Lời tựa:                       Như đã giới thiệu trong series, Seneca thực sự là nguồn cảm hứng Stoicism của mình. Đọc Seneca không chỉ là về triết học mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện cái tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời.                                           Với hy vọng giới thiệu Stoicism đến với các bạn trẻ Việt Nam, xin gửi tới các bạn bản dịch những bức thư quan trọng nhất trong cuốn "Moral Letters to Lucilius", tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Seneca và là một trong bộ ba cuốn sách nền tảng của Stoicism.                                                             Do không phải anh dịch thuật, nên bản dịch này hoàn toàn tập trung vào việc truyền tải thông điệp và hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với bản tiếng Anh, để có thể thấy cái hay cái đẹp trong việc sử dụng ngôn từ của Seneca (dù thực ra bản tiếng Anh cũng chỉ là một bản dịch). Một anh bạn người Ý của mình đã chia sẻ Seneca được đưa vào chương trình giảng dạy tại Ý như một bậc thầy về việc sử dụng ngôn từ. Vì vậy, xin cam đoan tất cả những gì khiến bạn cảm thấy trúc trắc từ bản dịch là bởi khả năng hạn chế của mình, và rất mong nhận được đóng góp của các cao nhân để bản dịch được hoàn thiện hơn. Lưu ý: vì một số lý do như nội dung không còn quá sát và cần thiết với thời hiện tại, mình sẽ không dịch 4 bức số 58, 85, 92, và 95 nhé. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì bản tiếng Anh có sẵn trên Wiki, hay có thể nhắn cho mình mình sẽ gửi bản pdf sách.
Bạn có thể đọc trước giới thiệu về Seneca ở đây:

Bức thư số 116

Bạn thân mến!
Câu hỏi thường được đặt ra là việc chấp nhận cảm xúc một cách vừa phải liệu có tốt hơn là từ chối hoàn toàn cảm xúc hay không. Những triết gia Stoic thường đồng ý tán thành phương án sau, trong khi những người Peripatetics khuyến khích việc kiềm chế cảm xúc ở một mức độ nhất định. Nhưng tôi không thể thấy bất cứ lợi ích nào trong việc có một lượng vừa phải những bệnh tật cả.
(Lưu ý: Ở đây cảm xúc Seneca đang nhắc tới là sau phản ứng tự nhiên khi hoàn cảnh xảy đến nhé. Như đã bàn trong các bức thư trước, Stoicism cho rằng ngay cả thánh nhân cũng sẽ có các cảm xúc buồn vui, đau khổ, vv. khi hoàn cảnh xảy đến, như một phản ứng tự nhiên. Nhưng sau đó, khi tâm trí đã giành lại quyền làm chủ thì Stoicism cho rằng cảm xúc sẽ không thể tác động thêm đến các quyết định và hành động của ta, hoặc ít nhất thì đó là đích mà những người Stoic mong muốn hướng tới)
Đừng sợ, tôi sẽ không tước mất của bạn bất cứ thứ gì mà chính bản thân bạn chẳng muốn khước từ. Tôi sẽ linh hoạt và thuận theo khuynh hướng của bạn và những thứ bạn cho là cần thiết cho cuộc đời, hữu dụng, và mang lại niềm vui; và sẽ chỉ tìm cách loại bỏ những thói xấu hay sai lầm. Sau khi tôi đã ngăn cấm bạn để những ham muốn làm chủ bản thân, tôi sẽ chấp nhận những khao khát của bạn với những thứ xứng đáng (phẩm cách), để bạn có thể kiên trì theo đuổi nó mà không lo lắng, mà thay vào đó được đảm bảo với một niềm hạnh phúc thậm chí còn mãnh liệt hơn. Tại sao hạnh phúc ấy không thể đến với bạn, một cách có lẽ còn dễ dàng hơn nếu bạn là chủ nhân chứ không phải nô lệ của nó?
Bạn trả lời, "Nhưng việc tôi phải chịu đựng nỗi mất mát một người bạn là hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Vậy hãy chấp nhận cho những giọt nước mắt chính đáng ấy tuôn rơi! Cũng vậy, sẽ là thuận theo tự nhiên khi ta bị ảnh hưởng bởi ý kiến đám đông và trở nên buồn bã đau khổ khi những ý kiến đó là tiêu cực. Tại sao bạn không để cho tôi có được nỗi sợ hãi chính đáng của việc bị người khác nghĩ xấu về mình?" Không một thói xấu hay sai lầm nào lại không có cho nó một lời bào chữa. Ban đầu chúng đều rất nhỏ nhặt và dễ thuyết phục, nhưng sau đó chúng cứ lớn dần lớn dần. Bạn sẽ không thể cứ nói chấm dứt là chấm dứt chúng khi bạn đã để chúng bắt đầu. Mọi cảm xúc đều mờ nhạt lúc mới đầu; rồi sau đó chúng tự khiến chúng nghiêm trọng thêm và tiến tới kiểm soát chúng ta. Sẽ dễ dàng hơn nếu một người từ chối chấp nhận chúng ngay từ đầu thay vì làm vậy khi chúng đã trở nên nghiêm trọng.
Không ai có thể phủ nhận rằng mọi cảm xúc đều đến từ một nguồn, mà ta có thể nói khái quát, là tự nhiên. Tự nhiên đã áp cho ta nghĩa vụ phải lo lắng cho bản thân mình; nhưng khi ta thực hiện nghĩa vụ đó một cách thái quá, nó sẽ trở thành một sai lầm. Tự nhiên gắn liền những thứ cần thiết cho cuộc sống với hạnh phúc, không phải là để ta tìm kiếm hạnh phúc, mà để hạnh phúc kèm theo ấy khiến những thứ thiết yếu có sức thu hút hơn với ta. Nếu hạnh phúc là đích tìm kiếm cuối cùng, nó sẽ trở thành thói hưởng thụ cá nhân. Vì vậy, hãy để ta từ chối cảm xúc ngay khi chúng mới chớm đến, vì, như tôi đã nói, sẽ dễ dàng hơn để ngăn chặn chúng từ đầu thay vì cố dứt bỏ chúng sau này.
Tôi biết bạn sẽ nói: "Hãy để tôi đau nỗi đau mất mát một chút, và cũng cho phép tôi có một phần sợ hãi tự nhiên". Nhưng cái một chút ấy sẽ cứ tiếp tục tăng dần, và nó sẽ từ chối chấm dứt khi bạn muốn. Người sáng suốt có thể kiểm soát mình mà không để muộn phiền chế ngự, và có thể dừng những giọt nước mắt cũng như cảm giác vui mừng khi ông ta muốn vậy. Còn chúng ta, những kẻ sẽ gặp khó khăn khi muốn kiểm soát, thì tốt nhất là không nên bắt đầu những cảm xúc ấy. Tôi tin rằng Panaetius đã có một câu trả lời rất thẳng thắn với câu trai trẻ, người đã hỏi ông ta liệu một người thông thái có lao vào vòng yêu đương hay không. "Nếu xét một người thông thái", Panaetius trả lời, "ta sẽ bàn đến sau; nhưng với anh và ta, những người còn cách rất xa sự thông tuệ, hai ta tốt hơn là nên kìm lại những hoàn cảnh có thể khiến ta trở nên điên cuồng, mất đi kiểm soát, phụ thuộc vào người khác, và mất đi giá trị bên trong của mình. Vì nếu tình yêu của chúng ta được đáp trả, ta sẽ sung sướng bởi sự chấp thuận của người mình yêu; còn nếu không, lòng ta rực lửa khi niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Một mối tình dễ dàng cũng có hại như một mối tình khó khăn; ta bị cuốn vào (và đánh mất bản thân) vì sự dễ dàng, nhưng ta cũng sẽ bị phân tâm khỏi chính mình vì những khó khăn. Nắm được điểm yếu của bản thân (sự dễ dao động của bản thân trước hoàn cảnh), ta sẽ có thể dễ dàng bình thản hơn. Vậy nên đừng để ta giao phó tâm trí còn nhu nhược dễ bị ảnh hưởng của mình cho rượu, cái đẹp, những lời nịnh nọt, hay bất cứ cám dỗ nào khác".
Tôi tin câu trả lời của Panaetius cho câu hỏi về tình yêu có thể được áp dụng cho mọi cảm xúc khác. Hãy tránh càng xa càng tốt cái dốc đứng trơn trượt ấy, vì với chúng ta ngay cả việc đứng vững vàng trên mặt phẳng cũng đã khó khăn rồi. Bạn sẽ phản đối tôi trong chủ đề này với cùng một biện luận quen thuộc thường dùng để chống lại Stoicism: "Những gì các ông hứa hẹn là quá lớn; những gì các ông yêu cầu là quá khả năng con người. Chúng ta chỉ là những cá thể nhỏ bé; và sẽ chẳng thể nào từ chối bản thân mình mọi thứ. Ta sẽ vẫn cảm thấy đau khổ mất mát, dù chỉ một chút; sẽ vẫn ao ước thứ này thứ nọ, dù chỉ ở mức vừa phải; vẫn sẽ tức giận, nhưng không phải là không thể nguôi ngoai". Bạn có biết tại sao họ không thể làm những việc ấy? Vì họ không tin là họ có khả năng làm được.
Thực tế, còn một thứ nữa cũng có liên quan: tình yêu của ta với những thói xấu của chính bản thân mình. Ta bảo vệ chúng, thà đưa ra lý do bào chữa cho chúng còn hơn là phải cố loại bỏ chúng. Con người được tự nhiên ban cho một nguồn sức mạnh thực sự to lớn, chỉ là ta có muốn sử dụng hay không mà thôi. Việc ta cần làm đơn giản chỉ là tập hợp sức mạnh bên trong và hướng chúng chống lại thói xấu, hay ít nhất để chúng không làm yếu chính bản thân mình. Không có khả năng chỉ là một lý do bào chữa, vì nguyên nhân thực sự là ta không có đủ ý chí mà thôi.
Tạm biệt!
A Dreamer
Lưu ý: Vì sau khi Spiderum update, thực sự việc copy bản tiếng Anh vào bài viết quá trúc trắc. Vậy nên bạn nào muốn đọc cả bản tiếng Anh có thể tự download sách trong link dưới hoặc tìm trên Wiki nhé.
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)