Cứ 10 người Việt đang tham gia vào crypto, thì có khoảng 9 người nằm ở độ tuổi 18-36. Trong số 9 người đó, lại có đến 5 người thuộc độ tuổi từ 18-25. (Số liệu từ Report Coin98 2022).
Thị trường tiền điện tử và giới trẻ Việt Nam, cứ như 2 cực của nam châm, đang hấp dẫn nhau một cách mạnh mẽ. Với vị trí là một người đang tham gia vào cuộc tình này, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn góc nhìn về sự tương quan giữa giới trẻ và crypto, lí giải tại sao lại có cơn sốt này, và sau cùng, liệu GenZ tham gia vào crypto có phải là điều hợp lý hay không nhé!

I. Giới trẻ và crypto

Được sinh ra đúng giai đoạn mà Internet bắt đầu phổ biến, những cư dân bản địa số đầu tiên (như cách Philip Kotler gọi GenZ) có được khả năng đặc biệt mà không thế hệ nào trước có được: khả năng thích nghi với công nghệ mới một cách thần tốc. Trùng hợp thay, chính không gian số, cũng là nơi mà Satoshi đã lần đầu tạo nên Bitcoin, một đồng tiền điện tử thật sự. Từ mốc sự kiện đó, cả thị trường tài chính mới đã ra đời. 
Cùng sinh ra trong một thế hệ, cùng mang những hơi thở chung của thời đại, có lẽ vì đó mà crypto cũng như thế hệ trẻ có sức hút cho nhau lớn đến vậy. Tuy nhiên, chỉ lí giải vậy có lẽ là chưa đủ để trả lời câu hỏi lớn.

1. Sự quan tâm đến đầu tư từ sớm

Những năm gần đây, các đề tài về tài chính đang trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ. Những chủ đề về tài chính cá nhân, tự do tài chính, đầu tư,... đang được truyền thông khai thác hết sức triệt để. Chưa xét đến tính đúng sai, những điều này đã tạo nên một động lực không hề nhỏ thúc đẩy các bạn trẻ thực hành những kiến thức mà mình học được.
Vậy, chọn đầu tư vào cái gì đây? Cổ phiếu thì có vẻ hơi cổ điển, phái sinh thì có vẻ phức tạp, những tài sản như vàng thì … hơi chậm. Giữa vô vàn sự lựa chọn khó khăn, crypto nổi lên như ứng cử viên phù hợp.
Nói là phù hợp, vì tiền điện tử mang những giá trị gần như trùng khớp với những gì mà GenZ đang tìm kiếm. Crypto chuyển động liên tục 24/7 và rất nhanh nếu so với các thị trường khác được nêu ở trên. Nó mang tỉ suất sinh lợi cao hơn nhiều (tất nhiên là đi kèm với rủi ro). Và hơn hết, crypto mang yếu tố của công nghệ, và có một câu chuyện được kể không thể hấp dẫn hơn: rằng crypto sẽ tạo nên một nền tài chính mới (tài chính phi tập trung a.k.a Defi).

2. Tính cộng đồng

Được xây dựng dựa trên blockchain, vì vậy mà crypto hoạt động theo mô hình ngang cấp (peer-to-peer). Điều này có nghĩa là, những bên thứ 3, bên trung gian sẽ bị lược bỏ, khoảng cách giữa mọi người được rút ngắn lại. 
Tính cộng đồng càng được thể hiện rõ ràng hơn ở các mô hình của các dự án. Họ có thể cùng nhau xây dựng một sản phẩm mà chưa từng gặp mặt nhau, hoặc sau khi sản phẩm hoàn thiện, họ sẽ trao quyền kiểm soát sản phẩm về cho cộng đồng (biến dự án thành một DAO - tổ chức tự trị phi tập trung). 
Bitcoin hay crypto, vốn là sản phẩm của không gian số, do đó nó không hề chịu sự chi phối về mặt địa lý. Và tất nhiên, cộng đồng của thị trường này cũng vậy. Chúng ta có thể trở thành một thành viên quản trị cộng đồng của dự án Mỹ, trong khi đang ngồi cafe ở Việt Nam. Là GenZ, bạn có từ chối những cơ hội làm việc như vậy?

Nhưng…

Đáng tiếc cuộc đời lại tồn tại chữ nhưng. Mặc dù phù hợp với thời đại là thế, nhưng các giá trị tốt của crypto thường rất khó để cảm nhận. Đúng, Bitcoin, Ethereum, hay các đồng tiền điện tử có thể là lựa chọn đầu tư thú vị với người trẻ, nhưng bản thân câu chuyện đầu tư đã là một vấn đề nan giải. Hay về giá trị cộng đồng, ‘địa bàn’ mà các cộng đồng crypto chọn là Twitter, một nền tảng khá xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta, kể cả là giới trẻ cũng phải mất nhiều thời gian để làm quen, và nhiều thời gian nữa để tìm được nơi có giá trị.
Trước khi đến được cái ngọt ở hậu vị, đa số người trẻ lại bỏ cuộc ở những vị đắng đầu tiên. Hoặc là vì họ không đủ kiên nhẫn, hoặc là vì họ đã shock khị nhầm tưởng cái thị trường này ‘ngọt’ như một ly trà sữa. Mức độ kiên nhẫn của mỗi cá nhân thì có lẽ khá khó để định mức, nhưng về câu chuyện những lầm tưởng, những kì vọng sai, chúng ta có thể bàn thêm về nó đấy!

II. Những hiểu lầm mà giới trẻ thường mắc phải

1. Crypto có giá trị không?

Ngắn gọn và dễ hiểu, crypto hoàn toàn vô giá trị, khi bạn tách nó ra khỏi các mối liên hệ và chỉ xem nó như một bản thể độc lập. Lúc đó, kể cả Bitcoin hay Ethereum sẽ chỉ là sản phẩm của niềm tin mà thôi. Ấy nhưng, xã hội chúng ta vốn là sự chồng chéo của vô vàn hệ thống. Do đó, khi dùng công thức “Crypto + X”, với X là các hệ thống khác, ta sẽ cảm nhận được những giá trị mà nó mang lại.
Lấy ví dụ với Bitcoin, thứ còn được gọi với cái tên kiêu hãnh là ‘vàng kĩ thuật số’. Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy đến, người dân khó có thể bỏ chạy khi vác theo số vàng mà mình tích trữ được. Vì thế, họ đã bán vàng để mua vào Bitcoin, chẳng phải, đây là chính là giá trị nội tại của đồng crypto king này hay sao?
Hay với các chính phủ, sức hấp dẫn ở crypto gói gọn trong 4 chữ: CBDC (a.k.a Tiền điện tử của ngân hàng trung ương phát hành). Đây được xem là lời giải cho bài toán chuyển giao giá trị, theo lời chia sẻ từ Bank of America.
“CBDCs do not change the definition of money, but will likely change how and when value is transferred over the next 15 years,” analysts led by Alkesh Shah wrote, adding that central bank digital currencies have “the potential to revolutionize global financial systems and may be the most significant technological advancement in the history of money.” - Source: Coindesk
NFT, metaverse, Web3,... những lĩnh vực này đều trao cho crypto những giá trị nhất định khi cùng vận hành. Vậy, tại sao đa số mọi người vẫn nghĩ: crypto chỉ là những đồng coin vô giá trị?
Bạn hãy thử nghĩ xem, từ khi Bitcoin xuất hiện (năm 2009), đã có cuộc xung đột vũ trang lớn nào xảy ra chưa? Có lẽ là chưa. Hay với CBDC, dù được các chính phủ dành nhiều thời gian và nguồn lực và phát triển, song, họ vẫn chưa tìm được cách sử dụng. NFT, metaverse,... những công nghệ này thì quá mới và vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Thực tế, có quá ít cơ hội, điều kiện để crypto có thể chứng minh được giá trị của mình. Vì lí do đó, có lẽ, chúng ta chưa nên phủ nhận ngay tiềm năng của các đồng tiền điện tử. Và, càng không nên vội khẳng định rằng: crypto là những đồng coin vô giá trị, nhỉ?

2. Kiếm tiền từ crypto rất màu hồng?

Một trong những câu hỏi mình thường nhận được từ những người chưa tham gia thị trường rằng: “Chỉ cho anh con nào để đầu tư với nào!”. Well, chỉ từ câu hỏi này, ta có thể nhìn ra được 1 nhầm tưởng về việc kiếm tiền từ đầu tiền từ thị trường tiền số: Đầu tiên, chỉ có trading, đầu tư mới kiếm được tiền?
Trong bối cảnh mà content ngắn đang lên ngôi, và trading crypto lại là kiểu content hấp dẫn rất dễ viral. Không khó để gieo những hình ảnh sai lầm về công việc trading vào đầu của những người trẻ tiếp cận. Hình ảnh cậu trai trẻ, ngồi trước 5-6 cái màn hình, kiếm hàng trăm triệu,... thật quá đỗi đáng mơ ước. Chỉ tiếc rằng, crypto sẽ không có chỗ dành cho những kẻ giả mạo.
Những nội dung về trading viral trên tiktok.
Những nội dung về trading viral trên tiktok.
Một trader thực thụ, thực chất phải chịu rất nhiều áp lực. Nó có thể bào mòn bạn về sức khỏe tinh thần và thể chất. Chưa kể lượng kiến thức nền không hề nhỏ mà bạn cần phải chuẩn bị,... Nếu những thứ này là quá sức đối với bạn, thì hãy chọn cách khôn ngoan nhất, là từ bỏ. 
 Ngoài cái công việc với nến xanh nến đỏ kia, chúng ta, những người trẻ, còn có rất nhiều cơ hội khác để làm việc trong thị trường này. Chúng ta có thể thử sức với các vị trí làm việc tại dự án, như quản lý cộng đồng, xây dựng nội dung,... hay với những công việc level cao hơn như coding, marketing,... Đến đây, bạn có tự hỏi, tại sao ta lại phải đi làm?
Well, như đã đề cập ở trên, crypto có nhiều giá trị, nhưng lại rất khó để đào đúng giá trị ấy. Mức độ khó ấy càng nhân lên gấp vài lần nếu bạn đang hoạt động một mình, như cảnh tượng bạn đang một mình lênh đênh giữa biển. Chỉ khi có thêm đồng đội, công việc khám phá thị trường sẽ hiệu quả và thú vị hơn rất nhiều. 
Nhưng dù nói gì, làm gì, bạn cần phải hiểu rằng khám phá thế giới tiền điện tử này cần phải có thời gian. Vậy nên hãy cứ từ từ bước đi và tận hưởng, đừng tin vào những con đường tắt. 

III. Cuối cùng, người trẻ nên chọn con đường nào?

Biết được tiềm năng của crypto là như thế, nhưng liệu có công thức nào để giúp người trẻ tiếp cận crypto một cách an toàn, hiệu quả hơn? Có lẽ là khó, khó có một công thức riêng nào cho bạn, cho mình, hay cho bất kì ai. Đơn giản là vì, mỗi người chúng ta không ai giống ai, cả về lượng kiến thức, sự trải nghiệm, hay mục tiêu mà bạn hướng đến khi tìm đến không gian tiền số.
Dù chúng ta không thể tìm được công thức thành công, nhưng chi ít, chúng ta có thể nhận ra những con đường sai bằng những đặc điểm. Chẳng hạn, nó quá dễ, quá nhanh, hay trải đầy hoa hồng. Nếu ai đó tiếp cận bạn với viễn cảnh như vậy, thì đừng vội tin vì nó có thể chỉ là chiêu trò lừa bịp.
Nếu các thị trường tài chính khác chỉ hoạt động vào giờ hành chính, thì crypto lại chuyển động liên tục 24/7. Rất nhiều thứ mới có thể xuất hiện ngay sau một giấc ngủ, do đó, một cái đầu mở sẽ là yếu tố quan trọng khác bạn cần có.
Cuối cùng, hãy nói về thất bại. Có thể bạn sẽ gặp rất nhiều thất bại khi mới bước chân vào thị trường này, bạn lỡ tin lời một kol nào đó mà đu đỉnh một đồng coin, kiến thức học được xem chừng lại không áp dụng được, bạn bỏ lỡ cơ hội lớn mà xung quanh ai cũng nắm lấy,... những cảm giác đó, đừng lo, vì nó không chỉ đến với mỗi mình bạn. Điều quan trọng, là bạn cho phép những thất bại đấy ảnh hưởng lên mình như thế nào. Cụ thể, bạn dám bỏ ra bao nhiêu tiền để trải nghiệm thị trường (all-in lúc này thì dở lắm), và bạn rút ra những gì sau lần thất bại đó?
(NFA)