Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, nhờ thu nạp các chuyên gia tên lửa của Adolf Hitler, Liên Xô tập trung xây dựng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên R-7 có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Tuy nhiên Sergei Korolyov, trưởng nhóm nghiên cứu R-7, có ước mơ lớn hơn. Ông hối thúc các lãnh đạo quân đội Liên Xô dùng tên lửa này để phóng vệ tinh bay quanh trái đất. Nhưng trước đó, năm 1955, Mỹ đã công bố kế hoạch phóng vệ tinh để đóng góp vào Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế,  lo sợ chậm chân hơn Mỹ, lãnh đạo Liên Xô nhanh chóng chấp thuận yêu cầu của Korolyov.
Năm 1957, Liên Xô phóng chiếc vệ tinh đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu một bước ngoặc vĩ đại trong ngành khoa học vũ trụ. Chỉ là một quả cầu kim loại nặng 85 kg với đường kính chỉ vỏn vẹn 58 cm nhưng ý nghĩa lịch sử của nó không hề nhỏ bé chút nào, nhất là 60 năm trước. Nó đã mở ra một cuộc chạy đua công nghệ giữa hai cường quốc lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ.
.Ngày 4 tháng 10 năm 1957, vào lúc 20h28m (theo giờ Moscow) chiếc vệ tinh đầu tiên trên thế giới mang tên Spunik 1 (Prosteyshiy Sputnik-1) được phóng khỏi trái đất. Những tiếng bíp bíp đầu tiên bắt được nhờ sóng vô tuyến, các nhà khoa học Liên Xô chờ đợi thêm 90 phút để xác nhận rằng vệ tinh đã bay một vòng quanh trái đất trước khi hãng thông tấn Liên Xô TASS công bố thông tin.


Những tiếng bíp bíp nhanh chóng được những người đam mê radio trên toàn thế giới bắt được, các báo đài liên tục đưa tin ca ngợi, thán phục thành tụ của Liên Xô. Người Mỹ cảm thấy kinh hãi trước sức mạnh của Xô Viết, không lâu sau đó tờ New york Times của Mỹ tuyên bố nước Mỹ chính thức bước vào một cuộc chạy đua “sống còn” với Liên Xô, Lyndon Johnson, đang là thượng nghị sĩ, cảnh báo "ai làm chủ không trung sẽ làm chủ thế giới". Phấn khích vì dẫn trước Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trụ, Liên Xô quyết định phóng vệ tinh Sputnik 2 nhân dịp kỉ niệm ngày cách mạng tháng Mười Nga đem theo sinh vật sống đầu tiên ra ngoài vũ trụ là một chú chó tên Laika. Liên Xô còn nhanh chân hơn Mỹ khi phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và vòng quanh trái đất ngày 12/4/1961, trước John Glenn của Mỹ tận 10 tháng.
Để đuổi kịp và vượt mặt Liên Xô, Mỹ lập ra Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Quốc gia (Nasa) và DARPA (Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến). Chính phủ Mỹ chi hàng tỉ USD cho các chương trình như Apollo, Ponieer, ... , đề ra các đạo luật trong đó có luật “Giáo dục vì Quốc phòng” cho vay lãi suất thấp đối với sinh viên theo học toán và khoa học. Tiền hỗ trợ được bơm vào ngành khoa học ở các trường đại học. Vệ tinh của Nga buộc Mỹ phải đặt nghiên cứu khoa học làm mục tiêu quốc gia, dẫn đến việc phát triển công nghệ vi điện tử - công nghệ được dùng cho laptop và thiết bị cầm tay ngày nay. Nhiều công nghệ thiết yếu của cuộc sống hiện đại, bao gồm Internet, khởi đầu từ việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sau Sputnik.Đáp lại kì vọng của người dân Mỹ, năm 1969, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng và nói một câu mà sau này là bất hủ :
“ Đây là một bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại”
                                 Neil Alden Armstrong
Công nghệ vũ trụ bắt đầu từ thành công của Sputnik cũng dẫn đến những tiến bộ công nghệ đem lại ứng dụng to lớn cho nhân loại: viễn thông, dự báo thời tiết, định vị toàn cầu, khám phá vũ trụ. Một trong những ước mơ lớn sắp tới của NASA sẽ là đưa người đặt chân đến Sao Hỏa trước năm 2030. Mục tiêu vĩ đại này phần nào bắt nguồn từ những tiếng "bíp-bíp" đơn giản, đều đặn của 60 năm trước.