Các thế lực chính và phe phái
Thần
Thần là những thực thể siêu việt khả năng loài người, vốn được tạo ra bởi những người được gọi là Tiên , vốn đã thoát khỏi luân hồi. Thần và tiên sống ở tầng trời thứ tám của thế Thiên. Nơi đây có thần khí, là nguồn năng lượng để Thần hoạt động. Vào thời điểm ban đầu những tồn tại có quyền năng mạnh nhất thế giới sống ở đây, gọi là tiên nhân, hay sau này được biết đến dưới tên Cổ Tiên.
Các Cổ Tiên đã sử dụng một nền văn minh máy móc kết hợp với sinh vật để tạo ra cho mình những cổ máy có hình dáng giống với sinh vật. Họ gọi chúng là Thần. Ban đầu, thần chính là lực lượng đảm bảo cho thế giới hoạt động đúng quỹ đạo của nó, giám sát những hiện tượng tự nhiên như sấm sét, mưa gió. Sau đó các vị Cổ Tiên cho rằng thể Nhân còn rất nhiều hỗn loạn, các Thần bắt đầu được dùng như một biểu tượng của tín ngưỡng và răn đe.
Hàng vạn năm trước, thần khí cội nguồn của thế giới là Sát Lục Luân Hồi đã mở ra, cuốn tất cả những vị cổ tiên vào vòng quay của nó. Các Cổ Tiên bị hút vào Sát Lục Luân Hồi. Kể từ ngày đó Thần cai quản thế giới theo những quy luật được Tiên để lại.
Tuy nhiên vì không có lực lượng tiên nhân áp chế trong hàng vạn năm, các vị Thần đã nhiều lần xâm nhập vào thế Nhân, nơi các loài sinh vật khác sinh sống. Từ thế Nhân, họ đã học tập được hai yếu tố quan trọng nhất: Tham vọng và cảm xúc. Khi các vị Thần đầy lực lượng có tham vọng và cảm xúc, họ bắt đầu muốn thay đổi trật tự vốn có của luân hồi.
Điện Thần
Hình thành tín ngưỡng từ những lời chỉ dẫn mà những vị Thần truyền xuống. Sau khi trận Hồng Hải khóa toàn bộ thế Thiên lại trong phong ấn của nó, bản thể của các vị Thần đã không thể xuyên qua trận này để trở về thế Nhân. Sau hơn một trăm năm, họ đã dùng thần khí mở ra một tế đàn, có thể đưa một phần lực lượng của mình xuống thế Nhân và ký sinh vào những cơ thể sống, gọi là Thần Nô.
Họ lập nên một thế lực ở thế Nhân, gọi là điện Thần. Tuy nhiên ba tòa thánh lớn nhất Thang Lâm khí đó đã hợp sức tấn công điện Thần, lực lượng của họ suy yếu đáng kể và phải bỏ chạy vào cánh đồng Kiệt Mã. Họ muốn tiếp tục tìm kiếm những thân thể mang tính Ngũ Hành tối cao trong thế Nhân và hậu duệ của mười bảy linh loại để lập trận Nghịch Ngũ Hành.
Điện Diêm La
Nơi ở của các vị Thần phản đối kế hoạch Hồng Hải năm xưa. Họ đều bị trọng thương và đang chìm trong giấc ngủ dài. Việc khuyết thiếu thần khí làm cho họ hồi phục một cách chậm rãi và không còn đủ sức mạnh để chống lại lực lượng Thần Nô nữa.
Thay vì truyền tải sức mạnh của mình vào những vật thế thân, họ tìm ra một loại đá gọi là Ký, có thể lưu giữ trí thức và những phân tích của Thần về lực lượng trong trời đất. Năm trăm sau sự kiện Phản Hồng Hải, một lực lượng được sinh ra từ các Ký của những vị Thần này. Họ gọi nó là Diêm La Đế Quân.
Diêm La Đế Quân không còn mang huyết thống thuần chủng của Thần nữa, nhưng sức mạnh của y có thể sánh ngang với bản thể các vị Thần đang ở trên thế Thiên. Y là một trong những lực lượng tiến xa nhất trên con đường giải nghĩa lực lượng tồn tại xung quanh Sát Lục Luân Hồi. Những người như Điêm La Đế Quân được gọi là Thánh.
Xung quanh Điện Diêm La là sát khí và tà khí còn vướng lại của trận chiến Hồng Hải. Những chất độc tuôn ra từ các vết thương của thần cũng dần tích tụ lại theo tháng năm hòa vào thế Vô Ngã, tạo thành những Ác Thánh và Độc Thánh.
Thành Vấn Thiên
Là thế lực thống trị thế Nhân, cũng là tòa thành trì duy nhất hình thành từ nền tảng của vương triều Tinh Đế từ lúc bắt đầu cho đến khi nó suy tàn.
Sau khi vương triều Tinh Đế sụp đổ, thành Vấn Thiên trở thành tòa thành hùng mạnh nhất vùng tây bắc. Thiên tướng họ Trần dấy binh tự lập, từ đấy về sau trải qua bốn đời đều làm chủ thành Vấn Thiên, khống chế một vùng rộng lớn.
Thành Vấn Thiên nằm kề đồng cỏ Kiệt Mã, nối liền với đài Khổng Tước bằng trường thành vĩ đại nhất mà con người từng xây dựng nên. Thành Vấn Thiên cũng là tòa thành giàu có nhất trong ba thành trì lớn vùng Thang Lâm. Thành chủ Trần Thanh Vân là một trong những người biết được bí mật của Sát Lục Luân Hồi và đã từng tham gia trận chiến đánh vào Điện Thần.
Tuy nhiên thành Vấn Thiên có một mối hận thù lớn với các tộc Nhân-Thú và các Yêu Đế của họ. Điều này gây trở ngại cho việc thống nhất các lực lượng để chống lại Thần Nô.
Thành Tỵ Tuyết
Tòa thành bí ẩn nhất, trung tâm quyền lực của vùng đất phía đông, nơi nhân loại chung sống với những linh loại còn sống sót. Kẻ đứng đầu thành Tỵ Tuyết là tộc Lạc Phượng, một trong những tộc Nhân – Thú lâu đời nhất ở Thang Lâm. Vì thế thành Tỵ Tuyết có mối quan hệ rất bền chặt với các linh loại và dị thú.
Khi cuộc chiến Năm Vua Chín Chúa bùng nổ, thành Tỵ Tuyết là nơi trú ẩn cho nhiều linh loại khác. Đây cũng là nơi tập trung các bộ tộc linh thú và các dị thú hùng mạnh. Người đứng đầu thành Tỵ Tuyết chính là tộc trưởng bộ tộc Lạc Phượng, hay còn gọi là Lạc Bái Nguyệt tộc. Họ thờ thần mặt trăng, cứ mỗi năm mươi năm một lần lại cử hành nghi lễ đón tiếp Nguyệt Thần hóa thân. Người của bộ tộc có tuổi thọ rất dài so với nhân loại bình thường, trưởng thành năm ba mươi tuổi, sống lâu đến một trăm năm mươi năm.
Lực lượng chiến đấu chính của thành Tỵ Tuyết là các Công Tử và Nguyệt Nô. Đây cũng là nơi rộng lớn nhất, đông đúc nhất trong ba thành trì. Địa hình vùng đất phía đông phủ tuyết quanh năm, lại có nhiều đồi núi cao cho nên ngoại trừ các linh thú thì dân chúng có dáng người cao gầy, rắn rỏi. Các Công Tử rất thông thạo về phép thuật còn các Nguyệt Nô rất mạnh về vũ công biến ảo.
Thành Huyết
Là tòa thành dũng mãnh thiện chiến nhất Thang Lâm. Khi vương triều Tinh Đế còn tồn tại, nơi đây chính là phên dậu ngăn đỡ vùng đất Vân Hoang, chống lại những bộ tộc hoang dã và quái thú tràn vào. Khi vương triều sụp đổ, nơi đây trở thành vùng đất hỗn loạn nhất của lục địa. Dân chúng từ xứ chạy trốn chiến loạn đã tụ tập về đây. Các gia đình của cựu binh và các binh lính giải ngũ thì vốn đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời.
Đặc trưng dân cư này khiến cho các vùng lân cận xung quanh thành Huyết luôn có xung đột qua lại để tranh giành địa bàn, không hề ngừng nghỉ.
Không một ai đủ sức thống nhất vùng đất phía nam, và cũng không một thế lực bên ngoài nào có thể đánh chiếm thành Huyết, kể cả Vân Hoang kỳ bí.
Do tiếp giáp với Vân Hoang, thành Huyết có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong ba thành trì, bao gồm rất nhiều bang hội, giáo phái, bộ tộc cùng đủ mọi phong cách kỳ quái và thần bí.
Núi Hoàng Kim
Nơi tồn tại cuối cùng của vương triều Tinh Đế. Núi Hoàng Kim không còn vua, không có quần thần, thế nhưng những gì tinh túy nhất của một vương triều đều được giữ gìn nơi đây.
Về lực lượng, núi Hoàng Kim là yếu ớt nhất trong tất cả các thế lực, thế nhưng họ vẫn tồn tại mà không sụp đổ nhờ danh nghĩa vương triều và chính sách ngoại giao khôn khéo.
Các Quận Vương và Công Hầu của núi Hoàng Kim không lúc nào quên đi ý nghĩa tồn tại của nó, cũng không bao giờ ngừng nghỉ tìm cách khôi phục sự thống trị của vương triều. Vì thế nơi đây chính là nơi thâm trầm ngoắt nghéo nhất trong các thế lực, cũng là trung tâm tranh giành cuối cùng của vùng đất Thang Lâm.
Sáu tộc nhân – thú
Những tộc nhân – thú và các bộ tự nhiên là một tồn tại đặc biệt của Thang Lâm. Có nguồn gốc từ rất lâu đời, họ là kết quả của sự liên kết giữa nhân loại và cổ thú. Họ thờ những vật biểu trưng, gọi là vật tổ, coi đó là ngọn nguồn sức mạnh và tri thức của bộ tộc. Người đứng đầu các bộ tộc Nhân Thú được gọi là các Yêu Đế.
Điểm đặc biệt của các bộ tộc Nhân Thú là họ đều có thể tồn tại dưới hai hình dáng, nhân loại và thú vật. Sức mạnh của họ trong hình dáng thú vật thay đổi rất nhiều và là vũ khí đáng sợ nhất khi giao chiến.
Lạc Phượng tộc
Lạc Phượng tộc là một trong những bộ tộc tồn tại lâu đời nhất của Thang Lâm. Tổ tiên của họ vốn bắt nguồn từ phương bắc, theo dòng nước di cư xuống phương đông.
Lạc Phượng tộc chủ yếu sống ở đất Long Biên. Họ là những người góp công sức chính vào việc xây dựng thành Tỵ Tuyết, về sau trở thành người lãnh đạo của tòa thành này.
Về dáng vẻ bên ngoài, người Lạc Phương dáng cao gầy, thích mặc đồ trắng, thích đeo những trang sức sặc sỡ, rất nổi tiếng với những điệu múa Bái Nguyệt.
Họ thờ phụng Nguyệt thần, tương truyền có thể lấy được sức mạnh từ ánh trăng. Cứ mỗi mười năm một lần họ lại tổ chức lễ Bái Nguyệt, chọn ra những Công Tử và Nguyệt Nô tài giỏi nhất để phụng sự thần linh. Những người này có linh lực và vũ công cực kỳ cao siêu.
Người của Lạc Phượng tộc rất tôn trọng và hòa hợp với tự nhiên, vì thế họ chiếm được nhiều cảm tình của các dị loại và linh thú. Thành Tỵ Tuyết trở thành một trong ba tòa thành lớn nhất Thang Lâm chính là dựa vào sức mạnh của tộc Lạc Phượng và các dị thú, linh thú đồng minh.
Thủy Ngưu tộc
Thủy Ngưu tộc là một bộ tộc có nguồn gốc bản địa, sinh sống chủ yếu ở phía nam. Họ thờ phụng Sơn Thần, tôn Bạch Thủy Ngưu làm vật tổ.
Thủy Ngưu tộc không thích sống trong thành trì, họ thích tìm những nơi giao giới giữa sông và núi để dựng trại, một nửa trên bờ, một nửa chìm dưới nước. Người của bộ tộc này có dáng vẻ thấp đậm, nước da tối màu và mái tóc xoăn tít. Về vũ công tuy không thanh thoát như Lạc Phượng tộc nhưng họ được biết đến là chủng tộc có sức bền dai dẳng nhất trong tất cả các sinh vật của thế Địa.
Cứ năm năm một lần, lễ hội của Thủy Ngưu tộc lại diễn ra ở vùng đất tổ. Họ thường cho mời những người hùng mạnh nhất Thang Lâm đến để chứng kiến sự ra đời của những chú Nghé Con, lực lượng kế thừa chính của bộ tộc.
Thủy Ngưu tộc thích sống tách biệt với những loài khác. Vùng đất của họ thường không có bất kỳ sựi hiện diện nào của các tộc khác loài, kể cả là nhân loại.
Thuồng Luồng tộc
Cùng với Lạc Phượng, đây là một trong hai bộ tộc lâu đời nhất của Thang Lâm. Họ thờ phụng Hà Bá, vật tổ là một con thuồng luồng vảy đỏ, gọi là Xích Giao.
Truyền thuyết nói rằng ngày xưa Lạc Phượng tộc và Thuồng Luồng tộc là hai bộ tộc kết minh chặt chẽ với nhau, đời đời thông hôn. Tuy nhiên đến đời của Nguyệt Thần, một mối bất hòa đã diễn ra giữa hai bên và biến thành một cuộc chiến đẫm máu. Thuồng Luồng tộc thua trận, rút toàn bộ bộ tộc về chín cửa sông Cửu Long, lấy nơi này thành đất tổ. Kể từ đó hai bên không qua lại với nhau nữa.
Dáng vẻ người của tộc Thuồng Luồng cao lớn, rắn rỏi. Đặc biệt làm da và mái tóc họ đều đỏ au, rất rực rỡ. Mặc dù về vũ công và sức bền họ không phải là những người hùng mạnh nhất trên cạn, thế nhưng khi trở về với sóng nước, không một sinh vật nào có thể vượt qua Thuồng Luồng.
Họ kết minh với rất nhiều sinh vật hùng mạnh ở biển, cho nên mặc dù rất ít khi vào bờ họ vẫn được cọi là một trong sáu tộc nhân thú lớn nhất của Thang Lâm.
Hồ Ly tộc
Đã từng là một bộ tộc rất lớn, những trí giả số một số hai của Thang Lâm. Thế nhưng sau khi Hồ Đế bị treo đầu trên trận Nghịch Ngũ Hành thì tộc Hồ Ly trở thành tay sai cho Thần Nô.
Tộc Hồ Ly chủ về biến ảo, vật tổ là Cửu Vỹ Hồ. Một đặc điểm khác biệt với các bộ tộc Nhân Thú khác là chỉ khi đạt đến bốn đuôi, nguời của tộc này mới có thể biến thành hình dáng con người. Tất cả những người của tộc Hồ Ly đều là những tạo vật xinh đẹp nhất của tự nhiên.
Người của Hồ Ly tộc rất bí ẩn, ít khi xuất hiện tại nhân gian bởi vì họ muốn tránh né sự truy sát của Thần Nô. Hai đại diện hùng mạnh nhất của họ là Hỏa Hồ Ly và Hồ tiểu thư, trở thành những người đứng ra liên lạc với loài người để chống lại các vị Thần.
Sơn Hổ tộc
Nếu nói bộ tộc nào hiếu chiến nhất, dũng mãnh nhất và hung hãn nhất trong sáu tộc Nhân Thú thì đó chính là Sơn Hổ. Họ thờ phụng vật tổ là một con Hổ lông xanh sáu cánh, gọi là Lục Dực Thanh Diện Hổ.
Trọng trận chiến Nghịch Ngũ Hành năm xưa tộc Sơn Hổ cũng là một mục tiêu giống như tộc Hồ Ly. Thế nhưng họ không cam chịu khuất phục các Thần Nô. Trận chiến này đã hủy diệt tám phần mười bộ tộc Sơn Hổ, khiến cho họ phải chạy vào thung lũng Linh Lăng. Về sau trong bộ tộc lại thường xuyên xảy ra các cuộc tranh giành ngôi vị thống lĩnh nên số lượng người tăng lên rất chậm chạp.
Về sau họ là thế lực bộ tộc duy nhất có thể kết minh được với thành Vấn Thiên ở phương Bắc, có lẽ do tính hiếu chiến thích tranh giảnh giống nhau. Trần Yên Vân, khi đó là thành chủ thành Vấn Thiên đã mở ra một Diệt Thần Cõi, làm nơi luyện tập chính cho các thiếu niên tộc Sơn Hổ và nhà họ Trần.
Người tộc Sơn Hổ không quá cao lớn nhưng vô cùng mạnh mẽ linh hoạt. Họ cũng là bộ tộc khát máu và mạnh mẽ nhất trong chiến đấu. Nếu bàn về thực chiến, không một bộ tộc nào có thể sánh ngang với Sơn Hổ. Tuy nhiên do số lượng người trong tộc bị giảm sút qua cuộc tranh đấu nội bộ, tộc Sơn Hổ không thể đứng đầu Lục Tộc.
Dã Tượng tộc
Nếu Lạc Phượng đại diện cho sự cao quý, Thuồng Luồng đại diện cho sự tàn nhẫn, Sơn Hổ đại diện cho sự hiếu chiến thì Dã Tượng là tộc nhân thú được biết đến với sự thông thái.
Về huyết thống, Dã Tượng không phải là một tộc nhân thú ngay từ khởi nguồn. Truyền thuyết cho rằng vật tổ của họ chính là một linh loại hùng mạnh nhất còn tồn tại từ sự kiện Phản Hồng Hải. Sau trận chiến đó, Bạch Tượng, yêu đế của Dã Tượng tộc đã lui về điện Diêm La để nghỉ ngơi. Về sau để duy trì bộ tộc sinh tồn, họ đã kết hợp với loài người để tạo thành một tộc nhân – thú.
Chính Bạch Tượng là người đã chở sách Tả Thần từ thế Vô Tướng xuống đặt ở đài Khổng Tước. Trong chuyến hành trình xuyên qua ba thế này một lượng kiến thức khổng lồ đã được truyền cho Bạch Tượng. Về sau những kiến thức này đều được lưu trữ trong thần đài của bộ tộc.
 Tộc Dã Tượng cứ mười năm một lần sẽ mở hội. Qua đại hội này, họ sẽ tuyển chon những thiếu niên hùng mạnh nhất của thế Nhân để trở thành Quản, người sát cánh bên cạnh những thiếu niên mạnh nhất tộc Dã Tượng trong chiến đấu.