Rồi thì mình đoán ai cũng từng trong một thời gian trải nghiệm sự quan tâm của người cô này mà, lúc này hay lúc khác. Tìm kiếm ngay trên mạng, hình ảnh gắn liền với sự cô đơn sẽ gồm ba thứ: một không gian hẹp, một chốn thiếu sáng, và một người đang co cụm lại góc tối đó. Khá là dễ hiểu để hình dung phải không nhỉ? Thực ra, nhiều lúc mình ước là chúng ta có thể làm được như những bức ảnh đó. Nhưng thật đáng tiếc là, không phải ai cô đơn cũng vì đang ở một mình, cũng như không phải ai cũng đủ khả năng để có một góc tối cho riêng mình mà co cụm như vậy cả, mặt nạ đã mang lên không phải muốn tháo xuống là được.
Nói về nguyên nhân của sự cô đơn thì cũng nhiều lúc đơn giản lắm. Chính là vào giây phút đi xuống căng tin mà bạn chợt nhận ra không có chỗ nào cho mình ngồi xuống, giây phút vậy thôi cũng khiến ta chạnh lòng. Và đặc biệt, sự cô đơn mãn tính hiện nay đang phổ biến hơn bao giờ hết. Thử bật google lên và các số liệu như “gần một nửa dân số Mỹ báo cáo lại rằng họ mãn tính với cô đơn trong năm 2018” đầy rẫy ra đó. Thật trớ trêu, khi chúng ta kháo nhau về sự tiến bộ thần kỳ trong công nghệ kết nối con người trong thời đại 4.0, thì chúng ta cũng đang trong thời kỳ thiếu kết nối nhất, sự cô đơn 4.0 chăng.
Cô đơn không hẳn giống hơi cô độc, với một người hướng nội như mình, một giây phút ở yên một chỗ mà nhâm nhi tách trà chiều có khi lại thoải mái hơn mọi bữa tiệc hào nhoáng nào.
Cô đơn là một dạng cảm xúc, đã là cảm xúc, thì đều mang tính chủ quan. Nếu bạn đang thấy cô đơn, vậy chính là bạn đang cô đơn. Cái giây phút bạn tự hỏi bản thân liệu rằng mình có cô đơn thì bạn đã tự ký vào cái giấy tham gia câu lạc bộ này rồi. Cũng bởi chính cái bản chất của cái nỗi niềm này từ chính những xúc cảm chân thật nhất từ mỗi người, vậy cho nên bất cứ ai cũng sẽ bị ảnh hưởng cả. Việc bạn được chúng tinh phủng nguyệt hay hoạt bát, năng động không khiến bạn khá hơn là bao đâu.
Vấn đề nào cũng trông như một cái cây cả thôi, muốn giải quyết, thì phải tìm được rễ trước đã.
Vậy thì cô đơn là gì nhỉ?
Với mình thì cô đơn thực sự rất giống với … đói bụng. Khi cái bụng rỗng, chúng ta sẽ đi kiếm đồ ăn, hay nói một cách khác, thỏa mãn nhu cầu vật lý của bản thân. Cô đơn cũng vậy, chúng ta đi tìm thỏa mãn nhu cầu tâm lý của bản thân, cụ thể hơn là nhu cầu xã hội. Vậy nên, nếu đói là một phần của mã gene sinh học, thì cô đơn cũng vậy, một phần không thể thiếu của cơ thể.
Quay ngược thời gian mà xem, con người từ khi khai sinh lập địa luôn luôn sống theo bầy đàn. Những công xã nguyên thủy được thành lập vì đó là cách tổ tiên ta sống qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Chúng ta chả thể nào duy trì nòi giống, săn bắt,  thu lượm một mình mà phải không? Cũng chính vì như vậy, chúng ta dần hình thành những thứ mà mình gọi là bản năng gắn kết. Để có thể hòa hợp với một tập thể thì cảm nhận suy nghĩ, nhận dạng cảm xúc của người khác là cần thiết để duy trì sự liên kết xã hội. Hòa nhập cộng đồng giờ đã nằm trong mã gene mất rồi. Kẻ hòa nhập thì sống, người dị biệt sẽ bị loại bỏ. Thứ nguy hiểm nhất không hẳn là hoang dã, mà là thiếu quan tâm từ mọi người xung quanh. Như một cơ chế thưởng – phạt để giúp chúng ta ghi nhớ sự đáng sợ của việc bị bỏ rơi, chúng ta tiến hóa ra những nỗi đau tâm lý để thích nghi. Nỗi đau này thật khó diễn tả, cho nên nó đã tự có cho mình một cái tên riêng: cô đơn. Cũng như tiếng bụng réo báo hiệu rằng cần đi ăn, sự đau đớn này cho bạn biết rằng mình cần sửa đổi để phù hợp hơn với cộng đồng.
Một cơ chế tuyệt vời không phải sao, nó khiến cho tổ tiên chúng ta luôn đoàn kết như vậy đấy. Nhưng mà bây giờ đâu còn phải lúc ăn lông ở lỗ nữa nhỉ? Khi mà việc bị bỏ rơi không còn đáng sợ như trước kia nữa, thậm chí rằng giờ đây những cá nhân dị biệt còn được tôn thờ, và việc ở lại cộng đồng cũ của mình đã không còn cần thiết. Rời xa quê hương để lập nghiệp, chính là chuyển đổi cộng đồng không phải sao. Những thứ tồn tại hàng trăm năm, giờ đây muốn vỡ thì vỡ, muốn lập thì lập mà thôi. Tới thời nay, việc đi làm ở phía bên kia thế giới thậm chí cũng chả khó khăn gì. Mỗi khi làm như vậy, thực ra chúng ta đã rũ bỏ lại cộng đồng cũ của mình. Ít gặp trực tiếp hơn, và thậm chí gián tiếp cũng chẳng còn nhiều.
Vậy đấy, bỗng dưng trưởng thành, bỗng dưng dứt bỏ khỏi mạng lưới xã hội cũ, và bỗng dưng cô đơn. Cũng bởi lẽ trưởng thành gắn liền với bề bộn mà. Học tập, con cái, tình yêu, việc làm, giải trí, quá nhiều thứ phải không nào. Quỹ thời gian thì không có, vậy chúng ta phải học tập đầu tư thôi, và hiển nhiên những thứ không dính dáng trực tiếp sẽ bị loại bỏ, thời gian dành cho bạn bè chả hạn. Không phải chúng không quan trọng, chỉ là danh sách quá dài mà thôi.
Tỉnh dậy sau một giấc ngủ chả mấy ngon giấc, bạn giật mình rằng bản thân ao ước một mối quan hệ gần gữi. Nhưng quá muộn rồi, một người lớn sẽ rất khó để làm điều này, với những vòng quan hệ đã khép kín, rất khó để chen chân vào. Và rồi, cô đơn là điều tất yếu. Ừ thì iPhone cũng kinh đấy, và chiếc VinFast kia cũng đáng tự hào phết, nhưng mà chúng ta có thực sự tiến hóa về mặt sinh học so với tổ tiên chăng? Những cơ thể này được tạo ra là để dành cho nhau.
Nhưng nếu hình phạt cho kẻ dị biệt chỉ có vậy thì thật may mắn. Không may rằng nỗi đau tâm lý này không đơn thuần là một cảm giác buồn. Đẩy nhanh lão hóa, tăng khả năng bị Alzheimer, suy giảm hệ miễn dịch, chỉ nghe thôi thì cảm giác cứ như đang kể về chất độc vậy. Dù sao thì cô đơn luôn kèm theo sự căng thẳng tâm lý, stress, mà.
 Biết gì nữa không, cũng giống như cố quên thì sẽ nhớ vậy. Sự cô đơn mãn tính có thể tiến hóa. Khi cơ thể nhận định rằng cô đơn là có hại, lập tức trạng thái bảo vệ bản thân sẽ được lập lên, cơ thể sẽ đi vào trạng thái cảnh giác tột độ. Giờ đây, nơi nào cũng thật nguy hiểm với não bộ. Và một trong những cách đơn giản nhất để xử lý, chính là chạy trốn. Chạy trốn khỏi những nơi đông người, chạy trốn khỏi các cuộc trò chuyện, vì giờ đây mọi thứ đều có thể đi theo chiều hướng xấu, và tốt hơn hết là nên tránh xa.
 Không những vậy, chúng ta cũng sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều khi cô đơn ập tới. “Hai người ấy nói chuyện vui vẻ quá, phải chăng mình là người thừa”, phán đoán càng nhanh càng dễ sai lầm, càng nhạy cảm thì người tổn thương cuối cùng mãi cũng chỉ là bản thân. Chúng ta để ý người xung quanh hơn rồi đó, nhưng lại hiểu họ ít đi, thứ nhiều lên chắc chỉ có hiểu nhầm, trớ trêu làm sao. Thứ chúng ta tập chung vào giờ đây là sự tiêu cực: người tốt sẽ thành lừa đảo, còn người lạ thì đều nguy hiểm. Biết gì không, làm như vậy chỉ khiến mọi người nghĩ rằng bạn thật khó gần, và điều đó càng khiến bạn trở nên cô đơn hơn nữa, khi giờ đây mọi người có những định kiến xấu về bạn.
Rồi vậy thì chúng ta phải làm gì để chống lại nỗi đau tâm lý này đây.
Cô đơn không ngay lập tức gây hại, nó đi từ nỗi buồn bị bỏ rơi tới căng thẳng và buồn bã, và rối khiến bạn đặc biệt chú ý mọi người xung quanh nhưng lại chỉ nhặt nhạnh những gì tiêu cực với chính bản thân mình. Bạn cũng thay đổi cách ứng xử rồi, nhưng không như thời dị biệt là chết, giờ đây bạn có thể chọn một cách đơn giản hơn là cách ly xã hội, thứ mà đáng ra không nên làm nhưng mà này, nó dễ hơn mà. Vòng luẩn quẩn này như một vòng tuần hoàn vô hạn siết chặt dần cửa thoát qua mỗi vòng xoay. Bạn chọn chỗ vắng người để yên tọa, bạn từ chối các cuộc chơi từ bạn bè để rồi chả ai muốn mời bạn nữa. Mỗi người sẽ có một câu chuyện cho riêng mình, nhưng nếu như bạn còn chả tồn tại trong câu chuyện của mình, thì sẽ chả ai nói về bạn cả đâu. Lời nói dối đủ lâu sẽ thành sự thật, tự đầu độc bản thân thì cũng sẽ có ngày chết vì cô đơn.
Chặt cây thì phải bứt rễ. Nếu bạn đã biết cô đơn là thứ hoàn toàn bình thương như ăn cơm thì chẳng việc gì phải quan trọng hóa nó lên cả. Nó là thứ ai cũng sẽ phải trải qua mà thôi. Thay vì ngồi cầu nguyện rằng có ai quan tâm đến mình, thì hãy thử khiến người khác thấy thú vị về mình đi nào. Để ý xem nào, có phải rằng bạn đang quá tiêu cực hóa từng hành động của mọi người không, hãy đổi hướng tới những điều tuyệt vời họ đã làm xem sao. Có phải lời nhận xét thật cay nghiệt hay đó là một lời góp ý chân thành. Bạn có nhớ họ đã nói những gì không, hay thứ luẩn quẩn trong đầu bạn là một điều tiêu cực duy nhất, một phần rất nhỏ của cuộc hội thoại. Họ có thực sự nói những lời không tốt, hay là bạn từ suy thêm ý nghĩa của câu chuyện. Bạn có tránh tham gia các hoạt động xã hội chỉ vì bạn đã đoán trước những gì sẽ xảy ra với mình hay không. Hay là bạn đang quá sợ tổn thương và chẳng dám mở lòng.
Nói thì nhiều, nhưng chỉ một câu thôi. Bạn có thể cho họ cơ hội chứ? Cơ hội cho họ, và cho chính bạn. Đương nhiên cơ hội sẽ kèm nguy hiểm, bạn có lẽ sẽ bị tổn thương thêm lần nữa. Nhưng tìm cớ trốn tránh cơ hội gần gữi với mọi người, cũng sẽ gây ra điều tương tự thôi. Là một người học qua Xác suất – Thống kê, mình tin tưởng phương án 50 – 50 hơn là chắc chắn lỗ vốn này. Chả phải ai cũng muốn tấn công bạn đâu, đừng quá cẩn trọng như vậy. Tự đầu tư vào bản thân là thứ sinh lời tốt nhất, và tự thỏa mãn với tình trạng hiện tại chính là tự vứt bỏ đi vụ sinh ý tốt nhất thế giới này rồi. Chả ai là ai cả, chúng ta không thể đòi hỏi một ai đó hiểu mình, khi chính chúng ta còn chả hiểu nổi bản thân. Một cái nhìn tốt là một cái nhìn khách quan, vì vậy hãy để mọi người cùng tìm hiểu bạn nào, tìm kiếm sự giúp đỡ không phải sự yếu đuối, ấy là sự dũng cảm dám đương đầu với những thử thách.
Cô đơn có thể là vấn đề cá nhân, nhưng nó cần sự giải quyết từ cộng đồng. Vì vậy hãy để ý những người xung quanh hơn, giúp đỡ họ, để họ lại giúp một người khác, để rồi khi cộng đồng tốt đẹp hơn, bạn chính là người hưởng lợi.