Vài lời chú giải trước khi mình dịch tiếp
Về khái niệm logos: 
Logos là một khái niệm trong Stoicism, bắt nguồn từ một niềm tin rằng vũ trụ được sắp xếp và hoạt động một cách lí trí và có sự liên kết giữa các yếu tố trong nó. Cụ thể hơn thì vũ trụ được vận hành dựa trên một nguồn lực gọi là "logos". Logos biểu thị một sự hoạt động lí trí và mạch lạc, và xuất hiện ở trong cả cá nhân mỗi người, lẫn ở tầm vũ trụ.  Ở tầm cá nhân, nó là khả năng suy nghĩ lí trí của con người. Ở tầm cao hơn, nó là một trật tự logic cai quản sự vận hành của vũ trụ. Có thể nói nếu hiểu theo nghĩa này, nó được coi là "tự nhiên", "lẽ đời", hay "ý trời". Mọi sự việc đều được quyết định bởi logos, theo một chuỗi nhân-quả không thể bị phá vỡ.

7. RUSTICUS
Ta học được từ Rusticus rằng ta cần phải rèn luyện bản thân và đưa bản thân vào kỉ luật. Không được để bị lạc lối sa đà vào thuật hùng biện. Không được viết luận về những câu hỏi trừu tượng, hoặc dạy đời người khác, hay nỗ lực phô trương về cuộc sống giản đơn của mình, hay rằng mình là một người đàn ông chỉ sống vì người khác. 
Không diện quần áo chỉ để dạo quanh trong nhà. Viết những lá thư với lời lẽ rõ ràng giản dị (giống như những bức thư ông ấy vẫn gửi từ Sinuessa cho mẹ ta). Và phải hành xử với tinh thần hòa giải khi những người đã làm ta giận giữ hay khó chịu muốn làm lành với mình. 
Rằng ta phải đọc sách với sự chú tâm, không hài lòng với những kiến thức nhàng nhàng nông cạn. Và không được bị mắc lừa bởi những kẻ mồm mép. 
Và ta cũng biết ơn vì ông đã giới thiệu cho ta những bài giảng của Epictetus khi cho ta mượn bản chép của ông.
8. APOLLONIUS
Từ Apollonius ta học được sự độc lập và sự chú tâm vào mục tiêu của mình, và rằng không được để ý đến bất kì thứ gì dù nhỏ nhất, trừ logos. Và phải kiên định trong mọi hoàn cảnh - trong nỗi đau tột cùng, khi mất con hay là cả trong những cơn đau dài. Và dựa trên tấm gương của ông, thấy được rằng một người đàn ông khi hoàn cảnh yêu cầu có thể thể hiện cả sức mạnh lẫn sự linh hoạt. 
Ông thể hiện sự kiên nhẫn trong dạy học. Và luôn coi chuyên môn và khả năng dạy học của mình là một trong những đức hạnh khiêm tốn nhất của mình. 
Và cũng từ ông, ta học được cách để nhận sự giúp đỡ từ bạn bè mà không mất đi lòng tự trọng của bản thân, cũng như là không tỏ ra vẻ vô ơn.
9. Sextus
Sự tốt bụng.
Tấm gương về 1 người cha mẫu mực trong 1 gia đình. Dạy ta cách sống theo như ý nguyện của tự nhiên.
Trang nghiêm nhưng không làm bộ màu mè.
Thể hiện sự cảm thông cho những người bạn, khoan dung với những kẻ dốt nát và suy nghĩ tùy tiện. Ông ấy có khả năng hòa đồng với tất cả mọi người, được đồng hành cùng ông luôn được coi như là 1 vinh dự cao nhất, và có được cơ hội đó cũng là 1 vinh dự cho tất cả mọi người xung quanh ông.
Bằng sự thấu hiểu và logic, cần phải nghiên cứu và phân tích những qui tắc mà ta cần tuân theo trong cuộc sống.
Không thể hiện sự giận dữ hay các cảm xúc khác. Một tâm trí yên bình không mang theo những cảm xúc mạnh mẽ, nhưng đồng thời lại ngập tràn tình thương yêu.
Ngợi khen người khác nhưng không phải với giọng điệu khoa trương, thể hiện khả năng của mình mà không hề tự phụ.
10. NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC ALEXANDER
Không liên hồi đi sửa sai người khác, không nhảy bổ vào họ mỗi khi họ mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, hay phát âm sai mà chỉ trả lời câu hỏi của họ, hoặc cho họ 1 ví dụ, hoặc chú tâm tranh luận về nội dung của đoạn văn chứ không phải là về cách viết, hoặc góp ý tích cực cho chủ đề đó.
11. FRONTO
Nhận ra những ác tâm, gian xảo và đạo đức giả mà quyền lực tạo ra, và sự tàn nhẫn mà những người đến từ những "gia đình quí tộc" thường thể hiện.
12. ALEXANDER, HỌC TRÒ CỦA PLATO
Không được liên tục bảo người khác (hoặc viết thư cho họ) rằng ta đang rất bận rộn, trừ khi sự thực là như vậy. Tương tự, không được lấy lí do "việc gấp" để liên tục trốn tránh trách nhiệm với những người xung quanh ta.
13. CATULUS
Không được lờ đi sự bực bội của một người bạn, kể cả khi sự bực bội đó không chính đáng, mà luôn cố để làm lành với họ.
Thể hiện với thầy giáo của mình sự tôn kính 1 cách tự nguyện, và thể hiện với con cái của mình tình yêu thương chân thành.
14. SEVERUS, ANH TÔI
Phải yêu gia đình mình, lẽ phải và công lý. Nhờ anh mà ta đã được gặp Thrasea, Helvidius, Cato, Dion và Brutus, và thai nghén trong đầu hình ảnh của một xã hội với luật pháp công bằng, được cai trị bởi sự bình đẳng về địa vị và ngôn luận, với 1 vị vua tôn trọng sự tự do của thần dân hơn bất cứ thứ gì.
Và cũng nhờ anh, ta học được rằng cần phải điềm tĩnh và kiên trì trong việc cống hiến bản thân mình cho triết học.
Và cần phải giúp đỡ người, hăng hái chia sẻ, không được bi quan và không bao giờ được nghi ngờ tình cảm mà bạn bè dành cho ta. 
Và rằng cần phải thể hiện rõ với người khác thái độ bất bình của ta với họ. Bạn bè của anh ấy không bao giờ phải suy đoán về thái độ của anh với bất kì thứ gì, thái độ của anh là luôn luôn rõ ràng.