học không chỉ để tiếp thu được kiến thức mà còn để hiểu được mình, hiểu thế giới quan xung quanh và nâng cao hành vi, hành xử của mình.
Tác giả của Tôi Tự Học là cụ Nguyễn Duy Cần (1907-1988). Cụ viết rất nhiều sách trong giai đoạn giữa thế kỉ 20, chủ yếu là về nghệ thuật sống, đạo học, văn hóa phương đông. Tôi Tự Học được biết đến là một trong những tác phẩm tiêu biểu của cụ.
Nhận định sách
Tôi Tự Học là cuốn sách rất cần thiết cho những ai bắt đầu tìm hiểu về cảm hứng và phương pháp cho việc tự học. Có rất nhiều biện pháp, đề xuất để kích thích tư duy tự học cho bạn, đặc biệt là đề cao phương pháp đọc sách và nghiên cứu hiểu sâu. Tôi Tự Học khơi gợi và lý giải cho ta đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như tự học để làm gì?, tại sao ta cần tự học?, tự học như thế nào là đúng?...
Các lập luận sử dụng trong sách cũng rất chặt chẽ, mạch lạc, hàm lượng triết học cao, không đơn thuần chỉ kích thích cảm xúc người đọc như các cuốn self-help hiện nay. Lối văn viết cũng rất giản dị, dễ tiếp cận, đầy chất văn hóa Á đông, thể hiện rõ đặc trưng của văn học Việt Nam thời bấy giờ.
Bố cục nội dung trong sách cũng được tác giả phân chia hợp lý thành từng mục để đưa người đọc dần dần hiểu sâu về sự tự học. Các lập luận của từng phần đều có dẫn chứng và ăn khớp giữa phần trước và phần sau. Một số ý trích dẫn mà mình cảm thấy thấy tiêu biểu trong sách như:
- Học thức là để mưu cầu hạnh phúc, mưu cầu làm cho tâm trí mình ngày càng cao, rộng.
- Học cũng giống như ăn uống vậy, yêu cầu sự đều đặn, lâu dài, kiên trì bền bỉ. Học cũng như ăn, không tiêu hóa được là trở nên có hại.
- Để học được thì phải rèn luyện được bộ óc tinh nhuệ, để học tinh, học đúng, học thật, học tập trung, lựa chọn cái học phù hợp với bản thân mình.
- Biết cần phải học mà học, chưa tốt bằng thích học mà học. Phải rèn luyện được niềm yêu thích với việc tự học thì mới say sưa học được.
- Một cách học và tự học hiệu quả nhất là qua đọc sách. Ngoài ra học thì phải học thật chắc những gì đã học. Học rộng được thì quá tuyệt. Càng học sâu thì càng quý, nhưng càng học rộng thì càng hay.
Ngoài cuốn Tôi Tự Học tác giả cũng viết thêm nhiều cuốn sách khác cùng chủ đề tự rèn luyện bản thân, cung cấp cho người đọc các kỹ năng khác nhau, bổ trợ nhau như tự học, rèn luyện óc sáng suốt, làm chủ tư tưởng, nghệ thuật sống và cách đối nhân xử thế... Ta cũng có thể tìm đọc để nâng cao kỹ năng làm chủ cuộc sống của bản thân.
Hạn chế
Tôi Tự Học ra đời trong thời kỳ giai đoạn giữa thế kỷ 20, Đến nay, văn hóa và nhận thức đã có nhiều sự thay đổi. Do đó, với người đọc hiện nay, sách có nhiều điểm không được phù hợp, tuy nhiên những giá trị cốt lõi của sự học mà sách đem lại thì vẫn còn mãi giá trị.
Tác giả sử dụng lối hành văn đến nay đã thành xưa cũ, nhiều người đọc sẽ có cảm giác lạ, gây khó đọc và khó tiếp thu. Các từ khóa, tài liệu cũng được trích dẫn từ thời kỳ trước (chủ yếu là tài liệu tiếng Pháp và tư tưởng nho giáo, từ ngữ hán việt) khiến cho tính người đọc khó tiếp cận, giảm đi tính lập luận trong hành văn.
Bản thân tác giả cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng và lối sống thời kỳ đó, do đó trong các lập luận đôi lúc thể hiện ý kiến mang nặng tư tưởng phương đông, không còn phù hợp với tư tưởng phẳng hiện nay. Một số luận điểm thì đã trở nên quá phổ biến hiện nay, nên tính mới của luận điểm cũng không còn như trước.
Ngẫm lại tiêu đề của cuốn sách là Tôi Tự Học chứ không phải là "Bàn về sự sự học", có thể hiểu sách là đúc rút kinh nghiệm của chính cá nhân tác giả về sự học, do đó trong sách có những lập luận cá nhân cũng có thể hiểu được.
"Muốn đặng ý phải quên lời". Bỏ qua những hành văn lập luận có thể vô tình không phù hợp với cá nhân người đọc thì còn lại tinh túy của tác giả vẫn luôn đúng và phù hợp với người học trong mọi thời kỳ của xã hội.
Giá trị sách
Về cá nhân tôi, sau khi đã đọc và chiêm nghiệm về cuốn sách này. Có thể nhận định sách Tôi Tự Học là cuốn sách đáng để đọc. Đặc biệt là với những bạn trẻ, mới rời khỏi ghế nhà trường, đang bắt đầu tìm kiếm phương pháp tự học và rèn luyện bản thân.
Tôi Tự Học có thể nói là một cuốn sách thời trước, trải qua nhiều biến động xã hội, đến nay sách vẫn luôn được người đọc đón nhận, sức mạnh tri thức của sách đã được chính thời gian minh chứng. Chọn lọc tinh hoa được truyền đạt từ những bậc hiền triết xưa là cách đi hiệu quả với những người trẻ, đặc biệt là trong cuộc sống xã hội mới, đầy những vòng xoáy của công việc và cám dỗi xã hội.
Một điểm nữa mà tôi học được ở cuốn sách này chính là tận hưởng khoảng thời gian đọc sách. Văn phong phương đông, hán việt cũ đem lại cho tôi cảm giác như đang trò chuyện với ông mình vậy. Cảm giác như được nghe kể chuyển chứ không phải đang đọc một cuốn sách tri thức hàm ý triết học, vừa được nghe dạy học, vừa bị mắng, vừa cao siêu, lại thấy gần gũi. Những lúc ấy, như bừng sáng tâm trí, vừa có thể lĩnh hội tư duy mới, vừa ngẫm lại được những gì mình đã và đang làm.
Có một dịch giả mà cũng đem lại cảm giác ấy cho tôi là bác Trịnh Lữ.
Tự học
Tự học là một quá trình dài, bền bỉ và không có một công thức cụ thể nào chung cho tất cả chúng ta, cho tất cả mọi thế hệ. Không ai thật sự có thể giúp được ai trong sự tự học.
Ta chỉ có thể thật sự cảm thấy thích, thấy cần cái sự học, khi ấy ta mới chuyên tâm, bền bỉ theo đuổi các phương pháp tự học. Càng học càng mê, càng mê càng thích, càng thích tâm trí ta càng sáng càng rộng.
Tôi cũng đang trên hành trình tìm kiếm sự tự học của chính mình. Rất vui vì biết được cụ Nguyễn Duy Cần và tư duy tự học của Cụ. Hy vọng trên con đường của mình, có thể tiếp tục được biết và mở rộng tâm trí với các tri thức mới, để rồi cảm thủ và truyền tải cho những thế hệ tiếp theo.
Nhất định sẽ đọc lại cuốn sách này và những cuốn khác của cụ, để được trò chuyện với cụ, suy ngẫm về chính cuộc đời mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất