Đời người là bể khổ, ngập ngụa stress triền miên. Càng xinh, càng đẹp, càng giỏi, càng giàu, càng nhiều lý do để mà stress. Lần gần nhất xem “Bridge of spies”, ấn tượng không phai là gương mặt phớt đời và câu trả lời bình thản của tù nhân chính trị Rudolf Abel trong phiên toà kết án tử của mình:
- Do you never worry?
- Would it help?
Uhm, mà lo lắng làm quái gì cái thứ không nằm trong vòng tay quyết định của mình. Đó, nó chính là nguyên lý cơ bản của thuật ngữ “Circle of control” bởi Stephen Covey: “Đừng tốn sức lo lắng cho thứ mình chẳng quyết định được.”
<i>- no, it wouldn't -</i>
- no, it wouldn't -
Hàng ngày, tôi gặp những người stress triền miên, lo lắng mọi thứ, thứ gì cũng chắp nhặt trong lòng để rồi sự lo lắng hằn lên từng khoé mắt, nếp nhăn. Mỗi ngày, thứ làm họ bận rộn nhất không phải là công việc, mà là 1001 mối “bận tâm” trong đầu. Việt Nam thật xuất sắc khi có chữ “bận tâm” (thay vì một từ là worry hay concern), bởi nó chẳng phải cái gì lớn lao, đáng phiền muộn, đôi khi lẻ tẻ như con mắm, lọ cà ở nhà, làm bận rộn tâm can mỏi mệt của họ. Mà lo rồi chỉ để lo, đến cuối ngày, không giải pháp nào giải quyết được mối lo đó. Vậy năng lượng tiêu tốn cả 1 ngày cho việc lo nghĩ đấy rốt cuộc để làm gì?
Sự stress này điển hình nằm ở những người có xu hướng thích kiểm soát mọi thứ trong tay mình, các bà vợ chuyên quyền, ông chồng hay ghen, những người sếp bossy và những kẻ tưởng-mình-làm-được-mọi-thứ. Nhiều khi tôi nghĩ, bên trong cái đầu cau có và suy nghĩ đến nhàu cả mặt kia, có chút chỗ nào cho niềm vui?
Thuật ngữ “Circle of control” (kiểm soát) và “Circle of concern” (bận tâm) mô tả 2 vòng tròn: Bận-tâm bọc bên ngoài Kiểm-soát. Trong đó ai cũng vậy, họ có các mối bận tâm và phải suy nghĩ của riêng mình, nằm tất cả ở trong vòng tròn Bận-tâm như công việc, sức khoẻ, đồng nghiệp, chính trị, chuyện mẹ chồng, giá cả sinh hoạt mỗi ngày...
Và một vòng tròn khác, nhỏ hơn, nằm bên trong, là vòng tròn Kiểm-soát, là thứ mình trực tiếp làm được, thay đổi được: như tôi sẽ làm công việc gì, sẽ đi đâu, sẽ học gì, tôi sẽ cư xử ra sao với mẹ chồng tối nay...? Vì sao vòng tròn Bận-tâm luôn lớn hơn vòng tròn Kiểm-soát? Bởi chúng ta lo nghĩ thì nhiều, chứ thực tế những thứ chúng ta có thể làm và thay đổi chỉ có giới hạn, sẽ có nhiều thứ chúng ta lo lắng nhưng chẳng bao giờ giải quyết được.
Mục đích chính của việc hiểu về 2 vòng tròn này là:
- Hướng năng lượng và thời gian tập trung duy nhất vào thứ mình có thể kiếm soát (mở rộng vòng tròn Kiểm-soát của bản thân)
- Ý thức loại bỏ dần dần những lo nghĩ vô dụng, ko đáng bận tâm (thu hẹp sự vô nghĩa của vòng tròn Bận-tâm)
từ đó, cơ bản chúng ta sẽ làm chủ được cuộc sống của mình hơn, hiểu rõ giới hạn của bản thân và làm giảm bớt tới 90% gánh nặng stress vô cớ, thảnh thơi mà vui sống.
A. Mở rộng vòng tròn tích cực mang tên “Kiểm soát chủ động”:
Mỗi cá nhân có thể quyết định nới rộng hoặc bóp chẹt vòng tròn Kiểm-soát của mình bằng chính thói quen trong suy nghĩ hàng ngày. Hiển nhiên, đây là một công trình nghiên cứu dài, nhưng tôi có thể tóm tắt ra 1 vài điểm then chốt như sau:
1. Đặt bản thân là trung tâm của việc giải quyết vấn đề. Mọi thứ xảy ra là do mình và có thể thay đổi được không cũng do chính mình. Mình khổ hay sướng là do hành động của mình ngày hôm nay, ngay bây giờ quyết định.
2. Mọi việc nằm trong giới hạn Kiểm-soát của bạn, bạn phải chủ-động-hành-động, đừng mong chờ những động lực đến từ bất cứ ai khác: Chủ-động-thay-đổi cách cư xử với mẹ chồng, nếu bạn muốn cải thiện quan hệ tình cảm giữa hai bên, bởi đơn giản, suy nghĩ của mẹ chồng với bạn, nằm ngoài vòng tròn thứ mà bạn quyết định được. Tương tự, nếu muốn chinh phục 1 chàng trai, thôi ngay việc nằm mơ trong bóng tối và ước mong chàng tự hiểu lòng và bước tới gặp mình.
3. Than vãn hay lo lắng đều không giải quyết được vấn đề. Chỉ tập trung DUY NHẤT vào hành động.
4. Các thứ không nằm trong “Vòng tròn kiểm soát”, để ý chút cho vui, còn lại phải quên hẳn nó đi. Bạn sẽ chẳng bao giờ điều khiển được suy nghĩ của người khác về mình, hay quyết định của nhân dân Mỹ xem có nên bầu Trump làm tổng thống hay không?
5. Trên đời tất cả mọi thứ không sinh ra dành cho bạn, phải học cách thích nghi và ứng phó.
B. Loại bỏ dần dần những lo nghĩ vô dụng, ko đáng bận tâm.
Hãy bắt đầu với một số bước dưới đây để dần loại bỏ những kiểu suy nghĩ phổ biến, nhưng hoàn toàn vô nghĩa, không đáng lo: (tham khảo từ anh Hoàng Minh Châu)
1. Không nên coi những chuyện, không phụ thuộc vào bản thân mình, là vấn đề. Liệu ta có thể làm gì được với thiên tai, với động đất sóng thần? Trước đây, mỗi lần đi máy bay tôi thường khá lo lắng. Mỗi khi máy bay bị lắc do thời tiết xấu là sợ toát mồ hôi. Nhưng sau khi ngộ ra, đã bước lên máy bay thì chuyện sống chết không còn phụ thuộc vào mình nữa, tôi có thể ngủ ngon ngay cả khi máy bay gặp thời tiết xấu nhất. Chuyện gia đình, xã hội cũng vậy. Có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm với của ta. Đừng để bị cuốn vào những chuyện không phụ thuộc vào mình. Hãy dành tâm trí, tập trung giải quyết những vấn đề, mà ta có ảnh hưởng trực tiếp.
2. Không nên coi những chuyện mang tính quy luật là vấn đề. Nếu bạn 18 tuổi và mặt đầy trứng cá thì đừng quá lo lắng. Qua một vài năm, trứng cá sẽ tự biến đi. Tuổi già và bệnh tật sẽ đến là lẽ đương nhiên. Con cái sẽ lớn và ngày càng xa chúng ta hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Đó là quy luật của cuộc sống. Thay vì buồn rầu thì chúng ta nên vui vẻ vì dù con cái đã tự lập, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn còn nhớ đến bố mẹ.
3. Không nên coi những chuyện vặt là vấn đề. Cảm cúm thì ai mà tránh được, nhưng vài hôm sẽ tự khỏi. Đừng chuyện bé xé ra to. Trẻ con hàng xóm đánh nhau là chuyện của trẻ con. Nếu phụ huynh để chúng tự giải quyết, mấy bữa chúng sẽ làm lành, lại chơi với nhau. Nhưng nếu một phụ huynh coi đây là vấn đề, trầm trọng hoá nó, rồi kéo hai gia đình vào cuộc tranh luận đúng sai tốt xấu, thì hậu quả như thế nào không ai lường trước được.
4. Đừng bao giờ để bị mắc kẹt trong sự nghi ngờ. Tin hoặc không tin sẽ tốt hơn. Sự nghi ngờ luôn tạo ra rất nhiều vấn đề không có lời giải.
5. Không nên vơ các vấn đề của người khác, thành vấn đề của mình. Nếu các vấn đề của sếp, của nhân viên, của họ hàng, của vợ con... đều trở thành vấn đề của bạn, thì sớm muộn bạn cũng sẽ chết chìm. Hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề của mình.
Sau khi áp dụng cách tiếp cận này, cơ bản 90% các vấn đề trước đây tự nhiên biến mất. 10% vấn đề còn lại, mà ta thực sự phải đối mặt và giải quyết, là không quá nhiều. Chừng đó không đủ làm bạn bị stress. Vả lại, cuộc sống cũng cần có vấn đề, vì nếu hoàn toàn không có vấn đề gì nữa nó sẽ hết sức nhàm chán!
Lời cuối, rất dễ để bạn biết thế nào là Circle of control, nhưng để thực sự làm được nó, biết thứ gì nên nghĩ, thứ gì nên buông bỏ, bạn cần những cuộc cách mạng trong đầu mình. Và đương nhiên, cuộc cách mạng vốn không dành cho những kẻ yếu đuối (về tinh thần). Bạn cần tập luyện cho mình một thái độ dứt khoát, cái gì không nằm trong tầm giải quyết của cá nhân, ném nó thẳng xuống đáy vực của sự quên lãng. Học cách trao niềm tin, cho bản thân, và cho cuộc đời, để mọi thứ tự nó giải quyết, từ đó, nó cũng dạy bạn một thái độ sống văn minh và nhân văn hơn.
Cheers,
Nguồn: HHT