Sự giao thoa giữa triết luận của Plato với những nền móng triết học tiền thời.
Trong thời Timaeus, khi giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, Plato không hẳn là một tác giả với những triết lý mới, mà hơn là một nhà...
Trong thời Timaeus, khi giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, Plato không hẳn là một tác giả với những triết lý mới, mà hơn là một nhà tranh luận chiết trung về những lý luận trước đấy; bản thân ông vốn lắm phức tạp bởi sự chồng chéo nhiều những triết lý đối nghịch nhau.
Dường như có một “kho chứa” cho tất cả mọi thuyết tự nhiên bên trong Plato; nên khi đọc Parmenides, ta chợt nhận ra mọi câu hỏi trừu tượng bằng cách nào đấy đều đã lướt qua tâm trí của Plato. Một vài thành tựu của những bậc tiền triết gia, dẫu rằng đã khuất, đều là nền móng trong lý luận của Plato. Họ có mặt ở mọi nơi, nhưng không giống như là mấy nét chạm khắc lạc mình mai một trong dinh thự cổ giữa những lần trùng tu, mà hơn là những di tích nhỏ của đời sống hữu cơ ban sơ trong từng viên gạch xây đắp nên một tượng đài triết luận. Những quy tắc cốt lõi và sâu sắc nhất của ông thách thức chúng ta đào sâu ngược dòng thời gian, không chỉ đơn thuần là thời thơ ấu của ông, hay là người thầy bí ẩn Socrate, người tồn tại chủ yếu qua những trang viết của Plato; mà còn là hằng hà sa số những bậc tiền bối của tư duy tự biện, từ Hy Lạp, Ionia đến Italy. Vượt qua những điều này, về với thời đại thi ca, khi mà những nỗ lực đầu tiên để lĩnh hội triết học cũng khó lòng hiểu được chính bản thân chúng. Rồi lại vượt qua cả những triết luận vô thức ấy, đi đến những dạng thức cụ thể của khuynh hướng, tín ngưỡng, tiên đoán về bản thân tri thức, đến cách mà những điều đấy được sinh ra; cho đến những tư tưởng na ná Plato hiển hiện trong những nền văn minh cổ kính của Ấn Độ và Ai Cập. Những tri thức lâu đời ấy mang nhiều giá trị vượt quá cả sự tồn tại của chúng.
Những suy tư của Plato, cũng giống như là thứ ngôn ngữ mà ông sử dụng (lại một lần nữa, chính là điều được truyền lại từ tổ tiên của ông) được bao bọc bởi những dấu vết của những công trình cũ và người chủ trước của chúng. Thảng hoặc, nếu để ý đến những tiền thân của tri thức hiện đại trong trang viết của ông, ta sẽ thấy rõ một thế giới cũ kỹ, đầy chất thơ, hoang hoải huyền ảo hiện lên giữa những di tích này. Thật không hẳn là quá lời khi nói rằng với Plato, bên cạnh hương vị văn chương tươi mới tuyệt vời của ông, không có gì hoàn toàn là tân tiến; cũng như rất nhiều sản phẩm nguyên bản của những trí tuệ thiên tài, cái có vẻ mới nhưng cũng là cũ; một tấm thảm lông cừu dệt bằng những sợi chỉ sẵn có; hoặc như một bộ xương động vật mà mỗi phân tử trong đó đã chết đi sống lại nhiều lần. Không có gì ngoài những mối nối kết mới đầy sinh khí, những chiều sâu mới, những cảm nhận mới của một tư duy mèm cũ, được sống lại dưới một góc nhìn lạ thường chưa bao giờ có. Nói cách khác, hình thức là mới. Nhưng rồi, trong quá trình sáng tạo văn học triết, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, hình thức - mọi hình thức của hình thức, mọi ý nghĩa của hình thức - chính là tất cả, và vật chất đơn thuần chẳng là gì.
- “Plato and Platonism”, Walter Pater, trích chương Một: “Plato and the Doctrine of Motion” -
Thật sự thì mình dịch chỉ vì đam mê, để đọc cho kỹ và khỏi quên những gì mình đọc, tiếng Anh thì chẳng biết rơi vào trình độ nào, ngôn ngữ thì còn thoáng, bay bổng, tuỳ hứng và rất không ổn định, nhưng tâm hồn thì luôn rộng mở để ấp ôm thấm nhuần những lời góp ý, để có thể bước qua cái tôi ngút ngàn, đưa bản thân ngày một hiểu biết hơn!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất