Đây là bài báo trích đoạn phỏng vấn của tay vợt Rafael Nadal về việc Djokovic bị trục xuất khỏi Australia và quan điểm của Nadal về cách hành xử trong dịch Covid-19. Do trình độ tiếng anh của mình còn kém và nội dung câu nói của Nadal được viết dưới dạng trích nguyên văn nên mình sẽ dùng nó làm căn cứ để phân tích. Trong những câu nói này của Nadal thể hiện một góc nhìn rất hay và cách trả lời phỏng vấn thông minh. Cụ thể như sau:
1. Việc Djokovic bị trục xuất khỏi Úc:
Việc này không có lợi cho bất cứ ai.
Chúng ta rất khó biết được việc này có yếu tố chính trị hay âm mưu nào không. Rất nhiều bài báo đã đưa tin về việc này theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có việc gia đình Djokovic (bố anh ta) lên tiếng, rồi fan của anh gây bạo loạn để ủng hộ, tạo sức ép lên đại sứ quán Australia. Câu nói của Nadal nhằm mục đích "đứng ngoài chính trị". Anh không ủng hộ phe nào, cũng không bảo vệ đồng nghiệp hay thừa cơ nói xấu đối thủ. Anh ta chỉ đơn giản là muốn đứng ngoài chuyện này.
"Không có lợi" khác với "bất lợi". Nếu nói theo hướng "Việc này gây bất lợi cho Djokovic" thì nó sẽ có hướng bảo vệ Djokovic. Hay "việc này gây bất lợi cho đơn vị tổ chức giải - hay chính phủ Úc" cũng không phải là ý hay. Vậy nên lựa chọn cách nói trung lập như trên là rất thông minh. Cũng là 1 ý nghĩa nhưng nói khác đi thì sẽ dễ khiến người ta hiểu theo nghĩa khác, đặc biệt là giới báo chí.
Để bổ sung thêm cho đánh giá này, anh ta lại nói:
Tôi không thể đánh giá đủ khía cạnh vấn đề, vì tôi không có nhiều thông tin.
Không thể đánh giá đúng được vấn đề nhưng anh ta đã khẳng định ngay từ trước là "không có lợi cho bất cứ ai". Nó hơi giống một câu "chặn" tránh việc nhà báo hỏi sâu về góc nhìn của anh ta. Rõ ràng ngay thời điểm sự việc mới xảy ra thì chẳng ai khẳng định ngay được bên nào đúng, bên nào sai. Điều này càng thể hiện quan điểm "trung lập" của Nadal mà thôi. Nhưng ý sau đây lại không có tính trung lập cho lắm:
Tôi chỉ có thể nói rằng thế giới đang trải qua thời gian khó khăn, nhiều gia đình đã chịu khổ sở suốt hai năm qua vì đại dịch. Người dân Australia giận dữ cũng là chuyện thường tình, vì họ đã phải chịu đựng quá trình cách ly nghiêm ngặt. Rất nhiều người Australia không thể về nhà
Câu này là một mũi tên trúng hai đích:
- Để lấy lòng người hâm mộ. Nadal cảm thông với "người dân Australia" chứ không hướng vào hành động của hải quan.
- Nó cũng gián tiếp chỉ trích Djokovic đã gây ảnh hưởng tới người dân Australia. Có thể thấy quan điểm của Nadal là không đồng tình với cách làm của Djokovic. Bản thân Nadal đã chọn tiêm vacxin còn Djokovic thì không. Nhưng cách thể hiện quan điểm đối nghịch cũng rất nhẹ nhàng và khéo léo chứ không nói thẳng mặt hay chỉ trích công khai.
Tôi chỉ có thể nói rằng tôi tin tưởng vào những người hiểu về y tế, và những gì họ nói. Nếu họ nói rằng chúng ta cần tiêm vaccine, chúng ta sẽ cần tiêm vaccine. Tôi đã mắc và hồi phục Covid-19. Tôi đã tiêm hai mũi vaccine. Nếu làm như tôi, các tay vợt sẽ không gặp vấn đề gì để thi đấu ở đây hay bất cứ nơi đâu. Thế giới đã chịu đựng đủ rồi, và chúng ta không nên làm trái quy định nữa...

2. Về quan điểm "tiêm hay không tiêm vacxin"

(Hỏi rằng liệu anh có đang khuyến khích Djokovic tiêm vacxin để giải quyết vấn đề không): Tôi không khuyến khích ai cả. Mọi người có quyền làm theo cách họ nghĩ là tốt cho bản thân. Nhưng thế giới vẫn có luật lệ. Nếu không muốn tiêm vaccine, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối. Sau khi chứng kiến quá nhiều người mất mạng vì Covid-19, tôi cho rằng vaccine là cách duy nhất để vượt qua đại dịch. Những người hiểu biết về vấn đề này đã nói như vậy. Còn tôi chẳng có chuyên môn gì để đưa ra quan điểm khác
Nadal chọn một cách trả lời khéo léo:
- Đó là quy định của y tế.
- Đó là giấy thông hành trong thời buổi này.
- Đó là sự cảm thông và chia sẻ với những người khác.
- Nó nằm ngoài phạm vi hiểu biết của anh ta.
- Đó là vấn đề của lòng tin và tuân thủ luật lệ.
Thực tế quan điểm về tiêm hay không tiêm vacxin ở các nước phương Tây, ở Mỹ rất rõ rệt. Chúng ta cũng thấy là quyền lựa chọn của mỗi người cần được tôn trọng và họ cần tự nhận thức được vấn đề. Khi đưa ra quyết định thì họ cũng phải đối diện với những mặt trái của nó. Ví dụ như không tiêm vacxin thì Djokovic sẽ gặp vấn đề với việc tham gia các giải đấu ở nước ngoài (chứ chưa nói tới vấn đề sức khỏe của anh ta).
Trong cách nói của Nadal, anh ta đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ vacxin của mình, nhưng cũng tránh nói tới lý lẽ của 2 phe khi nhắc tới vấn đề này (như vacxin có tác dụng hay không, có gây hại gì tới sức khỏe không...) mà anh hướng tới vấn đề "rắc rối khi di chuyển, tham gia các giải đấu, rắc rối liên quan tới hải quan, nhập cảnh...". Mình thấy cách nói này rất khéo. Nó tránh được xung đột nhưng cũng bảo vệ được quan điểm cá nhân. Thường khi trả lời báo chí, những câu nói của chúng ta rất dễ bị hiểu sang nghĩa khác hay bị xuyên tạc theo ý của nhà báo. Bởi vậy những câu trả lời cần rõ nghĩa và có sự khẳng định trong đó. Thường lời khẳng định này được đưa ra ở ngay câu đầu tiên trong phần trả lời. Xem cách Nadal làm thì có thể thấy anh trả lời rất hay.

Kết

Mình rất thích nghe và phân tích những lời phát biểu của người nổi tiếng trên báo chí, truyền hình. Có thể họ được người ta soạn sẵn kịch bản câu hỏi và câu trả lời, cũng có thể việc phân tích của mình đi sai hướng ý nghĩa gốc của câu nói. Nhưng ít ra nó cũng giúp mình học hỏi được nhiều điều:
- Cách lựa chọn câu từ phong phú hơn.
- Cách trả lời phỏng vấn, vấn đáp như thế nào để tốt hơn.
- Cách thể hiện quan điểm cá nhân nhưng không xúc phạm tới người/tổ chức khác.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này? Chúng ta có thể cùng thảo luận thêm qua phần bình luận của bài viết này nhé.