Sự cần thiết phải biết sống cống hiến
Bài văn tự luận kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2021. Đề bài : ... trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết...
Bài văn tự luận kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2021.
Đề bài: ... trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Bài làm
Sau khi đọc đoạn trích "bí mật của nước", điều đầu tiên tôi nhận ra là chẳng có cái gì gọi là "phải" ở đây cả. Bởi nó là lẽ tất yếu, hiển nhiên của nước rồi. Nó là thứ có sẵn ngay khi bản chất của nó là "nước". Chẳng ai có thể bắt ép nước khác đi được cả, cũng chẳng ai bảo nước phải thế này, phải thế kia cả. Con người cũng vậy. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhưng cái "tính người" thì vẫn luôn tồn tại trong họ như một sự hiển nhiên. Vậy thì trong cái tính người liệu có sẵn sự cống hiến hay không? hay có thể đòi hỏi người ta "phải biết sống cống hiến" hay không? Tôi không cho là như thế.
"Sống cống hiến" phần nhiều là một sự lựa chọn cách sống. Bạn có thể sống vì bản thân, sống vì người bạn yêu thương, hay nguyện hy sinh bản thân vì một lý tưởng cao đẹp... đó là lựa chọn của bạn. Chẳng ai có thể bắt ép bạn phải sống khác đi được. Bạn lựa chọn điều đó bởi bạn nhận ra trong lựa chọn đó có thứ bạn muốn, bạn cần. Bạn muốn thoả mãn những ham muốn của bản thân thì bạn có thể chọn sống vì mình. Bạn muốn thấy nụ cười hạnh phúc của con trẻ thì bạn chọn đương đầu với sóng gió cuộc đời để chở che và bảo vệ chúng. Bạn muốn thế hệ tương lai được sống một cuộc sống mà bạn mơ ước, bạn sẽ chọn hy sinh bản thân vì một lý tưởng mà bạn cho là cao đẹp.
Liệu cống hiến có giống như làm việc thiện? là khi bạn thấy đủ cho mình rồi thì bạn có thể chia sẻ nó cho những người còn đang thiếu? rồi càng góp nhiều việc tốt là cuộc đời sẽ nở hoa? Sự cống hiến sẽ như những giọt nước tích tụ lại thành sông, sông chảy ra biển, hoà vào đại dương mênh mông. Trên hành trình đó nó đem lại bao điều tốt đẹp cho đời. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vậy còn những bão lũ, sạt lở đất thì sao? chúng đều là nước cả, là những mặt trái của nước, là bí mật mà người ta không nói ra. Người ta thường chỉ nhìn vào mặt tốt đẹp mà cho rằng "đấy, phải sống như thế mới đáng sống chứ". Nhưng liệu ai biết trong cuộc đời đó họ đã gây ra những gì, hay bản thân họ cảm thấy gì?
Sự cống hiến, có chăng là một điều "nên làm" thay vì "phải làm". Bạn nên lựa chọn nó thay vì phải lựa chọn. Bởi bạn chỉ có một cuộc đời, và điều tuyệt nhất là bạn được tự do lựa chọn cách bạn sống.
Sống cống hiến có cần thiết không? Tôi cho là có, rất cần. Bởi như Trịnh Công Sơn đã từng viết:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để cho gió cuốn đi.
Đó chính là sự cống hiến. Một tấm lòng rộng mở, nhẹ nhàng, đủ để gió cuốn đi, không còn chỉ xoay quanh những suy nghĩ về bản thân nữa. Bạn có nhận ra nếu sống vì bản thân thì thế giới của bạn sẽ ngày càng bé nhỏ hơn không? Bạn có nhận ra cuộc sống chỉ xoay quanh một không gian nhỏ hẹp thì nặng nề thế nào không? Sự cống hiến sẽ giúp ta thoát ra khỏi cái thế giới nhỏ bé ấy, để có thể lan tỏa tới bất cứ đâu, bất cứ không gian và thời gian nào, bởi sự cống hiến luôn sẽ được ghi nhận. Ta sẽ chẳng thế biết những điều ta làm, những gì ta cống hiến sẽ đem lại những gì, nó như những hạt giống được gieo một cách hoàn toàn tự nhiên. Để rồi những hạt mầm nhờ gió, nhờ nước, nhờ đất mà nảy mần, sinh sôi và đem lại quả ngọt cho đời.
Sự cống hiến cần nhất là một tấm lòng rộng mở, không vụ lợi. Bởi chắc gì những hạt mần ta gieo đã là tốt, chắc gì những dòng nước kia không gây hại cho một ai đó? Nhưng đâu thể chỉ vì những điều không tốt mà phủ nhận những mặt tốt đẹp mà nó mang lại. Bản chất của cuộc đời là vậy. Có người khen thì cũng có kẻ chê. Sự cống hiến có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với kẻ khác. Nhưng hãy giống "bí mật của nước", hãy để những điều tốt đẹp phủ đầy tâm hồn ta, để ta vượt qua được những rào cản kia, để ta được thực sự tự do để sống một đời cống hiến.
Ai cũng quý trọng cuộc đời mình, do vậy ai cũng muốn sống một đời tốt đẹp. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?". Sống cống hiến chưa chắc đã sống gian khổ, nhưng đã gọi là cống hiến thì sẽ luôn phải đương đầu với những khó khăn, với những dị nghị của miệng đời. Sống cống hiến giúp ta trui rèn bản lĩnh, nghị lực và lòng quyết tâm. Và một cuộc sống mà ở đó ta dũng cảm vượt qua khó khăn, ta kiên trì đi trong gian khó, ta mạnh mẽ để chiến thắng nghịch cảnh, đem lại cho cuộc đời những mầm sống tốt đẹp, liệu đó có phải là một cuộc sống có ý nghĩa không? Tôi cho là có.
Ta có thể không "Phải" sống cống hiến, nhưng để sống một đời có ý nghĩa, ta cần tìm ra điều mà ta cho là có ý nghĩa. Và sự cống hiến có lẽ là một điều rất có ý nghĩa trên thế giới này.
p/s: có thể mình có chút lạc đề bởi đề bài là "phải biết sống cống hiến" chứ không phải "Phải sống cống hiến". Nhưng Biết sống cống hiến để làm gì? Nếu chỉ biết mà không thực hành, không thực sự sống thì có ý nghĩa gì? Nên mình phân tích theo hướng "Sự cần thiết phải sống cống hiến".
Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân, không quan trọng điểm số nên mình viết cho vui thôi, mong các bạn không đem dàn ý và điểm số áp vào bài này nhé. Mình tự chấm 0 điểm vì lạc đề rồi, nên không xét điểm số nữa nhé.
Đọc thêm:

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Cháo cỏ
Cống hiến là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung. Cái này là phải biết cống hiến thực sự là gì. Đâu phải ai cũng muốn công hiến được, ít nhất cũng có sức khỏe đảm bảo; cũng có trí tuệ để biết mục đích cống hiến cho xã hội để không bị ai đó lợi dụng. Còn mỗi người thì sẽ có những cách cống hiến khác nhau trong xã hội. Biết và phải là 2 khái niệm khác nhau dựa trên ý thức; suy nghĩ; khả năng của từng người nữa. Cái này thì suy nghĩa cá nhân thôi.
- Báo cáo

Bảo Phúc
Đối với e, sự cống hiến là mang lại giá trị kể cả nó tốt hay xấu :))). Ví dụ như là bài viết này, nó lạc đề và xứng đáng bị 0 điểm, nhưng mang tới thông tin và góc nhìn. Định nghĩa "phải" cống hiến là một thứ mơ hồ, vì nó ko có giới hạn. Nếu ko có những tên tội phạm, thì ko có pháp luật, nếu ko có pháp luật, thế giới sẽ vận hành vô tổ chức, nếu con người hành xử ko có tổ chức, thì chắc bây giờ ta vẫn đang ở thời săn bắn hái lượm, vậy rõ ràng, họ cũng gián tiếp đóng góp cho xã hội. Những người mà ta gọi là vô dụng cũng thế, nếu ko có họ, thì chả ai quan tâm tới những tỷ phú hay thiên tài cả. Nghĩ kỹ thì tất cả chúng ta đều đang cống hiến theo cách nào đó, dù ko phải ai cũng nhận ra.
- Báo cáo

Harrynguci
Mình luôn thắc mắc một chuyện đó là hiện giờ trên các phương tiện truyền thông hay xã hội đều muốn mỗi chúng ta phải tiến lên phía trước và xem đó như là một "con đường tất yếu" của một người thanh niên còn ngược lại sẽ bị xem là thiếu nghị lực trong cuộc sống. Thế còn những người bản chất họ vốn thích sự ổn định thì sao ? Chẳng có định nghĩa thế nào là thành công bởi lẽ cuộc sống chỉ đủ khi ta cảm thấy đủ thôi mà. Nếu họ hài lòng với hiện tại sáng đi làm 8 tiếng, chiều về với vợ con, cơm ăn ngày 3 bữa, gia đình hạnh phúc thì suy cho cùng cũng là một cách cống hiến cho xã hội.
- Báo cáo

duongAQ

Chủ đề này hơi phức tạp, có lẽ anh sẽ viết 1 bài nói sâu hơn mới rõ được. Nhưng anh nghĩ việc thích sự ổn định không có nghĩa họ ko tiến về phía trước, chỉ là họ tiến một cách chậm và chắc chắn mà thôi. Anh cũng công nhận là thời gian luôn tiến về phía trước và con người ta cũng phải đi theo nó. Chỉ khác là tốc độ và cách đi của mỗi người mà thôi. Còn sự bằng lòng với cuộc sống nó lại là khía cạnh khác. Nếu ko để ý sẽ dễ bị lẫn lộn các khái niệm và hiểu sai vấn đề.
- Báo cáo

Nguyễn Việt Anh
sống như vậy cũng có thể coi là đang tiến lên đó thôi. Họ đang đóng góp sức lao động tạo ra của cải vật chất, con cái họ được nuôi nấng để lớn lên tiếp tục cống hiến. Xã hội của họ vẫn đang tiến lên.
Những người thực sự thiếu nghị lực sống thì đã không đi làm, không ăn cơm và để cuộc đời đẩy họ về phía sau rồi.
- Báo cáo

D with a Z
Sống cống hiến đơn giản là chúng ta cho đi những gì ta đúc kết được, những gì có mà ta cho là ý nghĩa hay những thứ xuất phát từ tâm của chúng ta. Và dù không mong nhận lại thứ gì nhưng chúng ta đã nhận lại 1 điều gì đó to lớn ngay từ khoảnh khắc chúng ta cho đi. Đó chính là sự an nhiên trong tâm hồn ^^
- Báo cáo

duongAQ

Mình cũng đồng tình, nhưng điều đó hơi mang tính "lý thuyết" quá. Không phải cứ cho đi là an nhiên đâu. Những gì ta cho là ý nghĩa cũng chưa chắc đã hay, đã có ý nghĩa với người khác. Nên để thực sự làm được điều đó mà không phải bận lòng thì đó là cả 1 quá trình luyện tập, chiêm nghiệm và đấu tranh nội tâm rất lớn. Nên để "chọn" sống cống hiến không hề đơn giản và dễ dàng. Những điều này khá là khó để những bạn trẻ còn đang trên ghế nhà trường (THPT) hiểu được. Vậy nên mình muốn đưa ra thêm góc nhìn từ phía người đã qua trải nghiệm thôi.
Khi nhìn nhận 1 vấn đề cần nhìn cả mặt tốt và mặt xấu, để từ đó tìm ra sự cân bằng và bình yên trong những quyết định của mình. Không nên chỉ nhìn 1 chiều mà vội vã quyết định.
- Báo cáo

Harrynguci
Đề đã ra và các em phải biết "sống cống hiến" theo góc nhìn của người chấm bài lmao !
- Báo cáo

duongAQ

anh ko nghĩ thế. Vì đây là nghị luận xã hội nên người viết có thể đưa góc nhìn của mình vào, không nhất thiết phải theo góc nhìn của đáp án mẫu. Việc "bẻ" ngòi bút theo đáp án mà không dám nêu ra góc nhìn bản thân là 1 sự lựa chọn mà thôi. Chọn tự do ngôn luận thì phải chấp nhận những trở ngại từ việc chấm bài. Cũng giống ý "sống cống hiến cần phải dũng cảm" mà mình nêu ra đó. Bản thân việc viết bài này theo góc nhìn cá nhân mà ko quan trọng điểm số cũng là 1 sự cống hiến rồi nhỉ 

- Báo cáo

TÔI MÙ NHƯNG TÔI THÍCH RÕ NÉT
Hãy cứ phụng sự tận tụy cho khát vọng tự do, trái tim tự do sẽ mở lối cho chính mình rồi cống hiến là 1 phần tất yếu. Hình như mọi tỷ phú hay người thành công đi vào 1 bài diễn thuyết đều hàm ý khơi lên ham muốn tự do trong trí tưởng tượng của những người đối diện, và bằng 1 nghệ thuật tài tình họ thầm lặng mà đầy kiêu hãnh nói lên rằng "CÁC BẠN NHÌN ĐÂY 1 NGƯỜI THÀNH CÔNG 1 KẺ CHIẾN THẮNG ĐỨNG ĐÂY VÀ CỐNG HIẾN CHO CÁC BẠN, MỘT NGÀY NÀO ĐÓ CÁC BẠN CŨNG SẼ ĐỨNG Ở VỊ TRÍ NÀY" hãy theo đuổi tự do cống hiến mọi tài nguyên cho hành trình tự do.

- Báo cáo