Đọc chậm thì tốt nhưng đọc nhanh cũng không xấu. Suy cho cùng đó chỉ là 2 trong vô vàn chiến lược đọc sách. Miễn là chúng ta có mục đích rõ ràng thì, đọc chậm hay đọc nhanh đều hiệu quả. Câu hỏi đúng phải là: Khi nào/ Loại sách nào cần đọc nhanh/chậm?
Cách đây vài tháng, khi lượn lờ một group đọc sách, mình gặp chủ đề này. Nhìn một lượt comment, có người tranh cãi đọc chậm mới giúp hiểu sách một cách chuyên sâu, có người cho rằng đọc nhanh thì sẽ đọc nhiều hơn và vẫn hiểu đủ, mình chợt nhớ về thời kỳ đầu làm book reviewer, khi ấy mình cũng là một người theo phe đọc chậm và phản đối phong cách đọc nhanh một cách cực đoan.
Tuy nhiên, khi nhận thức nhiều hơn về giá trị của việc đọc, mình nhận ra, đọc nhanh hay đọc chậm, đều là những chiến lược đọc, đều có thế mạnh riêng của nó, và đều luyện tập được. Một người hoàn toàn có thể điều chỉnh tốc độ đọc nếu họ cảm thấy cần thiết.
Bài viết này ghi lại hành trình thay đổi định kiến của mình về tốc độ đọc.

Từ một book reviewer chuyên đọc chậm

Khi vận hành trang bookstagram @manh.di.viet.thue (kênh Instagram chuyên về sách của Manh) được khoảng 1 năm, mình nhận thấy điểm khác biệt lớn trong phong cách đọc của mình với đa số các bạn book reviewer khác trên nền tảng này - đó là tốc độ đọc.
So với các bạn book reviewer có thể đọc khoảng 10 cuốn sách mỗi tháng, số lượng sách mình đọc rất khiêm tốn (chỉ khoảng 1 - 2 cuốn/tháng, đó là những cuốn mỏng dưới 200 trang, cuốn dày thì lâu hơn nữa)
Sự thật phũ phàng này khiến mình bực dọc một thời gian dài. Thứ nhất, mình không đủ tư liệu để làm nội dung cho kênh bookstagram. Thứ hai, khó chịu hơn, mình không hiểu vì sao người ta có thể đọc nhiều và nhanh như vậy mà vẫn hiểu rõ ý nghĩa của sách. Thứ ba, tệ nhất, mình nghi ngờ bản thân, rằng mình không thích đọc sách đến thế, và việc lập một kênh bookstagram chuyên về sách chắc chắn là sai lầm rồi.
Chưa kể đến việc mình bắt đầu suy nghĩ liên thiên về mấy bài truyền thông văn hóa đọc kêu gọi mọi người đọc hàng ngàn cuốn sách mỗi năm, những challenge kiểu 30 phút đọc được bao nhiêu trang sách, rồi book haul, bookshelf tour các thứ...

Và hành trình đi đòi lại công bằng cho phe đọc chậm

Những suy nghĩ bực dọc ấy đã khiến mình xây dựng lại định hướng nội dung cho @manh.di.viet.thue. Mình làm với tâm thế chứng minh cho thế giới thấy việc đọc chậm tốt hơn đọc nhanh như thế nào. Thay vì tập trung vào việc review nhiều cuốn sách nhất có thể, mình tập trung vào lợi thế của việc đọc chậm. Cụ thể:
(1) Đọc chậm nhưng chất sẽ giúp chúng ta tập trung vào chất lượng sách hơn, khai thác được nhiều khía cạnh của một cuốn sách hơn là nội dung của chính nó.
(2) Đọc chậm có thể là một dấu hiệu của việc kỹ năng "information processing" bị chậm, bị yếu. Nhưng chính điểm yếu ấy lại tạo cho mình cơ hội để phát triển các kỹ năng khác support cho việc đọc hiểu sách như: nghiên cứu, đặt câu hỏi, tư duy phản biện, cấu trúc dữ liệu...
(3) Đọc chậm giúp mình kiên nhẫn hơn, từ đó phát triển nhiều góc nhìn cho một cuốn sách hơn. Mình bây giờ ít nóng vội để xem kết sách, mà thay vào đó tận hưởng hành trình đọc sách nhiều hơn.
Tất cả những điều đó, mình đều tổng hợp lại và làm thành các tuyến nội dung nhằm giúp followers của Manh hiểu sâu sắc hơn về một cuốn sách. Chúng bao gồm: giải đáp các hiểu lầm về văn hóa đọc, tips/tricks đọc sách hiệu quả, xen lẫn là các bài review sách truyền thống. Những giá trị này đã giúp mình duy trì kênh @manh.di.viet.thue trong thời gian dài hơn, ít nhất là đến cuối năm 2022.
Một số nội dung trên @manh.di.viet.thue năm 2022
Một số nội dung trên @manh.di.viet.thue năm 2022

Đến khi bị đẩy vào tình huống mà đọc nhanh là giải pháp bắt buộc

Giữa năm 2022, công ty mình có một sự thay đổi lớn. Sự thay đổi ấy dẫn đến việc toàn bộ skillset, kiến thức của các thành viên trong team, ở thời điểm ấy, đều trở nên vô dụng. Mình là Content Leader trong team, mình vẫn có thể dùng kỹ năng và kiến thức của Digital Marketing và Content Marketing. Tuy nhiên, trong thâm tâm, mình biết, những kỹ năng đó đã tới giới hạn và trình độ của mình sẽ không thể khá hơn nếu như không học thêm các kỹ năng khác ngoài chuyên môn.
Thời điểm đó, team Marketing của công ty hoạt động như một team Business Development. Nghĩa là bên cạnh việc tiếp tục truyền thông sản phẩm hiện tại, chúng mình dùng mọi biện pháp có thể để thăm dò thị trường, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, thử nghiệm các giả thuyết, thu thập thông tin để hỗ trợ làm sản phẩm mới... Với lượng nhân sự mỏng, từng cá nhân phải học thêm kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời học hỏi lẫn nhau để hỗ trợ công việc nhiều nhất có thể. Bản thân mình cũng phải học rất nhiều, từ công việc chuyên môn như SEO, market research, business... đến các kỹ năng mềm như làm báo cáo, tổ chức cuộc họp, đào tạo, leadership...
Ban đầu, để tiết kiệm thời gian, mình tìm đến những giải pháp cơ động hơn như Google và hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đi trước. Tuy nhiên, những phương án đó ngắn hạn và chỉ có hiệu lực tùy vào tình huống. Trong khi đó, ngành mình làm khá đặc thù, hiếm thông tin với những dấu hiệu chả giống ai. Đó là lý do khiến mình phải tìm đến sách - một công cụ mang đến cho mình giải pháp bền vững hơn, đi sâu vào bản chất và bắt mình nhìn lại vào tư duy giải quyết công việc.
Nhưng vấn đề là làm sao để đọc từng ấy sách trong thời gian bận rộn thế này?
Áp lực thời gian buộc mình phải thay đổi phương thức đọc sách. Cụ thể:
(1) Thay vì đọc kỹ đến từng chi tiết, mình tập đọc kiểu scanning và skimming để nắm bắt những ý quan trọng trước khi bắt đầu đọc.
(2) Thay vì đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối, mình đánh dấu những phần sát sườn công việc nhất để ưu tiên đọc và đọc kỹ, những phần còn lại mình sẽ để dành đọc sau.
(3) Thay vì research thêm nguồn ngoài, mình liên hệ trực tiếp những điều đọc trong sách với tình huống công việc gặp phải, từ đó phản biện, rút kinh nghiệm và sửa ngay lập tức trong lần áp dụng tiếp theo.
(4) Thay vì kiên nhẫn thấu hiểu cặn kẽ từng cuốn sách, mình ưu tiên mục đích đọc để áp dụng vào công việc. Mình sẵn sàng đổi sang một cuốn sách khác ngay khi cảm thấy cuốn sách hiện tại không giúp mình hiểu.
Đến khi nhìn lại, khoảng thời gian từ tháng 10 - tháng 11/2022, là khoảng thời gian mình đọc nhiều sách nhất. Mình liệt kê dưới đây một vài cuốn sách mình vô cùng tâm đắc (phần lớn trong số đó có độ dày từ 300 trang trở lên):
- The making of a manager, Julie Zhuo
- The One Thing: The Surprisingly Simple Truth Behind Extraordinary Results, Gary Keller and Jay Papasan
- UX Content 4.0: Chọn đúng chữ, giữ người dùng
- Value Proposition Design - Thiết kế giải pháp giá trị
- Digital Marketing - Từ chiến lược đến thực thi
- S.E.O Ngon: Hiểu đúng, làm đúng
Và đó cũng là lúc mình nhận ra, mình cần phải làm lại định hướng nội dung cho @manh.di.viet.thue.

Vậy đọc sách nhanh có xấu không?

Nếu mục tiêu của cậu là để hiểu tường tận một cuốn sách bất kỳ thì có. Còn nếu là mục tiêu khác thì... chưa chắc.
Khi tìm hiểu về việc đọc nhanh, mình được tiếp cận đến khái niệm "strategic reader", dịch nôm na là "người đọc có chiến lược". Và trong bài nghiên cứu "Success in Reading: Four Characteristics of Strategic Readers" của trường Western Michigan University, có một đoạn như thế này:
Strategic behavior is essential for the comprehension of difficult texts. Therefore children should be taught when to skim for main ideas or scan for particular information. They must recognize the need to read quickly or slowly, carefully or casually, silently or aloud (Kleiman, 1982), and when to apply these reading strategies. Selecting appropriate reading strategies is a skin that good readers learn to utilize effectively.
Mình dịch lại như sau:
Hành vi có chiến lược là một điều cần thiết để giúp chúng ta hiểu được những văn bản khó. Vì vậy, trẻ em cần được giáo dục về cách đọc lướt để tìm ý chính hoặc tìm thông tin cụ thể. Chúng cần nhận ra tầm quan trọng của việc đọc nhanh, đọc chậm, đọc kỹ, đọc lướt, đọc thầm, đọc thành tiếng... và khi nào thì áp dụng những kỹ thuật đó. Việc áp dụng một chiến lược đọc hợp lý và tận dụng nó hiệu quả là một kỹ năng của người đọc giỏi. [1]
Rõ ràng, việc đọc nhanh cũng không hề tệ như vậy, nó cũng có ưu thế riêng so với đọc chậm. Miễn là chúng ta có mục đích rõ ràng với nó. Và chúng ta, càng không nên nhìn việc đọc như một hành động tiếp nhận thông tin bình thường, mà nên nhìn nó giống như một giải pháp để giải quyết các vấn đề cá nhân, ví dụ như giải quyết công việc, phân tích cảm xúc cá nhân, nâng cao kỹ năng...

Khi nào/ loại sách nào nên đọc nhanh/ chậm?

Dựa theo trải nghiệm của mình thì
Cậu nên đọc chậm khi:
- Cậu cần tìm hiểu, phân tích một cách có chiều sâu về một cuốn sách cụ thể
- Cậu cần thu nạp một lượng kiến thức lớn, mà không cần phân biệt mức độ quan trọng của nó
- Cậu cần tìm hiểu những khía cạnh phức tạp của con người/ nhân vật trong sách như nội tâm, thế giới tinh thần, mindset...
Với mình, những loại sách cần đọc chậm chủ yếu là các sách với cấu trúc và cốt truyện không rõ ràng, hoặc những sách mô tả thuần túy về mặt cảm xúc. Trường hợp này mình gặp trong sách fiction nhiều hơn.
Cậu có thể đọc nhanh khi:
- Cậu cần giải pháp để giải quyết vấn đề ngay lập tức
- Cậu cần hệ thống hóa khung thông tin trong sách trước khi bước vào quá trình tìm hiểu sâu
Với mình, những loại sách có thể đọc nhanh thường là những sách có sự phân cấp thông tin rõ ràng, ngôn từ dễ hiểu, mình thường gặp nhiều trong sách non-fiction, sách chuyên ngành.
---
Ref:
[1] David L. Brown, L.D. Briggs (1989). Success in Reading: Four Characteristics of Strategic Readers. Link
---
Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê, mình viết về sách, văn hóa đọc và những quan điểm về cuộc sống. Mời mọi người ghé qua Instagram @manh.di.viet.thue để đọc thêm các nội dung về sách của mình nha.